Toạ đàm thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang của dân tộc Tày trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang

Thứ Hai, 8/4/2024 - 17:22 Đã xem: 65

Ngày 08/4, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Tuyên Quang tổ chức Toạ đàm thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang của dân tộc Tày trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.

Đồng chí Nguyễn Hưng Vượng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ tỉnh chủ trì Toạ đàm

    Đồng chí Nguyễn Hưng Vượng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ tỉnh và đồng chí Tăng Thị Dương, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh chủ trì Toạ đàm. Cùng dự có đại diện lãnh đạo Ban Dân vận Tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Thường trực Đảng uỷ Khối các cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh; lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Tư pháp, Ban Dân tộc tỉnh, lãnh đạo các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh; Ban Đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh; Hội đồng tư vấn Dân tộc - Tôn giáo, cơ quan Uỷ ban MTTQ tỉnh; lãnh đạo Ủy ban MTTQ các huyện, thành phố và các 67 đại biểu tiêu biểu dân tộc Tày.
    Người Tày có dân số đông thứ hai ở Tuyên Quang (sau dân tộc Kinh). Đây cũng là một trong những dân tộc có lịch sử cư trú lâu đời nhất ở Tuyên Quang. Người Tày đã cùng các dân tộc anh em khác tạo dựng nhiều truyền thống tốt đẹp nhưng vẫn bảo lưu được những nét đặc sắc của văn hoá tộc người mình.

Một số tiết mục văn nghệ của người Tày tại chương trình Toạ đàm

     Trong những năm qua, cùng với các dân tộc khác trên địa bàn tỉnh, đồng bào dân tộc Tày luôn chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực lao động sản xuất, tham gia các phong trào thi đua do Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc phát động. Đặc biệt, từ khi Nhà nước ban hành quy định về việc cưới, việc tang, ngày lễ, ngày hội thì việc tổ chức đám cưới, đám ma của người Tày đã được tổ chức đơn giản hơn, thời gian thực hiện nghi lễ cũng được rút ngắn. Cùng với sự phát triển của xã hội, đồng bào dân tộc Tày tích cực bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống và dần loại bỏ các hủ tục, tập quán lạc hậu trong việc cưới, việc tang phù hợp với tình hình thực tế, 
    Thực hiện nếp sống văn minh, đám cưới của người Tày ở Tuyên Quang hiện nay đã được giản tiện, văn minh hơn, xong vẫn giữ được bản sắc dân tộc. Một số đám cưới của cộng đồng người Tày hiện nay cô dâu, chú rể đã mặc trang phục truyền thống trong lễ cưới; đám cưới không tổ chức linh đình, không thuốc lá; tục thách cưới cũng cơ bản được xoá bỏ.
    Người Tày trên địa bàn tỉnh chủ yếu làm đám "ma tươi" thực hiện ngay sau khi khâm liệm, thi hài được đưa vào áo quan để trong nhà. Nhà táng loại đơn giản, không cầu kỳ nhiều tầng; xung quanh nhà táng đặt nhiều cây hoa bằng giấy; thời gian diễn ra không quá 24 tiếng. 
    Tuy nhiên phong tục, tập quán về việc cưới, việc tang của người Tày ở một số địa phương vẫn còn nặng nề, hủ tục gây tốn kém, lãng phí thời gian, tiền bạc. Có một số đám cưới, đám tang đã xảy ra tình trạng ngộ độc thực phẩm, hiện tượng cờ bạc trá hình gây mất trật tự an ninh - xã hội. Những tác động tiêu cực đó làm ảnh hưởng đến nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc, không còn phù hợp với xu hướng phát triển hiện nay.

Đại biểu thảo luận tại hội nghị


    Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu cho rằng trong đám cưới cần gọn nhẹ, không phô trương; khuyến khích cô dâu, chú rể mặc trang phục dân tộc Tày trong lễ cưới; nên khôi phục lại các khúc hát Văn quan làng có tính nhân văn sâu sắc. Đối với việc tang cần tiếp tục giảm bớt những thủ tục rườm rà, lặp lại nhiều lần. Không làm nhà xe hoặc có làm chỉ làm một tầng, hạn chế làm “ma khô”,  không dùng loa phóng thanh, không tổ chức ăn uống linh đình...

Đồng chí Chủ tịch Uỷ ban MTTQ tỉnh Nguyễn Hưng Vượng phát biểu tại chương trình Tọa đàm


    Phát biểu tại buổi toạ đàm, đồng chí Nguyễn Hưng Vượng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ tỉnh ghi nhận, biểu dương những đóng góp của nhân dân các dân tộc nói chung và dân tộc Tày nói riêng trong kết quả chung trên địa bàn tỉnh. Các đại biểu đã có nhiều ý kiến phát biểu thảo luận tâm huyết, góp phần quan trọng xây dựng khối đại đoàn kết, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang. Đồng chí đề nghị, trong thời gian tới có sự vào cuộc mạnh mẽ của cấp uỷ, chính quyền, MTTQ, các tổ chức thành viên, đặc biệt là người thực hành tín ngưỡng tâm linh, người uy tín; chú trọng xây dựng các câu lạc bộ, các mô hình thực sự hiệu quả, tránh hình thức; tích cực bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá và dần loại bỏ các hủ tục, tập quán lạc hậu trong việc cưới, việc tang để phù hợp với tình hình thực tế. Việc phát huy vai trò của Người uy tín, những người thực hành tín ngưỡng tâm linh trong đồng bào dân tộc Tày có ý nghĩa hết sức quan trọng trong công tác vận động nhân dân tham gia phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc.
                                                                                                                                                                    Lưu Việt Đức

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG

Tổng số: 4578 | Trang: 1 trên tổng số 458 trang  
Xem tin theo ngày:   / /