Chuyển đổi sản xuất hữu cơ: Hướng phát triển nông nghiệp bền vững

Thứ Tư, 8/1/2020 - 09:55 Đã xem: 2312

Sản xuất hữu cơ đang trở thành xu hướng tất yếu, do đó ngành Nông nghiệp Tuyên Quang đang hỗ trợ người nông dân chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ, coi đây là hướng đi bền vững, góp phần giải quyết những vấn đề còn tồn tại như tiêu chuẩn chất lượng, quy trình sản xuất... để đưa nông sản tỉnh vươn xa hơn.

      Vườn bưởi Diễn của gia đình ông Trần Khắc Dũng, thôn Soi Tiên, xã Phúc Ninh (Yên Sơn) chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ được hơn 1 năm đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Lá bưởi xanh thẫm tràn nhựa sống, những quả bưởi vàng óng trĩu xuống la đà. Năm 2018, được sự hỗ trợ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Hiệp hội hữu cơ Việt Nam, ông được tham gia lớp tập huấn sản xuất nông nghiệp chuyển đổi hữu cơ. Quá trình học, ông Dũng thấy quá nhiều cái hại do chính mình gây ra từ trước đến nay cho sức khỏe của mình và người tiêu dùng như lạm dụng quá nhiều phân bón hóa học; thuốc trừ sâu, trừ cỏ độc hại. Nhận thức được tác hại đó, ông Dũng “đoạn tuyệt” hẳn với lối sản xuất cũ chuyển đổi hoàn toàn sang hướng sản xuất mới an toàn. Ông Dũng chia sẻ, nguồn phân bón cho cây trồng giờ ông đã tự ủ từ đỗ tương, cá; nguồn chất thải từ chăn nuôi; thuốc trừ sâu, bệnh được pha chế từ tỏi, ớt, gừng, rượu. Chuyển đổi sang hướng sản xuất hữu cơ, chất lượng bưởi cũng được người tiêu dùng đánh giá ngon, ngọt hơn vì thế được giá hơn. Với 180 cây, tính bình quân trên 100 quả/cây, thương lái đang trả 320 triệu đồng mua cả vườn, tăng gần 50 triệu đồng so với năm 2018. 

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra mô hình trồng bưởi
chuyển đổi hữu cơ tại xã Phúc Ninh (Yên Sơn).


      Ngoài ông Trần Khắc Dũng, gia đình các ông: Nguyễn Tiến Dũng, Nguyễn Tiến Hoàn, Nguyễn Danh Xuân, Nguyễn Văn Vinh thôn Khuôn Thống, Lục Mùn… xã Phúc Ninh cũng đã chuyển đổi trồng bưởi sang hướng sản xuất hữu cơ với quy mô 50 ha nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm bưởi, cũng như môi trường sản xuất. 
      Phân tích tiềm năng của sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, ông Hà Phúc Mịch, Chủ tịch Hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam cho rằng, sản xuất nông nghiệp Tuyên Quang đang đi theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, nhiều vùng chuyên canh đã được hình thành, đặc biệt một số sản phẩm nông nghiệp Tuyên Quang đã khẳng định được vị thế trên thị trường trong nước và quốc tế. Sản phẩm cam sành Tuyên Quang đã 2 lần được bình chọn Top 10 loại trái cây nổi tiếng bậc nhất Việt Nam; bưởi Phúc Ninh cũng nằm trong danh sách Top 10 nhãn hiệu, thương hiệu nổi tiếng do Hội người tiêu dùng Việt Nam bình chọn… Đất đai, môi trường sản xuất nông nghiệp tại Tuyên Quang vẫn chưa bị ô nhiễm nặng do quá trình sản xuất, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học. Đây là điều kiện để Tuyên Quang chuyển đổi mô hình sản xuất hữu cơ khi còn chưa muộn. Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam đã cử các chuyên gia lên lấy mẫu đất, nước, đồng thời hướng dẫn người dân chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp từ đại trà sang hữu cơ. Hiện tại đã có 2 mô hình cây ăn quả gồm: Cam sành Hàm Yên 30 ha, bưởi Yên Sơn 50 ha được chuyển đổi sản xuất hữu cơ.
      Ông Nguyễn Văn Việt, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phấn khởi cho biết, như vậy sau 1 năm chuyển đổi bưởi hữu cơ đã cho thu hoạch, bưởi ngon, ngọt đậm hơn. Tính toán, chi phí cho 1 ha sản xuất hữu cơ cao hơn từ 1,15 đến 1,3 lần nhưng lại cho doanh thu cao hơn từ 1,5 đến 1,7 lần so với trồng trọt truyền thống. Thực tế theo dõi từ mô hình cam sành Hàm Yên chuyển đổi năm 2018 và bưởi Yên Sơn chuyển đổi năm 2019 cho thấy 1 kg cam chuyển đổi hữu cơ có giá từ 20 - 25 nghìn đồng; 1 quả bưởi hữu cơ cũng có giá từ 20 - 25 nghìn đồng, cao gần gấp đôi so với sản phẩm không sản xuất theo quy trình.  Quan trọng hơn hết là môi trường sản xuất và sản phẩm cung ứng đến người tiêu dùng được bảo đảm an toàn nhất. Ngành đang hỗ trợ các địa phương dán tem truy xuất nguồn gốc, đồng thời kết nối quảng bá, giới thiệu đưa 2 sản phẩm chất lượng cao đến với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Thời gian tới, sở hỗ trợ bà con nông dân chuyển đổi quy trình canh tác sang sản xuất hữu cơ trên tất cả các đối tượng cây trồng, vật nuôi nhằm tạo ra những sản phẩm an toàn phục vụ nhu cầu tiêu dùng, bảo đảm phát triển nông nghiệp bền vững. 

                                                                                    Theo Báo Tuyên Quang

Xem tin theo ngày:   / /