Đưa hàng Việt chiếm lĩnh thị trường trong nước và quốc tế

Thứ Ba, 3/3/2020 - 03:44 Đã xem: 1718

Đó là khẳng định của ông Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (CVĐ) tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Trung ương CVĐ nhằm tổng kết đánh giá kết quả thực hiện năm 2019 và triển khai nhiệm vụ 2020.

Chủ trì Hội nghị

 

      Cùng tham dự Hội nghị có ông Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương CVĐ; bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương CVĐ; ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương CVĐ; ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam; ông Lê Mạnh Hùng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; ông Võ Thành Thống, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; ông Đặng Minh Khôi, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và thành viên Ban Chỉ đạo.

Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn phát biểu tại Hội nghị

   

Thay đổi nhận thức, hành vi của người tiêu dùng đối với hàng Việt

      Báo cáo tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh cho biết, năm 2019, Ban Chỉ đạo các các cấp đã đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức tổng kết đánh giá nghiêm túc, đúng thực chất việc triển khai thực hiện Cuộc vận động trong 10 năm qua; Ban Chỉ đạo Cuộc vận động các cấp tiếp tục được kiện toàn, xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể, tích cực triển khai thực hiện Cuộc vận động. Chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ với cơ quan truyền thông trong công tác tuyên truyền, thông tin về Cuộc vận động; đồng thời thường xuyên đôn đốc các các tổ chức chính trị - xã hội trong việc phối hợp, triển khai thực hiện Cuộc vận động.

Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh báo cáo kết quả triển khai Cuộc vận động trong năm 2019 và kế hoạch triển khai năm 2020


      Theo đó, các doanh nghiệp, đơn vị đã có những đổi mới trong các giải pháp nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh, xây dựng uy tín thương hiệu doanh nghiệp với người tiêu dùng, không ngừng cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm, ra mắt sản phẩm mới; áp dụng khoa học công nghệ, quản trị doanh nghiệp hiện đại, tiết kiệm chi phí nhằm hạ giá thành sản phẩm; đề cao trách nhiệm của doanh nghiệp đối với người tiêu dùng…
      Sở Công Thương 63 tỉnh, thành phố cũng đã tổ chức được hơn 100 đợt bán hàng về nông thôn với khoảng 2.000 lượt doanh nghiệp tham gia, thu hút hơn gần 200 nghìn lượt người tới tham quan mua sắm, doanh thu mang lại khoảng 80 tỷ đồng; tiếp nhận theo dõi khoảng 700 đợt bán hàng về nông thôn với hơn 2000 lượt doanh nghiệp tham gia, thu hút hơn 100 nghìn lượt người… Đồng thời , các lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện xử lý 221.703 vụ việc vi phạm về hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại.., thu nộp ngân sách nhà nước 21.507 tỷ 282 triệu đồng.
      Thẳng thắn nhìn nhận khó khăn và thách thức

Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Hầu A Lềnh phát biểu tại Hội nghị


      Thảo luận tại Hội nghị, các đại biểu tập trung làm rõ những kết quả đã đạt được, những hạn chế còn tồn tại và đề xuất nhiều giải pháp tiếp tục làm tốt hơn Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Thành Thống phát biểu tại Hội nghị


      Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Thành Thống cho biết, thời gian qua, Bộ đã có nhiều giải pháp nhằm phát triển doanh nghiệp và hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký kinh doanh, phát triển thương hiệu, thị trường. Trong hoạt động quản lý Nhà nước về đấu thầu đối với những dự án đầu tư mua sắm công, Bộ cũng có những chính sách ủng hộ hàng Việt và hỗ trợ các doanh nghiệp trong hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh.
      Thứ trưởng Võ Thành Thống đề xuất, năm 2020, cần quan tâm thúc đẩy mạnh mẽ, thực chất ngành công nghiệp phụ trợ, từ đó phát triển sản xuất trong nước một cách bền vững, tránh phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài. Bên cạnh đó, thực hiện hiệu quả các đề án phát triển thương hiệu quốc gia, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa trong nước để hàng Việt không chỉ chinh phục người Việt Nam mà còn chinh phục thị trường thế giới.
      Phản ánh thực trạng hiện nay có tình trạng đội lốt hàng Việt, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Hoàng Quang Phòng đề xuất Bộ Công Thương cần rà soát hành lang pháp lý để tránh tình trạng trong doanh nghiệp vô tình mắc lỗi và vi phạm.
      “Việc chống hàng giả phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là chính quyền địa phương nơi có sản phẩm hàng Việt sản xuất và xuất khẩu. Đồng thời cần có những giải pháp tuyên truyền cụ thể hơn để cuộc vận động thấm sâu vào trong nhân dân….”, ông Hoàng Quang Phòng đề xuất.
      Đề cập đến vai trò của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trong việc quảng bá và tạo sức lan tỏa của hàng Việt, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đặng Minh Khôi cho rằng, đây chính là kênh tuyên truyền hiệu quả, thiết thực nhất để đưa sản phẩm hàng hóa trong nước đến với bạn bè thế giới.
      “Để thúc đẩy việc quảng bá hàng Việt, Bộ Ngoại giao đã yêu cầu các Đại sứ quán sử dụng sản phẩm hàng Việt làm quà tặng ngoại giao và tổ chức các gian hàng giới thiệu hàng Việt trong các cuộc chiêu đãi, gặp gỡ mà Đại sứ quán tổ chức”, ông Đặng Minh Khôi chia sẻ.

Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Lê Mạnh Hùng phát biểu tại Hội nghị


      Khẳng định hàng Việt ngày càng được người Việt Nam ưu thích, lựa chọn, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Lê Mạnh Hùng cho rằng, kết quả đó có sự đóng góp rất quan trọng của truyền thông. Nếu truyền thông đúng, truyền thông chính xác thì tác dụng mang lại rất to lớn.
      Theo ông Lê Mạnh Hùng, thời gian tới, Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Thông tin Truyền thông sẽ ban hành tài liệu về truyền thông về cuộc vận động với sức lay động và phù hợp với đối tượng tuyên truyền. Đặc biệt khi Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam - EU (EVFTA và IPA) được ký kết và dự kiến có hiệu lực từ tháng 7/2020, chúng ta không thể tuyên truyền một chiều mà phải đề cập thẳng thắn vào thực tế hàng Việt Nam làm được đến đâu, đáp ứng thị trường như thế nào. 
      Khẳng định với sự chủ trì của UBTƯ MTTQ Việt Nam, sự vào cuộc của các bộ, ngành, doanh nghiệp, cuộc vận động đã mang lại những kết quả thiết thực và sản phẩm hàng Việt ngày càng được quảng bá mạnh mẽ tới người tiêu dùng, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng trong năm 2020, việc định hướng phát triển và tiêu thụ sản phẩm cần gắn với sự ảnh hưởng của dịch Covid-19, từ đó phát huy tinh thần chủ động của doanh nghiệp trong việc tạo ra sản phẩm và có kế hoạch cụ thể trong việc đưa sản phẩm ra thị trường tiêu thụ.
      “Thay vì nhắm tới người tiêu dùng thì cần phải nhắm tới trách nhiệm của doanh nghiệp đối với việc sản xuất hàng Việt và trách nhiệm của doanh nghiệp đối với người tiêu dùng”, ông Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.
Quyết tâm đổi mới từ vận động, thuyết phục
      Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho biết, Đảng, Nhà nước đã và đang có những chủ trương, chính sách quyết liệt, rõ ràng, tạo môi trường thuận lợi để doanh nghiệp phát triển, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí; tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm soát.
      “Thời gian qua Cuộc vận động tiếp tục nhận được sự lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp thường xuyên của các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ Việt Nam, các tổ chức, cơ quan, đơn vị, sự hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân. Đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp đã chú trọng ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới quy trình sản xuất, quản lý, tạo ra sản phẩm hàng hóa có chất lượng cao, mẫu mã đẹp, giá cả hợp lý; nhiều sản phẩm thực sự chinh phục được người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu tới một số nước trên thế giới”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.
      Khẳng định những kết quả đó góp phần hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu phát triển kinh tế, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, giảm nhập siêu, tiến tới xuất siêu trong những năm gần đây, bảo đảm cân đối cung cầu, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu, không còn hiện tượng sốt giá, thiếu hàng vào các dịp lễ, Tết, mùa vụ, tuy nhiên, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cũng cho rằng, hiện nay, trong bối cảnh nước ta và thế giới đang bị ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 gây ra; EU vừa thông qua Hiệp định thương mại tự do và Hiệp định Bảo hộ đầu tư, chính vì vậy cần phải có những giải pháp để thực hiện thành công Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội năm 2020.

