Các thông tin và số liệu cơ bản về tỉnh Tuyên Quang

Thứ Sáu, 2/6/2017 - 10:54 Đã xem: 188219

Tuyên Quang là một tỉnh miền núi phía Bắc, nằm giữa Đông Bắc và Tây Bắc của Việt Nam, phía Đông giáp tỉnh Bắc Kạn và Thái Nguyên, phía Bắc giáp tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, phía Tây giáp tỉnh Yên Bái và phía Nam giáp tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, cách thủ đô Hà Nội 165 km, cách sân bay Nội Bài 130 km. Điều kiện địa lý này thuận lợi cho việc đi lại, giao thương của tỉnh.

 Diện tích tự nhiên 5.867,3km2, trong đó diện tích đất sản xuất nông nghiệp 81.633 ha, chiếm 13,91%, diện tích đất lâm nghiệp 446.641 ha chiếm 76,12%. Đất màu mỡ, phù hợp với nhiều loại cây trồng và có khả năng hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung như chè, mía, lạc, đậu tương, cây ăn quả...

Khí hậu tỉnh Tuyên Quang có hai mùa rõ rệt, mùa đông lạnh – khô hanh và mùa hè. Lượng mưa trung bình hằng năm đạt 1.295 – 2.266 mm. Nhiệt độ trung bình 220 – 230C. Độ ẩm bình quân năm là 85%. Khí hậu Tuyên Quang rất thuận lợi cho việc phát triển cây trồng, vật nuôi, đặc biệt là cây công nghiệp, cây ăn quả và chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô lớn.
Dân số trung bình 753.763 người; mật độ dân số 128 người/km2. Tỉnh có 22 dân tộc (trong đó dân tộc Kinh 46%, Tày 26%, Dao 13%, Sán Cháy 8%, còn lại là các dân tộc khác). Toàn tỉnh có 6 huyện, 1 thành phố với 141 xã, phường, thị trấn; 2.090 thôn, bản.
2. Tình hình kinh tế - xã hội
Trong những năm qua, nền kinh tế của tỉnh tăng trưởng với tốc độ khá cao, GDP tăng bình quân năm 2014 đạt 15,52%; GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt 25,0 triệu đồng/người/năm; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, dịch vụ, giảm tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp (nông lâm nghiệp chiếm 26%; công nghiệp - xây dựng 34,5%; dịch vụ 39,5%); thu ngân sách tỉnh năm 2014 đạt trên 65,487 triệu USD; giá trị xuất khẩu hàng hóa đạt 61,44 triệu USD.
Cơ sở hạ tầng kinh tế kỹ thuật được tăng cường đáng kể, nhất là hệ thống giao thông, điện, thông tin liên lạc, thủy lợi... Nông, lâm nghiệp tiếp tục có bước chuyển biến mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa, trong đó thành tựu nổi bật nhất là đưa một số giống cây, con mới, có hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất, hình thành các vùng chuyên canh. Lĩnh vực văn hóa - xã hội tiếp tục được quan tâm đầu tư, phát triển hài hoà hơn với tăng trưởng kinh tế, đáp ứng tốt hơn nhu cầu nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, hưởng thụ văn hóa, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; trong đó có những mặt đạt kết quả rất nổi bật: Chất lượng giáo dục và đào tạo, bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ nhân dân được nâng lên. Đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện. Lao động, việc làm, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, phòng chống tệ nạn xã hội đạt được một số kết quả quan trọng. Cải cách hành chính được duy trì.
II. TIỀM NĂNG, THẾ MẠNH CỦA TỈNH TUYÊN QUANG
1. Hạ tầng cơ sở
- Hệ thống đường giao thông:Có tuyến giao thông huyết mạch, chiến lược của cả nước đi qua như Quốc lộ 2; Quốc lộ 37; Quốc lộ 2C; Quốc lộ 279; Đường Hồ Chí Minh, đường cao tốc Hải Phòng – Côn Minh. Toàn tỉnh có 340 km đường quốc lộ; 392 km đường tỉnh; 947 km đường huyện; 247 km đường đô thị.
