Giám đốc 9X người Cao Lan

Thứ Năm, 22/11/2018 - 13:57 Đã xem: 900

Chỉ sau 2 tháng đi vào hoạt động sản xuất, Công ty TNHH Tiến Tùng, chuyên gia công đồ thủ công mỹ nghệ từ sợi nhựa giả mây của chàng trai Lê Văn Tiến, 28 tuổi, dân tộc Cao Lan, thôn Thái Bình, xã Cấp Tiến (Sơn Dương) đã tạo việc làm cho gần 400 lao động với mức thu nhập bình quân trên 3 triệu đồng/người/tháng. Thành công hôm nay của Tiến bắt nguồn từ những năm tháng làm công nhân vất vả ở các khu công nghiệp trong nước. “Cơ duyên” với nghề

      Tuổi thơ của Lê Văn Tiến gắn liền với những thiếu thốn về cái ăn, cái mặc. “Gia đình Tiến nghèo lắm, có tận 9 anh em, Tiến là con thứ 6 trong nhà. Vì đông con nên cái khó, cái nghèo cứ đeo bám mãi. Tiến cố lắm mới học hết lớp 9. Chẳng ai ngờ, giờ Tiến lại đem đến công ăn việc làm cho cả trăm người trong xã, trong thôn bằng việc gia công các sản phẩm từ sợi mây nhựa. Người dân Cao Lan trong thôn tự hào có người con như Tiến”, đó là lời giới thiệu của ông Lâm Văn Phú, Trưởng thôn Thái Bình.
      Cũng bởi gia đình khó khăn mà Tiến nghỉ học phụ giúp bố mẹ làm việc để kiếm cơm. Đến năm Tiến 20 tuổi, Tiến đã quyết định tìm hướng đi mới cho mình. Tiến kể, lúc ấy đi tìm việc ở rất nhiều nơi, từ phục vụ ở các quán ăn đến các khu công nghiệp trong Nam, ngoài Bắc với mong muốn tìm được việc phù hợp với mình và có được đồng lương kha khá để phụ giúp gia đình. Nhưng vì thấp bé, nhẹ cân nên việc nặng làm không nổi, việc nhẹ thì không có nhiều. Đúng lúc đó, có người bạn rủ vào Bình Dương làm hàng thủ công mỹ nghệ. Bắt đầu từ đây, Tiến gắn bó với nghề làm hàng thủ công mỹ nghệ, đặc biệt là làm ghế mây và các phụ kiện làm ghế sofa từ sợi mây nhân tạo.
      7 năm làm công nhân, tích lũy được chút vốn liếng, trở lại quê cưới vợ. Lúc đầu hai vợ chồng tính chuyện thuê đất ở Khu công nghiệp Long Bình An (TP Tuyên Quang) mở cửa hàng bán cà phê. Nhưng qua tìm hiểu thấy khó phát triển. Hai vợ chồng lại quyết định khăn gói đi làm công nhân ở khu công nghiệp dưới Bắc Ninh. Vợ chồng bàn nhau đi làm công ty Samsung vì lương cao. Lúc đến Khu công nghiệp Quế Võ (Bắc Ninh), nhìn thấy thông báo tuyển công nhân làm đồ thủ công mỹ nghệ của Công ty TNHH Keysheen Đài Loan, cả hai vợ chồng lại quyết định xin vào làm. Tiến bảo, đó là cơ duyên với nghề.

Anh Lê Văn Tiến (đứng giữa) dân tộc Cao Lan, thôn Thái Bình, xã Cấp Tiến (Sơn Dương)
hướng dẫn công nhân kiểm tra lỗi sản phẩm cho quản lý các xưởng.

