Mặt trận Tổ quốc với hoạt động đối ngoại nhân dân

Thứ Năm, 25/4/2019 - 09:50 Đã xem: 8276

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập nền ngoại giao nhân dân Việt Nam. Tư tưởng ngoại giao nhân dân của Người được hình thành ngay từ những năm tháng bôn ba tìm đường cứu nước và phát triển xuyên suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình. Người đã chỉ đạo thành lập các tổ chức đối ngoại nhân dân đầu tiên của Việt Nam để tiếp cận với bạn bè quốc tế, với phong trào hoà bình, đoàn kết của nhân dân thế giới; gắn kết cách mạng Việt Nam với cách mạng thế giới.

      Đối ngoại nhân dân đã có những đóng góp quan trọng trong việc tập hợp và hình thành mặt trận nhân dân thế giới đoàn kết, ủng hộ nhân dân Việt Nam trong thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc; làm cầu nối và đột phá trong việc phá bao vây cấm vận và bình thường hóa quan hệ với các nước lớn sau chiến tranh; thúc đẩy đối thoại kênh II, đấu tranh bảo vệ chủ quyền đất nước, khắc phục hậu quả chiến tranh, đối thoại về nhân quyền, dân chủ, tôn giáo, … Đảng ta chủ trương: “Mở rộng hơn nữa công tác đối ngoại nhân dân, tăng cường quan hệ song phương và đa phương với các tổ chức và nhân dân các nước, nâng cao hiệu quả hợp tác với các tổ chức phi chính phủ quốc gia và quốc tế, góp phần tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân các nước trong khu vực và trên thế giới... Phối hợp chặt chẽ hoạt động ngoại giao của nhà nước, hoạt động đối ngoại của Đảng và hoạt động đối ngoại nhân dân làm cho thế giới hiểu rõ hơn đất nước, con người, công cuộc đổi mới của Việt Nam, đường lối chính sách của Đảng và nhà nước ta”.

     Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, với tư cách là tổ chức liên minh chính trị, là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, thực hiện đại đoàn kết dân tộc, tổ chức tiêu biểu cho toàn dân, gắn đoàn kết dân tộc với đoàn kết quốc tế, có nhiệm vụ điều phối hoạt động đối ngoại nhân dân với các tổ chức thành viên. Hoạt động đối ngoại nhân dân của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được quy định Điều 9 của Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2013). Tại Điều 13, Chương II Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam "Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện và mở rộng hoạt động đối ngoại nhân dân trong khu vực và trên thế giới theo đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước, góp phần tăng cường tình hữu nghị giữa các dân tộc, vì hòa bình, hợp tác và phát triển".

     Nói hoạt động đối ngoại nhân dân của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã bao hàm hoạt động đối ngoại nhân dân của các tổ chức thành viên trong đó. Trong những năm qua, Mặt trận Tổ quốc tỉnh Tuyên Quang và các tổ chức thành viên đã từng bước nâng cao chất lượng hoạt động công tác đối ngoại nhân dân; là tỉnh miền núi, không có đường biên giới với các nước, song hoạt động đối ngoại nhân dân cũng đã được thực hiện một cách linh hoạt, nhất là trong những năm gần đây khi đất nước ta thực hiện chủ trương đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế. Tỉnh đã mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác phát triển với các địa phương nước ngoài, như: tỉnh Xiêng Khoảng, nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào; thành phố Anseong, tỉnh Gyeonggi, Hàn Quốc; châu Văn Sơn, tỉnh Vân Nam, nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa; thành phố Babruisk, tỉnh Mogilev, nước Cộng hòa Belarus… Trong mở rộng quan hệ với các tổ chức quốc tế, tỉnh đã ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác với các tổ chức: Good Neighbor International (GNI/Hàn Quốc), Tầm nhìn thế giới (World Vision/Mỹ); các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, như: Công ty TNHH MSA YB, Công ty TNHH Seshin của Hàn Quốc, Công ty TNHH Future Milk của Úc; một số địa phương của Nhật Bản….

 

 

   Đoàn đại biểu Ủy ban MTTQ tỉnh (bên phải ) thăm, làm việc với Mặt trận Lào xây dựng đất nước thủ đô Viêng Chăn (Lào)