- Hệ thống điện:Có nhà máy thủy điện Tuyên Quang công suất 342 MW, hệ thống lưới 220KV và 110 KV nối tỉnh Thái Nguyên, Yên Bái, Tuyên Quang. Đến năm 2020, tỉnh Tuyên Quang tiếp tục đầu tư các nhà máy thủy điện như: thủy điện Chiêm Hóa, Hùng Lợi 1, Hùng Lợi 2 (huyện Yên Sơn); Thách Rõm (huyện Chiêm Hóa); Nậm Vàng (huyện Na Hang); Phù Lưu (huyện Hàm yến) và một số nhà máy thủy điện nhỏ khác với công suất hàng trăm MW.
- Hệ thống cấp thoát nước:Với công suất trên 28.000 m3/ngày/đêm. Hệ thống cấp nước ở tỉnh Tuyên Quang đủ cấp nước sạch cho sinh hoạt dân cư và nước sản xuất, kinh doanh cho cơ sở công nghiệp trong và ven thành phố. Tại các thị trấn và khu, cụm công nghiệp, các khu du lịch hầu hết đã có hệ thống cấp nước sạch và thoát nước thải cho sinh hoạt và đáp ứng được nhu cầu nước cho sản xuất.
- Hệ thống thông tin liên lạc:Mạng lưới bưu chính viễn thông kỹ thuật số hiện đại được kết nối bằng cáp quang, truyền viba tới các huyện, thành phố của tỉnh liên lạc trực tiếp với tất cả các tỉnh, thành phố trong nước và quốc tế. Hiện toàn tỉnh có 100% số xã, phường, thị trấn có điện thoại, đạt tỷ lệ 54 máy/100 dân. Tỷ lệ sử dụng Internet tốc độ cao (ADSL) đạt mật đô thuê bao 2,1 máy/100 dân.
- Hệ thống dịch vụ tài chính:Các ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính, tín dụng của tỉnh đáp ứng nhu cầu về vốn cho sản xuất, kinh doanh của các nhà đầu tư như vay vốn, chuyển tiền, thanh toán, bảo lãnh.. với thời gian nhanh nhất qua hệ thống điện tử hiện đại.
- Hệ thống giáo dục và đào tạo:tỉnh Tuyên Quang có 02 trung tâm kỹ thuật hướng nghiệp; 01 trung tâm giáo dục thường xuyên; 01 trường đại học; 01 trường cao đẳng; 02 trường trung cấp; 06 trung tâm đào tạo nghề cấp huyện.
- Mạng lưới y tế:có 171 cơ sở y tế, với 15 bệnh viện và 2.284 giường bệnh, 488 bác sĩ.
2.Đánh giá các tiềm năng, thế mạnh phát triển
Tuyên Quang có diện tích đất nông lâm nghiệp lớn; điều kiện đất đai màu mỡ, tưới tiêu tự chảy, cùng với khí hậu nằm trong vùng nhiệt đới nên rất thuận lợi cho phát triển nông lâm nghiệp. Tỉnh đã quy hoạch vùng chè nguyên liệu 9.000 ha, vùng mía nguyên liệu trên 18.500 ha, vùng cam 8.500 ha, vùng nguyên liệu giấy 130.000 ha, vùng lạc 4.200 ha. Chăn nuôi trâu và thủy sản phát triển là cơ sở tốt cho chế biến sản phẩm nông sản.
