Phát triển cây ăn quả: Kiềm chế tăng diện tích “nóng”

Thứ Tư, 31/1/2018 - 08:27 Đã xem: 2159

Phát triển, mở rộng diện tích cây ăn quả đang là xu thế của nhiều địa phương trong tỉnh. Tuy nhiên, nếu không phát triển theo quy hoạch sẽ để lại hệ quả khó lường, khi “cung vượt quá cầu”.

 

Mô hình trồng cây ăn quả của các thành viên trong Hợp tác xã cây ăn quả Quang Vinh. Ảnh: Trần Liên

Cơ cấu còn bất hợp lý
Theo Cục Thống kê tỉnh, hết năm 2017, diện tích cây ăn quả trên địa bàn tỉnh đang phát triển nghiêng về các loại cây ăn quả có múi. Cụ thể, diện tích cây cam toàn tỉnh đạt 7.833 ha, quýt là 120 ha, nhãn 1.007 ha, vải 489 ha và bưởi là 1.563 ha.
Trước năm 2000, diện tích cây cam sành tập trung chủ yếu tại huyện Hàm Yên với diện tích là 2.013 ha, hết năm 2017, diện tích này đã tăng lên 7.833 ha. Trong khi Đề án phát triển vùng sản xuất cam sành của tỉnh giai đoạn 2014 - 2020 đề ra mục tiêu đến hết năm 2020, diện tích cam toàn tỉnh chỉ là trên 6.800 ha. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc nông dân mở rộng diện tích trồng cam tự phát có tiềm ẩn nhiều rủi ro nếu không gắn với chế biến, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm và tăng cường công tác quản lý chất lượng, giữ vững thương hiệu.
Ông Lý Văn Chính, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Lâm (Hàm Yên) cho biết, từ năm 2013 trở lại đây, diện tích cam sành trên địa bàn xã liên tục tăng. Nếu như năm 2013, cả xã chỉ có trên 300 ha cam thì hết năm 2017, diện tích trồng cam trên địa bàn xã đã tăng lên 470 ha. Từ nay đến năm 2020, xã chỉ được phép tăng diện tích lên khoảng 10 ha/năm, nhằm khống chế lại mức độ phát triển.
Xã Tứ Quận từng là xã nằm trong vùng chuyên canh phát triển cây chè của huyện Yên Sơn, với diện tích lên đến 500 ha, trong khi diện tích cây ăn quả chỉ khoảng 100 ha, chủ yếu là nhãn, vải. Chỉ trong 2 năm 2016, 2017, cơ cấu cây trồng trên địa bàn xã thay đổi đáng kể. Thống kê của UBND xã Tứ Quận, hết năm 2017, diện tích cây ăn quả của xã đạt 214,3 ha. Trong số này, có 103,5 ha bưởi, 98,3 ha cam, còn lại là quýt, nhãn, vải. Diện tích nhãn, vải được thống kê theo hình thức đếm số lượng cây rồi quy ra diện tích, chứ ở xã không còn hộ nào trồng loại cây này tập trung, có quy mô nữa.

Người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm cam sành tại Hội chợ cam sành Hàm Yên lần thứ 2.

Ông Hán Quang Thái, Phó Chủ tịch UBND xã Tứ Quận cho biết, không thể phủ nhận cây ăn quả mang lại thu nhập đáng kể cho bà con trong xã. Diện tích cây ăn quả tăng, trong khi diện tích đất canh tác không thay đổi, dẫn đến người dân lựa chọn thay thế các loại cây trồng khác. Cụ thể, 500 ha chè của xã Tứ Quận đã có gần 200 ha có nguy cơ bị phá bỏ để trồng cây bưởi. Theo báo cáo của UBND xã, hiện đã có 75 ha phá bỏ hoàn toàn để trồng bưởi, còn lại bà con đang trồng xen canh cây ăn quả, diện tích này sau 2-3 năm nữa chắc chắn cũng sẽ mất, khi cây ăn quả đến thời điểm cho thu hoạch.
Xuân Vân hiện cũng đang lo ngại khi diện tích cây ăn quả đã vượt quá quy hoạch hơn 500 ha. Theo báo cáo, toàn xã hiện có 706 ha cây có múi, riêng cây bưởi là 626 ha. Trong khi mục tiêu đến năm 2020, diện tích cây ăn quả có múi chỉ có hơn 200 ha. Ông Nguyễn Văn Việt, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Vân cho biết, hầu hết diện tích bưởi vượt quy hoạch đều do phá bỏ các cây trồng khác như mía hoặc tận dụng đất tại các chân đồi thấp để trồng mới. Giải pháp chính của xã hiện nay là khống chế diện tích, không mở rộng, không trồng mới... tránh hậu quả khó lường về sau.
Tập trung thâm canh tăng năng suất
Sau một thời gian tăng trưởng “nóng”, nguy cơ “cung vượt quá cầu” đã bắt đầu tác động đến người làm vườn khi giá thu mua các loại quả có múi năm sau giảm sâu so với năm trước. Theo các nhà vườn, năm trước giá bán cam tại vườn đạt 10-12 nghìn đồng/kg, thì năm nay chỉ còn hơn 6 nghìn đồng/kg. Giá bưởi Diễn năm nay cũng đã giảm chỉ còn từ 7.000 - 10.000 đồng/quả, giảm hơn 1 nửa so với những năm trước. Nguyên nhân, theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, trong số các loại cây ăn quả, chỉ một diện tích rất nhỏ cam Hàm Yên, bưởi Xuân Vân có hợp đồng tiêu thụ với các doanh nghiệp, còn lại hầu hết bán buôn tại các chợ đầu mối. Diện tích tăng, sản lượng lớn, thời gian bảo quản có hạn, tiểu thương sẽ dựa vào những lý do này để giảm giá thu mua.
Đáng lo ngại nhất là tại nhiều địa phương, bà con ồ ạt mở rộng diện tích thay vì xây dựng thương hiệu sản phẩm, áp dụng các quy trình sản xuất an toàn. Theo báo cáo của ngành nông nghiệp, toàn tỉnh hiện mới chỉ có 216,3 ha cam (sản lượng 3.893,4 tấn), 5 ha bưởi (sản lượng 330 tấn) trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Trước nguy cơ phá rào quy hoạch cây ăn quả, các địa phương trong tỉnh đã xây dựng giải pháp kiềm chế tăng trưởng “nóng” diện tích, tập trung vào các giải pháp thâm canh, tăng năng suất, mở rộng quy mô cây trồng được cấp chứng nhận VietGAP.
Ông Ma Văn Long, Phó Chủ tịch UBND huyện Chiêm Hóa cho biết, hiện việc tiêu thụ trái cây có múi trên địa bàn tương đối thuận lợi. Tuy nhiên, nếu diện tích tăng nhanh mà không kiểm soát được dịch bệnh, chất lượng sản phẩm, không quan tâm xây dựng quy trình sản xuất an toàn, thiếu quảng bá thương hiệu, xúc tiến tiêu thụ thì vùng trọng điểm cây ăn quả có múi của tỉnh tiềm ẩn nhiều yếu tố không bền vững. 2 xã nằm trong đề án phát triển cam sành của huyện là Trung Hà và Hà Lang diện tích hiện cũng đạt trên 650 ha, trong số đó chỉ có 15 ha cam tại xã Trung Hà được cấp chứng nhận VietGAP. Ông Long cho biết, huyện phấn đấu đến năm 2020 diện tích cam tại 2 xã đạt trên 800 ha, trong đó sẽ có khoảng 30% diện tích được cấp chứng nhận VietGAP.

