Phát huy dân chủ, giám sát, phản biện xã hội

Thứ Sáu, 29/11/2019 - 08:55 Đã xem: 3527

Thời gian qua, công tác giám sát, phản biện xã hội được các cấp MTTQ trên địa bàn tỉnh chú trọng thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ. Qua đó, Mặt trận đã khẳng định vai trò đại diện cho lợi ích, nguyện vọng của nhân dân, đảm bảo thực hiện Quy chế dân chủ một cách thực chất.

Ban Thường trực Ủy ban MTTQ huyện Hàm Yên giám sát việc tiếp công dân, tiếp nhận giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân và đối thoại với nhân dân tại xã Minh Khương.
 

      Từ năm 2014 đến nay, MTTQ và các tổ chức thành viên từ tỉnh đến cơ sở đã phối hợp thực hiện 6.088 cuộc giám sát, tập trung vào các nội dung như giám sát thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước liên quan đến người có công với cách mạng; bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; việc thu và sử dụng các nguồn quỹ, các khoản đóng góp, việc dạy thêm, học thêm của các trường học; việc giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cơ sở; việc chấp hành pháp luật trong việc kinh doanh, mua bán, sử dụng các loại vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... 
      Đồng chí Đinh Công Hải, Phó Trưởng Ban Dân chủ - Pháp luật, Ủy ban MTTQ tỉnh cho biết: Thông qua giám sát đã phát huy vai trò và quyền làm chủ của nhân dân thông qua MTTQ đóng góp ý kiến trong hoạt động quản lý nhà nước, quản lý xã hội của chính quyền và cơ quan Nhà nước các cấp ở địa phương. Từ đó, đề nghị sửa đổi, bổ sung các quy định phù hợp với thực tiễn tại cơ sở, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân, phát huy dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội.
      Đơn cử như việc giám sát, việc xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường cho thấy một số tồn tại như: Một số địa phương chưa quan tâm thường xuyên, đúng mức đến công tác thi hành pháp luật về xử lý hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục trong lĩnh vực này ở một số địa phương, đơn vị còn chưa thường xuyên. Do đó, chưa tạo được tác động mạnh mẽ đến việc nâng cao ý thức pháp luật trong nhân dân. Một số đơn vị được giám sát chưa thực hiện hết trách nhiệm theo quy định. Việc thực hiện các quy định về trình tự, thủ tục, thời hiệu, áp dụng căn cứ xử phạt, nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính chưa đảm bảo.
      Hay như về giám sát việc công khai, thu, quản lý, sử dụng quỹ phòng, chống thiên tai cho thấy còn nhiều cơ quan, đơn vị trên địa bàn các huyện, thành phố chưa quan tâm đúng mức đến công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức và nhân dân; công tác rà soát, lập kế hoạch chưa đầy đủ, kịp thời, dẫn đến việc thu, nộp quỹ chưa đúng thời gian quy định, kết quả thu quỹ đạt kết quả chưa cao. Đoàn giám sát đề nghị các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã tăng cường chỉ đạo công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nghiêm các quy định về thu, nộp quỹ; rà soát, kiểm tra các đối tượng phải thu nộp quỹ hàng năm làm cơ sở lập kế hoạch gửi cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, giao chỉ tiêu thu quỹ theo kế hoạch; đồng thời có giải pháp hữu hiệu đôn đốc các đối tượng chưa nộp quỹ hàng năm để việc thu nộp quỹ đạt kế hoạch.
      Ủy ban MTTQ các huyện, xã đã chủ động xây dựng các chương trình giám sát, lựa chọn các nội dung giám sát phù hợp với thực tế tại địa phương. Đồng chí Ma Phúc Sơn, Trưởng Ban Dân vận, Chủ tịch MTTQ huyện Lâm Bình cho biết: Hằng năm, Ủy ban MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội của huyện đã ký kết chương trình phối hợp giám sát và xây dựng chương trình, kế hoạch giám sát. Quá trình triển khai thực hiện luôn bám sát kế hoạch, hướng dẫn của Trung ương và tỉnh, đồng thời có sự thay đổi, điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tiễn ở địa phương.
      Trong năm 2019, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội huyện đã tổ chức 6 cuộc giám sát về việc bình xét, công nhận gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa; thực hiện chế độ chính sách đối với dân công hỏa tuyến; hỗ trợ cho phụ nữ nghèo là dân tộc thiểu số; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới... Qua đó cho thấy một số hạn chế về công tác tuyên truyền, vận động nhân dân trong xây dựng nông thôn mới, chưa xây dựng lộ trình thực hiện các tiêu chí đạt thấp và kiến nghị, đề xuất với cấp ủy, chính quyền kịp thời điều chỉnh, uốn nắn trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương.
      Hoạt động tham gia góp ý và phản biện xã hội của MTTQ các cấp đã từng bước được triển khai thực hiện. Trong đó, MTTQ các cấp đã chủ trì, tổ chức 8 hội nghị phản biện và tham gia góp ý trực tiếp vào 1.714 văn bản dự thảo, tạo điều kiện để các tầng lớp nhân dân phát huy quyền làm chủ tham gia vào quá trình xây dựng pháp luật, các chính sách, dự án, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. 
      Trong thời gian tới, MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên tiếp tục phát huy vai trò chủ thể, chủ động, tích cực làm tốt việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giám sát, phản biện xã hội hằng năm; tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và nhân dân về công tác giám sát, phản biện xã hội. Kết hợp liên thông 3 nhiệm vụ: Giám sát, phản biện, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; tăng cường giám sát vụ việc qua giám sát giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của cử tri và nhân dân; những vấn đề dư luận quan tâm, nhân dân đang bức xúc, tăng đồng thuận xã hội trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội.    
                                                                             Bài, ảnh: Ngọc Hưng
                                                                              Báo Tuyên Quang

 

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG

Tổng số: 408 | Trang: 1 trên tổng số 41 trang  
Xem tin theo ngày:   / /