Phong trào Tuyên Quang chung tay xử lý rác thải và chống rác thải nhựa - Kinh nghiệm từ thực tiễn sau hơn 1 năm triển khai thực hiện

Thứ Ba, 7/9/2021 - 15:26 Đã xem: 9305

Phát động và triển khai thực hiện Phong trào

      Ngày 06/3/2020, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch số 375-KH/TU về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2020. Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xác định Phong trào "Tuyên Quang chung tay xử lý rác thải và chống rác thải nhựa" là 1 trong 2 nhiệm vụ đột phá. Thực hiện chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, ngày 27/5/2020, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban MTTQ thành phố Tuyên Quang tổ chức phát động Phong trào "Tuyên Quang chung tay xử lý rác thải và chống rác thải nhựa" và xây dựng điểm của tỉnh về mô hình tự quản thu gom, xử lý rác thải tại xã Kim Phú, thành phố Tuyên Quang. 
     Ngay sau đó, 7/7 huyện, thành phố, 100% xã, phường, thị trấn đều đã tổ chức phát động Phong trào "Tuyên Quang chung tay xử lý rác thải và chống rác thải nhựa". 100% thôn, tổ dân phố ký cam kết triển khai thực hiện Phong trào đến hộ gia đình; phối hợp xây dựng được 28 mô hình điểm cấp huyện về xử lý rác thải và chống rác thải nhựa, được đông đảo các tầng lớp Nhân dân đồng tình hưởng ứng, tích cực tham gia. Tại các buổi phát động của các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn ở các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội đã phối hợp với chính quyền, ngành chức năng phát trên 60 nghìn tờ rơi, tài liệu tuyên truyền, trên 9 nghìn túi thân thiện với môi trường, 655 mũ, 350 găng tay, tặng 61 thùng rác, 12 xe thu gom, vận chuyển rác, 219 chiếc làn, 7.000 xô đựng rác, 28 thùng đựng rác di động, 17 bộ cốc thủy tinh, 22 bình đựng nước thủy tinh, 95 chai đựng nước thủy tinh; trồng 174 tuyến đường hoa; xây dựng 25 cột điện thắp sáng, gắn 20 biển tuyên truyền. 

 

Các đồng chí lãnh đạo Uỷ ban MTTQ tỉnh tham dự phát động Phong trào "Chiêm Hoá chung tay xử lý rác thải và chống rác thải nhựa" tại xã Phúc Thịnh.