      Có tay nghề cùng với sự nhanh nhẹn, thông minh, Tiến hoàn thành lượng sản phẩm gấp đôi so với những công nhân cùng làm. Hơn nữa, những sản phẩm Tiến làm đều đẹp, không có lỗi kỹ thuật. Thu nhập Tiến kiếm được mỗi tháng 16 triệu đồng, cao nhất trong đội ngũ công nhân. Chính những yếu tố này, Tiến đã nhanh chóng lọt vào “mắt xanh” của ông chủ người Đài Loan. Để mục sở thị anh công nhân có tài vượt trội này, ông chủ người Đài Loan thường xuyên xuống xưởng Tiến làm để kiểm tra, giám sát, quan sát xem Tiến làm việc. Tiến bảo có khi ông chủ đứng cả giờ đồng hồ xem Tiến hoàn thành sản phẩm.
      Thấy Tiến làm được, ông chủ đã mời em làm quản lý xưởng, hướng dẫn công nhân làm đúng kỹ thuật và kiểm tra lỗi trước khi nhập kho. Những sản phẩm đã qua, Tiến kiểm tra khi xuất khẩu đảm bảo đúng tiêu chuẩn. Chính việc thạo nghề, hoạt bát, nhanh nhẹn, Tiến đã tạo dựng được lòng tin với ông chủ người Đài Loan. Có lần ông chủ hỏi Tiến là người của tỉnh nào, rồi nơi ấy có nhiều lao động không? Về nghĩ lại những câu hỏi đó và trong đầu Tiến chợt nảy ra ý định muốn được mang hàng thủ công mỹ nghệ này về quê cho anh em, người dân làng mình làm. Hôm sau, Tiến gặp ông chủ và đề đạt nguyện vọng của mình. Không ngờ, ông chủ lại ủng hộ quyết định của mình.
      Bất ngờ làm giám đốc
      Tiến bảo, bất ngờ sau vài ngày, từ công nhân em thành giám đốc doanh nghiệp. Bởi muốn đem sản phẩm về quê gia công thì phải có tư cách pháp nhân để nhận và giao hàng thông qua hợp đồng với công ty. Bắt đầu nhận làm, Tiến đau đầu lắm, phần sợ về người dân không biết làm, hàng lỗi, không nhập được cho công ty, phần lại sợ mang nợ, rồi chuyện làm nhà xưởng... Nhưng lại nghĩ, nếu không liều một phen thì không có cơ hội thay đổi cuộc sống nên Tiến đã quyết làm cho dù kết quả thế nào. Tiến chỉ tay vào đám máy bắn khung, kẹp sợi nói: “Toàn bộ máy móc đến hiện tại khoảng trên 500 triệu đồng là ông chủ người Đài Loan đầu tư cho em với điều kiện sau 3 tháng sản xuất bắt đầu phải trả tiền theo hình thức trả dần. Sản phẩm làm gia công hoàn thành được công ty bao tiêu. Sau 4 tháng, công ty đã phát triển được 25 xưởng ở 5 xã Cấp Tiến, Đông Thọ, Lương Thiện, Chi Thiết, Đồng Qúy, hầu hết tận dụng sân nhà của các hộ gia đình chứ chưa có xưởng độc lập. Lợi nhuận chưa tính đến bởi được đến đâu, em lại đầu tư mở xưởng đến đó”.

Công nhân gia công hàng mỹ nghệ từ sợi mây nhân tạo tại xưởng sản xuất của Công ty TNHH Tiến Tùng của anh Lê Văn Tiến, thôn Thái Bình, xã Cấp Tiến, Sơn Dương.

      Tại nhà Tiến cũng bố trí một xưởng từ tận dụng sân của gia đình rộng chừng 60 m2, đủ chỗ cho 30 lao động gia công sản phẩm. Tiến chia sẻ, tạm thời phải tận dụng nhà xưởng bởi nếu đầu tư độc lập thì mất khá nhiều tiền xây dựng mà điều kiện chưa có. Hơn nữa việc gia công sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ sợi mây nhân tạo không ô nhiễm vì không có bụi, bẩn gì, chủ yếu là có mái che mát bảo quản các loại máy bắn khung, chốt ghim sản phẩm.

