Hội CCB huyện Chiêm Hóa nỗ lực phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới

Thứ Hai, 8/5/2023 - 13:49 Đã xem: 202

Đánh giặc ngoại xâm đã khó, chống lại giặc nghèo lại càng khó khăn hơn khi mà hầu hết các cựu chiến binh (cựu chiến binh) sau khi rời quân ngũ chỉ có đôi bàn tay trắng, trong đó có nhiều người còn mang trong mình thương tích và nỗi ám ảnh của chiến tranh.

    Nhưng với suy nghĩ rất giản dị, ra đi từ đâu sẽ bắt đầu từ đó, nhiều CCB đã chọn cách trở về quê hương để gây dựng cuộc sống và nhiều người trong số đó đã thành công. Phát huy phẩm chất bộ đội cụ Hồ, hội viên Hội Cựu chiến binh huyện Chiêm Hóa luôn gương mẫu, tích cực, cần cù, sáng tạo, tập trung phát triển kinh tế, vươn lên giảm nghèo bền vững. Đến nay, đời sống của hội viên ngày càng được nâng cao, số hộ khá, giàu tăng theo từng năm. Qua đó, góp phần xây dựng quê hương ngày càng phát triển cũng như xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

 

Cựu chiến binh Nông Thanh Thầm, Chi hội Khuôn Trú (Yên Nguyên) chăn nuôi trâu mang lại thu nhập ổn định cho gia đình


    Rời quân ngũ trở về địa phương mang trong mình những vết thương chiến tranh, nhưng CCB Nông Thanh Thầm thương binh hạng 4/4 Chi hội thôn Khuôn Trú xã Yên Nguyên luôn tâm niệm “còn sống là còn cống hiến” ông Thầm luôn nỗ lực trong phát triển kinh tế. hơn 30 năm rời quân ngũ, nhưng với ông Thầm chưa một ngày ngừng nghỉ cống hiến. Vốn có nghề thú y, ông Thầm đã chữa trị cho rất nhiều trâu, bò trên địa bàn xã và một số xã lân cận. Nhưng cuộc đời ông lại 1 lần nữa trải qua cửa tử, năm 2011 ông bị ung thư vòm họng, bao tiền của dốc hết vào điều trị bệnh, sức khỏe ổn định, ông Thẩm lại tiếp tục với công việc của mình ở thôn và nghề thú y. Năm 2020, căn bệnh ung thư trực tràng xuất hiện trong cơ thể ông, lại 1 lần nữa ông Thẩm chống chọi với bệnh tật. Bằng ý chí nghị lực, ông đã vượt qua bạo bệnh, sống vui, sống khỏe cùng con cháu. Đặc biệt, ông vẫn duy trì và phát triển đàn vật nuôi của gia đình, tuy giá cả thị trường hằng năm không ổn định nhưng vẫn mang lại tổng thu nhập cho gia đình ông khoảng 200 triệu đồng, ông còn thường xuyên đi chữa trị đàn vật nuôi cho người dân trên địa bàn xã.
     Trở về địa phương năm 1985, CCB Trương Văn Học, Chi hội thôn Càng Nộc, xã Hòa Phú đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi để phát triển kinh tế hộ gia đình. Mô hình chăn nuôi lợn thương phẩm và sinh sản được gia đình ông Học lựa chọn. Cũng trải qua nhiều lần thất bại từ chăn nuôi, do giá cả thị trường, dịch bệnh. Nhưng với tính cần cù chịu khó, không khuất phục trước thất bại, ông Học vẫn bám trụ với nghề chăn nuôi lợn. Nhờ vậy, kinh tế gia đình ông cũng được đảm bảo, đem lại tổng thu nhập hằng năm khoảng 300 triêu đồng con cái được học hành và có nghề nghiệp ổn định. Không chỉ phát triển kinh tế cho gia đình, ông Học còn luôn nhiệt tình với phong trào tại địa phương. Với ông, được bà con tin yêu là cơ hội để ông tiếp tục cống hiến sức lực của mình để xây dựng quê hương. Hơn 20 năm làm Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn, nay lại làm người có uy tín trong thôn, ông Học luôn tích cực vận động nhân dân tham gia phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá", tập trung phát triển kinh tế. Ông Học luôn tâm niệm dù trong thời chiến cũng như thời bình phải sống, làm việc và học tập theo gương Bác trong từng hành động và thực tiễn cuộc sống.

