Chủ tịch Hồ Chí Minh với Đại đoàn kết dân tộc

Thứ Bảy, 16/12/2017 - 11:02 Đã xem: 6700

Sinh ra trong hoàn cảnh nước mất nhà tan, dân tộc bị nô lệ áp bức, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bôn ba khắp năm châu bốn biển để tìm con đường giải phóng dân tộc. Đúc kết từ truyền thống lịch sử bốn ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, Người thấu hiểu vai trò đặc biệt quan trọng của đại đoàn kết dân tộc và Người rút ra một nguyên lý chỉ có đoàn kết dân tộc mới giúp dân tộc Việt Nam có được sức mạnh chiến thắng kẻ thù, dù đó là kẻ thù mạnh hơn gấp nhiều lần.

 Người nói: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết -Thành công, thành công, đại thành công!”. Là người nắm vận mệnh của đất nước, hơn ai hết, Chủ tịch Hồ Chí Minh thấy rõ vai trò quan trọng của đoàn kết toàn dân trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Người cho rằng, để giải phóng một dân tộc cũng như để xây dựng một chế độ mới đều cần huy động sức mạnh toàn dân. Đoàn kết toàn dân vì độc lập dân tộc, dân chủ, hòa bình và tiến bộ xã hội là kim chỉ nam cho mọi hành động cách mạng và là mục tiêu đấu tranh của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

        Những tư tưởng quan trọng này, đã được Người nêu ra trong tác phẩm Đường kách mệnh năm 1927 và trong Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt của Đảng khi mới ra đời tháng 2/1930. Như vậy, ngay từ những ngày đầu lãnh đạo sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, Bác Hồ đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng Mặt trận thống nhất, cũng chính là khẳng định vai trò của đại đoàn kết dân tộc.

        Để xây dựng khối đoàn kết toàn dân vững mạnh, Người khuyên đồng bào vì lòng yêu nước thương nòi, hãy xóa bỏ mọi bất hòa, thành kiến để cùng phấn đấu cho một tương lai tươi sáng. Người còn nhắc nhở chúng ta việc chia sẻ, giúp đỡ, tương trợ, yêu thương giữa các dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Trong Thư gửi Đại hội các dân tộc thiểu số toàn quốc lần thứ nhất họp tại Plâyku ngày 19/4/1946, Bác viết: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau”. Trong Thư gửi đồng bào Nam bộ, trước lúc lên đường đi Pháp tháng 5/1946, Người viết: “Năm ngón tay cũng có ngón ngắn, ngón dài. Nhưng ngắn dài đều hợp lại nơi bàn tay. Trong mấy triệu con người cũng có người thế này thế khác nhưng thế này thế khác đều dòng dõi tổ tiên ta. Vậy nên ta phải khoan hồng đại độ, ta phải nhận ra rằng đã là con Lạc cháu Hồng thì ai cũng có ít hay nhiều lòng ái quốc...có như thế mới thành đoàn kết, có đại đoàn kết thì tương lai chắc chắn sẽ vẻ vang”.
   

Bác bắt nhịp bài ca Kết đoàn vào tối ngày 19 /9/1960 tại Đại hội Nhân dân thủ đô Hà Nội, mừng thành công Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III
       Nhận thấy nhân dân là lực lượng quyết định thắng lợi của cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra các hình thức tốt nhất để tổ chức lực lượng của nhân dân như thành lập các Mặt trận: Việt Minh, Liên Việt, Dân tộc thống nhất, Tổ quốc Việt Nam... nhằm tập hợp các lực lượng cách mạng thành khối đoàn kết toàn dân tộc. Người chủ trương đoàn kết chặt chẽ các tầng lớp nhân dân thuộc các đảng phái, các đoàn thể trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để giúp đỡ nhau phấn đấu hoàn thành sự nghiệp xã hội chủ nghĩa.
 