      Cùng với đó, hoạt động đối ngoại nhân dân cũng từng bước được tăng cường. Hằng năm, Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh đã ban hành văn bản hướng dẫn, thực hiện công tác tuyên truyền về đối ngoại nhân dân, công tác về người Việt Nam ở nước ngoài; về công tác thông tin đối ngoại, công tác tuyên truyền về biển đảo, công tác biên giới trên đất liền Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia trong hệ thống Mặt trận của tỉnh. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh đã tổ chức Đoàn cán bộ, gồm 24 đồng chí đi thăm, giao lưu hữu nghị, trao đổi kinh nghiệm về công tác Mặt trận tại tỉnh Xiêng Khoảng và thủ đô Viêng Chăn, thăm cơ quan và chào xã giao lãnh đạo Ủy ban Trung ương Mặt trận Lào xây dựng đất nước. Mặt trận Tổ quốc tỉnh cũng đã đón tiếp nhiều Đoàn đại biểu cấp cao của Ủy ban Trung ương Mặt trận Lào xây dựng đất nước; đoàn đại biểu Mặt trận Lào xây dựng đất nước thủ đô Viêng chăn; phối hợp tham gia đón tiếp và làm việc với nhiều đoàn đại biểu nước ngoài đến thăm và làm việc tại tỉnh Tuyên Quang… phối hợp với Liên hiệp các tổ chức hữu nghị vận động các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hỗ trợ giúp đỡ các hộ nghèo có hoàn cảnh khó khăn là hội viên các Hội hữu nghị, thành viên của Liên hiệp; phối hợp với Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh và tổ chức trả lại tuổi thơ (GIBTK/Mỹ), trao tặng 300 xe lăn cho người khuyết tật trên địa bàn tỉnh, tổng trị giá gần 800 triệu đồng… duy trì chuyên mục “Thông tin đối ngoại và công tác đối ngoại nhân dân” trên Website Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh.



       

Đoàn đại biểu Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh do Ông Đỗ Minh Tân, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, Phó Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh làm trưởng đoàn, sang thăm và làm việc tại tỉnh Xiêng khoảng, CHDCND Lào.


      Các tổ chức thành viên cũng đã tăng tăng cường hoạt động về công tác đối ngoại nhân dân như: Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh, với phương châm “chủ động, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả”, Hội Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị tỉnh đã mở rộng, đa dạng hóa quan hệ hữu nghị, hợp tác với nhân dân các nước thông qua kênh đối ngoại nhân dân, riêng năm 2018, đã tham mưu với tỉnh tổ chức 07 đoàn công tác thăm, làm việc tại Trung Quốc, Nhật Bản, Nga và Bê-la-rút, In-đô-nê-xi-a, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, một số nước châu Âu. Duy trì các hoạt động giao lưu, hợp tác với các đối tác truyền thống (thành phố Anseong, tỉnh Gyeonggi, Hàn Quốc; tỉnh Xiêng Khoảng, Lào). Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức đoàn công tác của tỉnh gặp gỡ, trao đổi về khả năng hợp tác, đầu tư với các nhà tài trợ, tổ chức phi chính phủ có tiềm năng, phù hợp với địa phương để vận động, thu hút đầu tư. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh triển khai 27 chương trình, dự án, viện trợ phi dự án do 19 tổ chức, nhà tài trợ nước ngoài thực hiện với tổng giá trị viện trợ cam kết toàn dự án đạt trên 8,29 triệu USD, giá trị giải ngân trong năm 2018 đạt 1,92 triệu USD. Từ 2013 đến nay, tỉnh tiếp nhận 25 học sinh, sinh viên của tỉnh Xiêng Khoảng (Lào) sang học tập tại Trường Đại học Tân Trào…

      Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Tuyên Quang duy trì các hoạt động kết nghĩa với BCH Quân sự tỉnh Phong Sa lỳ, Quân đội nhân dân Lào từ tháng 11/2017. Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ 100 con bê giống lai Shin hỗ trợ tỉnh Xiêng Khoảng. Tỉnh Đoàn thanh niên đã phối hợp với Đoàn tình nguyện của Ủy ban Olympic và Thể thao quốc gia Hàn Quốc tổ chức chương trình giao lưu tình nguyện vì cộng đồng tại xã Nhân Mục (Hàm Yên); đón tiếp một số đại biểu Đoàn Thanh niên nhân dân cách mạng Lào sang thăm và giao lưu với thanh niên Tuyên Quang… Thông qua đó, hoạt động đối ngoại nhân dân của tỉnh từng bước được đẩy mạnh, tiếp tục duy trì củng cố mối quan hệ hữu nghị với các địa phương láng giềng, cùng với hoạt động đối ngoại của đảng và nhà nước tăng cường về mở rộng quan hệ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện với các địa phương của các nước trong khu vực, trong đó chú trọng hoạt động ngoại giao văn hóa nhằm quảng bá rộng rãi hơn về các khu di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh và nét đặc sắc văn hóa của tỉnh tới bạn bè quốc tế.