Mô hình chăn nuôi và KD tổng hợp mang lại thu nhập ổn định của CCB Trương Văn Học thôn Càng Nộc, Hòa Phú


    Với CCB Nguyễn Bằng Giang, thương binh 2/4, Chi hội thôn Yên Quang xã Yên Nguyên là người luôn nỗ lực phát triển kinh tế bằng kinh doanh buôn bán hàng tạp hóa, vật liệu xây dựng, gia dụng, đồ điện, mỗi năm đem lại thu nhập cho gia đình khoảng 250 triệu đồng. Rời quân ngũ, bỏ lại một phần cơ thể tại chiến trường, CCB Nguyễn Bằng Giang, đi lại khó khăn, nhưng chưa một giây phút nào ông Giang từ bỏ nỗ lực. Vợ mất sớm, vừa làm cha vừa làm mẹ, ông Giang làm đủ nghề để kiếm sống để nuôi dạy các con. Sau bao năm vất vả, đến nay các con của ông đã khôn lớn, có công ăn việc làm ổn định. Giờ đây ở cái tuổi gần 70, ông lại hỗ trợ các con việc kinh doanh cũng như nuôi dạy con cái.
     Giữ lời hứa với đồng đội “ai được trở về từ cuộc chiến sẽ thay người nằm lại nơi chiến trường làm giàu cho quê hương” lời hứa đó mãi mãi không phai nhòa trong tâm trí CCB Nông Văn Chư, Chi hội thôn Đèo Chắp, xã Hòa Phú. Rời quân ngũ trở về địa phương, anh Chư nhận thấy phát triển cây rau màu rất phù hợp với điều kiện tự nhiên xã nhà. Anh đã tập trung phát triển cây rau màu, trong đó tập trung vào cây dưa leo. Đặc biệt năm nay, anh tập trung vào phát triển cây ớt. Được mùa, được giá, mang lại tổng thu nhập hằng năm khoảng 250 triệu đồng. Đời sống của gia đình anh Chư ngày một nâng lên, anh giúp đỡ nhiều hộ gia đình trong thôn, trong xã về khoa học kỹ thuật và kinh nghiệm trong trồng cây rau màu. Đặc biệt, anh luôn là người đi đầu trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm, liên doanh, liên kết để tiêu thụ sản phẩm nông sản cho gia đình và người dân.
     Trong ngôi nhà cấp 4 khang trang vừa xây xong của gia đình CCB Nguyễn Văn Vị, hội viên Chi hội CCB thôn Lăng Cuồng, xã Hòa Phú đầy ắp niềm vui và tiếng cười. Đây là một trong những căn nhà được Hội CCB tỉnh và huyện hỗ trợ trong năm nay cho hội viên khó khăn về nhà ở. Từ nguồn quỹ "Nghĩa tình Cựu chiến binh” đã thể hiện tinh thần đoàn kết "lá lành đùm lá rách”, tạo điều kiện giúp hội viên nghèo vươn lên trong cuộc sống.
      Thực hiện phong trào CCB thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, gắn với phong trào thi đua “CCB gương mẫu” Hội CCB huyện Chiêm Hóa đã tích cực hưởng ứng, đi đầu trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả. Trong quá trình phát triển sản xuất, Hội CCB huyện đã chỉ đạo Hội CCB cơ sở thường xuyên tổ chức cho các hội viên trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc các loại cây trồng, vật nuôi. Hội đã có nhiều giải pháp cụ thể thiết thực như tuyên truyền vận động hội viên phát huy tinh thần làm chủ, tự lực, tự cường, năng động, sáng tạo trong lao động sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tăng đàn gia súc, gia cầm trong hộ hội viên cựu chiến binh, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất thâm canh. 

Lãnh đạo Hội CCB xã Hòa Phú trao kinh phí hỗ trợ hội viên Nguyễn Văn Vị, Chi hội CCB thôn Lăng Cuồng làm nhà ở


   Toàn huyện hiện có trên trên 5.200 hội viên CCB, sinh hoạt ở 284 Chi hội. Khi đất nước còn chiến tranh, họ dâng hiến tuổi thanh xuân để đánh đuổi giặc ngoại xâm, giành độc lập dân tộc và tham gia xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Thời bình, từ người lành lặn đến người khiếm khuyết để lại một phần cơ thể nơi chiến trường, họ đều động viên nhau vượt qua khó khăn trong cuộc sống. Giờ đây, họ vẫn đang tiếp tục có mặt trên những “trận tuyến” mới, dùng trí tuệ và bản lĩnh đã được tôi luyện trên chiến trường để vẽ nên những mảng màu tươi sáng thêm sinh động cho bức tranh cuộc sống…Hiện nay, trên địa bàn có 21 mô hình CCB sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh, 66 mô hình cấp huyện và 121 cấp xã. Số hộ hội viên nghèo giảm nhiều so với những năm trước đây, nhiều hộ hội viên CCB đã thoát nghèo vươn lên làm giàu chính đáng.
    Còn rất nhiều những tấm gương CCB, họ là những người đã, đang và sẽ tiếp bước truyền thống Quân đội nhân dân Việt Nam. Trong thời chiến, họ là những người anh hùng trên chiến trường, chiến đấu hết mình để bảo vệ Tổ quốc, trong thời bình, trở về quê hương, họ tiếp tục phát huy phẩm chất “bộ đội cụ Hồ”, truyền thống Cựu chiến binh “Trung thành, đoàn kết, gương mẫu, đổi mới” hăng say lao động, làm kinh tế giỏi từ chính bàn tay, đôi chân không còn nguyên vẹn của mình. Với mong muốn cùng vươn lên xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, xây dựng quê hương Chiêm Hóa ngày càng giàu đẹp, văn minh./. 
                                                                                                                                Đỗ Sang                                                  

    

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG

Tổng số: 391 | Trang: 1 trên tổng số 40 trang  
Xem tin theo ngày:   / /