Chủ tịch Tôn Đức Thắng với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, người tiêu biểu nhất cho chính sách đại đoàn kết của Đảng và của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Thứ Hai, 23/7/2018 - 10:21 Đã xem: 5504

Chủ tịch Tôn Đức Thắng, người tiêu biểu nhất cho chính sách đại đoàn kết của Đảng và của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người chiến sỹ cộng sản kiên cường, mẫu mực, cống hiến trọn đời cho cách mạng, cho dân tộc; người bạn chiến đấu thân thiết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng thời là một trong những nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng, Nhà nước và Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam. Là một tấm gương sáng về lòng trung thành, tận tuỵ; về tinh thần anh dũng, bất khuất; về đức tính khiêm tốn, giản dị.

       Chủ tịch Tôn Đức Thắng sinh ngày 20 tháng 8 năm 1888 trong một gia đình nông dân nghèo tại Cù Lao Ông Hổ, tổng Bình Thành, tỉnh Long Xuyên, nay là xã Mỹ Hòa Hưng, thị xã Long Xuyên, tỉnh An Giang. Năm 1910, sau khi tốt nghiệp Trường Bách nghệ Sài Gòn với điểm tối ưu (20/20), Bác gia nhập hàng ngũ giai cấp công nhân Việt Nam và làm việc tại xưởng sửa chữa tàu thuỷ Ba Son của thực dân Pháp tại Sài Gòn. Năm 1912, khi mới 24 tuổi, Bác đã tổ chức và lãnh đạo cuộc bãi công của công nhân nhà máy sửa chữa tàu thủy Ba Son, mở đầu cho cuộc đời hoạt động cách mạng đầy gian lao nhưng cũng rất vinh quang của mình. Bị thực dân Pháp lùng bắt, cuối năm 1912, Bác lánh sang Pháp và làm thủy thủ trên các tàu viễn dương. Năm 1919, khi mới hơn 30 tuổi, Bác đã tham gia cuộc binh biến của hải quân Pháp ở Hắc Hải chống cuộc chiến can thiệp của đề quốc Pháp tại Biển Đen, góp phần bảo vệ Nhà nước Xô-viết, Nhà nước vô sản đầu tiên trên thế giới.

     Sau cuộc binh biến đó, Bác rời Pháp. Trở về Sài Gòn, Bác cùng với các bạn chiến đấu xây dựng những cơ sở công hội bí mật đầu tiên tại Sài Gòn - Chợ lớn nhằm tập hợp đoàn kết, bảo vệ quyền lợi giai cấp công nhân và người lao động làm nòng cốt cho cuộc đấu tranh của nhân dân ta chống sự áp bức, bóc lột của bọn đế quốc và bè lũ tay sai. Năm 1926, Bác tham gia Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội - một tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập. Cuối năm 1929, do hoạt động cách mạng, Bác Tôn bị Thực dân Pháp bắt giam tại Khám lớn Sài Gòn, sau đó bị đày ra Côn Đảo suốt 17 năm và trở thành người tù có thâm niên lâu nhất ở đây. 
     Cách mạng Tháng Tám thành công, Bác Tôn được chính quyền cách mạng đón về đất liền và tham gia ngay vào cuộc chiến đấu mới chống thực dân Pháp xâm lược. Giữa năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng đón Bác ra Hà Nội. Từ đó, Bác Tôn và Bác Hồ luôn luôn sát cánh bên nhau - một hình ảnh tiêu biểu cho đoàn kết Bắc - Nam, để cùng Trung ương Đảng, Chính phủ lo việc nước. 
 