       Xác định đây là một việc làm cụ thể thực hiện đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội theo phương châm "hướng mạnh về cơ sở", tập trung cho khu dân cư; đổi mới công tác tuyên truyền, vận động, đa dạng hóa các hình thức đoàn kết, tập hợp đoàn viên, hội viên và Nhân dân; nâng cao chất lượng, hiệu quả các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, trọng tâm là Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh". Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã chỉ đạo, hướng dẫn MTTQ các huyện, thành phố, các xã, phường, thị trấn chủ trì, hiệp thương, phối hợp với chính quyền, các tổ chức thành viên tổ chức phát động hưởng ứng thực hiện Phong trào "Tuyên Quang chung tay xử lý rác thải và chống rác thải nhựa" trên địa bàn; hiệp thương thống nhất, phân công nhiệm vụ, việc làm cụ thể cho từng tổ chức chính trị - xã hội thực hiện; xây dựng, nhân rộng các mô hình tổ, nhóm tự quản thu gom, xử lý rác thải và chống rác thải nhựa ở tất cả các khu dân cư; tuyên truyền, vận động Nhân dân, hộ gia đình ký cam kết, tự giác thực hiện việc thu gom, xử lý rác thải và chống rác thải nhựa trong năm 2020 và những năm tiếp theo, gắn với Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh".
Để thống nhất trong chỉ đạo và tổ chức hoạt động của các mô hình tự quản, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã xây dựng hướng dẫn mẫu Quy chế hoạt động.Từ đó, các xã, phường, thị trấn hướng dẫn khu dân cư xây dựng, ban hành Quy chế hoạt động của mô hình tự quản ở thôn, tổ dân phố phù hợp với thực tiễn, từ đó giúp cho mô hình tự quản hoạt động từng bước đi vào nền nếp, hiệu quả.
     Đổi mới, đa dạng, linh hoạt trong tuyên truyền, vận động
      Với mục tiêu trước tiên là tuyên truyền, vận động để nâng cao ý thức, trách nhiệm, tự quản, tự giác của mỗi người dân, hộ gia đình trong việc phân loại rác, giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường ngay tại nơi mình sinh sống, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong tỉnh bằng nhiều hình thức đa dạng, linh hoạt đã đẩy mạnh tuyên truyền đến cán bộ, công chức, đoàn viên, hội viên, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh và các tầng lớp Nhân dân về tác hại của rác thải và chất thải nhựa trong sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt đối với môi trường, sự ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường đối với đời sống con người, thông qua các cuộc sinh hoạt đoàn thể, họp Nhân dân, hệ thống truyền thanh cơ sở, các lớp tập huấn, hội nghị, hội thi, trên các trang Thông tin điện tử của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, trên các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook...Từ đó, giúp người dân thấy được ý nghĩa thiết thực của Phong trào "Tuyên Quang chung tay xử lý rác thải và chống rác thải nhựa" và tích cực hưởng ứng, tham gia thực hiện. 
      Tiêu biểu như: Các cấp bộ Đoàn duy trì "Ngày Chủ nhật xanh", "Ngày thứ bảy tình nguyện"; tổ chức chương trình "Đổi rác thải nhựa lấy đồ dùng học tập"; chương trình "Đổi rác thải nhựa lấy cây xanh, đồ dùng học tập"; "Ngôi nhà xanh", "Ngôi nhà kế hoạch nhỏ" tại các trường Tiểu học và THCS trên địa bàn tỉnh; xây dựng các công trình thanh niên làm từ "Gạch sinh thái"; phối hợp tổ chức các gian hàng gồm các mặt hàng thủ công được làm từ mây, tre, vải... thành những vật dụng hữu ích trong cuộc sống, thân thiện với môi trường, hạn chế sử dụng các sản