Vị trí địa lý, địa hình, tài nguyên, thiên nhiên, lịch sử văn hoá và con người đã tạo cho Tuyên Quang tiềm năng phát triển du lịch đa dạng, phong phú và hấp dẫn, đáp ứng được nhiều loại hình du lịch. Với nguồn tài nguyên quý giá nước khoáng Mỹ Lâm nổi tiếng là cơ sở để phát triển loại hình du lịch nghỉ dưỡng. Tỉnh có trên 44.000 ha rừng đặc dụng và trên 120.000 ha rừng phòng hộ với nhiều thảm thực vật nguyên sinh phát triển trên núi đá vôi ven hồ, các thác nước đẹp, bản làng nguyên sơ là tiềm năng lớn để tỉnh phát triển du lịch sinh thái. Tuyên Quang là vùng đất có truyền thống văn hóa, lịch sử lâu đời. Trong kháng chiến chống thực dân xâm lược, Tuyên Quang vinh dự là Thủ đô kháng chiến, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận và hầu hết các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương của Việt Nam đặt trụ sở làm việc để lãnh đạo cuộc kháng chiến đi đến thắng lợi hoàn toàn, với trên 500 di tích lịch sử cách mạng là tiềm năng lớn để tỉnh phát triển du lịch lịch sử cách mạng.
Tuyên Quang còn là điểm dừng chân của khách bộ hành vì vậy có thể kết hợp với Thủ đô Hà Nội, các tỉnh Vĩnh Phúc, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Hà Giang,… hình thành các tour du lịch liên tỉnh qua các địa danh như: Núi Cốc, Đền Hùng, Tam Đảo, Tân Trào, Suối khoáng Mỹ Lâm… Phát triển du lịch tổng hợp đáp ứng nhu cầu đồng bào trong nước và khách nước nước ngoài trở về với cội nguồn cách mạng thì không những có ý nghĩa chính trị mà còn phát triển kinh tế dịch vụ du lịch cho tỉnh.
Tuyên Quang có nguồn nhân lực khá dồi dào, có xu hướng tăng dần qua các năm và đang ở giai đoạn phát triển cao trong độ tuổi lao động. Tỷ lệ lao động tuổi từ 15-60 chiếm 64,3% tổng dân số; đa số có sức khoẻ tốt, cần cù, năng động, có ý thức cầu tiến. Tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2014, chiếm 39,3%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 23,20%. Chính vì vậy, tạo cho tỉnh có nhiều lợi thế trong thu hút đầu tư, cũng như quá trình công nghiệp hoá, chuyển dịch cơ cấu ngành và phát triển kinh tế - xã hội.
Tỉnh có tiềm năng lớn để hình thành và phát triển các khu công nghiệp. Hiện nay, Khu công nghiệp Long Bình An đã được đưa vào sử dụng với diện tích 170 ha. Khu công nghiệp Sơn Nam với diện tích 150 ha, cách Sân bay quốc tế Nội Bài là khoảng 60 km.
III. CÁC CỤM CÔNG NGHIỆP
1. Khu công nghiệp Long Bình An
- Diện tích: 170 ha.
- Địa điểm: Thuộc các xã: Hoàng Khai (huyện Yên Sơn); Đội Cấn, Lưỡng Vương, Thái Long, An Tường (thành phố Tuyên Quang) và xã Vĩnh Lợi (huyện Sơn Dương). Cách thành phố Tuyên Quang 11 km về phía Nam, cạnh quốc lộ 2 về phía Tây.
- Khu công nghiệp Long Bình An thu hút các dự án đầu tư mới thuộc các ngành: Công nghiệp luyện phôi thép, cơ khí chế tạo, chế biến khoáng sản...
2. Khu công nghiệp Sơn Nam (huyện Sơn Dương)
- Diện tích: 150 ha.
- Địa điểm: Xã Sơn Nam, huyện Sơn Dương. Nằm trên trục đường Quốc lộ 2C nối với tỉnh Vĩnh Phúc, cách trung tâm thành phố Tuyên Quang 50 km, cách Hà Nội 80 km, liền kề với huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc.
- Công nghiệp chủ đạo: Công nghiệp chế biến khoáng sản như: fenspat, vonfram; công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng  như: Gạch ốp lát cao cấp, gạch không nung, bê tông đúc sẵn; công nghiệp may, công nghiệp nhựa...