       Với uy tín lớn trong Đảng, trong nhân dân và phẩm chất cách mạng, đạo đức trong sáng, Bác Tôn đã được giao nhiều trọng trách: Tổng thanh tra của Chính phủ, quyền Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng ban thi đua ái quốc Trung ương, Chủ tịch danh dự Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, Chủ tịch Uỷ ban Liên Việt toàn quốc (từ 7/3/1951 đến 10/9/1955), Hội trưởng Hội hữu nghị Việt Nam - Liên Xô... liên tục là Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam từ khóa II đến lúc qua đời. 20 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cũng là 20 năm Bác liên tục được đại diện các tầng lớp nhân dân suy tôn làm Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (từ 10/9/1955 đến 2/1977) và Chủ tịch danh dự Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho đến ngày Bác mất. Cũng trong thời gian đó, Bác còn đảm nhiệm nhiều trọng trách: Trưởng ban Thường trực Quốc hội, Chủ tịch danh dự Uỷ ban bảo vệ hòa bình thế giới của Việt Nam, Uỷ viên Hội đồng hòa bình thế giới. Ngày 15/7/1960, Bác được Quốc hội thay mặt nhân dân ta bầu làm Phó Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Năm 1969 khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, tại kỳ họp đặc biệt Quốc hội (khóa III) ngày 15/9/1969, Bác được Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước, đồng thời kiêm Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. 
 
      Riêng tại Tuyên Quang, đầu năm 1947 đến gần cuối năm 1950, Bác Tôn Đức Thắng lên Việt Bắc, rồi đến ở tại thôn Cầu, thôn Niếng, xã Minh Thanh; thôn Đồng Nam, thôn Tân Lập, xã Tân Trào; thôn Yên Thượng, xã Trung Yên (Sơn Dương). Từ cuối năm 1950 đến đầu năm 1951, Bác ở xã Kiên Đài (Chiêm Hóa). Tháng 2/1951 tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng diễn ra tại xã Kim Bình, huyện Chiêm Hóa, Bác Tôn được bầu vào Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, với tư cách là đại biểu chính thức của Đại hội, Bác đã có những đóng góp quan trọng vào việc xác định vai trò và phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Mặt trận dân tộc thống nhất, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân. Được Đoàn Chủ tịch Đại hội phân công chuẩn bị và đọc diễn văn bế mạc Đại hội, Bác nhấn mạnh: "Chính sách Mặt trận của chúng ta là chính sách liên minh giai cấp để kháng chiến. Không phải liên minh giai cấp suông, mà liên minh giai cấp để kháng chiến. Đã là liên minh giai cấp để kháng chiến thì những mâu thuẫn quyền lợi giữa giai cấp phải được điều giải hợp lý. Nhưng bao giờ chúng ta cũng đặc biệt chú trọng đến quyền lợi của quần chúng cần lao và đông đảo, vì họ là nền tảng của Mặt trận dân tộc thống nhất và là lực lượng chủ yếu của kháng chiến”. 
 
        Thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ II của Đảng, Bác Tôn được phân công chuẩn bị mọi mặt cho Đại hội toàn quốc thống nhất Việt Minh - Liên Việt diễn ra từ ngày 03 đến ngày 7/3/1951, Đại hội đã bầu Bác Tôn Đức Thắng làm Chủ tịch Mặt trận Liên - Việt (Bác Hồ được cử làm Chủ tịch danh dự Mặt trận). Từ khoảng tháng 3/1951 đến đầu năm 1952, Bác ở thôn Nà Lá, xã Xuân Quang (Chiêm Hóa). Từ cuối năm 1952 Bác về xã Tân Trào sau đó lên ở tại thôn Chi Liền, xã Trung Yên (Sơn Dương) đến tháng 7/1954. Trong khoảng thời gian này, tháng 12/1953 Bác chuyển đến thôn Lập Binh, xã Bình Yên (Sơn Dương), mấy tháng sau thì trở về thôn Chi Liền (nay là thôn Đồng Mà, xã Trung Yên (Sơn Dương). Tại đây, Bác Tôn đã ở và làm việc tại ngôi nhà sàn nhỏ, 02 gian bên cạnh dòng sông Phó Đáy, với chức vụ là Quyền Trưởng Ban Thường trực Quốc hội, Chủ tịch Mặt trận Liên Việt, vào tháng 2/1953 Bác Tôn chủ trì hội nghị liên tịch giữa Ủy Ban Thường trực Quốc hội với Ủy ban Liên Việt toàn quốc. Tại thôn Chi Liền, Bác Tôn đã soạn thảo nội dung và chủ trì phiên họp Đại biểu Quốc Hội khóa I, kỳ họp thứ 3 diễn ra từ ngày 01 đến ngày 04/12/1953 tại thác Dẫng, thôn Lập Binh, xã Bình Yên bàn về cải cách ruộng đất. Tháng 7/1954, Bác Tôn đã tổ chức và chủ trì cuộc họp khối Mặt trận Liên Việt để chuẩn bị cho việc tiếp quản thủ đô Hà Nội (Nội dung bàn về việc đẩy mạnh các phong trào tăng gia sản xuất và sự nghiệp giáo dục cho nhân dân sau hòa bình lập lại ở Miền Bắc). Cũng tại đây Bác đã cùng với Trung ương Đảng và Chính phủ họp bàn quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong những năm tháng ở và làm việc tại Tuyên Quang, Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã lãnh đạo Ban Thường trực Quốc hội thực hiện tốt nhiệm vụ được giao: Các chính sách lớn của Chính phủ cũng như các sắc lệnh, nghị định, thông tư được Chính phủ ban hành đều có sự thỏa thuận của Ban Thường trực Quốc hội, góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược. Cuối tháng 7/1954, Bác Tôn cùng với 2 cơ quan Quốc hội và Mặt trận Liên Việt rời thôn Chi Liền theo dòng sông Phó Đáy ra huyện Sơn Dương, qua đèo Khế sang Vai Cày, Đại Từ - Thái Nguyên về tiếp quản Thủ đô Hà Nội, tiếp tục cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội, Mặt trận lãnh đạo nhân dân xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Miền Bắc, cùng nhân dân cả nước đấu tranh giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước.
        Hơn nửa thế kỷ hoạt động cách mạng đầy gian lao và nguy hiểm, trong đó có 27 năm liên tục làm Chủ tịch Mặt trận Liên Việt và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và hơn 10 năm làm Chủ tịch nước, Bác Tôn đã để lại cho Đảng ta, Nhà nước ta nhiều bài học sâu sắc, cho nhân dân ta một tấm gương sáng về chuẩn mực sống của một công dân yêu nước. Với cương vị là người lãnh đạo cao nhất và lâu năm nhất của Mặt trận Liên Việt, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bác đã hoạt động hết mình vì sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc, góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp dưới sự lãnh đạo của Đảng. Năm 1946, Bác Tôn được cử làm Hội trưởng Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam (tức Liên Việt)- một tổ chức nhằm tập hợp, đoàn kết mọi người Việt Nam yêu nước. Là người Miền Nam lần đầu tiên sống trên đất Bắc với khí hậu thay đổi thất thường bệnh tật hậu quả những tháng bị tù đầy, tra tấn, song Bác vẫn kiên trì thực hiện khẩu hiệu “Đoàn kết toàn dân, phụng sự Tổ quốc”. Bác đã không quản ngại khó khăn vượt đèo, lội suối, gặp gỡ, tiếp xúc với nhiều nhân sĩ, trí thức, đại diện lãnh đạo các đảng phái, chức sắc, các tôn giáo nhằm làm cho mọi người nhận thức rõ thời cuộc, chính sách của Chính phủ kháng chiến và sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc chống thực dân xâm lược. Bác thường nhắc nhở các thành viên trong Hội Liên Việt tôn trọng tự do tín ngưỡng của nhân dân, thực hiện đời sống mới, bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhân dân, bảo trợ người già yếu, tàn tật, phụ nữ và trẻ em; phát triển nền văn hóa dân tộc, đồng thời tiếp thu có chọn lọc văn hóa phương Đông và phương Tây để bổ sung cho nền văn hóa nước nhà. 
 
