Ủy ban MTTQ xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương thực hiện hiệu quả chương trình giảm nghèo giai đoạn 2014 - 2019

Thứ Hai, 3/6/2019 - 15:20 Đã xem: 6612

Xã Minh Thanh nằm ở phía Tây Bắc huyện Sơn Dương, trong Khu di tích lịch sử cách mạng ATK Tân Trào. Xã có diện tích tự nhiên 3.308 ha, dân số có 1.494 hộ, với 5.837 nhân khẩu, gồm 7 dân tộc cùng chung sống ở 14 khu dân cư.

       Trong những năm qua, bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, sự chủ động phối hợp chặt chẽ với chính quyền, các tổ chức thành viên và sự lãnh đạo trực tiếp của BCH Đảng bộ xã, sự hướng dẫn chỉ đạo của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ huyện Sơn Dương, Ủy ban MTTQ xã Minh Thanh thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế làm giàu và giảm nghèo bền vững. 

      Hàng năm, căn cứ kế hoạch, nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh kế xã hội của xã, MTTQ và các tổ chức thành viên chỉ đạo Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư, các chi hội, chi đoàn, hội viên phối hợp vận động nhân dân tích cực lao động sản xuất, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, thâm canh tăng năng xuất, chuyển đối cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa các giống cây, con, có chất lượng vào sản xuất, những cây trồng chủ lực của địa phương phát triển mạnh như cây chè, cây mía và trồng rừng, hàng năm đều đạt và vượt kế hoạch, chỉ tiêu đề ra.

      Để kịp thời đáp ứng cho nhu cầu tưới tiêu phục vụ cho nông, lâm nghiệp, hệ thống kênh mương nội đồng cũng được chú trọng sửa chữa và xây mới.

Mô hình liên kết sản xuất lúa chất lượng cao Nam Hương giữa Công ty Cổ phần

giống cây trồng nông - Lâm nghiệp Thái Bình và nông dân xã Minh Thanh (Sơn Dương). Ảnh: Cao Lâm

        Giai đoạn 2014 - 2018 đã trồng 389,7 ha rừng; năm 2018: cây chè đạt 172,2 ha, sản lượng 1.260 tấn búp tươi; cây mía đạt 29,3 ha, sản lượng 1.758 tấn; diện tích cây lúa, ngô đạt kế hoạch, chỉ tiêu, tổng sản lượng lương thực 3.078,6 tấn tăng 228,6 tấn so với năm 2014, thu ngân sách năm 2018 đạt 521,9 triệu đồng (tăng 355,4 triệu đồng so với năm 2014). Các chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển sản xuất đối với hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số được triển khai thực hiện bảo đảm dân chủ, công khai đúng đối tượng. Cụ thể: trâu sinh sản 111 con; bò sinh sản 45 con; lợn nái 58 con; cây chè 8,6 ha; đàn gia súc, gia cầm được duy trì, phát triển ổn định. Công tác thú y, phòng chống dịch bệnh được chính quyền và các hộ chăn nuôi chú trọng nên không có dịch bệnh lớn xảy ra… MTTQ phối hợp vận động, tuyên truyền nhân dân mở rộng diện tích, tăng sản lượng và chất lượng cây chè của xã Minh Thanh, người dân đã hướng sản xuất chè sạch, an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP; một số thôn, như thôn Cảy, xã Minh Thanh năm 2018 được công nhận Làng nghề sản xuất, chế biến chè. Các giống lúa cho năng xuất cao, chất lượng cũng được nghiên cứu đưa vào trồng cấy.

      Phối hợp với cán bộ khuyến nông các cấp, liên kết tổ chức hướng dẫn, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật; tổ chức tham quan, học hỏi tại các trang trại, gia trại, giới thiệu mô hình sản xuất kinh doanh giỏi cho nông dân...

      Các tổ chức thành viên của MTTQ xã tạo điều kiện tín chấp cho nông dân vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, nguồn vốn nhận ủy thác từ Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện qua Hội Phụ nữ 8,573 tỷ đồng; Hội Nông dân 8,513 tỷ đồng; Hội Cựu chiến binh 3,230 tỷ đồng; Đoàn thanh niên 2,485 tỷ đồng. Từ đó, nhân dân đã mạnh dạn, chủ động lập dự án sản xuất, kinh doanh, chủ động chuyển đổi cây trồng, vật nuôi. Đến cuối năm 2018, toàn xã có 125 hộ gia đình nông dân đạt danh hiệu “Hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp”; trong đó, cấp tỉnh là 03 hộ, cấp huyện 20 hộ và 102 hộ cấp cơ sở; đảm bảo tiêu chí thu nhập, góp phần quan trọng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của xã.