3. Cụm công nghiệp An Thịnh (huyện Chiêm Hóa)
- Diện tích: 78 ha.
- Địa điểm: Xã Phúc Thịnh, huyện Chiêm Hóa, cách thành phố Tuyên Quang 80 km về phía Tây, nằm cạnh Quốc lộ 279 nối với huyện Na Hang.
- Công nghiệp chủ đạo: Các nhà máy chế biến thực phẩm, lâm sản quy mô vừa, chế biến khoáng sản như: Ăngtimon, Mangan; các cơ sở tiểu, thủ công nghiệp...
4. Cụm công nghiệp Khuôn Phương
- Diện tích: 20 ha.
- Địa điểm: Tại khu đất bên bờ sông Gâm, thị trấn Na Hang, cách thành phố Tuyên Quang 120 km.
- Công nghiệp chủ đạo: Xây dựng các nhà máy chế biến bột Barite, chế biến lâm sản mây, tre đan; chế biến thủy sản, cơ khí sửa chữa, chế tạo phương tiện thủy,...
5. Cụm công nghiệp Tân Thành (huyện Hàm Yên)
- Diện tích: 72,2 ha.
- Địa điểm: Tại xã Tân Thành, huyện Hàm Yên.
- Công nghiệp chủ đạo: Xây dựng các nhà máy chế biến nước cam; chế biến gỗ, chế biến khoáng sản và các cơ sở tiểu, thủ công nghiệp...
IV. CÁC NÔNG SẢN NỔI BẬT
1. Cam sành Hàm Yên
Cam sành Hàm Yên là loại trái cây thuộc top 10 thương hiệu, nhãn hiệu trái cây nổi tiếng giá trị bậc nhất Việt Nam, được trồng chủ yếu tại các xã Yên Lâm, Phù Lưu, Minh Dân, Bạch Xa, huyện Hàm Yên, Tuyên Quang với diện tích 5.400 ha. Hiện nay cây cam sành tiếp tục được huyện Hàm Yên tăng cường các biện pháp bảo vệ và mở rộng, nhằm nâng cao đời sống nhân dân, góp phần phát triển kinh tế xã hội địa phương. Vụ cam năm 2014, giá trị thu nhập từ cây cam sành trên địa bàn huyện Hàm Yên đạt trên 350 tỷ đồng.
1. Các sản phẩm chè
Đất đai và khí hậu của tỉnh Tuyên Quang rất phù hợp với cây chè, đây là cây công nghiệp đã được đưa vào trồng và nhân rộng từ những năm 1960. Đến nay, toàn tỉnh có trên 8.500 ha chè tập trung chủ yếu ở các huyện Sơn Dương, Yên Sơn, Hàm Yên với 18 cơ sở chế biến công suất từ 200 đến 250 tấn nguyên liệu/ngày. Hiện nay tỉnh Tuyên Quang đã xây dựng đươch thương hiệu một số sản phẩm chè như: Chè xanh ATK; Chè xanh đặc sản Bát tiên, Ngọc Thúy; Chè xanh Bát tiên Mỹ Lâm; Chè Kim tuyên Mỹ Lâm; Chè xanh túi lọc hoa nhài. Các sản phẩm chè Tuyên Quang đã được các địa phương trong và ngoài nước tiêu thụ, một số sản phẩm được xuất khẩu sang các nước Trung Đông, Nga, Mỹ và các nước thuộc khối EU.
1. Mật ong Phong Thổ
Các sản phẩm mật ong Phong Thổ do Hợp tác xã chăn nuôi ong Phong Thổ nằm trên địa bàn thôn Phúc Lộc A, xã An khang, thành phố Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang. Hợp tác xã hiện có 13.000 đàn ong, mỗi năm cho thu hoạch trên 1.200 tấn mật ong các loại, sữa ong chúa và phấn hoa.