     Tháng 9 năm 1955, Đại hội Mặt trận dân tộc thống nhất đã khai mạc tại Hà Nội và quyết định lấy tên là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Tại Đại hội này, Bác Tôn kêu gọi đồng bào cả nước: “Chúng ta cùng chung một Tổ quốc, cùng có chung hàng nghìn năm lịch sử, đau khổ có nhau, vinh quang có nhau. Điều đó đã gắn liền đồng bào toàn quốc, gắn liền đại biểu chúng ta làm một khối”. Bác đã động viên cả nước ra sức thực hiện lời dạy của Bác Hồ “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết! Thành công, thành công, đại thành công!”. Do có những công lao to lớn của Bác Tôn đối với cách mạng và sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc, tháng 8/1958 nhân dịp tròn 70 tuổi, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa quyết định tặng Bác Huân chương Sao Vàng - Huân chương cao quý nhất của Nhà nước ta. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Đảng, Nhà nước trao tặng huân chương cho Bác và phát biểu: “Thay mặt nhân dân và Chính phủ, tôi trân trọng trao tặng đồng chí Tôn Đức Thắng Huân chương Sao Vàng là huân chương cao nhất của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa mà đồng chí Tôn Đức Thắng là người đầu tiên và người rất xứng đáng được tặng huân chương ấy”. 
 
       Với cương vị là người lãnh đạo của Đảng, người đứng đầu Nhà nước, Công đoàn và Mặt trận, Bác Tôn cùng với Bác Hồ là hình ảnh tiêu biểu của khối đại đoàn kết toàn dân, đoàn kết Bắc, Nam. Nét nổi bật ở Bác mà mọi người dễ nhận thấy là đức tính khiêm nhường, lối sống giản dị, lòng bao dung và tài cảm hoá mọi người. Tên tuổi và sự nghiệp của Chủ tịch Tôn Đức Thắng gắn liền với lịch sử cách mạng vẻ vang của Đảng và nhân dân ta trong thế kỷ 20. Kỷ niệm 130 năm ngày sinh của Bác Tôn (20/8/1888- 20/8/2018) giữa lúc toàn Đảng, toàn dân ta đang ra sức phấn đấu để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và tiếp tục thực hiện các Nghị quyết của Trung ương Đảng. Mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên các tầng lớp nhân dân cả nước nói chung và nhân dân Tuyên Quang nói riêng, càng tự hào về người Chủ tịch Mặt trận kính mến của mình, càng phải ra sức rèn luyện, học tập đạo đức Cách mạng "Cần kiệm, liêm chính - chí công, vô tư" của Bác; càng phải toàn tâm, toàn ý phục vụ nhân dân, vì sự nghiệp đổi mới phải hoàn thành mọi nhiệm vụ Đảng và nhân dân giao phó. Hãy phấn đấu hết sức mình để góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng nở hoa, kết trái. 
 
      Trước mắt, phát huy kết quả 70 năm phấn đấu thực hiện Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức thành viên của Mặt trận tiếp tục động viên nhân dân đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, đoàn kết sáng tạo, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2018; tổ chức thành công đại hội Mặt trận các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019-2024; xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc trong tỉnh ngày càng vững mạnh.
 
Ban Tuyên giáo UBMTTQ tỉnh Tuyên Quang
 
 
 
 Theo các tài liệu:
- Hồ sơ lý lịch di tích Ban Thường trực Quốc hội (tại thôn Nà Lá, xã Xuân Quang; lý lịch tại thôn Đồng Lũng, xã Phúc Thịnh và lý lịch tại thôn Yên Thượng, xã Trung Yên)- Bảo tàng tỉnh Tuyên Quang. 
- Website Di tích lịch sử, văn hóa lễ hội, doanh nhân Việt Nam (Lán và hầm an toàn của đồng chí Tôn Đức thắng);
- Đồng Chí tôn Đức Thắng, người bạn chiến đấu thân thiết của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, vị Chủ tịch lâu năm nhất của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - mattran.gov.vn)
- Chủ tịch Tôn Đức Thắng với MTTQ Việt Nam - Tạp chí cộng sản.
 

 

Xem tin theo ngày:   / /