Mô hình trồng cây ăn quả tại phường Nông Tiến (TP Tuyên Quang). Ảnh: Cao Huy

Trong các cuộc họp thôn, bản, tổ nhân dân, Đảng ủy, chính quyền xã Tứ Quận luôn lấy bài học về phát triển ồ ạt đàn lợn hơi cuối năm 2016, đầu năm 2017 để “cảnh tỉnh” người dân. Nhờ thế, năm 2017, đã cơ bản khống chế được việc tăng diện tích cây ăn quả trên địa bàn xã. Hiện xã đã xây dựng kế hoạch thực hiện mô hình trồng cam, bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP quy mô 70 ha tại thôn Cây Nhãn, đồng thời đề xuất với UBND huyện Yên Sơn xây dựng chuỗi liên kết một số cây trồng chủ lực trên địa bàn, bao gồm chè, cam, bưởi, trong đó mục tiêu là kết nối với các doanh nghiệp trong khâu phân phối, bao tiêu sản phẩm.
Quay trở lại Xuân Vân, bên cạnh việc duy trì diện tích bưởi ngọt hiện có, Xuân Vân cũng đang áp dụng nhiều giải pháp vực dậy ưu thế của cây hồng không hạt. Theo ông Nguyễn Văn Việt, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Vân, hiện xã đang phối hợp với Viện nghiên cứu rau quả (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) thực hiện Dự án “Nghiên cứu, tuyển chọn, phát triển và xây dựng nhãn hiệu tập thể giống hồng ngâm Xuân Vân”. Trong thời gian thực hiện, đã có thêm 1 ha hồng không hạt được trồng mới tại xã, nâng tổng diện tích trồng loại cây ăn quả này lên gần 15 ha. Cùng với đó, Sở Khoa học và Công nghệ cũng triển khai Dự án “Nghiên cứu, tuyển chọn, phát triển và xây dựng nhãn hiệu tập thể giống hồng ngâm Xuân Vân”, qua đó góp phần nâng cao giá trị sản phẩm này.
Ông Nguyễn Văn Thuấn, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh cho biết, phát triển các loại cây trồng có thế mạnh, cho giá trị kinh tế cao là chủ trương đúng và phải có chiến lược cụ thể. Trong đó, các địa phương phải đặc biệt ưu tiên vấn đề an toàn thực phẩm và phát triển sản phẩm trái cây theo chuỗi liên kết, có kết nối với doanh nghiệp làm nhiệm vụ bao tiêu sản phẩm. Người làm vườn cũng cần tỉnh táo để không mở rộng diện tích một cách tràn lan, cần chú trọng chất lượng cây giống, điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng, tránh nuôi trồng theo tín hiệu thị trường...
Bên cạnh việc ổn định diện tích và có hướng phát triển phù hợp cho cây ăn quả có múi, tỉnh ta cũng đã có nhiều chính sách thu hút các doanh nghiệp tham gia vào khâu chế biến, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm. Hiện Công ty cổ phần Cam sành Hàm Yên đã xây dựng hệ thống nhà xưởng chế biến sản phẩm cam sành tại xã Tân Thành, khi đi vào hoạt động hứa hẹn sẽ đem lại những giá trị bền vững cho người trồng cam.

                                                                                                                                                      Theo Báo TQĐT

 

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG

Tổng số: 255 | Trang: 1 trên tổng số 26 trang  
Xem tin theo ngày:   / /