Các sản phẩm mật ong Phong Thổ đã được đăng ký nhãn hiệu hàng hóa tại Cục Sở hữu trí tuệ. Hiện nay, Hợp tác xã đang xây dựng nhà máy chế biến mật ong xuất khẩu và sản xuất vật tư ngành ong tại xã An Khang, công suất 1.000 tấn/năm, với tổng vốn đầu tư gần 15 tỷ đồng.
1. Đường mía
Mía là một trong những cây trồng được tỉnh khai thác hiệu quả, tạo việc làm ổn định cho hàng vạn lao động, góp phần xóa đói giảm nghèo, ổn định xã hội. Hiện nay tỉnh đã tạo lập vùng nguyên liệu mía ổn định (trên 11.000 ha) cung cấp đủ công suất cho 2 nhà máy chế biến.
Bình quân mỗi năm ngành mía đường đóng góp vào giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh gần 390 tỷ đồng, đóng góp vào giá trị sản xuất công nghiệp trên 537 tỷ đồng.
IV. CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH ĐẦU TƯ
1. Ưu đãi đầu tư về tiền thuê đất, thuê mặt nước
a) Đơn giá thuê đất, thuê mặt nước của mỗi dự án được ổn định trong 5 năm và được tính theo giá đất do UBND tỉnh Tuyên Quang ban hành theo mục đích sử dụng đất thuê của từng vị trí.
 b) Miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước, cụ thể:
- Dự án đầu tư tại các địa bàn huyện Na Hang, Chiêm Hóa và Lâm Bình:
+ Miễn hoàn toàn tiền thuê đất, thuê mặt nước đối với dự án thuộc danh mục lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư.
+ Miễn có thời hạn tiền thuê đất, thuê mặt nước kể từ ngày xây dựng hoàn thành đưa dự án vào hoạt động: 15 năm đối với dự án thuộc danh mục lĩnh vực ưu đãi đầu tư; 11 năm đối với dự án đầu tư còn lại.
- Dự án đầu tư tại đìa bàn các huyện Hàm Yên, Yên Sơn, Sơn Dương và thành phố Tuyên Quang: Miễn có thời hạn tiền thuê đất, thuê mặt nước kể từ ngày xây dựng hoàn thành đưa dự án vào hoạt động, cụ thể: 11 năm đối với dự án thuộc danh mục lĩnh vực ưu đãi đầu tư; 07 năm đối với dự án đầu tư còn lại.
- Miễn hoàn toàn tiền thuê đất, thuê mặt nước trên địa bàn tỉnh đối với dự án sử dụng đất xây dựng nhà chung cư cho công nhân của các khu công nghiệp theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt; dự án sử dụng đất xây dựng, công trình có mục đích kinh doanh (xã hội hóa) thuộc lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục, thể thao, khoa học - công nghệ.
c) Thời gian thuê đất: theo dự án được duyệt, nhưng không quá 50 năm.
2. Ưu đãi về thuế
Nhà đầu tư có dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh, dự án đầu tư thuộc lĩnh vực ưu đãi đầu tư, đặc biệt ưu đãi đầu tư quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định số 108/2006/NĐ-CP của Chính phủ được hưởng ưu đãi về thuế theo quy định hiện hành của Nhà nước.
3. Hỗ trợ đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng
a) Đối với dự án đầu tư vào khu, cụm công nghiệp và khu, điểm du lịch theo quy hoạch:
Tỉnh đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng gồm đường giao thông, hệ thống thoát nước đến hàng rào của khu, cụm công nghiệp và khu, điểm du lịch.
Ủy ban nhân dân tỉnh cân đối ngân sách địa phương để hỗ trợ đầu tư xây dựng đường giao thông nội bộ, hệ thống thoát nước thải chung trong hàng rào của khu, cụm công nghiệp và khu du lịch.
b) Dự án đàu tư vào địa bàn ngoài khu, cụm công nghiệp, Ủy ban nhân dân tỉnh căn cứ vào quy mô, lĩnh vực ngành, nghề và địa bàn thực hiện từng dự án cụ thể, xem xét, quyết định mức hỗ trợ nhưng tối đa không quá 50% kinh phí đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu gồm đường giao thông, hệ thống thoát nước thải ngoài hàng rào dự án.
4. Hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề cho lao động địa phương
a) Điều kiện được hỗ trợ kinh phí:
+ Nhà đầu tư sử dụng lao động tại địa phương (ưu tiên những hộ trong diện bị thu hồi đất thực hiện dự án).
+ Nhà đầu tư tổ chức đào tạo lao động địa phương có tay nghề thành thạo để bố trí làm việc trong dây chuyền sản xuất chính của dự án.
b) Mức hỗ trợ kinh phí: Nhà đầu tư sử dụng lao động, đủ điều kiện nêu tại điểm a, Điều này được ngân sách tỉnh hỗ trợ một lần để đào tạo nghề trong nước, mức hỗ trợ tối đa 50% tổng kinh phí đào tạo cho một lao động và mức tối đa 02 triệu đồng/người/khóa học.
V. TÌNH HÌNH THU HÚTCÁC NGUỒN VỐNNƯỚC NGOÀI
Thu hút đầu tư FDI: Trong những năm qua, tỉnh Tuyên Quang luôn quan tâm và cố gắng trong việc thực hiện các hoạt động nhằm thu hút đầu tư trực tiếp FDI. Hiện nay, tổng số doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là 1.050 doanh nghiệp, chi nhánh trực thuộc công ty nhà nước với tổng số vốn đăng ký là 8.627,67 tỷ đồng (không bao gồm 05 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài).  Các dự án tập trung nhiều nhất là sản xuất, chế biến nông lâm sản; sản xuất vật liệu xây dựng; công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản, trong đó có 05 dự án đầu tư trực tiếp từ nước ngoài, với tổng vốn đăng ký trên 57,83 triệu USD, gồm các nhà đầu tư đến từ các nước: Trung Quốc, Australia, Hàn Quốc, Ấn Độ. Tỉnh đã điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư 14 lần cho 04 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, nâng tổng số vốn đầu tư sau điều chỉnh đạt 119,86 triệu USD. Các dự án FDI triển khai trên địa bàn tỉnh đã tạo việc làm cho trên 4.300 lao động, chủ yếu là lao động tại địa phương.
Các chương trình, dự án ODA: Được sự quan tâm của Chính phủ, các Bộ, Ngành Trung ương và sự giúp đỡ của các nhà tài trợ quốc tế, hiện tỉnh Tuyên Quang đang thực hiện 12 dự án bằng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) với tổng mức đầu tư năm 2015 trên 10,65 triệu USD. Tỉnh đã triển khai thực hiện có hiệu quả các dự án hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), cụ thể: Dự án xây dựng Bệnh viện đa khoa khu vực Trung Sơn, huyện Yên Sơn, sử dụng vốn OPEC; Dự án hỗ trợ nông nghiệp, nông dân và nông thôn tỉnh Tuyên Quang (IFAD); dự án xây dựng đường giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc (ADB); dự án phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn bền vững các tỉnh miền núi phía Bắc (ADB); Chương trình đô thị miền núi phía Bắc - thành phố Tuyên Quang (WB); Chương trình đảm bảo chất lượng giáo dục trường học giai đoạn 2010 – 2015 (vốn vay của WB, vốn viện trợ không hoàn lại của DFID), Dự án “Hỗ trợ y tế các tỉnh Đông Bắc Bộ và Đồng bằng Sông Hồng...
