Tuyên Quang triển khai thực hiện hiểu quả Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm"

Thứ Hai, 11/12/2023 - 11:16 Đã xem: 87

Thực hiện Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh", nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền, các ngành chức năng tỉnh Tuyên Quang đã phối hợp với Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền, triển khai thực hiện Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm"; vận động nhân dân, áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ trong sản xuất, nuôi trồng, xây dựng các sản phẩm chủ lực, thế mạnh của địa phương.

    Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, triển khai thực hiện cùng sự quan tâm, giúp đỡ, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền địa phương, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang được thực hiện đã và đang phát huy hiệu quả. Mỗi sản phẩm OCOP đã góp phần nâng cao giá trị hàng hóa làm tăng thu nhập và góp phần cải thiện đời sống vật chất và tinh thần ở vùng nông thôn. 

Bưởi Soi hà (Xuân Vân) sản phẩm đã được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý 


    Tại các huyện, thành phố trong tỉnh đã quy hoạch được các vùng nguyên liệu đặc sản, phát triển các ngành nghề nông thôn, hình thành nhiều sản phẩm OCOP gắn với vai trò như một “đại sứ” chuyển tải những câu chuyện sản phẩm mang tính nhân văn của vùng, miền. Qua đó, thúc đẩy hướng đi về phát triển sinh kế ở những vùng khó khăn và các nhóm yếu thế như: đồng bào dân tộc thiểu số, phụ nữ. Nhiều sản phẩm Ocop của Tuyên Quang đã lọt vào top những sản phẩm “Chất lượng vàng nông nghiệp Việt Nam”, tiêu biểu như: rượu ngô men lá Na Hang, rau an toàn Hồng Thái, Khau Tinh, cá hồ thủy điện Na Hang, chè Shan tuyết Sinh Long, Hồng Thái; chè đặc sản Vĩnh Tân; chè Bát Tiên Mỹ Bằng, mật ong Tuyên Quang được “Tôn vinh sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu”; bưởi Xuân Vân đứng TOP 10 thương hiệu/nhãn hiệu nổi tiếng….
    Thời gian qua, Chương trình OCOP đã tạo sức lan tỏa sâu rộng ở phạm vi cả nước nói chung và địa bàn tỉnh Tuyên Quang nói riêng. Nhiều tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh đã chủ động tham gia với mục tiêu nâng tầm sản phẩm.
Tính đến nay, tỉnh Tuyên Quang có 191 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, cụ thể: Nhóm thực phẩm 171 sản phẩm; nhóm đồ uống 13 sản phẩm; nhóm dược liệu và sản phẩm từ dược liệu 03 sản phẩm; nhóm hàng thủ công mỹ nghệ 01 sản phẩm; nhóm dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch 03 sản phẩm, trên địa bàn 94 xã, phường, thị trấn của 134 chủ thể (gồm: 104 hợp tác xã, 11 doanh nghiệp, 04 tổ hợp tác và 15 hộ kinh doanh), trong đó có: 149 sản phẩm đạt hạng 3 sao, 41 sản phẩm đạt hạng 4 sao và 01 sản phẩm trình Hội đồng OCOP quốc gia đánh giá, phân hạng 5 sao (chè Shan Tuyết Hồng Thái, loại 1 tôm 1 lá). 

Các sản phẩm OCOP tỉnh Tuyên Quang được trưng bày, giới thiệu tại các sự kiện, hội chợ, hội thảo kết nối giao thương tại các địa phương trên cả nước


    Mục tiêu cụ thể đến năm 2025: Tổng số sản phẩm OCOP toàn tỉnh đạt trên 230 sản phẩm; 138/138 xã, phường, thị trấn có sản phẩm tham gia Chương trình OCOP đạt hạng 3 sao trở lên; Tiêu chuẩn hoá 44 sản phẩm đã xếp hạng năm 2020 từ hạng 3 sao lên hạng 4 sao, 5 sao; Tiêu chuẩn hoá 10 sản phẩm tiềm năng 5 sao, lập hồ sơ trình Hội đồng đánh giá, phân hạng cấp Quốc gia, trong đó phấn đấu đến hết năm 2025 có ít nhất 07 sản phẩm OCOP đạt hạng 5 sao (mỗi huyện, thành phố đều có ít nhất 01 sản phẩm hạng 5 sao); Tiêu chuẩn hoá, tổ chức đánh giá, phân hạng mới 209 sản phẩm tham gia Chương trình OCOP, trong đó có ít nhất 150 sản phẩm đạt hạng 3 sao trở lên; định hướng đến năm 2030 đưa Chương trình OCOP trở thành chương trình phát triển kinh tế trọng tâm ở khu vực nông thôn trong tiến trình thực hiện xây dựng thành công Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển kinh tế khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân, thực hiện có hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
    Nhiều sản phẩm đặc trưng trước đây sản xuất theo phương thức truyền thống khi tham gia vào chương trình OCOP đã được chuẩn hóa, sản xuất theo quy chuẩn, tiêu chuẩn chất lượng. Các sản phẩm sau khi công nhận được sử dụng nhãn hiệu OCOP và thứ hạng sao in và dán trên bao bì sản phẩm, nâng tầm và tạo niềm tin đối với người tiêu dùng, đủ điều kiện vào các siêu thị, hệ thống phân phối hiện đại. Đồng thời, OCOP sẽ là cơ sở pháp lý, điều kiện cần thiết để từng bước nâng tầm nông sản Tuyên Quang, mở rộng thương hiệu trong nước và phát triển ra thị trường quốc tế.
    Hiện nay, việc mua các sản phẩm OCOP đã dần trở thành thói quen tiêu dùng hàng ngày của nhiều người dân. Đặc biệt, những sản phẩm OCOP nổi bật của tỉnh như cam sành Hàm Yên, chè Shan Tuyết, chè Khau Mút, mật ong Tuyên Quang… được người tiêu dùng rất ưa chuộng đã mang lại lợi ích cho cả người sản xuất lẫn người tiêu dùng và từng bước khẳng định thương hiệu sản phẩm nông nghiệp xứ Tuyên, từ đó giúp nâng cao thu nhập, thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của nhân dân.

                                                                                                                                                                       Đỗ Sang

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG

Tổng số: 59 | Trang: 1 trên tổng số 6 trang  
Xem tin theo ngày:   / /