Các tầng lớp nhân dân cần hiểu rõ về Quyền lợi của người tiêu dùng Việt Nam

Thứ Tư, 14/3/2018 - 15:45 Đã xem: 3770

Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là trách nhiệm chung của Nhà nước và toàn xã hội, nhiệm vụ đó đã được ghi nhận và khẳng định tại Chương 2 - Hiến pháp năm 2013 về Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.

       Trong những năm gần đây cùng với sự phát triển ngày càng đa dạng và nhanh chóng của nền kinh tế thị trường thì số vụ việc vi phạm quyền lợi người tiêu dùng của các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá, dịch vụ cũng ngày càng gia tăng cả về mức độ vi phạm lẫn tính chất tinh vi và phức tạp. Trước những thách thức trên, Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ban hành Lệnh số 16/2010/L-CTN ngày 30/11/2010 về việc công bố Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và có hiệu lực từ ngày 01/07/2011. Theo đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, như Nghị định số 99/2011; Quyết định số 02/2012; Nghị định số 08/2013; Nghị định số 185/2013; Nghị định số 124/2015... Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1035/QĐ-TTg ngày 10/7/2011 về Quyền của người tiêu dùng Việt Nam, theo đó lấy ngày 15/3 hàng năm là ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam.

       Các văn bản quy phạm pháp luật nêu trên đã tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Nhiều chương trình “Hành động vì quyền lợi Người tiêu dùng” được tổ chức với các nội dung nhằm tuyên truyền, phổ biến Luật Bảo vệ người tiêu dùng và Quyền lợi của người tiêu dùng. Trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, Sở Công thương hằng năm đã tổ chức các hoạt động và phát động hưởng ứng Ngày quyền của người tiêu dùng Việt Nam; cùng với các ngành, MTTQ các cấp trong tỉnh cũng đã lồng nghép tuyên truyền trong cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và các cuộc vận động do MTTQ Việt Nam phát động.
 
 
 
Lãnh đạo Sở Công thương Tuyên Quang phát động Ngày quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2018
 
      Mỗi người tiêu dùng cần biết đến những quyền lợi cơ bản của mình để khi mua hàng hóa có những thông tin đầy đủ và tránh bị sử dụng phải hàng giả, hàng kém chất lượng, cần thiết khởi kiện khi sản phẩm lỗi, có hại cho người tiêu dùng (Điều 8, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định 8 quyền của người tiêu dùng)
 
1. Quyền được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp khác khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hóa.
2. Quyền được cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; nội dung giao dịch hàng hóa, dịch vụ; nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa; được cung cấp hóa đơn, chứng từ, tài liệu liên quan...
3. Quyền được lựa chọn hàng hóa, dịch vụ, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ theo nhu cầu, điều kiện thực tế của mình.
4. Quyền được góp ý kiến với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ về giá cả, chất lượng hàng hóa, dịch vụ, phong cách phục vụ...
5. Quyền được tham gia xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
6. Quyền được yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hóa, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc nội dung khác mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đã công bố, niêm yết, quảng cáo hoặc cam kết.
7. Quyền được khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định pháp luật.
8. Quyền được tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn kiến thức về tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ.
 
    Trong đó quyền đầu tiên trong 8 quyền của NTD được ghi nhận trong Luật là Quyền được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp.
 
      Lúc sinh thời Bác Hồ đã từng nói: “Việc gì có lợi cho dân thì phải hết sức làm. Việc gì có hại cho dân thì phải hết sức tránh”. Nhà nước đã coi việc: “Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là trách nhiệm chung của Nhà nước và toàn xã hội”, nhiệm vụ đó đã được ghi nhận và khẳng định hơn nữa tại Chương 2 - Hiến pháp năm 2013 về Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.
 
      Tuy nhiên, một thực tế rất nhức nhối hiện nay đó là về công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở nước ta. Câu chuyện về an toàn vệ sinh thực phẩm rất quan trọng, liên quan trực tiếp đến cuộc sống, tính mạng của tất cả mọi người, trong khi tình trạng vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm diễn ra ngày một nghiêm trọng, tinh vi, qua mắt được các cơ quan chức năng. Lực lượng chức năng thời gian gần đây liên tiếp phát hiện chất cấm, gây nguy hiểm cho sức khỏe người tiêu dùng, trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, trồng trọt… Câu hỏi đặt ra là trước khi bị phát hiện, đã có bao nhiêu tấn chất độc hại như vậy được sử dụng rồi đem bán cho người tiêu dùng trong nước? Và còn bao nhiêu loại chất cấm, nguy hại được sử dụng và chưa bị phát hiện.
 
       Một số vụ việc buôn bán hàng lậu, hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái, hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ được các cơ quan chức năng phát hiện gần đây với quy mô hàng hóa vi phạm rất lớn, cho thấy, nguy cơ quyền lợi người tiêu dùng bị xâm hại là rất lớn, bởi lẽ, nếu không bị các cơ quan chức năng phát hiện thì trước sau số lượng hàng hóa vi phạm nói trên cũng sẽ đến tay người tiêu dùng. Cùng với tình trạng tràn lan hàng lậu, hàng kém chất lượng là những vi phạm trong quảng cáo sai sự thật, quá với tính năng của sản phẩm. Tình trạng này đặc biệt phổ biến trong lĩnh vực buôn bán thực phẩm chức năng, dược phẩm,… 
                             
                                  Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Đỗ Minh Tân cùng các đại biểu tham dự buổi lễ Phát động hưởng ứng                                   Ngày quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2018 
 
     Do vậy MTTQ các cấp trong tỉnh cần tăng cường phối hợp với các ngành chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến đến các tầng lớp nhân dân về Luật bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, các quyền của người tiêu dùng để giúp người dân hiểu biết hơn về các quy định pháp luật trong lĩnh vực này, hiểu rõ hơn về tác hại của việc buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng và gian lận thương mại. Mỗi người tiêu dùng hãy là người thông thái khi lựa chọn và sử dụng các sản phẩm hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng để bảo vệ sức khỏe của mình, tích cực hưởng ướng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
 
     Các cơ sở sản xuất kinh doanh, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trên cả nước nói chung và trên địa bàn tỉnh nói riêng phải cung cấp thông tin về hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng đảm bảo theo quy định tại điều 12 của Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu tiêu dùng: Ghi đầy đủ nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật; Niêm yết công khai giá hàng hóa, dịch vụ tại địa điểm kinh doanh, văn phòng dịch vụ; Cảnh báo khả năng hàng hóa, dịch vụ có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, tính mạng, tài sản của người tiêu dùng và các biện pháp phòng ngừa; Cung cấp thông tin về khả năng cung ứng linh kiện, phụ kiện thay thế của hàng hóa; Cung cấp hướng dẫn sử dụng; điều kiện, thời hạn, địa điểm, thủ tục bảo hành trong trường hợp hàng hóa, dịch vụ có bảo hành; Thông báo chính xác, đầy đủ cho người tiêu dùng về hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung trước khi giao dịch. Mỗi doanh nghiệp, tổ chức cá nhân sản xuất hàng hóa cần phải quan tâm đến vệ sinh an toàn thực phẩm, xây dựng sản phẩm có chất lượng, có niềm tin với với người tiêu dùng,  đó cũng chính là quyết định sự thành công của một doanh nghiệp. 
 
Ban Tuyên giáo Ủy ban MTTQ tỉnh
.
 

 

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG

Tổng số: 59 | Trang: 1 trên tổng số 6 trang  
Xem tin theo ngày:   / /