Văn bản dưới luật

Thứ Hai, 17/9/2018 - 10:21 Đã xem: 850

Hơn 5.600 văn bản trái luật, trách nhiệm thuộc về ai? Đó là vấn đề được nêu lên tại phiên họp ngày 13/9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, khi cho ý kiến Báo cáo của Chính phủ về tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội. Tuy nhiên, đó cũng là thái độ nhìn thẳng vào sự việc của các cơ quan hữu quan, từ đó hy vọng sẽ có giải pháp cho vấn đề rất hệ trọng này.

    Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, theo Nghị quyết 718, Chính phủ được giao chủ trì chuẩn bị 75 dự án luật, pháp lệnh dự kiến phải được ban hành, sửa đổi, bổ sung để triển khai thi hành Hiến pháp.
    Sau gần 5 năm thực hiện, Chính phủ đã trình ban hành được 54 luật, pháp lệnh (đạt 72%), đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 và 2019 là 4 dự án (chiếm 5,3%); còn lại 17 dự án (chiếm 22,6%) chưa đưa vào chương trình, trong đó so với thời hạn dự kiến có 2 dự án quá hạn 4 năm (chiếm 2,7%), 2 dự án quá hạn 3 năm (chiếm 2,7%), 9 dự án quá hạn 2 năm (chiếm 12%).
    Về vấn đề này, theo ông Định, trách nhiệm của các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ trước việc kết quả ban hành văn bản quy định chi tiết vẫn chưa đạt được như mong muốn. Những tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện vẫn kéo dài trong nhiều năm.
    Đáng chú ý, theo Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội Nguyễn Thanh Hải, cử tri rất băn khoăn về việc qua kiểm tra đã phát hiện hơn 5.600 văn bản trái luật, và đây là những vấn đề xuất hiện từ nhiều năm trước đây. Cụ thể, năm 2012 qua kiểm tra 3,6 triệu văn bản thì có đến 900 nghìn văn bản sai. 
    “Vấn đề đặt ra là 1 văn bản sai ảnh hưởng tới quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân tổ chức như thế nào? Cử tri mong muốn là xử lý văn bản sai này bằng cách ban hành văn bản mới là cần thiết”- Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội nêu rõ.
 
    Vẫn theo Trưởng ban Dân nguyện, nếu xử lý cán bộ nghiêm minh theo Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước, ví dụ như trong 1 văn bản sai tìm và xác định làm ảnh hưởng đến 100 người mà xử lý nghiêm, làm điểm thì tình trạng này sẽ đỡ hơn. Làm sao để tình trạng này không tái diễn trong những năm tiếp theo, do đó xử lý cần nghiêm minh và chỉ ra các địa chỉ, cơ quan tổ chức ban hành văn bản trái pháp luật.
   Cuộc sống luôn biến động, thực tế thì văn bản luật cho dù lúc soạn thảo, ban hành rất sát thực tế, bao quát được vấn đề nhưng theo thời gian cũng bị lạc hậu. Nhất là trong khi đất nước đang đà đổi mới, hầu như lĩnh vực nào cũng cần phải gấp rút, tăng tốc và thực tế cuộc sống cũng đặt ra nhiều vấn đề, nhiều tình huống mà trước đó không có, hoặc chưa xuất hiện. Vì thế, việc xem xét, điều chỉnh những bất cập cũng là cần thiết.
 
    Nhìn vào con số 5.600 văn bản trái luật một mặt cho thấy vấn đề rất bức xúc; mặt khác cũng cho thấy các cơ quan chức năng đã thẳng thắn thừa nhận bất cập. Đây là vấn đề rất quan trọng, vì thừa nhận những điều đó không dễ gì. Trong cuộc sống, đôi khi chỉ là một lỗi nhỏ nhưng nhiều người đã không dám nhận, tìm cách chối cãi, đẩy cho người khác và thấy rõ nhất là đẩy sang cho tập thể. Vì thế, mới xuất hiện những từ như “chuyền bóng”, “đá lên”, “đá ngang đá dọc”... có nghĩa là không thừa nhận lỗi, sai, nên càng không thể hy vọng gì vào việc khắc phục sửa chữa.
 
