Đánh giá kết quả về tổ chức hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng tại xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang

Thứ Ba, 26/9/2023 - 07:23 Đã xem: 187

Sáng nay, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Tuyên Quang tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả về tổ chức hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng tại xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.

Các đại biểu dự hội nghị

 

    Đồng chí Nguyễn Hưng Vượng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh và các Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ tỉnh chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có đại diện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị: Ban Dân vận Tỉnh uỷ; Sở Kế hoạch và Đầu tư; các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh; Văn phòng UBND tỉnh; Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh; Chủ nhiệm (Phó Chủ nhiệm) các Hội đồng tư vấn của Uỷ ban MTTQ tỉnh; cán bộ, công chức cơ quan Uỷ ban MTTQ tỉnh; Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ các huyện, thành phố; đại diện Chủ tịch MTTQ xã, phường, thị trấn; đại diện Ban Thanh tra nhân dân (Ban TTND) và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng (Ban GSĐTCCĐ) trên địa bàn tỉnh.
   Từ năm 2017 đến nay, Ban TTND các xã, phường, thị trấn trong tỉnh thường xuyên được củng cố, kiện toàn kịp thời, đảm bảo về số lượng thành viên và tổ chức hoạt động nề nếp, ổn định. Hiện nay, toàn tỉnh có 138 Ban TTND được thành lập ở 138 xã, phường, thị trấn (đạt 100%), với 1.703 thành viên. Các Ban TTND xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã tổ chức trên địa bàn tỉnh đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật, vị trí, vai trò ngày càng được khẳng định trong đời sống xã hội; nội dung, phạm vi giám sát được mở rộng trên nhiều lĩnh vực, tập trung vào những vấn đề được nhiều người dân quan tâm, bức xúc, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của Nhân dân. Từ năm 2017 đến nay, các Ban TTND xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã tổ chức 1.168 cuộc cuộc giám sát, qua đó đã phát hiện, kiến nghị chủ yếu tập trung vào các nội dung: 
    Giám sát hoạt động của HĐND, UBND cấp xã, giám sát thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở (thông qua việc theo dõi các kỳ họp HĐND, các đợt tiếp xúc cử tri theo định kỳ của đại biểu HĐND, theo dõi việc niêm yết công khai và việc tổ chức triển khai các nghị quyết của HĐND, quyết định của UBND đến khu dân cư...). Qua đó, đã phát huy được vai trò, tiềm năng, sức sáng tạo của Nhân dân tham gia bàn bạc những công việc của địa phương; góp ý kiến xây dựng chính sách, pháp luật, hương ước, quy ước, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền, tham gia giám sát hoạt động của cán bộ, công chức, đảng viên ở khu dân cư. Đồng thời qua giám sát đã có nhiều ý kiến, kiến nghị đóng góp với HĐND, UBND trong việc ban hành và tổ chức thực hiện các nghị quyết, quyết định phù hợp với thực tiễn của địa phương, giúp cho UBND, HĐND kịp thời điều chỉnh những thiếu sót trong quá trình chỉ đạo, quản lý, điều hành và triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị ở cơ sở.
   Giám sát việc thực hiện các công trình, dự án đầu tư do Nhà nước đầu tư và do Nhân dân đóng góp; thu, chi các loại quỹ, các khoản đóng góp của Nhân dân (xây dựng đường bê tông nông thôn, kênh mương nội đồng, trường mẫu giáo, nhà văn hóa thôn…). Qua giám sát, phát hiện một số sai phạm đã kiến nghị chính quyền kiểm tra, xử lý làm lợi cho địa phương, góp phần vào công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ tỉnh Tăng Thị Dương báo cáo kết quả hoạt động của BTTND, BGSĐTCĐ

