Sự chủ động của người dân góp phần quan trọng để Ka Nò đổi thay trong diện mạo mới

Thứ Hai, 21/10/2019 - 11:24 Đã xem: 742

Về Ka Nò những ngày này, chúng tôi thấy rõ sự vui mừng, phấn khởi trên khuôn mặt từng người dân. Có thể thấy sau 8 năm triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, diện mạo nông thôn xã Khuôn Hà nói chung và nhân dân thôn Ka Nò nói riêng đã đổi thay; hệ thống giao thông, cơ sở hạ tầng, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt.

         Thôn Ka Nò nằm cách trung tâm xã Khuôn Hà, huyện Lâm Bình 03 km, thôn có 126 hộ, với 573 nhân khẩu, 98% là dân tộc thiểu số, nghề nghiệp chính là sản xuất nông nghiệp. Năm 2011, xã bắt đầu triển khai xây dựng nông thôn mới, thôn Ka Nò gặp rất nhiều khó khăn, cơ sở hạ tầng trong thôn còn thiếu, tỷ lệ cứng hóa đường trục thôn, ngõ xóm, đường nội đồng mới chỉ đạt 30%, chưa đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của nhân dân; hệ thống kênh dẫn nước tưới phục vụ sản xuất xuống cấp chưa được đầu tư hoàn thiện; thôn chưa có nhà văn hóa để nhân dân hội họp, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ; khuôn viên nhà cửa và hệ thống 3 công trình vệ sinh của các gia đình chưa được quan tâm; đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn…

         Xác định đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là cơ sở hạ tầng phục vụ trực tiếp cho sản xuất là khâu đột phá để hỗ trợ thúc đẩy phát triển sản xuất, giao lưu hàng hóa, từ đó nâng cao đời sống của Nhân dân. Để tạo được sự đồng thuận hưởng ứng tham gia của người dân, lãnh đạo thôn xác định, phải thực hiện tốt công tác tuyên truyền, chú trọng thông tin tuyên truyền thường xuyên các cơ chế chính sách hỗ trợ của Nhà nước trong chương trình xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là chính sách hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng theo phương châm “Nhân dân làm, nhà nước hỗ trợ” như kiên cố hóa kênh mương, bê tông hóa đường giao thông nông thôn, đường giao thông nội đồng, xây dựng nhà văn hóa thôn bản gắn với xây dựng sân thể thao và khuôn viên…qua đó nhân dân đã nắm được cơ chế chính sách của Đảng, Nhà nước, ngoài sợ hỗ trợ về xi măng, ống cống, cấu kiện bê tông đúc sẵn, cấu kiện nhà văn hóa thì cần phải có sự huy động nguồn lực đóng góp lớn từ nhân dân để các công trình hạ tầng được xây dựng hoàn thiện phục vụ cho chính nhân dân.


Quang cảnh một đoạn đường giao thông nông thôn ở thôn Ka Nò


       Với sự gương mẫu của cán bộ đảng viên trong thôn đi đầu hưởng ứng trước và sự triển khai các công việc ở thôn được đưa ra bàn bạc thống nhất từng việc công khai dân chủ, bắt đầu từ đề xuất đầu điểm xây dựng công trình đến phương án xây dựng đóng góp nguồn lực thực hiện…Qua đó, người dân hiểu được mục đích, ý nghĩa, vai trò trách nhiệm và lợi ích của mình trong việc thực hiện và hưởng thụ thành quả từ chương trình. Từ đó nhân dân đã đồng thuận chủ động hiến đất, đóng góp công sức, kinh phí, vật liệu…để xây dựng các công trình. Trong những năm qua, mặc dù nằm trong điều kiện vùng cao, vùng khó khăn của tỉnh, song nhân dân đã đóng góp trên 200 triệu đồng tiền mặt để xây dựng Nhà văn hóa thôn (bình quân mỗi hộ đóng góp trên 2 triệu đồng) tham gia trên 600 ngày công lao động xây dựng 2.500m đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng; lắp đặt 1.800m kênh mương; nhân dân dân tự nguyện hiến trên 2.760 m2 đất để xây dựng trường Mầm non, xây dựng nhà văn hóa thôn. Đồng thời quan tâm chỉnh trang khuôn viên nhà cửa, xây dựng 3 công trình hợp vệ sinh ở gia đình…

Nhà Văn hóa thôn Ka Nò và Mô hình trung thu của thôn cho các cháu thiếu nhi


     Sự chủ động, đồng lòng, đoàn kết của người dân cùng nhau bàn bạc, đóng góp và sự quan tâm của các cấp các ngành, MTTQ từ quỹ vì người nghèo các cấp hỗ trợ hộ nghèo phát triển sản xuất…Đến nay, bộ mặt của thôn Ka Nò đã có nhiều khởi sắc, các công trình được đầu tư xây dựng đồng bộ, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và sản xuất; tỷ lệ bê tông hóa đường trục thôn đạt 93,5%, đường ngõ xóm đạt 77,3% đường giao thông nội đồng đạt 100%, hệ thống công trình thủy lợi được đầu tư xây dựng đảm bảo tốt phục vụ tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp. Nhà Văn hóa được xây dựng khang trang, thuận lợi cho nhân dân hội họp, giao lưu văn hóa văn nghệ, hoạt động thể dục, thể thao. Đặc biệt, vào mỗi dịp trung thu, các cháu thiếu nhi nơi đây không có điều kiện để xuống thành phố Tuyên Quang ngắm những mô hình khổng lồ, thì cũng đã có điều kiện được vui chơi sinh hoạt tại Nhà văn hóa thôn và được vui chơi trên mô hình của thôn do nhân dân đóng góp xây dựng đưa các cháu diễu hành trên những con đường đã được bê tông hóa.


Với sự chủ động đồng lòng của người dân thôn Ka Nò đã góp phần vào thành quả chung của xã Khuôn Hà (huyện Lâm Bình) đạt chuẩn Nông thôn mới. Để duy trì và giữ vững các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới ở thôn, năm 2018, 2019 lãnh đạo thôn và Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư xác định, mọi phong trào phải bắt đầu từ nhân dân. Do vậy, Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư thôn Ka Nò tiếp tục cùng các thành viên tuyên truyền vận động nhân dân và thành lập Mô hình khu dân cư tự quản, thành lập các nhóm, tổ tự quản về bảo vệ môi trường, bảo đảm an ninh trật tự; về phát triển kinh tế, giảm nghèo… trong cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, đây là mô hình hoạt động tự nguyện, tự giác, tự quyết, tự chịu trách nhiệm của người dân và mang lại lợi ích cho nhân dân, đã được nhân dân đồng tình thực hiện, tình đoàn kết, mối quan hệ nhân dân ngày một gắn bó, bộ mặt nông thôn ngày một đổi thay trong thời kỳ đổi mới.


Hải Yến

 

Xem tin theo ngày:   / /