Tích cực giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri

Thứ Hai, 31/7/2017 - 15:39 Đã xem: 249

Trước và sau kỳ họp thứ ba, HĐND tỉnh khóa XVIII, các đại biểu đã thực hiện nhiệm vụ tiếp xúc cử tri theo quy định ở 84 điểm tại trung tâm các xã, phường, thị trấn và thôn, xóm, bản, tổ dân phố. Thường trực HĐND tỉnh đã chuyển 430 ý kiến, kiến nghị của cử tri, (trước kỳ họp thứ 3: 208 ý kiến, sau kỳ họp thứ 3: 222 ý kiến) đến UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo các ngành, cơ quan, đơn vị, UBND các huyện, thành phố giải quyết, trả lời.

 

 

Quang cảnh kỳ họp thứ tư, HĐND tỉnh khóa XVIII.

          Ngay sau khi nhận được các ý kiến, kiến nghị của cử tri do Thường trực HĐND tỉnh chuyển đến, UBND tỉnh đã kịp thời chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho các ngành, UBND các huyện, thành phố nghiên cứu giải quyết, trả lời. Các cơ quan, đơn vị tiếp nhận ý kiến, kiến nghị của cử tri đã tiến hành kiểm tra, rà soát, xác minh thực tế và đề xuất biện pháp giải quyết, trả lời những vấn đề cử tri có ý kiến. Kết quả, đã trả lời được 423/430 ý kiến, kiến nghị của cử tri, đạt 98,37%.

        Về ý kiến sớm có phương án xây dựng nhà máy chế biến nông sản để tiêu thụ sản phẩm cho bà con nhân dân: Hiện nay, tỉnh đang tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, mời gọi các nhà đầu tư đến thực hiện dự án chế biến nông sản để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ sản phẩm cho nhân dân (Trong đó có Dự án liên kết sản xuất - tiêu thụ cam an toàn, huyện Hàm Yên; Dự án xây dựng nhà máy chế biến nước cam tại Cụm công nghiệp Tân Thành, huyện Hàm Yên).

         Về ý kiến đẩy nhanh tiến độ thu mua mía và xem xét nâng giá thu mua mía nguyên liệu cho nhân dân (giá thu mua hiện nay 900 đ/kg là thấp, nhân dân sản xuất không có lãi): UBND tỉnh đã yêu cầu Công ty cổ phần mía đường Sơn Dương có giải pháp để Nhà máy tổ chức sản xuất có hiệu quả và có kế hoạch thu mua mía nguyên liệu cho nhân dân trên địa bàn đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế và đúng khung thời vụ. Về nội dung đề nghị nâng giá mía cho nhân dân: Công ty cam kết thu mua mía cho nhân dân với giá 900 đ/kg; đồng thời căn cứ vào diễn biến của thị trường, sẽ xem xét để điều chỉnh bổ sung chính sách tối ưu nhất cho sự phát triển của vùng nguyên liệu, tạo sự gắn bó giữa người trồng mía với Công ty.

       Về đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp các tuyến đường: Đường từ Quốc lộ 279 về đến thôn Bản Tàm và thôn Nà Sảm, xã Sơn Phú, huyện Na Hang đã được phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng và đang được triển khai thi công xây dựng. Nâng cấp tuyến đường từ trung tâm xã Công Đa (huyện Yên Sơn) đi xã Trung Yên (huyện Sơn Dương) (Quốc lộ 2C); nâng cấp tuyến đường từ xã Đạo Viện đi qua xã Công Đa đến xã Thái Bình (Quốc lộ 37); tu sửa, nâng cấp tuyến đường ĐT 186 đoạn từ Sơn Nam - Đại Phú - Phú Lương; nâng cấp tuyến đường ĐH.12 (Tràng Đà - Tân Tiến); nâng cấp đường ĐH 25 đoạn Kiến Thiết - Trung Trực và từ chợ trung tâm xã Kiến Thiết đến đỉnh Mười - xã Tân Tiến; tuyến đường từ xã Bằng Cốc đến xã Thành Long,...: Các tuyến đường này lưu lượng phương tiện tham gia giao thông tăng, đã đầu tư xây dựng từ lâu, đồng thời bị ảnh hưởng của các đợt mưa bão nên nền, mặt đường bị hư hỏng, xuống cấp, giao thông đi lại khó khăn. Các ngành, đơn vị chức năng đã bố trí kinh phí sửa chữa nhưng do hư hỏng với khối lượng lớn, chưa khắc phục được triệt để. Hiện nay, do điều kiện ngân sách tỉnh còn khó khăn, trước mắt, UBND tỉnh đã giao các ngành, đơn vị liên quan tăng cường công tác duy tu, bảo dưỡng tuyến đường, thực hiện sửa chữa các hư hỏng mặt đường nhằm cải thiện điều kiện đi lại cho người và phương tiện tham gia giao thông; đồng thời tham mưu, đề xuất nguồn vốn để đầu tư sửa chữa tuyến đường trong các năm tiếp theo. Dự án đường Yên Hoa - Khau Tinh đã được UBND tỉnh phê duyệt dự án đầu tư, thiết kế bản vẽ thi công, dự toán xây dựng công trình và giao cho Ban Di dân tái định cư Thủy điện Tuyên Quang làm Chủ đầu tư dự án. Hiện nay, Chủ đầu tư đang hoàn thiện các thủ tục xây dựng công trình theo quy định.

