Thanh long VietGAP của cử nhân nông nghiệp

Thứ Ba, 11/9/2018 - 15:06 Đã xem: 447

Phiêu bạt làm ăn nhiều nơi, để rồi anh nhận ra rằng, không nơi nào bằng quê hương mình. Cuối năm 2016, anh Đỗ Văn Hưng quyết định “bám rễ” tại quê nhà ở thôn 1 Minh Phú, xã Yên Phú (Hàm Yên) bắt tay trồng 5,8 ha thanh long VietGAP.

  Hưởng phúc từ đất

Vườn thanh long nhà anh Hưng trải dài tít tắp. Những trụ thanh long xanh ngăn ngắt, điểm tô những trái chín đỏ, nhìn như một bức tranh. Người đàn ông độ 40 tuổi, nước da ngăm đen, nụ cười đượm nắng đang chăm sóc vườn thanh long, tôi nhận ra ngay đó là chủ nhà vườn. 
Ngồi xuống bàn nước, anh vồn vã kể chuyện làm nông đầy hứng thú. Anh bảo, thanh long nhà anh trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, nhìn quả nào quả ý căng tròn, rất thích mắt. Sinh ra trong gia đình thuần nông, anh thấm được nỗi nhọc nhằn của cha mẹ, bà con lối xóm nhưng thành quả thu được không đáng là bao. Thế rồi, các nhà máy, khu công nghiệp mở ra, thanh niên đi làm ăn xa cả, làng chỉ còn người già, ruộng vườn bỏ bẵng. Anh thấy trăn trở về điều này và muốn làm điều gì đó cho quê hương mình.
 
Trang trại thanh long VietGAP của gia đình anh Đỗ Văn Hưng, thôn 1 Minh Phú,
xã Yên Phú (Hàm Yên).
    Anh quyết định theo học trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội để mở mang kiến thức ước mong sau này làm giàu từ sản xuất nông nghiệp. Anh nuôi dưỡng ước mơ và những dự định bắt đầu tư năm 2011. Được sự giúp đỡ của gia đình, anh em, anh lên Hà Giang mua đất trồng 20 ha cam sành. Nhận thấy nhu cầu của người tiêu dùng, ai cũng “khát” thực phẩm sạch nhưng không biết tìm mua ở đâu… Thế là anh quyết định trồng thí điểm 10 ha cam VietGAP. Cam VietGAP sau khi được dán tem, đóng thùng thì xuất bán 20.000 đồng/kg, cao hơn giá cam thông thường là 8.000 đồng. Mỗi lần về nhà thăm bố mẹ, nhìn mấy trụ thanh long anh trồng chơi trong vườn nhà, không được chăm sóc, lại sống trên đất cằn mà vẫn cho quả ngọt. Sẵn bầu kiến thức khi làm cam VietGAP tại Hà Giang, cuối năm 2016 anh nảy sinh ý định làm thanh long VietGAP trên đất vườn nhà.
Cầm cả tỷ đồng thu được từ cam, anh có thêm động lực, cố gắng để tiếp tục phấn đấu thành công từ cây thanh long. Trong những ngày lăn lộn trồng cam VietGAP tại Hà Giang, anh nhận ra muốn hạn chế mầm bệnh trên cây thì phải kiểm soát được chất lượng nguồn phân bón. Anh Hưng tìm mua 200 tấn bã sắn, 2 tấn đỗ tương đem nghiền nhỏ rồi trộn các nguyên liệu này với men vi sinh Trichoderma để thúc đẩy quá trình phân hủy hữu cơ và ngăn ngừa các loại nấm bệnh. Sau 1 tháng ủ mới được mang ra bón cho cây. Anh đã đổ vào mỗi hecta thanh long chừng 250 triệu đồng tính từ lúc trồng cho tới khi thu hoạch. Đầu tư lớn như vậy nhưng anh không lo, bởi thanh long VietGAP bán rất được giá, mỗi năm thu hoạch 5 - 6 lứa quả, thời gian thu hoạch kéo dài từ tháng 5 đến tháng 11 dương lịch hàng năm. Đây là lợi thế hơn trồng các loại cây ăn quả khác.  
Thực phẩm sạch cho mọi nhà
 