phẩm từ nhựa. Tổ chức Cuộc thi viết, video "Tìm hiểu pháp luật về bảo vệ môi trường và ô nhiễm nhựa"; thi vẽ tranh với chủ đề "Chúng em với môi trường và nguồn nước sạch... Hội Phụ nữ với hoạt động thu gom,phế liệu, rác thải nhựa bán gây quỹ ủng hộ trường mầm non, mua con giống và chăn ấm tặng cho hộ nghèo; thu gom rác thải nhựa làm gạch "sinh thái"; thu gom vỏ chai, lọ, hộp, bình nhựa để cắt tỉa, tái chế thành chậu trồng hoa, cây cảnh; làm các tuyến đường hoa... MTTQ phường Minh Xuân tổ chức Hội thi tìm hiểu về môi trường, phát động Nhân dân thu gom chai, lọ nhựa đổi lấy cây xanh...
      Xây dựng mô hình tự quản ở khu dân cư - việc làm cụ thể, hiệu quả trong thực hiện Phong trào
      Xác định tuyên truyền đi đôi với việc làm, hoạt động cụ thể để tạo sức lan tỏa sâu rộng và hiệu quả thiết thực của Phong trào "Tuyên Quang chung tay xử lý rác thải và chống rác thải nhựa", MTTQ đã chủ trì hiệp thương, phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội tập trung tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và Nhân dân tham gia xây dựng các mô hình tự quản ở khu dân cư thực hiện phân loại, thu gom, xử lý rác thải ngay tại hộ gia đình, thông qua những hoạt động, việc làm cụ thể, thiết thực như: Định kỳ hàng tuần, tháng vệ sinh đường làng, ngõ xóm, trồng hoa và cây xanh ở các tuyến đường để tạo cảnh quan môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp ở các khu dân cư; xây dựng bể ủ rác hữu cơ để thực hiện thu gom, xử lý rác thải tại hộ gia đình; tuyên truyền, vận động chị em phụ nữ sử dụng làn mây khi đi chợ, tận dụng chai lọ nhựa trồng hoa treo tường, thu gom phân loại chai, lọ nhựa bán gây quỹ; thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật tại đồng ruộng, tăng cường sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường; tái chế từ rác thải nhựa để trồng hoa, cây cảnh tại các hộ gia đình và tại nhà văn hoá thôn; thu gom phế liệu nhựa bán tạo nguồn quỹ để giúp đỡ những người nghèo có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn...từ đó giúp thay đổi nhận thức, ý thức về bảo vệ môi trường, thay đổi hành vi, thói quen sử dụng túi ni lông, sản phẩm nhựa dùng một lần, góp phần xây dựng môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp, đảm bảo sự phát triển bền vững.
Tính đến nay, MTTQ các cấp đã chủ trì, hiệp thương, phối hợp với các tổ chức thành viên xây dựng được 1.254 mô hình tổ tự quản về xử lý rác thải và chống rác thải nhựa ở khu dân cư, trong đó chia thành 1.794 nhóm tự quản. Các mô hình đều xây dựng được  Quy chế hoạt động phù hợp với thực tiễn, giúp cho mô hình tự quản hoạt động dần đi vào nền nếp. 
      MTTQ đã chủ trì, phối hợp với chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội hỗ trợ kinh phí và vận động xã hội hóa hỗ trợ ban đầu cho một số mô hình, hộ gia đình mua xe chở rác, xô đựng rác theo phân loại, xây lò đốt rác, bể ủ rác hữu cơ; vận động xã hội hóa thuê các đơn vị vận chuyển rác đến thu gom, vận chuyển rác sinh hoạt của các hộ dân về bãi rác tập trung...Tính đến nay, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội đã vận động đoàn viên, hội viên, thành viên các tổ, nhóm tự quản và Nhân dân đóng góp xây dựng được 4.533 bể, hố ủ rác hữu cơ, 2.886 lò, hố đốt rác tại hộ gia đình, khu dân cư, từ đó phát huy được vai trò chủ thể của người dân trong công tác bảo vệ môi trường và thực hiện Phong trào "Tuyên Quang chung tay xử lý rác thải và chống rác thải nhựa".