      Thấy tôi chú ý việc mọi người làm có vẻ thành thạo việc, Tiến giải thích, chỉ cần học 1 tuần có thể gia công được. Nhưng để thạo việc thì phải làm qua hàng chục sản phẩm. Thợ nhanh tay 1 ngày làm được 2 - 3 cái ghế, kiếm khoảng 100 - 150 nghìn đồng. Điểm thuận lợi là các xưởng gia công của Tiến không ràng buộc về thời gian cho công nhân, lao động. Ngoài việc làm tại cơ sở, người dân có thể nhận hàng về nhà làm thêm khi rảnh hoặc làm vào buổi tối, miễn là hoàn thành sản phẩm với số vật liệu quy định. Nhanh tay kéo sợi mây nhựa, chị Lâm Thị Lương, cho biết: “Gia đình tôi chủ yếu làm ruộng, ngoài thời vụ không biết làm gì kiếm thêm thu nhập. Từ ngày anh Tiến mở xưởng gia công này, tôi có thu nhập gần 3 triệu đồng/tháng, đỡ khó khăn nhiều. Không chỉ gia đình tôi mà nhiều hộ đồng bào Cao Lan ở thôn Thái Bình này có thu nhập ổn định lo cho cuộc sống. Việc làm lúc nông nhàn mà lại có thu nhập như thế này là việc chúng tôi mong đợi nhiều năm qua”.
      Tham vọng mỗi xã có một xưởng
     Thấy chiếc xe tải ghé qua xưởng bốc sản phẩm về nhập cho công ty, một thanh niên nhanh nhẹn hỏi Tiến: “Hôm nay, mấy trăm sản phẩm ghế thì đủ đơn?”. Tiến bảo “200 em nhé!”. Vừa cùng với nhân viên kiểm hàng xếp hàng lên xe, Tiến bảo: “Mỗi tuần cơ sở phải nhập kho cho Công ty TNHH Keysheen Đài Loan 3 chuyến hàng thế này. Các sản phẩm chủ yếu là ghế và các phụ kiện như mặt, bảng tự, tay vịn ghế sofa. Mấy anh em làm quản lý xưởng sẽ lần lượt đi giao hàng để nắm rõ các lỗi sản phẩm và hướng dẫn người lao động sửa và khắc phục lỗi. Đấy, cậu lúc nãy là Hoàng Văn Hiếu ở Bản Thác, xã Yên Hoa (Na Hang), trước làm công nhân cùng em, khi về mở xưởng, em kéo cậu ấy về làm quản lý xưởng giúp em. Hiện có 4 anh em từng làm cùng về làm quản lý, hướng dẫn kỹ thuật cho người lao động tại các xưởng. Tới nay số lao động ở 25 xưởng dao động từ 300 - 350 người”.
      Dẫn chúng tôi xem khu đất đang được san ủi, Tiến khoe: “Đây là khu xưởng mới khoảng 200 m2 sẽ dành để làm các sản phẩm yêu cầu kỹ thuật cao và cũng là điểm kiểm hàng tập hợp từ các xưởng. Em còn muốn mỗi xã trên địa bàn huyện Sơn Dương sẽ thành lập được một xưởng, ưu tiên các xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, người dân còn nghèo. Bởi hơn ai hết, em hiểu và thấm thía cái nghèo. Mong muốn này của em hơi lớn, nhưng nếu được chính quyền và mọi người giúp đỡ về nguồn vốn thì có thể thực hiện được”.
      Từ một công nhân chăm chỉ, nhanh nhẹn, yêu nghề, Tiến đã nắm bắt được cơ hội trở thành doanh nhân không chỉ làm giàu có bản thân, gia đình, hàng xóm mà còn tạo việc làm cho mấy trăm lao động, chủ yếu là phụ nữ tuổi trung niên ở các thôn, bản khó kiếm việc làm, thu nhập. Hy vọng mỗi xã trên địa bàn huyện Sơn Dương có một xưởng gia công hàng mỹ nghệ từ sợi mây nhựa của Tiến sớm trở thành hiện thực.

                                                                                                                                              Theo Báo TQĐT

 

Xem tin theo ngày:   / /