Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang tích cực thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”

Chủ nhật, 10/12/2023 - 15:45 Đã xem: 82

Là thành viên Ban Chỉ Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Tuyên Quang đã tích cực triển khai các nội dung nhằm thực hiện hiệu quả Cuộc vận động.

     Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên Website của cơ quan, đơn vị, các trang mạng xã hội, zalo, facebook, fanpage...đến cán bộ, công chức, nhân dân tích cực hưởng ứng, tham gia Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” bằng các hoạt động thiết thực trong mua sắm, tiêu dùng hàng Việt Nam phục vụ trong công việc và cuộc sống hàng ngày; tuyên truyền, vận động để các cơ sở sản xuất nông lâm thủy sản được tiếp cận trình độ quản lý, trình độ kỹ thuật, công nghệ sản xuất, công nghệ chế biến và bảo quản sau thu hoạch, nhằm nâng cao năng suất cây trồng vật nuôi tạo ra sản phẩm hàng hóa có chất lượng, mẫu mã đẹp, giá cả hợp lý, đủ sức cạnh tranh, sản phẩm, hàng hóa đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng.

Người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh lựa chọn mua các sản phẩm sản xuất trên địa bàn tỉnh


    Năm 2023, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo các phòng, đơn vị trực thuộc mua sắm trang thiết bị, vật tư văn phòng phục vụ công việc chuyên môn là hàng Việt Nam. Tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ, viên chức, người lao động sử dụng những sản phẩm OCOP, sản phẩm nông sản đặc sản có chất lượng, nguồn gốc, có đầy đủ thông tin về sản phẩm, hàng hóa thương hiệu Việt Nam được sản xuất trên địa bàn tỉnh như: Cá sạch Na Hang, chè Shan tuyết Hồng Thái của huyện Na Hang; Lạc nhân Thổ Bình của huyện Lâm Bình; Trà đậu đen xanh lòng túi lọc của huyện Chiêm Hóa; Cam sành Hàm Yên, vịt bầu Minh Hương của huyện Hàm Yên; bưởi Xuân Vân, chè xanh Ngọc Thúy, thịt trâu khô Tiến Thành của huyện Yên Sơn; mật ong Tuyên Quang, Chanh Việt Bắc của TP. Tuyên Quang; chè xanh Vĩnh Tân, Trà cà gai leo Hợp Hòa, tinh bột nghệ Tiến Phát, bột sắn dây Thục Sơn, thịt lợn Sáng Nhung của huyện Sơn Dương...
    Chủ trì phối hợp với các Sở, ban ngành và UBND các huyện, thành phố tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quyết định số 325/QĐ-UBND ngày 15/4/2023 về việc thành lập Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Thường xuyên tuyên truyền hướng dẫn và vận động các chủ thể sản xuất đăng ký ý tưởng sản
phẩm và gửi kế hoạch kinh doanh đến xã, phường, thị trấn để đăng ký sản phẩm OCOP và tuyên truyền phổ biến các chính sách của tỉnh để các tổ chức, cá nhân tiếp cận và được hưởng chính sách như: Nghị Quyết số 06/2020/NQ-HĐND ngày 15/12/2020 của HĐND tỉnh quy định về chính sách khuyến khích phát triển hữu cơ trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang; Nghị quyết số 03/2021/NQ-HĐND ngày 16/7/2021 của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hoá; sản phẩm OCOP và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2025; Nghị Quyết số 10/2023/NQ-HĐND ngày 0707/2023 của HĐND tỉnh về quy định về mức hỗ trợ thực hiện dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, dự án phát triển sản xuất cộng đồng thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021 – 2025.
    Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức 03 đoàn xúc tiến thương mại và tìm kiếm thị trường, tiêu thụ sản phẩm nông lâm thuỷ sản an toàn, sản phẩm OCOP và các sản phẩm tiềm năng, đặc sản của tỉnh Tuyên Quang, nhằm kết nối giao thương vào hệ thống phân phối, tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn các tỉnh:Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Bắc Ninh và Thái Nguyên, Thanh Hóa, Nghệ An; tham gia 03 Hội chợ tại thành phố Hà Nội. Tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch hành động bảo đảm an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2023. Kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản nhằm mục đích cảnh báo, truy xuất nguồn gốc sản phẩm và xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật. Qua đó đã từng bước nâng cao ý thức chấp hành các quy định của nhà nước trong việc sản xuất, kinh doanh các sản phẩm vật tư nông nghiệp và thực phẩm nông, lâm, thủy sản của các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong và ngoài tỉnh, góp phần quản lý tốt hơn các sản phẩm vật tư nông nghiệp và thực phẩm nông, lâm, thủy sản lưu thông trên địa bàn tỉnh. Kết quả: Tổ chức kiểm tra được 323 cơ sở và lấy 209 mẫu vật tư nông nghiệp và thực phẩm nông, lâm, thủy sản để kiểm tra chất lượng và an toàn thực phẩm (vật tư nông nghiệp 95 mẫu; thực phẩm nông, lâm, thủy sản 114 mẫu). Kết quả: Phát hiện 11 vụ vi phạm, xử phạt 39.500.000 đồng. Tổ chức xác nhận và duy trì được 29 chuỗi cung ứng thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn; vận động mở và duy trì 18 cửa hàng bán thực phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang và thành phố Hà Nội.
    Thông qua công tác tuyên truyền, vận động thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản trên địa bàn tỉnh đã có những thay đổi về nhận thức trong sản xuất kinh doanh, người dân thay đổi nhận thức trong mua sắm, tiêu dùng theo hướng ưu tiên sử dụng hàng hoá sản xuất trong nước, đặc biệt là các sản phẩm thế mạnh của các địa phương, các sản phẩm nông nghiệp sản xuất trên địa bàn tỉnh đã trở thành mặt hàng thường xuyên được người tiêu dùng tin tưởng sử dụng.

                                                                                                                                                            Đỗ Sang
 

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG

Tổng số: 59 | Trang: 1 trên tổng số 6 trang  
Xem tin theo ngày:   / /