Tuyên Quang - Giảm nghèo vượt kế hoạch

Thứ Sáu, 4/1/2019 - 14:20 Đã xem: 1135

Việc triển khai đồng bộ, hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền về giảm nghèo đã giúp tỉnh ta đạt được những kết quả tích cực. Trong năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh tiếp tục giảm, vượt kế hoạch đề ra. Từ đó tạo tiền đề thuận lợi để toàn tỉnh nỗ lực thực hiện mục tiêu về giảm nghèo trong giai đoạn tiếp theo.

     Không để ai bị bỏ lại phía sau

Những chính sách thu hút đầu tư của tỉnh đã tạo việc làm mới cho lao động giúp giảm nghèo hiệu quả. Trong ảnh: Lao động làm việc tại Nhà máy chế biến gỗ của Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang.

      Anh Bàn Văn Ba, dân tộc Dao ở thôn Nà Kiếm, xã Hồng Thái (Na Hang) từng được học lớp kỹ thuật máy nông nghiệp cho đối tượng lao động nông thôn thuộc diện hộ nghèo, người dân tộc thiểu số tại xã. Hoàn thành lớp học, anh và nhiều nông dân trong xã đã biết sửa chữa, vận hành hiệu quả những loại máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp. Nhờ đó, chất lượng, năng suất cây trồng ngày càng tăng. Nhiều hộ ở xã trồng cây lê, cây chè… đã vươn lên thoát nghèo hiệu quả nhờ biết ứng dụng kỹ thuật trong sản xuất sau khi được học nghề.
      Để thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh, ngay từ đầu năm, các địa phương đã tiến hành rà soát, nắm chắc thực trạng hộ nghèo, cận nghèo, xác định nguyên nhân chính dẫn đến nghèo của từng hộ để phân công các cấp, các ngành thực hiện các giải pháp giúp đỡ. Đồng thời, triển khai có hiệu quả các chương trình, đề án, chính sách giảm nghèo; các giải pháp hỗ trợ phát triển sản xuất; hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản, gắn với xây dựng nông thôn mới; nâng cao chất lượng đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho người lao động…

Phát triển mô hình nuôi cá trên lòng Hồ sinh thái Na Hang giúp các hộ dân trên địa bàn huyện vươn lên thoát nghèo.

      Từ đầu năm đến nay, các địa phương và cơ sở dạy nghề đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ Việc làm tỉnh tổ chức các phiên giao dịch việc làm thu hút hàng nghìn lao động tham gia. Tỉnh cũng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp uy tín đến tuyển dụng lao động đi làm việc tại các khu công nghiệp trong nước và xuất khẩu lao động. Đến nay, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm mới cho 23.531 lao động, đạt 117,66% kế hoạch năm, trong đó có nhiều lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo đã tìm được việc làm ổn định, nâng cao mức thu nhập của gia đình. Cùng với đó, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, lao động thuộc hộ nghèo đã được triển khai hiệu quả.
      Công tác tuyên truyền, vận động hộ nghèo phát huy nội lực vươn lên tiếp tục đạt được những kết quả khả quan. Từ năm 2016 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có hàng trăm hộ tự nguyện đăng ký xin ra khỏi danh sách hộ nghèo. Đại diện hộ gia đình tự nguyện xin thoát nghèo ở xã Minh Quang (Chiêm Hóa), chị Ma Thị Chất, thôn Bản Têm nói, nếu cứ trông chờ ỷ lại vào chính sách hỗ trợ thì khó thoát nghèo được, nếu có thoát nghèo cũng không bền vững. Chính vì vậy, gia đình chị đã đăng ký xin ra khỏi danh sách hộ nghèo. Gia đình chị đã phát triển mô hình chăn nuôi gà, lợn và bán hàng tổng hợp. Cùng với đó, tích cực tham gia các lớp tập huấn về chăn nuôi, trồng trọt do xã tổ chức, nhờ đó hơn 5.000 m2 mía và lạc của gia đình cho năng suất cao. Tổng thu nhập của gia đình chị đạt hơn 100 triệu đồng/năm và có đủ các điều kiện để được công nhận thoát nghèo.
      Tiếp tục thực hiện các giải pháp hiệu quả

Người dân thôn Làng Bát, xã Tân Thành (Hàm Yên) thu hoạch chè.

      Giai đoạn 2016 - 2018, tỉnh ta đã triển khai hiệu quả các giải pháp hỗ trợ hộ nghèo vươn lên. Trong đó có trên 39.970 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo, hộ dân tộc thiểu số có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được vay vốn ưu đãi phát triển sản xuất, làm nhà ở với số tiền trên 1.447 tỷ đồng. Có trên 101.765 lượt hộ nghèo, cận nghèo được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất, trên 2.000 hộ nghèo được hưởng lợi khi tham gia các mô hình trình diễn, áp dụng các giống cây trồng mới. Bên cạnh đó, việc triển khai các cơ chế, chính sách của HĐND, UBND tỉnh về hỗ trợ sản xuất hàng hóa đối với một số cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh; đào tạo nghề, về xây dựng nhãn hiệu, quảng bá giới thiệu sản phẩm ra thị trường; hỗ trợ nhận khoán bảo vệ rừng… cũng đã tạo điều kiện thuận lợi để các hộ nghèo bứt phá vươn lên. Tiêu biểu như: Huyện Lâm Bình đã xây dựng cơ chế phối hợp và giao cho các cơ quan, đơn vị phụ trách các xã xây dựng chỉ tiêu, kế hoạch giảm nghèo cụ thể. Huyện Hàm Yên tiếp tục tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức tự giác, khen thưởng hộ thoát nghèo nhằm phát huy nội lực của từng hộ. huyện Yên Sơn xây dựng các vùng chuyên canh cây trồng tập trung có chất lượng cao để nâng cao thu nhập cho người dân…
      Năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm 3,94%, đạt 131% kế hoạch năm, đưa tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh xuống còn 15,38%. Từ kết quả đã đạt được, tỉnh đã xác định những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới như: Đẩy mạnh thực hiện phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”; thực hiện tốt các chính sách đào tạo nghề, tư vấn giới thiệu việc làm cho lao động nông thôn, nhất là lao động thuộc hộ nghèo; tập trung đầu tư hạ tầng cho các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; phát huy vai trò của MTTQ, các tổ chức đoàn thể, doanh nghiệp và cộng đồng trong thực hiện công tác giảm nghèo. Nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Chỉ đạo và năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp; tăng cường huy động nguồn lực của toàn xã hội chăm lo cho công tác giảm nghèo và hỗ trợ làm nhà ở cho người có công với cách mạng... Toàn tỉnh phấn đấu hoàn thành thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 -2020 đề ra là giảm từ 3% hộ nghèo mỗi năm.

                                                                                                                                               Theo Báo TQĐT

 

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG

Tổng số: 342 | Trang: 1 trên tổng số 35 trang  
Xem tin theo ngày:   / /