          Bên cạnh những kết quả hoạt động đối ngoại nhân dân trong những năm qua, nhìn nhận từ thực tế cho thấy cũng còn một số hạn chế như: Thiếu tài liệu tuyên truyền hướng dẫn của cơ quan chuyên trách về đối ngoại nhân dân; công tác phối hợp về hoạt động đối ngoại nhân dân giữa các tổ chức chính trị - xã hội chưa thường xuyên; quy mô, số lượng các hoạt động đối ngoại nhân dân chưa tương xứng với tiềm năng; sự phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc tỉnh với Liên hiệp các tổ chức hữu nghị trong việc vận động các tổ chức phi chính phủ chưa thật chặt chẽ, thường xuyên. Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài là con em trong tỉnh chưa được chú trọng…

        Để tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại nhân dân của Mặt trận Tổ quốc trong thời kỳ mới, đẩy mạnh công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế, cần thiết triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp sau:

      - Tổ chức Mặt trận các cấp tiếp tục tuyên truyền để nâng cao nhận thức, chuẩn mực hơn về vai trò và vị trí của ngoại giao nhân dân. Nhiều nơi “công tác đối ngoại nhân dân đang bị hành chính hoá, nhà nước hoá, hoạt động chưa xứng tầm vị trí của mình”. Nâng cao nhận thức của cán bộ và nhân dân, trước hết của các tổ chức thành viên Mặt trận về vai trò của Mặt trận Tổ quốc trong ngoại giao nhân dân. Phải xác định rõ công tác đối ngoại nhân dân là một bộ phận trong tổng thể chức năng, nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc, nằm trong chức năng của Mặt trận là tập hợp, vận động, đoàn kết rộng rãi các tầng lớp nhân dân, thực hiện các chủ trương, chính sách đối nội, đối ngoại của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là yêu cầu gắn đoàn kết dân tộc với đoàn kết quốc tế, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh của thời đại.

      - Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần hướng dẫn Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc các tỉnh, thành phố trong cả nước xây dựng và thực hiện các chương trình công tác đối ngoại nhân dân trong từng giai đoạn cụ thể, có kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn phối hợp hoạt động của các tổ chức thành viên và Uỷ ban Mặt trận các cấp trong từng đợt vận động, như đấu tranh với Mỹ về vấn đề chất độc da cam, tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế khi có thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh, trong các hoạt động Vì người nghèo; tạo điều kiện để Ủy ban MTTQ các tỉnh được tham gia vào các hoạt động đối ngoại nhân dân của MTTQ Việt Nam, qua đó công tác tuyên truyền từ những hoạt động thực tiễn được tuyên truyền sâu rộng đến cơ sở...

     - Định kỳ theo từng giai đoạn, có chương trình phối hợp giữa MTTQ và Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh với những nội dung cụ thể trong sự phối hợp thực hiện công tác đối ngoại nhân dân, bởi hiện nay, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam là cơ quan chuyên trách về công tác đối ngoại nhân dân, còn hoạt động đối ngoại nhân dân của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được quy định Điều 9 của Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2013) và Luật MTTQ Việt Nam, dó đó cần có sự phối hợp chặt chẽ, thống nhất trong hoạt động.

       - Cần định kỳ rà soát, thống kê thường xuyên người Việt Nam là con em trong tỉnh định cư sinh sống ở nước ngoài để tuyên truyền vận động, thu hút nguồn lực hỗ trợ an sinh xã hội. Tỉnh quan tâm thành lập Ban liên lạc Hội người Việt nam ở nước ngoài để thuận lợi trong các hoạt động. Qua đó, MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội chú trọng đến việc phát huy vai trò nòng cốt của các hội thân nhân người Việt Nam ở nước ngoài, quan tâm xây dựng mạng lưới cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

      - Việc giới thiệu đất nước và con người Việt Nam, đường lối chủ trương của Đảng và Nhà nước, thành tựu mọi mặt của tỉnh cần được tiến hành một cách thường xuyên thông qua các cơ quan thông tin đại chúng, thông qua các hình thức trao đổi các đoàn của các tổ chức thành viên Mặt trận, các đoàn văn hoá nghệ thuật, du lịch, du học... Đấu tranh chống ý đồ dùng vấn đề dân chủ, nhân quyền, tôn giáo để can thiệp vào nội bộ cũng cần được đặt ra thường xuyên; tiếng nói của Mặt trận là tiếng nói của các tầng lớp nhân dân, có sức mạnh và sức thuyết phục lớn trong phối hợp đấu tranh cùng ngoại giao Nhà nước.

      - Bên cạnh đó, xác định đối ngoại nhân dân là sự nghiệp của toàn bộ hệ thống chính trị, của toàn dân. Mỗi người dân đều có thể là một chiến sĩ trên mặt trận đối ngoại nhân dân. Nói rộng ra, đối ngoại nhân dân là sự nghiệp của toàn dân thì nhân dân cần tích cực hơn nữa tham gia vào mặt trận đó. Đặc biệt, cần chú trọng củng cố, xây dựng và phát huy vai trò của tổ chức chuyên trách trong mặt trận đối ngoại nhân dân là Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam để làm nòng cốt phối hợp trong hoạt động chung của các tổ chức nhân dân Việt Nam. Đồng thời, cần đẩy mạnh việc phối kết hợp với các ngành, tổ chức nhân dân, huy động được các nguồn lực về trí tuệ và vật chất trong xã hội để phát huy sức mạnh tổng hợp trong hoạt động đối ngoại nhân dân.

Hải Yến 

Xem tin theo ngày:   / /