Quy định về cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố

Thứ Hai, 16/12/2019 - 08:35 Đã xem: 24950

Ngày 24/4/2019, Chính phủ ban hành Nghị định số 34/2019/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố. Đây là chủ trương nhất quán được cụ thể hóa từ Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII), xuất phát từ yêu cầu thực tế nhằm tinh gọn hệ thống chính trị ở cơ sở, giảm tổng ngân sách chi trả, tăng mức thu nhập và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đội ngũ người hoạt động không chuyên trách. Phóng viên Báo Tuyên Quang đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Nông Thị Bích Huệ, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nội vụ về những nội dung cơ bản và việc áp dụng triển khai Nghị định 34 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.

      Phóng viên: Xin đồng chí cho biết những quy định mới của Chính phủ liên quan đến đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã, người hoạt

                                    Đồng chí Nông Thị Bích Huệ,Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nội vụ.

 

động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố tại Nghị định số 34/2019/NĐ-CP (Nghị định 34) ban hành ngày 24/4/2019.
       Đồng chí Nông Thị Bích Huệ:
      Đối với cán bộ công chức cấp xã, theo quy định của Nghị định 34 từ ngày 25/6/2019, số lượng cán bộ, công chức cấp xã được ấn định như sau: xã loại 1 tối đa là 23 người; xã loại 2 tối đa là 21 người; xã loại 3 tối đa là 19 người. Như vậy, ở tất cả các loại cấp xã đều giảm biên chế 2 người so với trước đây. Điều này có nghĩa, khi quy định này được áp dụng, nếu các xã, phường, thị trấn đang có số cán bộ, công chức xã vượt mức thì phải thực hiện tinh giản biên chế. Số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã được bố trí theo Quyết định phân loại đơn vị hành chính cấp xã, phường, thị trấn: Loại 1 tối đa 14 người (giảm 8 người so với quy định cũ); loại 2 tối đa 12 người (giảm 8 người so với quy định cũ); loại 3 tối đa 10 người (giảm 9 người so với quy định cũ).
      Đối với người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố, không quá 3 người được hưởng phụ cấp hàng tháng và chỉ áp dụng với các chức danh: Bí thư Chi bộ; Trưởng thôn hoặc Tổ trưởng Tổ dân phố và Trưởng Ban công tác mặt trận. Ngân sách Nhà nước sẽ thực hiện khoán quỹ phụ cấp bằng 3 lần mức lương cơ sở để chi trả hàng tháng với các đối tượng nêu trên. Riêng đối với các thôn có từ 350 hộ trở lên, thuộc xã trọng điểm phức tạp về an ninh trật tự được hưởng mức phụ cấp là 5 lần mức lương cơ sở.
      Một số nội dung đáng chú ý khác tại Nghị định này đối với người tham gia công việc ở thôn, tổ dân phố ngoài 3 chức danh nêu trên không hưởng phụ cấp hàng tháng mà được hưởng bồi dưỡng khi trực tiếp tham gia vào công việc của thôn, tổ dân phố từ nguồn thu đoàn phí, hội phí, quỹ hội và từ các nguồn quỹ khác (nếu có).
      Phóng viên: Căn cứ vào những quy định trong Nghị định 34 về chức danh, bố trí số lượng, mức phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố, tỉnh ta đã áp dụng và triển khai thế nào?
      Đồng chí Nông Thị Bích Huệ:
      Đối với quy định về số lượng cán bộ công chức cấp xã: UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 13/2019/QĐ-UBND quy định số lượng và bố trí cán bộ công chức xã phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh theo đúng số lượng được quy định tại Nghị định 34. Trường hợp xã được bố trí Công an chính quy thì số lượng công chức cấp xã giảm tương ứng. Trường hợp công chức kiêm nhiệm một chức danh cán bộ công chức khác thì số lượng cũng giảm tương ứng. Như vậy số lượng cán bộ công chức cấp xã không giảm so với Quyết định số 26/2010/QĐ-UBND đã được UBND tỉnh ban hành ngày 22/11/2010 do đã bố trí thấp hơn so với số lượng quy định.
      Đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, tại Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐND tỉnh quy định số lượng là 10 người để đảm nhận 14 chức danh. Không bố trí một chức danh có hai người đảm nhiệm. Mức phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn được tính theo đơn vị hành chính cấp xã (loại I, II, III) và đã tăng thêm so với trước đây 0,16 lần so với quy định trước. Đối với xã, thị trấn đã bố trí Phó Trưởng Công an là công an chính quy thì không bố trí Phó Trưởng Công an là người hoạt động không chuyên trách. Cán bộ, công chức cấp xã được kiêm nhiệm một chức danh người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã được hưởng 50% hệ số phụ cấp của chức danh kiêm nhiệm. Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã kiêm nhiệm chức danh người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã hoặc ở thôn, tổ dân phố thì được hưởng 70% hệ số phụ cấp của chức danh kiêm nhiệm. Mức khoán kinh phí hoạt động đối với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội ở xã, phường, thị trấn vẫn được thực hiện theo quy định, riêng đối với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tăng 200.000 so với quy định trước.
      Đối với người hoạt động không chuyên trách thôn, tổ dân phố không quá 3 người được hưởng phụ cấp hàng tháng từ ngân sách nhà nước. Mức phụ cấp được hưởng tăng hơn so với quy định trước là 0,16 lần, theo phân loại thôn, tổ dân phố. Mức phụ cấp kiêm nhiệm chức danh đối với người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố được hưởng 70% hệ số phụ cấp của chức danh kiêm nhiệm.
      Về quy định hỗ trợ kinh phí hoạt động và mức bồi dưỡng người trực tiếp tham gia công việc của thôn, tổ dân phố được quy định như sau: hỗ trợ kinh phí hoạt động đối với thôn có từ 350 hộ gia đình trở lên hoặc thôn thuộc xã trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự là 4.000.000 đồng/năm/thôn; thôn, tổ dân phố còn lại là 3.500.000 đồng/năm/thôn. Mức bồi dưỡng cho người trực tiếp tham gia công việc của thôn, tổ dân phố (trừ những người đã được hưởng phụ cấp hằng tháng từ ngân sách nhà nước) tối thiểu 25.000 đồng/người/buổi. Tùy theo mức độ, tính chất công việc, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn, Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn và trưởng các tổ chức liên quan ở thôn, tổ dân phố bàn bạc, thống nhất bồi dưỡng cho người trực tiếp tham gia công việc của thôn, tổ dân phố. Các đoàn thể ở thôn, tổ dân phố căn cứ vào nguồn kinh phí từ đoàn phí, hội phí và nguồn quỹ khác (nếu có) bàn bạc, thống nhất bồi dưỡng đối với người tham gia trực tiếp công việc của tổ chức mình ở thôn, tổ dân phố.
      Như vậy, Nghị quyết 01 của HĐND tỉnh đã áp dụng đúng các quy định của Nghị định 34 của Chính phủ, bãi bỏ một số quy định như: mức chi cho hoạt động thường xuyên của thôn, tổ dân phố; hỗ trợ kinh phí hoạt động của các chi hội thuộc các tổ chức chính trị - xã hội thuộc các xã đặc biệt khó khăn; hỗ trợ hằng tháng đối với cấp trưởng 4 tổ chức chính trị - xã hội ở thôn, tổ dân phố gồm: Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn thanh niên theo quy định trước đây tại Nghị quyết số 06/2016/NQ-HĐND ngày 06/12/2016 của HĐND tỉnh. Thay vào đó cán bộ thuộc các hội, đoàn thể ở thôn, tổ dân phố được hưởng mức bồi dưỡng cho người trực tiếp tham gia công việc của thôn, tổ dân phố tối thiểu 25.000 đồng/người/buổi.
       Các chức danh: Thôn đội trưởng, Công an viên, Bảo vệ dân phố, Nhân viên y tế tiếp tục hưởng mức phụ cấp theo Nghị quyết số 11/2014/NQ-HĐND ngày 22/7/2014 của HĐND tỉnh đến khi có quy định khác của cơ quan có thẩm quyền.