 

Tổ tự quản vệ sinh môi trường thôn Đèo Ảng, xã Bình Xa chăm sóc tuyến đường hoa

 

      Nhiều mô hình tự quản ở khu dân cư với những cách làm hay, sáng tạo từ thực tiễn
      Đổi mới trong công tác phối hợp, MTTQ và các tổ chức thành viên tùy thực tế từng địa phương đã phân công rõ trách nhiệm của từng tổ chức, đơn vị phụ trách nội dung cụ thể, như: Hội Liên hiệp Phụ nữ vận động hội viên thu gom chai nhựa và túi nilon tái sử dụng làm gạch sinh thái, xử lý rác thải vô cơ, xây dựng các tuyến đường hoa, gắn với Cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch". Hội Nông dân vận động hội viên, hộ gia đình thực hiện thu gom bao bì phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, làm thùng đựng, thu gom, xử lý rác hữu cơ. Đoàn Thanh niên vận động đoàn viên, hội viên tham gia các hoạt động dọn dẹp, vệ sinh khuôn viên nhà ở, nhà văn hóa và các khu công cộng; hướng dẫn cách phân loại rác, đào hố rác, xây bể ủ rác hữu cơ làm phân bón; tư vấn lắp đặt bể phốt cho công trình vệ sinh, làm chuồng chăn nuôi và cách xử lý phân gia súc, gia cầm. Hội Cựu chiến binh tuyên truyền, vận động hội viên và Nhân dân tích cực tham gia các hoạt động tự quản về bảo vệ môi trường, giám sát các cơ sở làng nghề, các hộ tư nhân trong việc xả thải chất thải và chăn nuôi gia súc, gia cầm đúng nơi quy định. Liên đoàn Lao động tuyên truyền, vận động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thực hiện triệt để các giải pháp về bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất, kinh doanh; vận động đoàn viên, công nhân, người lao động phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật tạo ra các sản phẩm thân thiện với môi trường, gắn với phong trào "Lao động giỏi, lao động sáng tạo". Hội Người cao tuổi gắn công tác bảo vệ môi trường, thu gom, xử lý rác thải và chống rác thải nhựa với phong trào "Tuổi cao - Gương sáng", vận động gia đình hội viên gương mẫu thực hiện mô hình thu gom, xử lý rác thải tại nguồn. Hội Chữ thập đỏ tuyên truyền, vận động hội viên và Nhân dân tích cực tham gia các họat động tự quản về bảo vệ môi trường, không sử dụng túi ni lông và chống rác thải nhựa tại cộng đồng dân cư, vận động xây dựng cộng đồng an toàn, gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Mặt trận Tổ quốc chủ trì triển khai thực hiện, kiểm tra, đánh giá kết quả trong quá trình triển khai. Ở các khu dân cư, mỗi chi đoàn, chi hội phụ trách từ 1 đến 3 nhóm tự quản hoặc theo nội dung phân công của các tổ chức đoàn thể xã, phường, thị trấn.
      Từ thực tiễn triển khai thực hiện Phong trào đã có nhiều mô hình tự quản với những cách làm hay, sáng tạo trong việc thu gom, xử lý rác thải tại hộ gia đình, cộng đồng dân cư sao cho phù hợp thực tiễn từng địa phương, mang lại hiệu quả thiết thực; tiêu biểu như: Hội Phụ nữ xã Hoàng Khai (Yên Sơn) thực hiện mô hình thu gom, xử lý rác thải và chống rác thải nhựa với thực hiện Nghị quyết 73-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy để giúp đỡ học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn mua đồ dùng học tập. Hội Phụ nữ xã Tân Long (Yên Sơn) thực hiện thu gom vỏ chai, lọ, hộp, bình nhựa để cắt tỉa, tái chế thành chậu trồng hoa, cây cảnh. Hội Nông dân xã Lực Hành (Yên Sơn) với mô hình "Xử lý rác thải, chất thải bằng biện pháp sinh học góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại làng nghề bột miến dong". Ban Công tác Mặt trận thôn Khâu Phiêng, xã Khâu Tinh (Na Hang) vận động Nhân dân đóng góp tiền để lần lượt hỗ trợ, giúp đỡ các hộ gia đình trong thôn xây dựng công trình vệ sinh. Thôn Đoàn Kết, xã Kháng Nhật (Sơn Dương) vận động Nhân dân đóng góp xây dựng được 01 bể lò đốt rác tập trung và 01 bể chứa rác tập trung (bể có 02 ngăn: 1 ngăn chứa rác hữu cơ, 1 ngăn chứa rác vô cơ), rác hữu cơ được ủ để các hộ gia đình trong thôn làm phân bón cho cây trồng; rác vô cơ được các hộ dân đốt hàng tuần, như vậy sẽ không phải xây bể chứa, ủ rác, đốt rác ở từng hộ gia đình, tiết kiệm được chi phí và việc đốt rác ở nhiều nơi gây ô nhiễm môi trường không khí. Hộ gia đình anh Đặng Văn Lâm, thôn Nà Cọn, xã Thổ Bình (Lâm Bình) tự nguyện sử dụng xe ô tô cá nhân nhận vận chuyển rác miễn phí cho các hộ dân trong thôn.
       Đã có một số mô hình xử lý rác thải và chống rác thải nhựa trên địa bàn tỉnh hoạt động nền nếp, dần phát huy được hiệu quả thiết thực tại khu dân cư, tiêu biểu như: Mô hình tại thôn Bản Chợ, xã Thượng Lâm (Lâm Bình); Tổ dân phố 6, thị trấn Na Hang (Na Hang); Thôn Trung Tâm, Thôn Hòa Đa, xã Phúc Thịnh; Thôn Khuôn Khoai, xã Yên Nguyên; Thôn Khuôn Nhất, xã Nhân Lý; Thôn Hùng Dũng, xã Hùng Mỹ; Thôn Quang Minh, xã Tân Thịnh (Chiêm Hóa); Thôn 1 Thống Nhất, Thôn 2 Thống nhất, xã Yên Phú; Thôn 10, xã Yên Lâm; Thôn Thị, xã Hùng Đức (Hàm Yên); Thôn 7, xã Thái Bình; Thôn Yên Thắng, xã Thắng Quân; Thôn Nà Tang, xã Hùng Lợi (Yên Sơn); Thôn Tân Tiến, xã Ninh Lai; Thôn Thia, xã Tân Trào; khu dân cư Cơ quan, thị trấn Sơn Dương (Sơn Dương); Khu dân cư tổ 4, phường An Tường; Tổ 10, phường Minh Xuân; Chi hội Phụ nữ Xóm 1, xã Tràng Đà (thành phố Tuyên Quang)...