Các chương trình, dự án phi chính phủ nước ngoài: Tỉnh Tuyên Quang đã có những cố gắng trong việc tăng cường và thu hút nguồn viện trợ phi chính phủ nước ngoài như: Phê duyệt Chương trình vận động viện trợ phi Chính Phủ nước ngoài tại tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020; thành lập Ban Chỉ đạo vận động, thu hút, sử dụng viện trợ phi Chính phủ nước ngoài cấp tỉnh, phối hợp với Uỷ ban công tác về tổ chức phi Chính phủ nước ngoài, Ban điều phối viện trợ nhân dân để cung cấp thông tin, giới thiệu nhu cầu tới các tổ chức phi Chính phủ nước ngoài... Từ năm 2012 đến nay, tỉnh đã thu hút được 37 dự án và các khoản viện trợ phi chính phủ nước ngoài với số vốn cam kết đạt 5,952 triệu USD. Một số dự án viện trợ phi Chính phủ nước ngoài đã và đang triển khai thực hiện: Dự án hỗ trợ phát triển nông thôn tại xã Văn Phú, Đại Phú, Sơn Nam, Thiện Kế, huyện Sơn Dương giai đoạn 2011-2015 do Tổ chức phi Chính phủ Good Neighbors International (GNI)-Hàn Quốc tài trợ; Dự án phát triển vùng Na hang do Tổ chức phi chính phủ World Vision tài trợ; dự án giúp các hộ nông dân gặp khó khăn tại tỉnh Tuyên Quang cải thiện hiệu quả canh tác lúa một cách bền vững thông qua mô hình khuyến khích các hộ nông dân tham gia thị trường do tổ chức CODESPA (Tây Ban Nha) tài trợ,...
VI. CÁC LĨNH VỰC KÊU GỌI HỢP TÁC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Tỉnh tập trung xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, làm căn cứ cho việc thu hút đầu tư, cũng như định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, trong đó có một số quy hoạch quan trọng đã hoàn thành và đang được triển khai thực hiện, như: quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2020; quy hoạch phát triển công nghiệp đến năm 2010, định hướng đến năm 2020; quy hoạch, đầu tư các công trình hạ tầng thiết yếu của Khu công nghiệp Long Bình An và quy hoạch chi tết các cụm, điểm công nghiệp trên địa bàn các huyện, thành phố.
Hơn nữa, tỉnh đã chú trọng cải cách thủ tục hành chính, nhất là các thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực thành lập và hoạt động của doanh nghiệp, đầu tư, giải phóng mặt bằng, như thực hiện cơ chế “một cửa” tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án.
Hoạt động xúc tiến đầu tư luôn được tỉnh đặc biệt chú trọng và coi đó là một trong các nhiệm vụ quan trọng trong thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Tỉnh đã tập trung cải thiện môi trường đầu tư, ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích ưu đãi đầu tư, tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu tiềm năng phát triển và cơ hội đầu tư, xây dựng tóm tắt các dự án gọi vốn đầu tư, đề cương chi tiết các dự án hỗ trợ phát triển chính thức ODA, tổ chức các cuộc Hội thảo xúc tiến đầu tư trong nước, cũng như đã tổ chức nhiều chuyến thăm quan học tập và giới thiệu về tiềm năng, thế mạnh của tỉnh với các nước như: Nhật Bản, Hàn Quốc, …
Các lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư:
1. Về công nghiệp chế biến Nông, Lâm, Thủy sản.
2. Về công nghiệp phụ trợ lắp ráp điện tử.
3. Về đầu tư hạ tầng các Cụm công nghiệp.
4. Về phát triển năng lượng sạch.
5. Về phát triển dịch vụ du lịch (du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái).
6. Về phát triển hệ thống giao thông.
7. Về phát triển hạ tầng đô thị.
8. Về đào tạo nguồn nhân lực, bao gồm cả công nhân kỹ thuật.
9. Về nghiên cứu và chuyển giao công nghệ chọn tạo giống, công nghệ sản xuất tạo giá trị cao cho các sản phẩm ở địa phương, như: chè, mía, cam, lạc, cây lâm nghiệp, chế biến thực phẩm.
 
Nguồn TTTĐT Sở Ngoại vụ TQ (Giới thiệu tỉnh Tuyên Quang)
 

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG

Tổng số: 23 | Trang: 1 trên tổng số 3 trang  
Xem tin theo ngày:   / /