Yên Sơn khắc phục khó khăn trong huy động trẻ đi nhà trẻ

Chủ nhật, 6/10/2019 - 16:49 Đã xem: 1386

Theo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Yên Sơn, năm học 2019 - 2020, huyện có 31 trường mầm non và 552 điểm trường, 175 nhóm trẻ với 2.680/7.381 trẻ, tỷ lệ huy động trẻ ra lớp đạt 36,3%. Trong đó, các xã đạt tỷ lệ trẻ đi nhà trẻ cao như: Kim Quan 68%, Quý Quân 58%, Trung Sơn 55%...

      Trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 73 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về huy động trẻ đi nhà trẻ trên địa bàn tỉnh, huyện gặp phải những khó khăn về cơ sở vật chất, thiếu lớp học. Toàn huyện hiện có 99 phòng học, còn thiếu 55 phòng học nên một số phân hiệu, điểm trường tại các xã còn tình trạng học nhờ, học ghép; đồ dùng, đồ chơi, thiết bị cho các nhóm trẻ còn thiếu. Nhiều gia đình chưa đưa trẻ ra lớp với những lý do như: Điều kiện kinh tế khó khăn hoặc lo con mình chưa biết tự ăn uống, thậm chí nhiều người còn suy nghĩ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước... Do đó, một số xã tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi đi nhà trẻ còn thấp (dưới 30%) như: Tiến Bộ, Phúc Ninh, Lang Quán, Chiêu Yên...
      Cô giáo Ma Thị Tin, giáo viên nhóm trẻ A, trường Mầm non Hùng Lợi nói, xã chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện kinh tế, đi lại khó khăn. Phụ huynh đa số là lao động nghèo nên một tháng đóng vài trăm ngàn đồng cho con đi học bán trú là điều rất khó. Nhiều khi đến các gia đình vận động chị lại chạnh lòng khi thấy các con chơi một mình ở góc nhà, không có đồ chơi. Nhiều trẻ lên ba nhưng phát âm chậm, có trẻ có biểu hiện tự kỷ. Nhiều phụ huynh đã cho trẻ ra lớp, nhưng đến khi đóng tiền học họ lại cho con nghỉ với lý do không có tiền đóng học phí.

Một giờ học của cô và trò trường Mầm non Đạo Viện (Yên Sơn).

 

      Việc thành lập cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập cũng đang gặp khó. Bà Hoàng Thị Tiến, Trưởng phòng Giáo dục huyện cho biết, huyện đã triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ, khuyến khích đối với các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập theo Nghị quyết số 05 của HĐND tỉnh, song đến nay chưa có cơ sở nào thành lập trên địa bàn. Nguyên nhân chính là do các xã ở khu vực trung tâm huyện thì kinh tế cũng chưa thực sự phát triển nên phụ huynh tại đây chưa chú trọng đến việc cho con học tại cơ sở mầm non ngoài công lập; còn các xã bao quanh khu vực thành phố, nếu gia đình nào có điều kiện lại đưa con học tại các cơ sở ngoài công lập của thành phố. Đến nay, chưa có cá nhân, đơn vị có nhu cầu mở cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập trên địa bàn huyện.
      Khắc phục những khó khăn trên, các cấp chính quyền từ huyện đến cơ sở đã kiện toàn Ban Chỉ đạo phổ cập giáo dục các bậc học; phân công các thành viên trực tiếp chỉ đạo các xã, thị trấn, các thôn, tổ dân phố tổ chức rà soát, tuyên truyền, vận động gia đình cho trẻ từ 3 đến 36 tháng tuổi đi nhà trẻ. Huyện đã đầu tư xây dựng bếp ăn, phòng học cho các điểm trường mầm non: Phú Lâm, Kiến Thiết, Công Đa; đẩy mạnh xã hội hóa xây dựng, đầu tư thêm trang thiết bị cho các trường trước thềm năm học mới với kinh phí hơn 9 tỷ đồng. Đội ngũ giáo viên mầm non đã đạt chuẩn về trình độ đào tạo, hiện 100% giáo viên dạy các nhóm trẻ đạt chuẩn trình độ và gần 80% đạt trên chuẩn.
      Xã Kim Quan có tỷ lệ huy động trẻ ra lớp cao nhất huyện, đạt 68%, trong khi năm học trước hơn 50%. Xã có trên 90% là đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ dân trí không đồng đều nên công tác tuyên truyền ban đầu cũng gặp khó khăn. Thực hiện Nghị quyết số 73 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, cấp ủy, chính quyền xã đã lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt; các đoàn thể tham gia tích cực, nhất là trong công tác tuyên truyền, vận động. Anh Mã Ngọc Tương, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, ngay những tháng hè, xã đã chỉ đạo các trường, trưởng các thôn, bản tiến hành rà soát, tuyên truyền tới các hộ có con trong độ tuổi đi nhà trẻ; tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh. Trong quá trình rà soát kết hợp tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của hộ dân để khéo léo tuyên truyền. Đồng thời, các đoàn thể đưa việc tuyên truyền, vận động góp phần nâng cao tỷ lệ huy động trẻ đến trường vào các tiêu chí thi đua hàng năm.
      Trong quá trình thực hiện xã Quý Quân cũng có cách làm hay trong huy động trẻ ra lớp. Cô giáo Hà Thị Lan, Hiệu trưởng trường Mầm non Quý Quân chia sẻ, bên cạnh được Nhà nước đầu tư, trường đã khuyến khích giáo viên tận dụng những vật liệu cũ làm đồ dùng dạy học cho các con. Đồng thời, trước mỗi năm học phụ huynh học sinh cũng ủng hộ đồ chơi, đồ dùng học tập tối thiểu cho trường. Với những gia đình còn phân vân về cách chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục các cháu của nhà trường, giáo viên sẽ tuyên truyền, mời phụ huynh đến tham dự, quan sát hoạt động của trẻ trong một ngày ở trường để họ thấy được các hoạt động đó là rất cần thiết với con. Nhờ đó, đến nay xã có 63/108 trẻ đi nhà trẻ, đạt 58%.
      Năm học trước vì thấy con còn nhỏ, gia đình lại thuộc diện khó khăn nên chị Lò Thị Liên, thôn 2, xã Thái Bình không cho con đến lớp. Con gái chị hiện được 17 tháng tuổi, chị định khi cháu 3 tuổi mới cho đi học, nhưng được cán bộ xã và trưởng thôn đến gia đình tuyên truyền, vận động, năm học này chị đã cho con đi nhà trẻ để con được học tập, vui chơi trong môi trường giáo dục toàn diện.
      Huyện Yên Sơn đề ra mục tiêu hết năm 2020, huyện có trên 40% trẻ trong độ tuổi nhà trẻ được chăm sóc, giáo dục tại các cơ sở giáo dục mầm non; 250 trẻ học tại cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập ở các xã: Xuân Vân, Hoàng Khai, Mỹ Bằng, Thái Bình... Vì vậy, bên cạnh các giải pháp về xây dựng, phát triển đội ngũ giáo viên; huy động nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các nhóm trẻ, huyện cũng chú trọng khuyến khích, phát triển giáo dục mầm non ngoài công lập theo Nghị quyết 05 của HĐND tỉnh. Từ đó, phát huy nguồn lực trong nhân dân, huy động toàn xã hội chăm lo cho sự nghiệp giáo dục, nâng cao tỷ lệ huy động trẻ đi nhà trẻ trên địa bàn.

                                                                                                          Theo Báo Tuyên Quang

 

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG

Tổng số: 0 | Trang: 1 trên tổng số 0 trang  
Xem tin theo ngày:   / /