      Kinh nghiệm từ thực tiễn hoạt động của các mô hình tự quản ở khu dân cư thực hiện Phong trào
     Từ thực tế hoạt động của các mô hình tự quản ở khu dân cư, một số kinh nghiệm được rút ra, đó là: 
      - Tổ chức thực hiện Phong trào phải đặt dưới sự lãnh đạo thường xuyên, cụ thể của các cấp ủy Đảng; sự chỉ đạo, quản lý và phối hợp chặt chẽ của chính quyền; phát huy được vai trò chủ trì hiệp thương, phối hợp của MTTQ với các các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác tuyên truyền, vận động và phân công trách nhiệm của từng tổ chức thành viên phụ trách nội dung cụ thể; đặc biệt là phải sát thực tế, coi trọng và lắng nghe ý kiến Nhân dân, động viên Nhân dân hưởng ứng, tích cực, tự giác tham gia thực hiện. 
      - Phải có sự vào cuộc đồng bộ, chặt chẽ của chính quyền các cấp và tổ chức, doanh nghiệp trong công tác quản lý, hướng dẫn, hỗ trợ, giúp đỡ các mô hình tự quản và người dân trong việc phân loại, thu gom và xử lý rác thải tại nguồn, đảm bảo theo đúng quy trình, quy định, bảo vệ môi trường.
      - Công tác tuyên truyền, vận động phải thường xuyên, sâu rộng, có trọng tâm, trọng điểm, đổi mới, sáng tạo, linh hoạt, cụ thể hóa các nội dung của Phong trào bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, phù hợp với thực tế của từng địa phương, khu dân cư, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của mỗi tổ chức.
     - Hoạt động của các mô hình tự quản được đưa vào trong hương ước, quy ước, có quy chế và hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, tự giác, tự chủ, tự chịu trách nhiệm; quy mô tổ chức, phạm vi và lĩnh vực hoạt động của mô hình tự quản linh hoạt tùy thuộc vào điều kiện và tình hình thực tế ở từng khu dân cư, phát huy tính chủ động và sáng tạo ở cơ sở. 
     - Cán bộ, đảng viên, công chức ở các cơ quan, đơn vị, đoàn viên, hội viên ở các tổ chức phải gương mẫu thực hiện tại nơi cư trú và công sở làm việc.
     - Thường xuyên đôn đốc, kiểm tra thực hiện để đưa hoạt động của các mô hình tổ, nhóm tự quản đi vào nền nếp, hiệu quả. 
     Kịp thời khen thưởng, biểu dương những mô hình tự quản tiêu biểu, hoạt động hiệu quả, những tập thể, cá nhân tích cực trong thực hiện Phong trào "Tuyên Quang chung tay xử lý rác thải và chống rác thải nhựa" để nhân rộng, lan tỏa sâu rộng trong Nhân dân.
      Sau 01 năm triển khai thực hiện Phong trào"Tuyên Quang chung tay xử lý rác thải và chống rác thải nhựa" trong tình hình dịch bệnh Covid -19 bùng phát và diễn biến phức tạp, đã có những hạn chế và khó khăn nhất định, nhưng được sự quan tâm lãnh đạo của cấp ủy Đảng, sự phối hợp của chính quyền, thống nhất hành động MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở, khu dân cư, đặc biệt sự đồng lòng, ủng hộ, hưởng ứng, tham gia tích cực của các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn toàn tỉnh, Phong trào "Tuyên Quang chung tay xử lý rác thải và chống rác thải nhựa" đã có những kết quả bước đầu đáng khích lệ, đặc biệt là trong công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp, đoàn kết các tầng lớp Nhân dân hưởng ứng và tham gia tích cực, gây dựng được Phong trào trong Nhân dân, phát huy vai trò chủ thể của Nhân dân trong công tác bảo vệ môi trường. Qua đó, vai trò chủ trì, hiệp thương, phối hợp, thống nhất hành động của MTTQ các cấp và Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư với các tổ chức thành viên được thể hiện rõ nét, với những cách làm đổi mới, sáng tạo, linh hoạt trong công tác tuyên truyền, vận động, cụ thể hóa các nội dung của Phong trào bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, phù hợp với thực tế của từng địa phương, khu dân cư, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của tổ chức thành viên. 
     Kết quả hơn 1 năm thực hiện đã khẳng định: việc xác định thực hiện Phong trào "Tuyên Quang chung tay xử lý rác thải và chống rác thải nhựa" là một trong 2 nhiệm vụ đột phá thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là hoàn toàn phù hợp với thực tiễn và mong muốn của Nhân dân. Khẳng định chắc chắn rằng: Những chủ trương của Đảng xuất phát từ thực tiễn của Nhân dân và mong muốn của Nhân dân sẽ nhanh chóng đi vào cuộc sống.

                                                                                   Phan Hương

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG

Tổng số: 252 | Trang: 1 trên tổng số 26 trang  
Xem tin theo ngày:   / /