Kết quả và kinh nghiệm thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền của Mặt trận Tổ quốc tỉnh Tuyên Quang trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020

Thứ Bảy, 14/12/2019 - 15:03 Đã xem: 2377

Xây dựng nông thôn mới là chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước, làm thay đổi diện mạo, tạo nên sức sống mới cho nông thôn, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân.

      Nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của việc xây dựng nông thôn mới, những năm qua, với vai trò là tổ chức liên minh chính trị, Mặt trận Tổ quốc các cấp trong tỉnh xác định nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là tuyên truyền, vận động để nhân dân hiểu rõ và tin tưởng vào chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, cơ chế chính sách của tỉnh về xây dựng nông thôn mới; thấy được quyền lợi và trách nhiệm của mình, điều kiện cụ thể của địa phương, từ đó chủ động tham gia, các tiêu chí, nội dung trong xây dựng nông thôn mới. 
      Sau khi có các văn bản của Đảng, Nhà nước và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã xây dựng các kế hoạch, hướng dẫn để tuyên truyền, vận động nhân dân trong tỉnh hưởng ứng Phong trào Tuyên Quang chung sức xây dựng nông thôn mới và Cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Trên cơ sở đó, MTTQ, các tổ chức thành viên đã phối hợp với Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới cùng cấp và các cơ quan liên quan tổ chức tuyên truyền, phổ biến, quán triệt đến đoàn viên, hội viên, các tầng lớp nhân dân về các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, cơ chế chính sách của tỉnh về xây dựng nông thôn mới. 

Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Đỗ Minh Tân phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

 tuyên truyền xây dựng nông thôn mới, bảo vệ môi trường tại xã Kim Quan, huyện Yên Sơn


