Tuyên Quang: Một số nét nổi bật trong thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"

Thứ Ba, 18/1/2022 - 17:03 Đã xem: 1510

Năm 2021, Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã được Ban Chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh tổ chức triển khai thực hiện, khơi dậy lòng tự tôn, tự hào dân tộc, tạo được sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành vi của mỗi người dân trong tiêu dùng, hầu hết người tiêu dùng đã nhận thức sâu sắc hơn về ưu tiên sử dụng sản phẩm hàng Việt Nam, sản phẩm hàng hóa do tỉnh sản xuất.

Đ/c Nguyễn Hưng Vượng, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh Tuyên Quang phát biểu tại hội nghị triển khai Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư.

 

Kịp thời tham mưu triển khai văn bản của Trung ương về Cuộc vận động

    Thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" trong tình hình mới; Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh - Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh đã kịp thời tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Văn bản triển khai thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng; kiện toàn Ban Chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh và Bộ phận Thường trực (giúp việc) Ban Chỉ đạo cấp tỉnh; ban hành Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư và Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh; đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn việc tổ chức, triển khai thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW của Ban Bí thư và chỉ đạo kiện toàn Ban Chỉ đạo Cuộc vận động cấp huyện.

    Các cơ quan, đơn vị thành viên Ban Chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh; Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức thành viên đã xây dựng kế hoạch thực hiện; tổ chức tuyên truyền đến toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động trong các doanh nghiệp, đoàn viên, hội viên và Nhân dân trên địa bàn với nhiều hình thức đa dạng, thông qua đội ngũ báo cáo viên, cộng tác viên, nhóm Zalo, Bản tin nội bộ, Trang thông tin điện tử của các cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo với nhiều hình thức đa dạng, phong phú.

Các hoạt động thúc đẩy cho người tiêu dùng sử dụng hàng Việt

    Tổ chức Hội chợ OCOP Tuyên Quang năm 2021 và Công bố chỉ số Cam sành Hàm Yên tại tỉnh Tuyên Quang. Phát động Phong trào “Người Tuyên Quang ưu tiên sử dụng nông sản Tuyên Quang năm 2021 tạo chuyển biến tích cực trong các cơ quan, đơn vị và Nhân dân trên địa bàn tỉnh về ý thức ưu tiên sử dụng nông sản Tuyên Quang, góp phần đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, tiêu thụ nông sản của tỉnh trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài, đảm bảo giữ vững được thương hiệu, giá cả ổn định gắn với Phong trào thi đua “Đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, sử dụng sản phẩm sản xuất trên địa bàn tỉnh”. Tăng cường phối hợp triển khai thực hiện Kế hoạch của UBND tỉnh về Mỗi xã một sản phẩm”; phát triển nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh với 79 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP (62 sản phẩm 3 sao, 17 sản phẩm 4 sao), có 90 sản phẩm đăng ký nhãn hiệu, trong đó có 54 sản phẩm đã được bảo hộ của Cục Sở hữu trí tuệ; trên 200 sản phẩm được dán tem truy xuất nguồn gốc; 24 cơ sở được chứng nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Tham gia gian hàng trưng bày, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của tỉnh tại Hội nghị kết nối giao thương giữa nhà cung cấp với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại tại tỉnh Yên Bái và Tuần lễ giới thiệu nông sản, đặc sản an toàn, sản phẩm OCOP tỉnh Hà Nam năm 2021 tại Hà Nội. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với tổ chức Rikolto International (Bỉ) thực hiện Dự án “Cải thiện thực hành nông nghiệp bền vững và kết nối thị trường cho nông hộ nhỏ”.

     Duy trì, nâng cấp Sàn giao dịch thương mại điện tử Tuyên Quang, cập nhật thông tin 79 sản phẩm OCOP của tỉnh, 141 sản phẩm của 164 doanh nghiệp lên Sàn. Tiếp tục xây dựng chợ đầu mối nông sản, thực phẩm an toàn, hữu cơ tại Chợ thị trấn Sơn Dương và Chợ xã Tú Thịnh. Vận động các thương nhân, chủ cơ sở, doanh nghiệp treo băng rôn, khẩu hiệu tại các siêu thị, chợ trung tâm, cơ sở bán hàng tiêu dùng với các nội dung:“Kinh doanh lành mạnh, tiêu dùng bền vững”;“Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là trách nhiệm chung của toàn xã hội”; “Tuần  bán  hàng  vì  người  tiêu dùng”; tổ chức các hoạt động Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2021 với chủ đề “Kinh  doanh  trách  nhiệm,  tiêu  dùng bễn vững trong thời kỳ bình thường mới”.

    Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy thông qua hội nghị báo cáo viên định kỳ và hội nghị giao ban hàng tháng định hướng cho các cơ quan báo chí và đội ngũ báo cáo viên tuyên truyền về Cuộc vận động; Ban Dân vận Tỉnh ủy chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua "Dân vận khéo" trên lĩnh vực kinh tế gắn với nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa của tỉnh đã phát huy thế mạnh, tiềm năng của từng địa phương trong tỉnh, thúc đẩy sản xuất hàng hóa và sử dụng hàng Việt. Báo Tuyên Quang xây dựng“Bản tin sản xuất và tiêu dùng” trên Báo Tuyên Quang Online; thực hiện 1.816 tin, bài, ảnh trên các Báo in, Báo Tuyên Quang Online; Báo Tuyên Quang vùng cao; trong đó tập trung tuyên truyền Chỉ thị số 03-CT/TW của Ban Bí thư, các văn bản, kế hoạch của Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động, của Tỉnh ủy và Ban Chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh; đồng thời  phản ánh các hoạt động của lực lượng quản lý thị trường trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và doanh nghiệp.  Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh phát sóng gần 2.000 lượt tin, phóng sự, ảnh (bằng 5 thứ tiếng Việt, Tày, Dao, Cao Lan, Mông) có nội dung tuyên truyền thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên sóng phát thanh, truyền hình và trang thông tin điện tử tổng hợp. Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tuyên truyền bằng xe loa; trên Cổng thông tin điện tử của Sở, Internet; treo pano, băng zôn khẩu hiệu; biên tập trên 15 tin bài tuyên truyền, tổ chức 1.510 buổi tuyền truyền tại cơ sở; treo 205 băng rôn, khẩu hiện tuyên truyền, trong đó có nội dung về tuyên truyền thực hiện Cuộc vận động…

 

Nhân dân mua sắm sản phẩm hàng hóa Việt tại Trung tâm Nông sản xanh - Sáng Nhung, Phường Phan Thiết, thành phố Tuyên Quang ( Trung tâm cung cấp sản phẩm thịt lợn thảo dược, sản phẩm độc quyền của Hợp tác xã chế biến, sản xuất thực phẩm an toàn Sáng Nhung và trên 100 sản phẩm OCOP trong tỉnh...)

 

      Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp trong tỉnh phối hợp giải cứu nông sản cho hội viên và Nhân dân tại các thôn bị phong tỏa cách ly Covid-19 với 950 kg rau củ các loại; phối hợp với Bưu điện tỉnh và Cục Quản lý thị trường Tuyên Quang hỗ trợ tiêu thụ gần 03 tấn vải thiều trong Chương trình “Hỗ trợ nông dân tỉnh Bắc Giang tiêu thụ vải thiều”; phối hợp thành lập 01 Hợp tác xã Rau - Thảo dược tại thôn Cao Đường, xã Yên Thuận (Hàm Yên).  Trung tâm Hỗ trợ nông dân Hội Nông dân tỉnh liên kết với Hợp tác xã sản xuất, chế biến thực phẩm an toàn Sáng Nhung (xã Đông Thọ, huyện Sơn Dương) tổ chức Khai trương Trung tâm phân phối và bán lẻ thực phẩm “Nông sản xanh Sáng Nhung” tại chợ Phan Thiết, thành phố Tuyên Quang. Hội Nông dân các cấp trong tỉnh chủ trì và phối hợp thực hiện Chương trình "Kết nối nông sản - san sẻ yêu thương - vượt qua đại dịch", đã kết nối tiêu thụ gần 1.400 tấn nông sản cho các tỉnh bạn và các huyện trong tỉnh, tất cả các sản phẩm, nhu yếu phẩm là hàng Việt Nam, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Đoàn thanh niên hỗ trợ đoàn viên, hội viên, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh, Câu lạc bộ Đầu tư và khởi nghiệp tỉnh phát triển sản xuất kinh doanh, khơi dậy năng lực sáng tạo, tổ chức các hoạt động kết nối giao thương để hội viên được trưng bày, giới thiệu sản phẩm, trao đổi nhu cầu mua bán và hợp tác với các đối tác; giới thiệu hội viên tham dự các hội chợ thương mại để cung ứng các sản phẩm ra thị trường; phối hợp tham gia xúc tiến thương mại ngoài tỉnh; phối hợp tổ chức cuộc thi “Sáng tạo khoa học kỹ thuật” và “ Cuộc thi “Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng” tỉnh Tuyên Quang với hơn 100 sản phẩm dự thi; Phong trào "Lao động giỏi, lao động sáng tạo" trong CNVCLĐ đã có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật, giải pháp hữu ích, hợp lý hoá sản xuất, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới được thực hiện, góp phần giải quyết những khó khăn ách tắc trong sản xuất kinh doanh. Trong đó Chương trình “75 nghìn sáng kiến, vượt khó, phát triển” đã thu hút đông đảo đoàn viên, CNVCLĐ tham gia với 125 sáng kiến gửi Tổng Liên đoàn và 446 sáng kiến cấp cơ sở. Từ nguồn tài chính công đoàn và hỗ trợ một số đơn vị, doanh nghiệp, LĐLĐ tỉnh tổ chức 03 phiên chợ "Công đoàn chăm lo đoàn viên, CNLĐ". Hội Cựu Chiến binh tuyên truyền, vận động các cơ sở sản, xuất kinh doanh do hội viên Hội Cựu chiến binh làm chủ cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm và quảng bá sản phẩm đã có thương hiệu; duy trì 91 doanh nghiệp vừa và nhỏ tạo việc làm cho trên 3.800 lao động.

