Món quà mùa thu

Thứ Tư, 23/9/2020 - 11:12 Đã xem: 2529

Cây hồng đã có từ lâu đời, rất phù hợp với khí hậu thổ nhưỡng của vùng đất Tuyên Quang. Có hai loại hồng, một loại khi chín có màu đỏ quả mọng nước và loại hồng ngâm, khi chín có màu vỏ xanh pha vàng. Quả hồng ăn vừa ngon vừa bổ dưỡng nên hầu như trong vườn mỗi gia đình nông dân ở Tuyên Quang đều trồng vài gốc vừa để ăn trái vừa làm bóng mát.

      Hồng trồng bằng cây con là tốt hơn cả, cây khỏe, bền, to với thời gian hàng trăm năm. Cây hồng cho thu hoạch rộ nhất vào rằm tháng 8 hằng năm, bởi vậy trong mâm cỗ Trung thu không thể thiếu vị quả hồng. Vào mùa đông đặc điểm của cây hồng là lá ngả màu vàng đỏ rồi rụng hết, mùa Xuân cây lại nảy lộc đâm chồi.

 

Giống hồng ngâm đặc sản được bán nhiều tại chợ quê xã Côn Lôn, Na Hang.

Hồng ngâm không hạt xã Xuân Vân, Yên Sơn đã được đăng ký nhãn hiệu hàng hóa.


     Ở Tuyên Quang cây hồng được trồng nhiều nhất và đã có thương hiệu chính là giống hồng ngâm bản địa Xuân Vân (Yên Sơn). Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Sơn, hiện nay toàn xã có khoảng 20 ha diện tích cây hồng ngâm đặc sản. Năng suất 5 tấn/ha, mỗi năm Xuân Vân xuất ra thị trường khoảng 100 tấn hồng ngâm với giá bán tại vườn khoảng 20 - 25 nghìn đồng/kg, doanh thu trên 2 tỷ đồng.
      Những ngày này, chuẩn bị cho rằm Trung thu, các gia đình trồng hồng ở Xuân Vân đang chuẩn bị cho một mùa thu hoạch quả. Ông Khúc Văn Dũng ở thôn Sơn Hạ 4, chủ nhân của cây hồng trên 100 năm tuổi cho biết: Cây hồng "đại lão" này được các cụ trong dòng họ Khúc trồng và truyền lại cho con cháu đã được 4 đời. Hiện cây vẫn xanh tốt, cho quả sai, ăn giòn, ngọt. Từ cây hồng tổ này gia đình ông Khúc Văn Dũng đã nhân ra biết bao cây hồng con. Rất may từ năm 2016, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ tỉnh Tuyên Quang đã triển khai Dự án “Nghiên cứu, tuyển chọn, phát triển và xây dựng nhãn hiệu tập thể giống hồng ngâm Xuân Vân” nên những cây hồng quý như nhà ông Dũng được liệt vào những cây đầu dòng để nhân giống ra những cây con thuần chủng cho bà con.
      Hồng không hạt Xuân Vân có đặc điểm quả thuôn dài, có từ 3 - 4 rãnh dọc kéo dài từ cuống đến giữa quả. Lúc mới hái, hồng to bằng quả trứng gà so, khoảng 15 - 16 quả/kg, vỏ xanh bóng chen lẫn những ánh vàng. Mỗi quả có 4 tai dính liền rất khó rụng. Quả hoàn toàn không hạt, mặt cắt ngang của quả có hình hoa thị 8 - 12 cánh đều nhau, màu hơi đỏ tương phản với màu thịt quả. Quả hồng hái về không cần xử lý hóa chất, sau khi ngâm qua nước sạch trong 2 ngày 2 đêm là có thể ăn được. Thịt quả màu đỏ vàng da cam đến vàng đậm, mịn và có rất ít đốm đen, có hạt cát đường nên khi ăn có vị ngọt đậm, giòn và mùi thơm đặc trưng. Ông Hứa Văn Tú, thôn Đô Thượng 2, xã Xuân Vân khẳng định, nhờ có 200 gốc hồng mà gia đình ông thu mỗi năm trên 50 triệu đồng.
      Ngoài xã Xuân Vân, xã Bình Phú (Chiêm Hóa) cũng có giống hồng ngâm ngon giòn, ngọt nổi tiếng. Được sự hỗ trợ cây giống từ nguồn vốn 135, đến nay Bình Phú trồng được 30 ha cây hồng không hạt ở tất cả các thôn. Anh Chu Văn Vịnh, thôn Phú Lâm trồng trên 100 cây hồng trồng bằng cây con và chiết ghép, cây sinh trưởng, phát triển tốt. Khoảng 3 - 4 năm cây đã ra quả, ưu điểm là cây ít phải chăm sóc, kháng sâu bệnh tốt nên người dân không phải mất nhiều công chăm sóc. Nếu mỗi nhà có từ 20 - 100 gốc, khi trưởng thành mỗi năm thu vài triệu đồng mỗi gốc, hiệu quả kinh tế rõ rệt. Trong xây dựng nông thôn mới, cây hồng ngâm ở xã Bình Phú được chọn là sản phẩm chủ lực của huyện Chiêm Hóa.
      Tại thời điểm tháng 8, 9 hằng năm, nếu du khách đi qua chợ phiên Yên Hoa, Đà Vị (Na Hang) sẽ thấy hồng ngâm được bày bán rất nhiều ở chợ. Khu vực trồng nhiều giống hồng quý này là xã Côn Lôn, Đà Vị và Hồng Thái. Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Quang Bằng (Phú Thọ) đi chợ phiên Côn Lôn phải thốt lên rằng, giống hồng thóc ở đây cực ngon. Hương vị không đâu sánh bằng, anh đã mua cả yến về làm quà.
      Ngoài giống hồng ngâm nổi tiếng, giống hồng khi chín quả đỏ mọng cũng được trồng nhiều ở xã Tràng Đà (TP Tuyên Quang). Ông Lê Tiến Thắng, xóm 5, xã Tràng Đà là người trồng hàng trăm cây hồng mọng tâm sự, dưới chân dãy núi đá vôi Yên Lĩnh rất thích hợp cho cây hồng phát triển. Đến nay, toàn xã Tràng Đà cũng có trên 20 ha cây hồng. Hồng Tràng Đà là giống hồng chín mọng đặc sản, quả to khác với giống hồng “thóc” ngâm giòn ở nơi khác. Khách ăn vào khó quên vị ngọt và hương thơm thanh mát, món quà quê mà nhiều du khách rất thích mua về làm quà khi tới Tuyên Quang. Theo ông Thắng, vào vụ, các lái buôn lại đến các địa phương có giống hồng đặc sản mua gom mang về xuôi bán với giá cao từ 30 - 40 nghìn đồng/kg. Với diện tích hồng trên, sản lượng chưa đủ cung cấp cho thị trường rộng lớn. Nhưng hướng đi của cây hồng xứ Tuyên còn rất nhiều tiềm năng trong thời gian tới.

                                                                                         Theo Báo Tuyên Quang

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG

Tổng số: 59 | Trang: 1 trên tổng số 6 trang  
Xem tin theo ngày:   / /