Người Dao làm kinh tế giỏi

Thứ Ba, 26/4/2022 - 09:31 Đã xem: 1206

Từng nhiều lần thất bại trong phát triển kinh tế nông nghiệp, ông Vũ Ngọc Đình, dân tộc Dao, thôn Lục Mùn, xã Phúc Ninh (Yên Sơn) đã định rời bỏ nơi chôn nhau, cắt rốn để đến vùng đất mới. Nhưng mảnh đất mẹ vẫn níu chân ông và bằng sự cần cù, hăng say lao động, ông đã tìm được hướng đi mới trong phát triển kinh tế, vươn lên trở thành hộ giàu của địa phương. Ông vinh dự được UBND tỉnh khen thưởng đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2016 - 2020.

     Vốn là người chịu khó, năng động, ham học, mấy chục năm qua, ông Đình luôn là 1 trong những người tiên phong trong việc phát triển kinh tế của địa phương nhưng đều không đem lại hiệu quả cao, thậm chí còn thua lỗ nhiều. Ông đã 2 lần đi miền Nam và Tây Nguyên đi học làm nông nghiệp. Thấy vùng đất nơi đó trù phú, người nông dân hăng say lao động, cuộc sống khá giả nên ông đã bán hết đất đai, nhà cửa, chọn vùng đất Tây Nguyên là quê hương thứ 2. Song cuộc mua bán không thành công, ông Đình ngậm ngùi ở lại với mảnh đất nghèo với quyết tâm “Họ làm được, nhất định mình sẽ làm được”.

 

Ông Vũ Ngọc Đình chăm sóc cây bưởi.


     Năm 1998, học hỏi mô hình trồng na dai trên núi đá ở tỉnh Lạng Sơn, ông Đình mạnh dạn trồng và sản xuất giống cây na cung ứng cho bà con. Cách đây chục năm, nhận thấy cây mía không còn hiệu quả cao, ông trồng xen cây bưởi với mía. Dần dần, cây bưởi trở thành cây trồng chủ lực của gia đình ông. Từ vài chục cây bưởi, đến nay, ông Đình đã nhân rộng diện tích trên 1.200 cây, tổng diện tích trên 3,5 ha với các loại bưởi Đường Soi Hà, đường lá nhăn, bưởi Diễn. 
     Ông thường tham gia các lớp tập huấn về trồng cây ăn quả do khuyến nông tổ chức. Đồng thời, ông còn học hỏi thêm ở các nhà vườn trên địa bàn xã, huyện; áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến trên cây trồng: thụ phấn hoa bổ sung cho cây na, cây bưởi; bón phân hữu cơ, không phun thuốc trừ cỏ, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học, tưới nước theo chu kỳ… Bởi vậy, chất lượng quả na, bưởi của gia đình ông đạt chất lượng cao. Tư thương luôn đến tận nhà ông đặt mua, doanh thu năm sau luôn cao hơn năm trước. Năm 2017, UBND huyện công nhận mô hình của ông đạt tiêu chí trang trại, với doanh thu một năm đạt trên 750 triệu đồng.
     Ông Đình là tấm gương tiêu biểu trong phát triển kinh tế của thôn, xã. Hưởng ứng phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, ông là một trong những người tích cực vận động các hộ dân trong thôn phá bỏ vườn tạp chuyển đổi trồng cây ăn quả. Thôn Lục Mùn có trên 100 hộ dân. Hiện nay, 100% các hộ gia đình trong thôn các hộ đều trồng cây ăn quả với tổng diện tích trên 62 ha. Trong đó có 47 ha cây bưởi, 15 ha cây na.
     Thực hiện chỉ đạo của Hội Nông dân huyện về thành lập tổ, hội nghề nghiệp, năm 2020, ông Đình đã tích cực vận động 11 hộ trong thôn thành lập tổ nghề nghiệp trồng cây ăn quả. Với vai trò là tổ trưởng, ông tích cực hướng dẫn, định hướng cho thành viên áp dụng đồng bộ tiến bộ khoa học kỹ thuật trong quá trình trồng, chăm sóc, thu hoạch cây ăn quả nhằm nâng cao chất lượng, giá thành sản phẩm đem lại thu nhập cao hơn nữa cho thành viên.     

                                                                              Theo Báo Tuyên Quang

Xem tin theo ngày:   / /