       Trong những năm qua, bằng nhiều hình thức đa dạng, linh hoạt, Ủy ban MTTQ các cấp trong tỉnh đã phối hợp tổ chức được trên 10.200 buổi tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới cho trên 629.500 lượt người tham dự. Hằng năm, Mặt trận Tổ quốc các cấp cũng chủ động phối hợp tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ công tác có nội dung về xây dựng nông thôn mới cho đội ngũ cán bộ Mặt trận chuyên trách toàn tỉnh.
      Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã duy trì thực hiện biên tập Bản tin công tác Mặt trận tỉnh Tuyên Quang, phát hành 2 kỳ/năm (mỗi kỳ 2.350 cuốn) tới 100% số khu dân cư, xã, phường, thị trấn, huyện, thành phố và các tổ chức thành viên; xây dựng Trang thông tin điện tử MTTQ tỉnh để cập nhật thông tin và kịp thời tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của tỉnh về xây dựng nông thôn mới đến các cấp Mặt trận, cán bộ và các tầng lớp nhân dân. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã chủ trì phối hợp tổ chức 80 hội nghị tuyên truyền về nông thôn mới gắn với bảo vệ môi trường, bảo đảm trật tự an toàn giao thông, phòng chống tội phạm, ma tuý, phòng chống mua bán người, tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho gần 10 ngàn cán bộ xã, phường, thị trấn, khu dân cư, người có uy tín tiêu biểu... tại các xã, phường, thị trấn trong tỉnh. 
Ở từng cấp, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc đều có đại diện lãnh đạo trực tiếp tham gia các ban chỉ đạo, ban quản lý xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, với phương châm hướng về cơ sở, tập trung cho cơ sở, các ban phát triển thôn đã phát huy vai trò của ban công tác Mặt trận, tổ chức thực hiện có hiệu quả nhiều phương thức tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới theo hướng cụ thể thiết thực, cầm tay chỉ việc và bằng sự nêu gương của cán bộ, đảng viên. Tại cơ sở và thôn, bản, đội ngũ cán bộ Mặt trận và đoàn thể tiến hành tuyên truyền, vận động đến từng hộ gia đình và người dân về các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, về cơ chế chính sách của tỉnh đảm bảo cho thực hiện, nhất là những chính sách có tác động trực tiếp đến đời sống sản xuất và sinh hoạt của người dân, như xây dựng nhà văn hóa thôn, bản gắn với sân thể thao và khuôn viên, kiên cố hóa kênh mương; bê-tông hóa đường giao thông nội đồng và vùng sản xuất hàng hóa, xây dựng 3 công trình vệ sinh, chỉnh trang khuôn viên, nhà cửa, cải tạo vườn tạp, giữ gìn vệ sinh môi trường và đảm bảo an toàn thực phẩm… 
      Để giúp người dân phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo trong xây dựng nông thôn mới, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh phối hợp tuyên truyền chỉ đạo, hướng dẫn ưu tiên sử dụng nguồn Quỹ Vì người nghèo các cấp hỗ trợ làm mới và sửa chữa nhà ở cho các hộ nghèo; ngoài ra hiệp thương phân công với các tổ chức chính trị, xã hội, hỗ trợ giúp đỡ cụ thể đến hộ, để hộ nghèo nỗ lực vươn lên thoát nghèo bền vững. 
      Phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội, Mặt trận Tổ quốc các cấp của tỉnh đã phối hợp tổ chức tuyên truyền việc giám sát thực hiện các chính sách về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, từ năm 2017, Ủy ban MTTQ tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn Mặt trận Tổ quốc các xã trong lộ trình về đích nông thôn mới, trực tiếp chủ trì việc lấy phiếu đánh giá về mức độ hài lòng của người dân đối với kết quả xây dựng nông thôn mới trên địa bàn, làm căn cứ để đề nghị công nhận đạt chuẩn nông thôn mới đối với các xã đã hoàn thành đầy đủ các tiêu chí.  
      Hàng năm, Ủy ban MTTQ các cấp chỉ đạo, hướng dẫn Ban công tác Mặt trận chủ trì phối hợp tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở tất cả các khu dân cư trong toàn tỉnh. Tại Ngày hội, cùng với việc tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của tỉnh về xây dựng nông thôn mới, Ban công tác Mặt trận đã đánh giá kết quả thực hiện 5 nội dung cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" và việc tổ chức thực hiện mô hình tự quản của nhân dân, góp sức thực hiện 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Qua đó, nhân dân trao đổi, bàn bạc dân chủ, đoàn kết, tạo được sự phấn khởi, đồng thuận cao trong các tầng lớp nhân dân tích cực thi đua thực hiện 5 nội dung Cuộc vận động, đóng góp sáng kiến, công sức, tiền của để chung tay xây dựng nông thôn mới ngay tại địa bàn khu dân cư. Điển hình như xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn đã tuyên truyền, vận động con em của xã đang công tác, làm việc trong và ngoài tỉnh ủng hộ tiền của cùng nhân dân trong xã xây dựng đường bê tông nông thôn, nhà văn hóa thôn bản trên địa bàn xã; xã Hồng Lạc, huyện Sơn Dương đã vận động nhân dân trong xã mỗi ngày, mỗi gia đình tiết kiệm 1000 đồng để ủng hộ xây dựng nông thôn mới của xã với số tiền ủng hộ được hàng trăm triệu đồng.
      Tại các huyện, thành phố và cơ sở, khu dân cư, MTTQ đã phối hợp đổi mới phương pháp, cách thức tuyên truyền, vận động nhằm tạo chuyển biến về nhận thức và hành động của cán bộ, đoàn viên, hội viên và nhân dân về xây dựng nông thôn mới. Các huyện, thành phố và nhiều xã đã sáng tạo, chủ động lồng ghép các hoạt động tuyên truyền về nông thôn mới trong các hoạt động sinh hoạt cộng đồng (các lễ hội, chợ phiên, các hoạt động tuyên truyền lưu động ở vùng sâu, vùng xa, bằng tiếng dân tộc, các cuộc họp nhân dân, sinh hoạt chi hội, chi đoàn…); phối hợp tổ chức hàng chục ngàn hội nghị tuyên truyền tại các xã, khu dân cư; dựng hơn 2.500 pano, áp phích, băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về xây dựng nông thôn mới.