Sản phẩm thanh long VietGAP của gia đình anh
Đỗ Văn Hưng, thôn 1 Minh Phú, xã Yên Phú
 (Hàm Yên) bày bán tại cửa hàng.
    Anh Hưng bảo, trồng loại cây nào cũng vậy thôi, khổ nhất là sâu bệnh. Nếu trồng theo phương pháp thông thường thì mua thuốc về phun theo nguyên tắc bốn đúng là được rồi nhưng VietGAP thì đòi yêu cầu khắt khe. Anh không sử dụng thuốc trừ sâu cho thanh long, việc chăm sóc tốn nhiều công sức và chi phí. 
    Khi thanh long trồng được 3 - 5 tháng, trên dây bắt đầu xuất hiện sâu bệnh. Anh phải bắt sâu và cắt bỏ ngay phần thanh long bị nhiễm bệnh, bởi có dùng thuốc phun thì mầm mống của bệnh vẫn còn bên trong dây thanh long, chờ khi thời tiết thích hợp nó tiếp tục lây lan sang cành khác và không đảm bảo chất lượng quả sau thu hoạch. Những trụ bị bệnh nhiều, anh Hưng nhổ bỏ trồng trụ mới. Với anh Hưng vệ sinh vườn là khâu quan trọng nhất để loại trừ mầm bệnh. Anh tìm mua cây cốt khí và cây cỏ lạc nhập khẩu trồng xen kẽ với thanh long làm cho đất tơi xốp, chống xói mòn đất, giữ ấm cho thanh long vào mùa đông.
    Kiểm soát chất lượng từ đầu vào, chăm sóc kỹ cho từng khóm, 7.000 trụ thanh long của anh Hưng phát triển rất nhanh, dây mập. Ngày quả thanh long đầu tiên chín, anh hồi hộp cùng cha mẹ, người thân bổ trái cây, thế rồi vỡ òa niềm vui khi trái thanh long đỏ au, ngọt lịm. Đây là trái thanh long ruột đỏ VietGAP đầu tiên của xã Yên Phú. 
    Là năm đầu tiên anh được thu hoạch thanh long, nhưng hay tin anh trồng thanh long VietGAP nên người dân cũng như các thương lái kéo đến mua, giá bán thanh long từ 20.000 - 25.000 đồng/kg, tùy theo thương lái mua nhiều hay ít. Anh đã thu 2 lứa, sản lượng đạt trên 1 tấn/lứa, lứa 3 dự kiến thu hoạch hơn 4 tấn vào dịp rằm tháng 6 âm lịch. Theo anh Hưng, cây thanh long có khả năng chịu hạn tốt, nếu thâm canh tốt, đúng tiêu chuẩn, sau 3 năm trồng cho thu hoạch 20 - 30 kg quả/trụ.
    Nhìn ông chủ trang trại chân đeo dép xốp, đầu đội mũ cối, tự kiểm soát mọi việc trong trang trại mới thấy khởi nghiệp đã gian khó, khởi nghiệp trong nông nghiệp vất vả gấp nhiều lần. Trang trại trồng cam và trồng thanh long của anh Hưng giải quyết việc làm cho 4 lao động trong gia đình và tạo việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động địa phương, vào chính vụ thu hoạch, số lao động cần tới 10 - 15 người. Những khó khăn, vất vả chăm cây giờ đã cho quả ngọt. Thu nhập ổn định từ 20 ha cam là 2,4 tỷ đồng/năm, còn trang trại thanh long năm đầu sản lượng quả ước chừng 20 tấn, thu khoảng 500 triệu đồng.
    Để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm thanh long, anh Hưng đã dán tem truy xuất nguồn gốc hàng hóa; đầu tư 400 triệu đồng xây dựng cửa hàng bán và giới thiệu sản phẩm nông sản vùng miền tại xã trên quốc lộ 2, thuận tiện giao thông, nhờ đó nhiều thương lái trong và ngoài tỉnh đặt mua sản phẩm của anh hơn. Rồi đây anh sẽ kết nối thêm nhiều thương lái để cung cấp thanh long, cam sành đảm bảo an toàn cho thị trường và đưa các loại trái cây này vào siêu thị, đồng thời tìm hướng “xuất ngoại” cho cam sành, thanh long VietGAP.
 
                                                                                   Ghi chép: Hải Hương
theo tuyenquangdientu.gov
 

Xem tin theo ngày:   / /