    Cuộc sống đang vận động đi lên với tốc độ rất lớn, vì thế lại càng cần có luật pháp rõ ràng, càng cần có hệ thống văn bản dưới luật để giải thích, hướng dẫn. Con số hơn 5.000 văn bản trái luật kia cho thấy việc “vận dụng” dưới luật đã không làm tốt. Lẽ ra, văn bản dưới luật phải rõ ràng hơn, chi tiết hơn, cụ thể hơn, dễ hiểu dễ thực hiện hơn luật, nhưng trong nhiều trường hợp đã không đạt được điều đó. Đây là vấn đề rất cần sự quan tâm của những cơ quan triển khai luật, không thể đổ lỗi cho  nơi khác, cũng như không thể lại một lần nữa “đá lên” một cách thiếu trách nhiệm.
 
      Một điểm nữa cũng rất đáng quan tâm, theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga, thì có những bộ ngành thiếu chủ động trong việc ban hành luật, chưa kể tình trạng lùi hoãn. Cùng đó, nhiều dự án luật đưa vào gấp gáp bị động, thiếu chủ động.
     Bà Nga nêu nhận xét, một số bộ ngành lại chưa quan tâm, bộ trưởng thì ủy quyền cho thứ trưởng, thứ trưởng ủy quyền cho vụ trưởng, vụ trưởng ủy quyền cho phó vụ trưởng, có nơi còn ủy quyền cho vài chuyên viên. Như vậy, việc hoàn thành dự thảo luật cũng như ban hành những văn bản dưới luật vừa chậm lại vừa khó tránh được kẽ hở.
 
   Ở một góc độ khác cũng thật quan trọng khi Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh Vũ Trọng Việt cho rằng, khi làm luật cần chú trọng lựa chọn cán bộ có tâm, có đức. Nói như ông Việt thì làm luật phải chống cho được tư tưởng “nọ kia”.
 
   Thực tế cho thấy, nhiều luật, văn bản dưới luật phải sửa chữa, làm lại vì không theo được thực tế, chưa bao quát được thực tế- đã đành, nhưng cũng còn thấp thoáng đâu đó lợi ích nhóm, tính cục bộ. Luật không phải bỗng dưng mà có, đều do con người soạn thảo mà xây dựng lên. Vậy “con người” đó là ai? Có tâm không, có tầm không, có nắm chắc thực tế cũng như hiểu biết sâu về luật pháp không? Đó là những điều rất lớn.
Tới đây, trong sự phát triển của đất nước, nhiều vấn đề mới, và đặc biệt là chủ trương xây dựng Nhà nước pháp quyền, thượng tôn pháp luật, mọi người sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật- thì công tác làm luật, ban hành và sửa đổi (nếu có) là hết sức quan trọng. Vì thế, hy vọng rằng khi cơ quan chức năng đã nhìn ra nhiều văn bản luật cần phải sửa đổi thì cũng sẽ có giải pháp cho vấn đề.
 
    Con số hơn 5.000 văn bản trái luật cho thấy việc “vận dụng” dưới luật đã không làm tốt. Lẽ ra, văn bản dưới luật phải rõ ràng hơn, chi tiết hơn, cụ thể hơn, dễ hiểu dễ thực hiện hơn luật, nhưng trong nhiều trường hợp đã không đạt được điều đó. Đây là vấn đề rất cần sự quan tâm của những cơ quan triển khai luật, không thể đổ lỗi cho  nơi khác, cũng như không thể lại một lần nữa “đá lên” một cách thiếu trách nhiệm.
    
Theo Báo Đại Đoàn kết
 

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG

Tổng số: 36 | Trang: 1 trên tổng số 4 trang  
Xem tin theo ngày:   / /