Quan tâm ban hành chính sách, quản lý Nhà nước, xúc tiến đầu tư, thương mại

   Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết số 03/2021/NQ-HĐND ngày 16/7/2021 của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa; sản phẩm OCOP và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021 - 2025. Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 142/KH-UBND ngày 30/8/2021 về hỗ trợ tiêu thụ một số sản phẩm nông sản của tỉnh trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp; Kế hoạch số 175/KH-UBND ngày 13/10/2021 về phát triển Thương mại điện tử tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021 - 2025. Các sở, ngành thuộc UBND tỉnh (cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh) đã tích cực tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh các chương trình, kế hoạch nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước, hợp tác sản xuất kinh doanh, cải thiện môi trường đầu kinh doanh, phát triển sản xuất hàng hóa trong tỉnh góp phần đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng Việt Nam. Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh được thành lập và đi vào hoạt động đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết thủ tục hành chính.

      Hiệp Hội doanh nghiệp tỉnh đã có 16 văn bản tập hợp những khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp hội viên gửi các cấp, các ngành liên quan đề nghị giải quyết, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Xây dựng đề tài khoa học và công nghệ cấp tỉnh năm 2021 về nội dung“ Nghiên cứu nâng cao chất lượng mỹ thuật, kỹ thuật mẫu mã nhãn mác, bao bì, túi đựng, hộp đựng một số sản phẩm OCOP tỉnh Tuyên Quang”; Đề án “Xây dựng và khảo sát bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện, thành phố, sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 - 2025”, đưa vào tổ chức thực hiện từ năm 2021; ký kết Hợp tác - Liên kết giai đoạn 2021- 2025 với Hiệp hội Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Ninh nhằm hợp tác - liên kết vùng để mở rộng quy mô và dịch vụ hoạt động, nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp; triển khai Chương trình quảng bá “Giới thiệu sản phẩm lưu niệm du lịch và sản phẩm đặc sản”; thực hiện Chương trình cung ứng hộp quà tặng mang thương hiệu của tỉnh Tuyên Quang trên thị trường, trong đó có các sản phẩm OCOP của địa phương…

 

Lãnh đạo Sở Công Thương kiểm tra thị trường và hàng hóa phục vụ Tết Nguyên Đán Nhâm Dần tại Siêu thị Tuyên Quang. Ảnh Báo Tuyên Quang

 

        Hoạt động xúc tiến đầu tư và xúc tiến thương mại tiếp tục được đẩy mạnh; công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường được tăng cường. Trong năm, Cục quản lý thị trường Tuyên Quang đã xử lý 305 vụ việc vi phạm trong kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, vệ sinh ATTP, gian lận thương mại, thu nộp ngân sách Nhà nước trên 2,7 tỷ đồng, tổng giá trị hàng hóa tiêu hủy trị giá 1,1 tỷ đồng.

Chuyển biến trong tiêu dùng hàng Việt

 Thông qua Cuộc vận động, sức mua sắm của người tiêu dùng đã ưu tiên và sử dụng hàng hóa sản xuất trong nước, đặc biệt là hàng hóa của địa phương nhiều hơn những năm trước, các sản phẩm nông nghiệp được sản xuất trên địa bàn tỉnh đã trở thành mặt hàng thường xuyên được Nhân dân tin tưởng sử dụng. Sản phẩm hàng hóa nông sản của tỉnh Tuyên Quang không những đến với bà con vùng sâu, vùng xa mà còn được phân phối, tiêu thụ tại thị trường các tỉnh, thành phố lớn trên cả nước, qua hệ thống các siêu thị, cửa hàng phân phối thực phẩm sạch, các chợ đầu mối và cửa hàng bán lẻ. Việc mua sắm trang thiết bị, tài sản nhiều cơ quan từ tỉnh đến cơ sở đã ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam sản xuất, đảm bảo chất lượng.

    Năm 2022, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh, các cơ quan, tổ chức, đơn vị trên địa bàn tỉnh tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" trong tình hình mới. Mỗi người dân Tuyên Quang tiếp tục phát huy tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc của người Việt Nam và truyền thống quê hương cách mạng của người dân xứ Tuyên ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam, hàng hóa trong tỉnh sản xuất; cộng đồng doanh nghiệp tích cực hưởng ứng  sản xuất, kinh doanh, quảng bá thương hiệu Việt. Đặc biệt trong dịp Tết Nguyên Đán Nhâm Dần, các tầng lớp Nhân dân, doanh nghiệp cùng nhau hưởng ứng tiêu thụ sản phẩm Cam sành Hàm Yên, Tuyên Quang (sản phẩm đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý; được bình chọn là một trong 50 loại trái cây đặc sản của Việt Nam; tốp 10 thương hiệu, nhãn hiệu nổi tiếng và sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu; Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam. "Sử dụng hàng Việt Nam là thể hiện tinh thần yêu nước".

 

Hải Yến

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG

Tổng số: 669 | Trang: 1 trên tổng số 67 trang  
Xem tin theo ngày:   / /