       Người nêu ra 4 mục đích của Mặt trận đoàn kết dân tộc là: hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ. Theo Người, muốn thống nhất phải có hòa bình, muốn độc lập thì phải có dân chủ. Bốn điểm đó như bầu trời có 4 phương Đông - Tây - Nam - Bắc, như một năm có 4 mùa Xuân - Hạ - Thu - Đông, không thể tách rời nhau. Tại Hội nghị phụ nữ các dân tộc họp ngày 19/3/1964, Bác Hồ đã nói: “Đoàn kết là sức mạnh, đồng bào miền núi phải đoàn kết chặt chẽ, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau, đoàn kết trong dân tộc mình, đoàn kết giữa các dân tộc, đoàn kết với đồng bào miền xuôi lên phát triển kinh tế miền núi. Tất cả các dân tộc miền núi và miền xuôi phải đoàn kết như anh em một nhà..”.
 
       Đối với các thành phần tôn giáo, Chủ tịch Hồ chí Minh rất tôn trọng tự do tín ngưỡng của đồng bào vì đó điều thiêng liêng trong sâu thẳm tâm linh mỗi con người, là quyền lợi chính đáng cần được bảo vệ. Tuy nhiên, Người nhắc nhở phải luôn gắn liền lợi ích tôn giáo với lợi ích chung của dân tộc. Phải đoàn kết giữa đời và đạo, giữa yêu nước và phụng đạo. Dù là lương hay giáo, đồng bào cũng phải yêu thương đùm bọc nhau, cùng nhau xây dựng đời sống hòa thuận, ấm no, xây dựng Tổ quốc.
 
      Trong thư gửi đồng bào Công giáo ngày 14/10/1945, Chủ tịch Hồ chí Minh viết: “Nước nhà ta đang đứng trước một tình thế rất nghiêm trọng. Dân tộc ta suy hay thịnh, mất hay còn chính là ở trong lúc này. Không đoàn kết thì suy và mất. Có đoàn kết thì thịnh và còn. Chúng ta phải lấy đoàn kết mà xoay vần vận mệnh, giữ gìn dân tộc và bảo vệ nước nhà”. Thấu hiểu nguyện vọng của đồng bào Thiên chúa giáo là phần xác ấm no, phần hồn thong dong, cho nên cuộc cách mạng giải phóng dân tộc cũng sẽ giải phóng trọn vẹn cho người dân Công giáo cả về phương diện chính trị và tôn giáo. Người tin tưởng rằng, khi lương giáo đoàn kết, toàn dân đoàn kết, cả nước một lòng, nhân dân ta nhất định thắng lợi trong công cuộc đấu tranh thực hiện hào bình thống nhất Tổ quốc và xây dựng một nước Việt Nam hòa bình thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh.
 
        Trong tác phẩm Di chúc, trước khi vĩnh biệt chúng ta để đi vào cõi vĩnh hằng, Người đã bảy lần nhắc đến từ “Đoàn kết”, để nhắc nhở chúng ta về ý nghĩa quan trọng của đoàn kết đến sự tồn vong của sự nghiệp cách mạng. Mặt trận đoàn kết phải là ngọn cờ tập hợp các lực lượng cách mạng. Trong đó, Đảng là người lãnh đạo Mặt trận và là hạt nhân của khối đoàn kết toàn dân. Tư tưởng của các thành viên trong Mặt trận phải đoàn kết với nhau chân thành, không đoàn kết ngoài miệng mà đoàn kết bằng việc làm, đoàn kết thực sự với thái độ thân ái giúp đỡ lẫn nhau, thật thà học tập những ưu điểm, thẳng thắn phê bình những khuyết điểm của nhau để cùng nhau tiến bộ. 
 
      Tư tưởng về xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc đã đi vào cuộc sống, khơi dậy sức mạnh vĩ đại của dân tộc Việt Nam, đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác và tiếp tục là điểm tựa sức mạnh giúp dân tộc ta đạt được những thành công mới trên chặng đường xây dựng đất nước thời kỳ hội nhập quốc tế. Chính vì vậy, học tư tưởng của Bác và làm theo Bác về xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc lại càng hết sức có ý nghĩa với mỗi chúng ta, nhất là đối với người làm công tác Mặt trận trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước hiện nay. 
 
Ban Tuyên giáo Ủy ban MTTQ tỉnh
 

 

Xem tin theo ngày:   / /