Cán bộ tổ dân phố Tân Kỳ, thị trấn Sơn Dương (Sơn Dương) trao đổi công việc của tổ dân phố.

 

      Phóng viên: Vậy tỉnh ta có quy định như thế nào về hỗ trợ người hoạt động không chuyên trách thuộc diện dôi dư sau khi thực hiện Nghị định 34 và sau sắp xếp sáp nhập thôn, tổ dân phố?
      Đồng chí Nông Thị Bích Huệ: Về nội dung này Nghị quyết số 27/2019/NQ-HĐND và Nghị quyết số 02/2019/NQ-HĐND của HĐND tỉnh quy định về hỗ trợ cán bộ, công chức; người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn; người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố dôi dư khi thực hiện Nghị định 34. Theo đó, cán bộ, công chức xã dôi dư được trợ cấp 3 tháng tiền lương cho mỗi năm nghỉ công tác trước tuổi nghỉ hưu theo quy định; được trợ cấp 5 tháng tiền lương cho hai mươi năm đầu công tác có đóng bảo hiểm xã hội, từ năm thứ hai mươi mốt trở đi, cứ mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội được trợ cấp 1/2 tháng lương.
      Quy định sẽ thực hiện hỗ trợ một lần đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư theo Nghị định 34 và sau sáp nhập xã, thôn, tổ dân phố. Mức hỗ trợ được xác định theo thời gian làm việc liên tục được cụ thể theo 5 mốc thời gian: dưới 5 năm, trên 5 năm, trên 10 năm, trên 15 năm, trên 20 năm. Mức thấp nhất là 1,6 triệu đồng/người, mức cao nhất là 4,5 triệu đồng/người. Mức hỗ trợ đối với người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố được xác định theo 6 mốc thời gian. Mức hỗ trợ thấp nhất là 1,6 triệu đồng/người, mức cao nhất là 4,1 triệu đồng/người. Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố dôi dư được hỗ trợ đóng Bảo hiểm y tế theo quy định đến hết năm 2019 (trừ những người đang được hưởng chế độ bảo hiểm y tế).
      Việc áp dụng, triển khai thực hiện Nghị định 34 của Chính phủ có tác động không nhỏ đối với đời sống xã hội. Không chỉ riêng tỉnh ta mà tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước đều phải thực hiện. Vì vậy, các cấp ủy, chính quyền địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thông tin công khai minh bạch các phương án sắp xếp, bố trí, kiêm nhiệm các chức danh người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và ở thôn, tổ dân phố cùng với quy định về chế độ, chính sách. Tỉnh tiếp tục rà soát các khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện báo cáo, kiến nghị với Trung ương xem xét để có các chính sách phù hợp với điều kiện thực tế trên địa bàn tỉnh.
                                                                                                  Theo Báo Tuyên Quang

                                                   

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG

Tổng số: 0 | Trang: 1 trên tổng số 0 trang  
Xem tin theo ngày:   / /