   Bên cạnh đó, hoạt động của các Ban GSĐTCCĐ cũng dần đi vào nề nếp, hiệu quả, tạo được lòng tin trong Nhân dân, góp phần thực hiện tốt hơn phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” trên lĩnh vực đầu tư theo tinh thần Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn. Từ năm 2017 đến nay, đã có 1.148 công trình xây dựng ở các địa phương trong toàn tỉnh được các Ban GSĐTCCĐ tổ chức giám sát hiệu quả, tác động rõ rệt đến chất lượng, tiến độ của các công trình, dự án, trong đó chủ yếu là các công trình, dự án thực hiện bằng vốn nhà nước và vốn đóng góp của cộng đồng như: Xây dựng nhà văn hóa, trụ sở thôn, trạm y tế, trường học; đường bê tông, kênh mương nội đồng; cầu tràn qua suối; việc xây dựng hầm bể biogas, công trình vệ sinh tự hoại cho đồng bào di dân tái định cư; việc triển khai hỗ trợ làm nhà cho hộ nghèo từ nguồn Chương trình mục tiêu quốc gia vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi... Qua theo dõi, giám sát cho thấy, hầu hết các nhà đầu tư, nhà thầu thi công các công trình đều chấp hành đúng các quy định của pháp luật; một số ít trường hợp có dấu hiệu vi phạm, thiếu sót được các Ban GSĐTCCĐ giám sát, phát hiện và kiến nghị kịp thời đến chủ đầu tư, đơn vị thi công và cơ quan có thẩm quyền giải quyết, khắc phục triệt để. Qua đó, góp phần đảm bảo cho các công trình được thực hiện đảm bảo chất lượng, tạo niềm tin trong Nhân dân và tiền đề cho sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
    Tại hội nghị, những kinh nghiệm hay để nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban TTND, Ban GSĐTCCĐ đã được chia sẻ như: Phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, sâu sát của các cấp uỷ Đảng, sự phối hợp, tạo điều kiện của chính quyền và trách nhiệm của MTTQ các cấp trong hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, kiện toàn tổ chức và hoạt động của các Ban đúng quy định. Phải làm tốt công tác tuyên truyền, giúp cán bộ, đoàn viên, hội viên và Nhân dân hiểu rõ về vai trò, chức năng của Ban TTND, Ban GSĐT của cộng đồng cũng như trách nhiệm của mỗi người dân trong tham gia giám sát, phát huy tốt quyền làm chủ của Nhân dân. Tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao kỹ năng cho các thành viên Ban TTND, Ban GSĐT của cộng đồng; thường xuyên rà soát, củng cố, kiện toàn kịp thời thành viên Ban TTND, Ban GSĐTCCĐ; đảm bảo lựa chọn được các thành viên đủ tiêu chuẩn, điều kiện, có trình độ, kỹ năng và am hiểu pháp luật. Ban GSĐTCCĐ phải được thành lập riêng, đảm bảo đúng quy định; chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể, chi tiết; thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình dư luận và những thông tin phản ánh của người dân địa phương, để tìm hiểu, tổ chức thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ được quy định và kiến nghị cấp có thẩm quyền giải quyết kịp thời; công tác kiểm tra, đánh giá, phân loại, sơ, tổng kết đối với hoạt động của Ban TTND, Ban GSĐTCCĐ và tổ chức rút ra những kinh nghiệm, nhân rộng những mô hình hay, cách làm hiệu quả trong hoạt động của các Ban TTND, Ban GSĐTCCĐ...

Chủ tịch Uỷ ban MTTQ tỉnh Nguyễn Hưng Vượng phát biểu tại hội nghị


    Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Hưng Vượng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh ghi nhận, đánh giá cao Ban TTND, Ban GSĐTCCĐ, trong thời gian qua, đã bám sát chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được quy định, phát huy tốt vai trò đại diện cho Nhân dân, giúp chủ đầu tư của các dự án, công trình tránh được sai sót, tiêu cực, tạo sự đồng thuận trong Nhân dân, góp phần giúp chính quyền cơ sở thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
    Về nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, đồng chí Nguyễn Hưng Vượng đề nghị: MTTQ các cấp tăng cường tổ chức quán triệt các văn bản mới về hoạt động của Ban TTND, Ban GSĐTCCĐ; tổ chức đánh giá định kỳ hoạt động của Ban TTND, Ban GSĐCCĐ, hằng năm kịp thời biểu dương, khen thưởng. MTTQ cấp huyện, cấp xã chủ động làm tốt công tác phối hợp, cung cấp thông tin về dự án, công trình trên địa bàn xã để Ban TTND, Ban GSĐTCCĐ tổ chức giám sát. MTTQ cấp xã thường xuyên quan tâm công tác củng cố kiện toàn Ban TTND, Ban GSĐTCCĐ đủ về số lượng, có năng lực, đáp ứng được các yêu cầu nhiệm vụ đề ra; phối hợp UBND cùng cấp cân đối kinh phí cho hoạt động của Ban TTND theo quy định; trước quý 4 hằng năm, căn cứ vào chương trình, kế hoạch của HĐND, UBND cùng cấp, chủ động đôn đốc, hướng dẫn Ban TTND xây dựng chương trình, kế hoạch, dự trù kinh phí hoạt động của Ban TTND cho năm sau. Hằng năm, MTTQ tỉnh lựa chọn nội dung giám sát cụ thể, hướng dẫn chi tiết để tập huấn cho Ban TTND, Ban GSĐTCCĐ. Đồng chí Chủ tịch Uỷ ban MTTQ tỉnh Nguyễn Hưng Vượng đề nghị Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam xem xét, sớm ban hành văn bản mới thay thế Thông tri số 25/TT-MTTW-BTT ngày 10/8/2017 của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; nâng mức kinh phí cho hoạt động của Ban TTND, Ban GSĐTCCĐ; xem xét kinh phí hoạt động của Ban TTND cân đối trong kinh phí của MTTQ cùng cấp.

    Các đồng chí lãnh đạo Uỷ ban MTTQ tỉnh trao bằng khen cho các tập thể:

Chủ tịch Uỷ ban MTTQ tỉnh Nguyễn Hưng Vượng trao bằng khen cho các tập thể

Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ tỉnh Tăng Thị Dương trao bằng khen cho các tập thể

                                     Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ tỉnh Lê Ngọc Tân trao bằng khen cho các tập thể


    Dịp này, Ủy ban MTTQ tỉnh Tuyên Quang tặng Bằng khen cho 35 tập thể có thành tích xuất sắc trong thực hiện công tác Thanh tra nhân dân và Giám sát đầu tư cộng đồng giai đoạn 2017 - 2023./.

                                                                                                                                                                               Hà Sen


 

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG

Tổng số: 775 | Trang: 1 trên tổng số 78 trang  
Xem tin theo ngày:   / /