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn trao đổi với đại biểu tham dự Hội nghị

 

      Từ những ý kiến của đại biểu tham dự Hội nghị, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn khẳng định, đây là những ý kiến thẳng thắn, thể hiện sự cố gắng, nỗ lực của các cấp, các ngành trong việc phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường nhằm sản xuất nhiều hàng Việt Nam có chất lượng, sức cạnh tranh cao, đáp ứng yêu cầu của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của Chính phủ, nhu cầu của các doanh nghiệp và kỳ vọng của các tầng lớp nhân dân.
      Nhấn mạnh nhiệm vụ hàng đầu hiện nay là phòng, chống dịch Covid-19, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đánh giá cao Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động đã đưa ra những giải pháp cụ thể, từ đó khẳng định được chủ trương quyết tâm đổi mới từ vận động, thuyết phục nhân dân đối với các sản phẩm hàng Việt.
      Để hàng Việt tạo sức lan tỏa tới thị trường quốc tế, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cho rằng cần phải huy động sự vào cuộc của hơn 4 triệu kiều bào Việt Nam tham gia giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm, phát triển các kênh phân phối tới người Việt Nam ở nước ngoài; đồng thời phải sử dụng hiệu quả thương mại điện tử xuyên biên giới và phải thay đổi hình thức tiếp thị quảng cáo và tài liệu tuyên truyền sao cho phù hợp với điều kiện thực tế tại mỗi địa phương, từ đó nâng cao nhận thức của người tiêu dùng tới việc sử dụng hàng Việt và khẳng định được vị trí của hàng Việt trên thị trường.
      “Phải khẳng định, phát huy nguồn lực và tự tôn dân tộc trong sử dụng hàng Việt”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.
      Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cho rằng, song song với việc phát triển phát triển công nghiệp phụ trợ và các sản phẩm mang thương hiệu Việt, cần phải huy động sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, các tổ chức thành viên, các ngành các cấp và các cơ quan tuyên truyền vì chỉ khi công tác tuyên truyền được đẩy mạnh thì người dân mới nâng cao nhận thức và ưu tiên sử dụng hàng Việt.
      “Công tác tuyên truyền, vận động phải sâu sắc, chặt chẽ và quyết liệt hơn nữa thì hàng Việt mới được bảo vệ và tiêu dùng rộng rãi. Chỉ khi tuyên truyền được đẩy mạnh thì mới nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi ưu tiên dùng hàng Việt trong cán bộ và nhân dân”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đề nghị.
      Đứng trước thực trạng hiện tượng hàng giả, hàng nhái, hàng sử dụng nhãn mác có thương hiệu Việt trên thị trường thế giới đang diễn ra khá phức tạp, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đề nghị cần phải tập trung xử lý nghiêm khắc và đấu tranh mạnh mẽ với hiện tượng này. Bộ Công thương phải là lực lượng thường trực của Chính phủ và Ban Chỉ đạo trong giải quyết vấn đề này.
      Bên cạnh đó cũng cần tạo môi trường pháp lý thuận lợi để hỗ trợ doanh nghiệp Việt phát triển sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh và mở rộng thị trường, xúc tiến thương mại tại các địa phương.
      Để hàng Việt tạo được niềm tin trong lòng người tiêu dùng, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn yêu cầu các ban, bộ, ngành liên quan cần tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm; có những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, tính cạnh tranh về giá cả, mẫu mã hàng hóa để doanh nghiệp phải tạo uy tín cho người tiêu dùng; đồng thời đẩy mạnh hoạt động quảng bá, cung cấp thông tin để khách hàng phân biệt hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng lưu hành trên thị trường và phát triển hệ thống bảo hành, bảo dưỡng sản phẩm, chăm sóc khách hàng.
       “Cần coi trọng phát triển thị trường trong nước, nhất là khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn gợi mở.
      Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cũng đề nghị các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức thành viên phối hợp với các cơ quan truyền thông để đẩy mạnh tuyên truyền nội dung cuộc vận động và phải phản ánh rõ những khó khăn, thách thức của Việt Nam khi ra nhập thị trường thế giới, từ đó tăng cường nhận thức và trách nhiệm của nhân dân trong sản xuất và tiêu thụ hàng Việt.
      “Cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp, cộng đồng doanh nghiệp hãy tiếp tục đồng tâm, hiệp lực, cùng tổ chức thực hiện hiệu quả Cuộc vận động, xứng đáng với sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo, sự tin tưởng của Trung ương Đảng, Chính phủ và kỳ vọng của các tầng lớp nhân dân”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn nói.

                                                           Theo Trang thông tin điện tử Ủy ban TW MTTQ Việt Nam
 

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG

Tổng số: 58 | Trang: 1 trên tổng số 6 trang  
Xem tin theo ngày:   / /