      Thông qua công tác tuyên truyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong tỉnh đã tập hợp, đoàn kết, phát huy được vai trò chủ thể của người dân trong tham gia xây dựng nông thôn mới; động viên nhân dân tích cực đóng góp sáng kiến, nguồn lực cùng cấp ủy, chính quyền thực hiện có hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh trong những năm qua. 
       Một số kinh nghiệm được rút ra từ thực tiễn trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới đó là:
       - Nâng cao nhận thức của cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa và tầm quan trọng của công cuộc xây dựng nông thôn mới; xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, của cả hệ thống chính trị, là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh để tạo sự quyết tâm trong chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới tại mỗi địa phương.
       - Hoạt động tuyên truyền phải đa dạng, phong phú về hình thức; nội dung tuyên truyền phải cụ thể, dễ hiểu, dễ nhớ, phù hợp với đối tượng tuyên truyền. Ngoài việc tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng, qua sinh hoạt các tổ chức đoàn thể, cần coi trọng công tác tuyên truyền miệng, tuyên truyền thông qua việc làm cụ thể, sự nêu gương của cán bộ, đảng viên, cá nhân tiêu biểu, người có uy tín trong cộng đồng, qua đó tạo sự lan tỏa, thu hút nhân dân cùng làm theo.
      - Trong triển khai thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới cần đảm bảo tính công khai, minh bạch, người dân được bàn bạc, thống nhất trước khi triển khai đề án và các nội dung công việc cụ thể. Lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể phải sâu sát dân, tạo mọi điều kiện để dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra giám sát và hưởng lợi từ kết quả xây dựng nông thôn mới. Có như vậy công tác tuyên truyền xây dựng nông thôn mới mới đạt hiệu quả.
       - Trong tuyên truyền, vận động xây dựng nông thôn mới phải khai thác, động viên khơi dậy và huy động các nguồn lực trong nhân dân, làm cho dân hiểu mục đích xây dựng nông thôn mới là vì lợi ích thiết thực của dân, dân là người làm chủ quá trình xây dựng nông thôn mới, không trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước.
       - Công tác tuyên truyền phải gắn liền với vận động nhân dân thực hiện bằng những việc làm cụ thể, thiết thực thông qua các mô hình tự quản, hoạt động tự nguyện của nhân dân; phát huy được vai trò chủ thể của người dân, động viên nhân dân tự chủ, tự giác tham gia quản lý và thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra bảo đảm bền vững.
      - Thực hiện tốt việc đánh giá, sơ kết, tổng kết phong trào và biểu dương các điển hình có thành tích xuất sắc trong công cuộc xây dựng nông thôn mới và các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước trong các tầng lớp nhân dân.
      Từ những kết quả và kinh nghiệm trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới trong 10 năm qua. Để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 - 2025, MTTQ các cấp trong tỉnh tập trung thực hiện tốt một số giải pháp sau:
     - Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động của MTTQ; nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các mục tiêu, nhiệm vụ, cơ chế, chính sách, quy định của tỉnh về xây dựng nông thôn mới để xác định những nội dung tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia thực hiện. Tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, trọng tâm là những tiêu chí do nhân dân làm, nhà nước hỗ trợ. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia duy trì, giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí đối với các xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu, xây dựng mô hình “Khu dân cư kiểu mẫu”, “vườn mẫu”; thực hiện có hiệu quả chương trình "Mỗi xã nột sản phẩm" (OCOP) .
      - Xác định cụ thể địa bàn, đối tượng cần tuyên truyền để có nội dung tuyên truyền thiết thực, phù hợp với từng cơ sở. Công tác tuyên truyền tập trung vào những vấn đề, nội dung mà nhân dân đang quan tâm, thực hiện tốt phương châm Nói để dân nghe, lắng nghe dân nói và làm để dân tin; coi trọng và phát huy tuyên truyền miệng, tuyên truyền thông qua những việc làm cụ thể, nêu gương của cán bộ, đảng viên, cá nhân tiêu biểu, người có uy tín trong cộng đồng; tạo sự quan tâm, thu hút và lan tỏa trong nhân dân cùng tham gia thực hiện.
      - Tăng cường phối hợp trong công tác tuyên truyền, tránh chồng chéo, trùng lặp, chung chung. Sau tuyên truyền, thực hiện tốt công tác vận động nhân dân tham gia thực hiện những nội dung đã tuyên truyền; phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới thông qua Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" và Phong trào thi đua "Tuyên Quang chung sức xây dựng nông thôn mới", “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”. Động viên nhân dân tích cực tham gia xây dựng và thực hiện các mô hình tự quản ở khu dân cư, góp sức xây dựng nông thôn mới bền vững ngay trong mỗi gia đình, cộng đồng dân cư và từng cơ sở. 
      Sau 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh đã có nhiều kết quả rất đáng phấn khởi, đồng thời cũng bộc lộ những khó khăn, hạn chế tồn tại cần tập trung khắc phục. Với vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình, MTTQ các cấp trong tỉnh sẽ tiếp tục chủ động, tích cực tham gia tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn tiếp theo./.

                                                                                        PHAN HƯƠNG
    


 

Xem tin theo ngày:   / /