        Về đầu tư xây dựng công trình nước sạch: Một số công trình đã nằm trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, hoặc được thực hiện theo Chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả đầu ra giai đoạn 2016-2020” vay vốn Ngân hàng Thế giới. Hiện nay, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện, thành phố và các ngành liên quan xem xét, sắp xếp thứ tự ưu tiên, cân đối, bố trí nguồn vốn để thực hiện đầu tư xây dựng các công trình cấp nước sinh hoạt theo quy định.

        Về ý kiến đầu tư xây dựng hệ thống kênh mương nội đồng để phục vụ nước tưới tiêu cho phát triển sản xuất tại xã Phúc Ứng và xã Trung Yên: năm 2017, UBND huyện Sơn Dương đã giao chỉ tiêu kế hoạch để thực hiện kiên cố hóa kênh mương nội đồng tại hai xã nêu trên. Hiện nay, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện, thành phố và các ngành liên quan xem xét, sắp xếp thứ tự ưu tiên, cân đối, bố trí nguồn vốn để thực hiện đầu tư xây dựng các công trình theo quy định.

        Về ý kiến đầu tư xây dựng cầu qua suối tại thôn Nà Luông, xã Hòa An và công trình cầu Khuổi Pạu, xã Tri Phú, huyện Chiêm Hóa: Đã được Tổng cục Đường bộ Việt Nam đưa vào Kế hoạch đầu tư xây dựng trong Đề án đầu tư xây dựng cầu dân sinh đảm bảo an toàn giao thông vùng dân tộc thiểu số. Hiện nay, Tổng cục Đường bộ đang tổ chức kiểm tra, rà soát thực địa để tiến hành các bước chuẩn bị đầu tư và thi công xây dựng theo quy định.

        Về ý kiến xây 02 cầu tràn Nà Tè và Nà Lon, thôn Pác Hóp, xã Linh Phú; đầu tư xây dựng cầu tràn qua suối thôn Kim Minh; cầu tràn qua suối thôn Búng Pẩu, xã Phúc Sơn; đầu tư xây dựng cầu treo qua sông Phó Đáy từ thôn Yên Thượng, xã Trung Yên sang xã Tân Trào và một số công trình cầu khác: UBND tỉnh đã giao ngành, đơn vị liên quan nghiên cứu, xem xét về tính cần thiết, nguồn vốn đầu tư; tham mưu đề xuất UBND tỉnh để đầu tư xây dựng trong thời gian tới.

         Về đầu tư hệ thống điện: Đối với các xã chưa có điện lưới Quốc gia, thực hiện Quyết định 2081/QĐ-TTg ngày 08/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2013-2020, Sở Công Thương đã xây dựng “Dự án cấp điện nông thôn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2013-2020” và đã được Bộ Công Thương chấp thuận; Dự án trên do Sở Công Thương tỉnh Tuyên Quang làm chủ đầu tư, đồng thời Công ty Điện lực Tuyên Quang đang tiến hành khảo sát, thiết kế lập hồ sơ để đăng ký vốn đầu tư cho việc nâng cấp hệ thống điện lưới các xã vào năm 2017 và các năm tiếp theo. Sau khi dự án và công trình trên hoàn thành và đưa vào vận hành, sẽ phần nào đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân.

        Trong thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo đôn đốc, kiểm tra các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố nâng cao trách nhiệm, tập trung giải quyết cụ thể, trực tiếp, kịp thời các ý kiến, kiến nghị của cử tri. Rà soát các ý kiến về quy hoạch, có lộ trình đầu tư xây dựng các công trình, dự án được nhân dân quan tâm kiến nghị nhiều lần, nhất là về giao thông, thủy lợi, nước sạch nông thôn. Chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền về giải quyết, trả lời ý kiến, kiến nghị cử tri đảm bảo cử tri ở địa phương, đơn vị có ý kiến, kiến nghị được thông tin đầy đủ, kịp thời, chính xác kết quả giải quyết, trả lời của cơ quan chức năng. Tổng hợp, phân loại chuyển ý kiến, kiến nghị của cử tri đến các cơ quan, đơn vị đảm bảo chính xác đúng chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền giải quyết. Tích cực giải quyết có hiệu quả các ý kiến, kiến nghị của cử tri thuộc trách nhiệm, thẩm quyền; tập trung giải quyết các ý kiến, kiến nghị bức thiết của nhân dân như giải quyết tranh chấp đất đai giữa một số hộ dân với các công ty lâm nghiệp; giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nhân dân; cấp bổ sung đất ở, đất sản xuất đối với các hộ di dân tái định cư thủy điện Tuyên Quang; có biện pháp quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý các công trình nước sạch nông thôn…

                                                                                                                                           Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Tuyên Quang

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG

Tổng số: 998 | Trang: 1 trên tổng số 100 trang  
Xem tin theo ngày:   / /