Điều tra thực trạng kinh tế - xã hội 53 dân tộc thiểu số: Bảo đảm thông tin đầy đủ, chính xác

Thứ Năm, 3/10/2019 - 08:59 Đã xem: 953

Cuộc điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số được thực hiện từ ngày 1-10 đến hết ngày 31-10. Đây là cuộc điều tra lần thứ 2 và có quy mô lớn trong việc thu thập số liệu về đời sống kinh tế - xã hội trong đồng bào dân tộc thiểu số.

      Ông Phạm Hùng Sơn, Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh cho biết, cuộc điều tra nhằm thu thập thôn tin về dân số, thu nhập, điều kiện nhà ở của hộ và các điều kiện kinh tế - xã hội nhằm phản ánh thực trạng kinh tế - xã hội của các dân tộc thiểu số để biên soạn các chỉ tiêu thống kê về công tác dân tộc. Đồng thời, đây là cơ sở để Đảng, Nhà nước xây dựng và hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội cho các vùng dân tộc thiểu số. Trong cuộc điều tra này sẽ thực hiện điều tra đối với những địa bàn có từ 30% số dân trở lên là đồng bào dân tộc thiểu số. Phạm vi điều tra, thực hiện toàn bộ đối với nhóm dân tộc thiểu số có số dân dưới 10.000 người và điều tra mẫu đối với các nhóm dân tộc còn lại. Như vậy trên địa bàn tỉnh, các dân tộc ít người như Mông, Thủy, Pà Thẻn...sẽ được điều tra toàn bộ.

Giám sát viên cấp tỉnh, huyện Yên Sơn giám sát tại hộ dân trên địa bàn xã Kim Phú.


      Với tầm quan trọng và lượng công việc vô cùng lớn nên ngay từ tháng 5 vừa qua, công tác chuẩn bị cho điều tra đã được thực hiện. Những nội dung cơ bản của cuộc điều tra đã được tuyên truyền đầy đủ tới các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là người dân tộc thiểu số để tạo sự ủng hộ, tham gia tích cực trong việc cung cấp đầy đủ thông tin theo yêu cầu của cuộc điều tra. Hàng chục nghìn đĩa CD, tài liệu hỏi đáp về cuộc điều tra đã được đưa về các địa bàn (thôn, bản) được chọn điều tra. Công tác rà soát địa bàn điều tra, lập bản kê, tuyển chọn điều tra viên, tổ trưởng, giám sát viên cũng đồng thời được thực hiện.
      Đảm bảo cho công tác điều tra đã có 463 điều viên, tổ trưởng điều tra và giám sát viên có kinh nghiệm, năng lực, am hiểu tập quán của các dân tộc thiểu số được huy động. Các điều tra viên sẽ điều tra 18.710 hộ gia đình, thuộc 468 địa bàn lập bảng kê. Trong đó: 74 địa bàn toàn bộ với 5.340 hộ; 239 địa bàn điều tra mẫu nhóm 2 với 7.170 hộ; 155 địa bàn điều tra nhóm mẫu 3 với 6.200 hộ và 141 phiếu điều tra xã. Nếu như cuộc điều tra lần trước là sử dụng phiếu giấy (PAPY) thì cuộc điều tra lần này sử dụng phiếu điện tử ứng dụng trên hệ thống điện thoại thông minh (CAPY) sẽ rất thuận lợi cho điều tra viên cũng như giám sát viên và Ban chỉ đạo cuộc điều tra theo dõi tiến độ cũng như xác định được điều tra viên có trực tiếp đến hộ hay sử dụng thông tin từ hồ sơ, sổ sách....
      Sự chuẩn bị đẩy đủ từ khâu tổ chức, nhân lực, nội dung và phương tiện vật chất, hơn nữa là sự hợp tác tích cực của các hộ dân được lựa chọn điều tra nên ngay ngày đầu ra quân cuộc điều tra đã bước đầu đạt được những kết quả. Thông tin từ Cục Thống kê tỉnh, trong 2 ngày đầu ra quân, đã có trên 800 hộ được điều tra.

Thôn Nà Mộ, xã Hùng Lợi (Yên Sơn) có 100% hộ đồng bào Mông sẽ được điều tra toàn bộ về thực trạng đời sống kinh tế - xã hội.


      Anh Triệu Văn Quỳnh, điều tra viên xã Hùng Lợi (Yên Sơn) cho biết, được tập huấn nghiệp vụ và sự hợp tác tích cực từ phía đồng bào dân tộc, thông tin về đời sống, thu nhập, việc làm, y tế, giáo dục...đã được thu thập đầy đủ, đáp ứng các yêu cầu của phiếu điều tra. Anh Lý Văn De, dân tộc Mông, thôn Nà Mộ, xã Hùng Lợi (Yên Sơn) cho biết, khi cán bộ đến điều tra, anh cung cấp đầy đủ thông tin để Nhà nước có những chính sách đúng với nhu cầu của đồng bào dân tộc thiểu số.
      Theo ông Phạm Hùng Sơn, Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh, bên cạnh những thuận lợi đã xuất hiện khó khăn ngay trong những ngày đầu thực hiện điều tra. Đó là việc nhiều hộ đồng bào sống không tập trung, kèm theo đó là tình trạng người dân không biết nói tiếng phổ thông, sống khép kín nên ngành phải nhờ đến người phiên dịch viên. Điều này sẽ ảnh hưởng đến lượng thông tin cần khai thác, tăng chi phí cho cuộc điều tra....
      Cuộc điều tra mới bắt đầu, còn lượng công việc rất lớn. Do vậy, để hoàn thành công tác điều tra thì ngoài sự nỗ lực của ngành chức năng mà trực tiếp là các điều tra viên thì việc cung cấp thông tin đúng, đủ sẽ đẩy nhanh tiến độ và bảo đảm tính chính xác của công tác điều tra, góp phần quan trọng giúp Chính phủ, tỉnh và các bộ, ngành nghiên cứu, hoạch định nhiều chính sách phát triển kinh tế - xã hội, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn. 

                                                                                                         Theo Báo Tuyên Quang

 

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG

Tổng số: 0 | Trang: 1 trên tổng số 0 trang  
Xem tin theo ngày:   / /