      Đồng thời với việc phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, Ủy ban MTTQ và các tổ chức thành viên vận động, tuyên truyền một số lao động đi làm việc tại các khu công nghiệp, công ty trong nước cũng đem lại nguồn thu nhập khá góp phần giảm nghèo, ổn định đời sống của nhân dân.
       MTTQ phối hợp với các tổ chức thành viên vận động ủng hộ được 20.668.000 đồng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, tổ chức thăm hỏi, tặng quà gia đình chính sách, người có công với cách mạng... vào dịp Tết Nguyên đán, ngày Thương binh - Liệt sỹ hàng năm; tiếp nhận 260 triệu đồng, vận động hỗ trợ ngày công vật liệu làm mới 02 nhà, sửa chữa 02 nhà cho hộ gia đình chính sách; Quỹ vì người nghèo vận động được 16,526 triệu đồng tiền mặt, tiếp nhận 100 triệu đồng và huy động hàng trăm ngày công, vật liệu hỗ trợ cho 26 hộ nghèo làm mới nhà ở; thăm hỏi tặng quà nhân dịp tết Nguyên đán 7.500.000 đồng. Với những kết quả như trên giúp thu nhập bình quân đầu người trong xã năm 2018 đạt 26 triệu đồng/người/năm, tăng 08 triệu đồng so với năm 2015. Tỷ lệ hộ nghèo (đa chiều) giảm từ 46,85% xuống còn 23%.

      Trong những năm qua, với đường lối, chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội, về nông nghiệp; với sự nỗ lực tuyên truyền, vận động và vào cuộc của MTTQ, các tổ chức thành viên đã làm cho đời sống của nhân dân được cải thiện, dần được nâng cao, bộ mặt nông thôn ngày một đổi mới.

MTTQ xã Minh Thanh (Sơn Dương) vận động nhân dân tham gia xây dựng kênh mương nội đồng


       Để đẩy mạnh hơn nữa phong trào thi đua giúp nhau phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng, xóa đói giảm nghèo bền vững, đảm bảo duy trì tiêu chí thu nhập trong xây dựng nông thôn mới; Ủy ban MTTQ xã Minh Thanh đã đề ra một số giải pháp cụ thể sau:

      Một là: Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, MTTQ và các tổ chức thành viên trong công tác tuyên truyền vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương. Tận dụng hết diện tích đất hiện có, có phương án liên kết với các doanh nghiệp, công ty cung cấp các loại cây giống, con giống có năng suất cao vào sản xuất gắn với việc bao tiêu sản phẩm, quy hoạch thành các khu sản xuất tập trung, chỉ đạo nhân dân trồng cây, chăn nuôi theo kế hoạch tránh việc nhân dân trồng cây và chăn nuôi theo phong trào.

      Hai là: Cấp ủy, chính quyền các cấp xây dựng nghị quyết, kế hoạch cụ thể, sát với thực tế địa phương, cơ sở để lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung có hiệu quả kinh tế cao; xây dựng các mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện từng vùng, đúng quy hoạch của xã, tạo ra những vùng chuyên canh các sản phẩm hàng hoá cho giá trị kinh tế, có tính cạnh tranh cao trên thị trường.

      Ba là: Đề nghị các cấp có thẩm quyền tạo nguồn vốn cho nhân dân vay phát triển sản xuất; vận động nhân dân tham gia tổ hội nghề nghiệp cùng trao đổi kinh nghiệm giúp đỡ nhau trong qúa trình đầu tư sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; thường xuyên vận động nông dân tích cực học tập để nâng cao kiến thức; phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật, tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận nhanh với các thông tin về KHKT mới, cung cấp các tài liệu khoa học, hướng dẫn quy trình kỹ thuật, tư vấn giống cây trồng, vật nuôi, xây dựng nhiều mô hình trình diễn, trang trại kiểu mẫu, tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá rút kinh nghiệm để nhân rộng các mô hình.

                                                                                                                                  Hà Sen

 

Xem tin theo ngày:   / /