Kết nối doanh nghiệp tham gia các dự án sản xuất theo chuỗi

Thứ Sáu, 4/1/2019 - 14:20 Đã xem: 658

Xây dựng mô hình chuỗi liên kết từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất, dịch vụ thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới nhằm nâng cao thu nhập cho người dân. Trong đó, mục tiêu là kết nối giữa doanh nghiệp với người dân, đảm bảo xây dựng được chuỗi cung ứng, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Nông sản Lâm Bình tham gia trưng bày các sản phẩm nông nghiệp trong khuôn khổ Lễ hội Thành Tuyên (tháng 9-2018) được người tiêu dùng lựa chọn.

      Trên cơ sở danh mục 24 dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm năm 2018 được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 282/QĐ-UBND, ngày 19-3-2018 và Quyết định số 200/QĐ-UBND, ngày 31-7-2018, các địa phương trong tỉnh được bố trí hỗ trợ 13,999 tỷ đồng để xây dựng các dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị. Trong đó, Lâm Bình được hỗ trợ 2,34 tỷ đồng, Na Hang được hỗ trợ 1,985 tỷ đồng, Chiêm Hóa được hỗ trợ 2,236 tỷ đồng, Hàm Yên được hỗ trợ 1,679 tỷ đồng, Yên Sơn được hỗ trợ 3,047 tỷ đồng, Sơn Dương được hỗ trợ 2,24 tỷ đồng và thành phố Tuyên Quang được hỗ trợ 472 triệu đồng.
      Ông Trần Gia Lam, Văn phòng điều phối chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới tỉnh cho biết, để được thụ hưởng nguồn vốn trên, các địa phương phải xây dựng dự án phát triển sản xuất theo hướng liên kết chuỗi. Tức là, nông dân, doanh nghiệp phải liên kết từ khâu cung ứng giống, chuyển giao kỹ thuật sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.
      Năm 2018, Lâm Bình được hỗ trợ thực hiện 4 dự án, gồm: Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất chăn nuôi trâu vỗ béo, nhốt theo hướng an toàn sinh học; dự án phát triển chăn nuôi dê theo hướng nông nghiệp sạch liên kết theo chuỗi giá trị; dự án hỗ trợ phát triển nuôi trồng thủy sản (các loại cá đặc sản như anh vũ, bỗng và cá chép ruộng); dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cây giảo cổ lam, rau bò khai theo hướng sản xuất nông nghiệp sạch..., kinh phí hỗ trợ từ 560 - 660 triệu đồng.
      Ông Ma Ngọc Trường, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lâm Bình cho biết, đây là năm đầu tiên thực hiện việc xây dựng dự án liên kết chuỗi, đến nay huyện đã hoàn thành hội nghị triển khai, tập huấn kỹ thuật và thực hiện cung ứng con giống, cây trồng cho các đối tượng tham gia dự án. Đối với việc thu hút các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia vào chuỗi liên kết, ông Trường cho biết, mục tiêu của huyện Lâm Bình là ưu tiên các doanh nghiệp, hợp tác xã đủ điều kiện trên địa bàn huyện. Qua rà soát, Lâm Bình đã lựa chọn 4 hợp tác xã trên địa bàn, gồm: Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Thổ Bình tham gia cung ứng, tiêu thụ sản phẩm dê núi Thổ Bình; Hợp tác xã Vinh Hoa cung ứng, tiêu thụ sản phẩm giảo cổ lam, rau bò khai; Công ty TNHH MTV Thương Gấm tham gia cung ứng, bao tiêu sản phẩm cá đặc sản; Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Bình An liên kết với Hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao Tiến Thành thực hiện cung ứng, tiêu thụ sản phẩm trâu bò nhốt chuồng.
      3 dự án liên kết sản xuất theo chuỗi của Hàm Yên hiện cũng đã triển khai cấp con giống cho các hộ tham gia, trong đó có 2 dự án do xã làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, theo anh Đàm Ngọc Hưng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hàm Yên, việc tìm kiếm các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia vào chuỗi liên kết với nhiều địa phương vẫn còn khá lúng túng. Nhiều xã phải thành lập mới các hợp tác xã để tăng hiệu quả hoạt động, tránh tình trạng sử dụng tiền hỗ trợ để “bù lỗ” quá trình hoạt động không hiệu quả trước đó, như dự án hỗ trợ phát triển sản xuất sản phẩm vịt bầu Minh Hương.
      Theo đó, xã thành lập mới Hợp tác xã Vịt bầu Minh Hương, tiếp nhận quản lý nhãn hiệu Vịt bầu Minh Hương từ Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Bằng Tiến trước đó. 2 dự án là hỗ trợ phát triển nuôi cá lồng đặc sản tại Thái Hòa do Hợp tác xã sản xuất - kinh doanh cá đặc sản Thái Hòa thực hiện, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất sản phẩm Cam sành Hàm Yên theo chuẩn VietGAP (quy mô liên xã) do Công ty cổ phần Cam sành Hàm Yên thực hiện.
      Văn phòng điều phối chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến giữa tháng 10-2018, các huyện Sơn Dương, Yên Sơn, Hàm Yên, Chiêm Hóa, Lâm Bình và thành phố Tuyên Quang đã chủ động triển khai 20 dự án. Riêng huyện Na Hang có 4 dự án đang thương thảo ký kết hợp đồng giữa chủ đầu tư và đơn vị chủ trì dự án.
      Dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, trong đó các sản phẩm được lựa chọn thực hiện đều là các sản phẩm chủ lực của các xã, huyện, ngoài mục tiêu nâng cao giá trị cho nông sản địa phương, còn góp phần thực hiện thành công chương trình Mỗi xã một sản phẩm đang được các địa phương tích cực triển khai. Sự vào cuộc của các doanh nghiệp là lời giải để nông sản địa phương tạo dựng được chỗ đứng trên thị trường, nâng cao thu nhập cho nông dân.

                                                                                                                                                   Theo TQĐT

 

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG

Tổng số: 392 | Trang: 1 trên tổng số 40 trang  
Xem tin theo ngày:   / /