Xác định chuyển đổi số trong khu vực kinh tế tập thể có ý nghĩa hết sức quan trọng, thời gian qua, Liên minh hợp tác xã (HTX) tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động và có những hoạt động hỗ trợ nhằm giúp các HTX tích cực chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tìm kiếm thị trường cho sản phẩm của mình.
Là một trong những HTX đi đầu trong việc chuyển đổi số, ngay từ khi thành lập vào năm 2019, HTX Dịch vụ chế biến nông lâm, lâm nghiệp Hợp Hòa, xã Hợp Hòa (Sơn Dương) được đã gắn liền với cây cà gai leo. Đến nay, HTX đã không ngừng phát triển và mở rộng vùng nguyên liệu trồng với 13 thành viên và hơn 100 hộ liên kết trồng cà gai leo.
Anh Bùi Văn Hoàng, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ chế biến nông lâm, lâm nghiệp Hợp Hòa cho biết, từ khi thành lập, HTX đảm bảo thu mua ổn định nguồn nguyên liệu cho bà con, trung bình mỗi ha cà gai leo cho sản lượng 10 tấn sản phẩm khô/năm, với giá bán bình quân 28 triệu đồng/tấn, mỗi ha cà gai leo cho thu nhập khoảng 280 triệu đồng/năm. Trừ hết chi phí mỗi ha cà gai leo cho người nông dân thu lãi trên 160 triệu đồng. Sản phẩm có quanh năm đồng nghĩa với việc thị trường tiêu thụ phải ổn định thì thu nhập của thành viên mới được bảo đảm.
HTX Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Sử Anh, phường Mỹ Lâm (TP Tuyên Quang) ứng dụng chuyển đổi số
vào hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Với mục tiêu không để đứt gãy chuỗi sản xuất, HTX đã linh hoạt tìm kiếm thị trường thông qua mạng xã hội và sàn thương mại điện tử. Từ năm 2020 đến nay, dù gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19, các sản phẩm của HTX vẫn đều đặn xuất bán ra thị trường. Đặc biệt, thông qua mạng xã hội, sàn thương mại điện tử Smartgap, Postmart, Shopee, Lazada, Tiki... HTX đã tiếp cận được các cửa hàng bán lẻ, khách hàng có nhu cầu, chính vì vậy thị trường tiêu thụ đa dạng, không có tình trạng hàng tồn do không tiêu thụ được. Hiện nay, sản phẩm cà gai leo Hợp Hòa của HTX đã có mặt tại các thị trường như Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Bắc Ninh, thành phố Hồ Chí Minh.
Theo chị Bùi Thanh Hà, thành viên HTX Chăn nuôi ong Phong Thổ (TP Tuyên Quang), việc ứng dụng chuyển đổi số không chỉ giải quyết bài toán quản trị doanh nghiệp, lấy niềm tin từ người tiêu dùng, mà còn đem lại nhiều lợi ích khác như giảm thiểu công sức lao động, tăng cường năng suất và chất lượng sản phẩm. Nhờ đó, HTX đã có thể bán được sản phẩm của mình với giá cao hơn 20% các sản phẩm khác. Bởi các sản phẩm mật ong của HTX luôn có đầy đủ và minh bạch thông tin truy xuất nguồn gốc, tạo sự an tâm cho người tiêu dùng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, trên thực tế, số lượng HTX chuyển đổi số vẫn còn ít, việc chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều HTX vẫn còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Trong đó, nhiều HTX nguồn lực hạn chế nên chưa đầu tư được trang thiết bị máy móc hiện đại để phục vụ sản xuất, kinh doanh, chưa hiểu rõ cách thức triển khai thực hiện chuyển đổi số trong khâu sản xuất; việc tổ chức sản xuất đa phần vẫn theo phương thức truyền thống, sản xuất quy mô nhỏ lẻ, hạ tầng công nghệ lạc hậu, trình độ nguồn nhân lực hạn chế...
Sản phẩm cà gai leo của HTX Dịch vụ sản xuất, chế biến Nông lâm nghiệp Hợp Hòa, xã Hợp Hòa (Sơn Dương) đạt OCOP 4 sao luôn được người tiêu dùng tin dùng.
Bà Phạm Thị Hoài, Giám đốc HTX Thủy sản Làng Chài, thị trấn Na Hang (Na Hang) cho biết, HTX hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực nuôi cá lồng. Qua tìm hiểu thực tế ở một số nơi cũng như tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về chuyển đổi số, bà nhận thấy việc chuyển đổi trong các khâu sản xuất, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của HTX. Tuy nhiên, bản thân các thành viên chưa biết cách làm, đồng thời cũng chưa có nguồn lực để đầu tư hạ tầng hiện đại đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số trong khâu sản xuất. Việc chăn nuôi cá lồng chủ yếu dùng các trang thiết bị tự chế, người lao động trong HTX vẫn trực tiếp thực hiện tất cả các bước trong sản xuất, thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm.
Đồng chí Cao Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho rằng, việc chuyển đổi số trong hệ thống HTX trong giai đoạn này là việc làm cần thiết. Để nâng cao năng lực chuyển đổi số của các HTX, thời gian tới, Liên minh HTX tỉnh sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức tập huấn, đào tạo, hội thảo chuyên đề nâng cao nhận thức, trình độ cho cán bộ quản lý HTX về lợi ích của việc ứng dụng công nghệ số, thương mại điện tử, tập trung vào kỹ năng tiếp thị, bán hàng; tổ chức cho lãnh đạo quản lý HTX tham quan các HTX đã sử dụng công nghệ số, từ đó học hỏi, triển khai rộng rãi trên toàn tỉnh. Liên minh HTX tỉnh cũng rất mong các ngành chức năng hỗ trợ ứng dụng giải pháp công nghệ chuyển đổi số cho các HTX, thông qua việc xây dựng các gói hỗ trợ giải pháp công nghệ cho các lĩnh vực, ngành nghề khác nhau. Qua đó, góp phần tích cực vào chuyển đổi số cho các HTX, thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể hiệu quả hơn...
Theo Báo Tuyên Quang