Tinh hoa vùng đất khó

Thứ Sáu, 9/6/2017 - 14:41 Đã xem: 813

Tháng 9-2016, sản phẩm miến dong Hợp Thành của Hợp tác xã (HTX) Thắng Lợi, thôn Đồng Vành, xã Lực Hành (Yên Sơn) đã được công nhận là 1 trong 68 sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của cả nước năm 2015 do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam trao tặng. Miến dong Hợp Thành được người tiêu dùng ưa chuộng bởi sợi miến khác biệt so với các sản phẩm cùng loại có mặt trên thị trường. Sự khác biệt đó xuất phát từ nguyên liệu và công nghệ sản xuất.

 Bài học quý của sự thành công

Từ những năm 60 của thế kỷ trước, xã Lực Hành đã được biết đến là địa phương nổi tiếng với cây dong riềng. Hiện nay, toàn xã có gần 300 ha dong riềng cho năng suất mỗi năm đạt từ 75 - 80 tấn củ/ha. Củ dong riềng ở nơi đây có chất lượng tốt, ít xơ, nhiều bột. Người dân thường lý giải rằng, Lực Hành không có những cánh đồng màu mỡ nhưng lại có những mảnh đất khô phù hợp với dong riềng. Cây dong riềng được trồng từ tháng 2 hàng năm, sau 2 tháng cây khép tán giữ độ ẩm cho đất nên không cần nhiều công chăm sóc, sau 10 tháng sẽ cho thu hoạch. Cây dong riềng đã mang lại cho người dân địa phương thu nhập cao hơn nhiều so với các cây trồng khác, với giá bán hiện nay là 2.000 đồng/kg, mỗi ha người trồng dong riềng thu về gần 200 triệu đồng.
 
 
Anh Phạm Đình Thắng, Giám đốc HTX chế biến miến dong Thắng Lợi.
Tôi tìm đến gia đình anh Phạm Đình Thắng, Giám đốc HTX chế biến miến dong Thắng Lợi cũng là lúc anh vừa xong việc “tạm ứng tiền” cho những hộ trồng dong riềng của thôn Đồng Vành để họ chuẩn bị cho công việc thu hoạch sắp tới. Hiện nay, HTX Thắng Lợi là nơi bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho 50 hộ trồng dong riềng tại địa phương. Anh Thắng hồ hởi chia sẻ, từ nhỏ anh đã được làm quen với cây dong riềng. Mỗi ngày, sau khi tan học anh lại lên nương phụ bố mẹ trồng và chăm sóc cây dong riềng, sau đó anh cùng sơ chế củ làm bột dong. Lớn lên, anh Thắng theo nghề buôn bột dong của bố mẹ, phần vì mưu sinh phần vì anh đã trót “nặng lòng” với những mùa hoa dong riềng đỏ trải dài khắp miền quê nghèo.
Càng gắn bó với nghề, càng đi nhiều, anh Thắng lại càng thêm xót xa vì đời sống người dân quê mình còn quá nghèo khổ. Anh đến các tỉnh bạn như Hà Tây (cũ), Hưng Yên... thấy mọi người sản xuất miến dong từ chính cây dong riềng cho thu nhập cao. Anh đã trăn trở rất nhiều, anh nghĩ họ làm được thì không có lý do gì mình lại không làm được. Nghĩ là làm, anh Thắng vay mượn tiền mua máy chế biến miến dong. Nhưng ngay bước đầu anh đã gặp phải có khăn trong kỹ thuật chế biến. Tuy làm bột dong thành thạo nhưng bắt tay sang làm miến dong anh đã phải tự mày mò, làm ngày làm đêm mà không thấy tiền đâu. Anh bảo: “Suốt 2 năm hoàn toàn thua lỗ, vợ anh nản lòng muốn bỏ cuộc. Nhưng anh vẫn quyết tâm làm, có thất bại mới cho ta những bài học quý giá để thành công. Chẳng có con đường nào trải hoa hồng cả”.
Từ những lần thất bại, dần dần sợi miến dong do anh Thắng làm ra đã đều, mịn và dai được người tiêu dùng chấp nhận. Có nền tảng, anh đã nghĩ ngay đến việc phải liên kết các hộ trồng dong riềng với cơ sở sản xuất của mình. Năm 2011, Tổ hợp tác sản xuất miến dong thôn Đồng Vành với 7 thành viên do anh làm tổ trưởng ra đời. 2 năm sau, từ nền tảng Tổ hợp tác, anh thành lập HTX Thắng Lợi chuyên chế biến tinh bột dong riềng, miến dong và làm dịch vụ bao tiêu sản phẩm cho bà con trong xã. Ngay trong năm đầu, HTX đã thu lãi trên 300 triệu đồng. Có đà, anh Thắng tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất của HTX, tăng cường quảng bá sản phẩm cũng như xây dựng thương hiệu “Miến dong sạch Hợp Thành”. Năm 2016, anh Thắng cũng vinh dự là người duy nhất của tỉnh đạt danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2016” do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam trao tặng.
Anh Thắng cho biết, sở dĩ là miến dong sạch là bởi HTX sản xuất theo quy trình khép kín. Từ khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch dong riềng đến làm bột dong và sản xuất miến dong thành phẩm đều được HTX giám sát chặt chẽ, đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật và đáp ứng các tiêu chí về vệ sinh an toàn thực phẩm. Củ dong riềng được đào và chuyển thẳng về máy rửa, sau khi rửa sạch sẽ được chuyển sang máy nghiền và để lắng đọng trong 1 ngày sẽ thu được tinh bột. Số tinh bột đó được tách sạn và sấy. Sau đó, chuyển sang công đoạn chế biến. Bột đã sấy khô được đem đi tráng, nếu thời tiết có nắng thì không cần dùng đến máy sấy, bánh tráng sẽ được phơi phô sau đó gấp bánh lại ủ trong vòng 4 tiếng, pha bánh cho vào hệ thống cắt, thái và được phơi trên phiên trước khi đóng gói. Bắt đầu từ lúc đào củ đến khi ra thành phẩm sẽ mất khoảng 3 ngày. 
Hiện nay, HTX có 11 dây chuyền chế biến tinh bột mỗi ngày với hơn 100 tấn củ sẽ sản xuất được 25 tấn bột. Hàng năm, HTX tiêu thụ 1.000 tấn bột dong để chế biến ra hơn 70 tấn miến dong sạch. HTX cũng đã tạo việc làm cho hàng chục lao động địa phương với mức thu nhập bình quân từ 5 - 7 triệu đồng/người/tháng.     
Khẳng định thương hiệu
Miến dong Hợp Thành của HTX Thắng Lợi được bày bán tại Hội chợ Nông nghiệp, thương mại huyện Yên Sơn năm 2016
 
Miến dong Hợp Thành được nhiều người yêu thích bởi chất lượng và độ an toàn của sản phẩm luôn được đặt lên hàng đầu. Chị Trần Phương Thảo, phường Ỷ La (TP Tuyên Quang) cho biết, chị rất thích ăn miến nên chị đã mua thử nhiều loại miến về chế biến, nhưng chỉ miến dong Hợp Thành làm chị hài lòng. Sợi miến Hợp Thành hơi ngả xám vì được làm hoàn toàn bằng bột cây dong riềng, khi nấu sợi miến trong, mềm không bị dính, nát và ăn rất giòn. Đặc biệt, ăn xong không bị xót ruột như một nhiều loại miến khác.
Anh Thắng cho biết, thời gian tới, ngoài việc mở rộng thị trường trong nước, anh sẽ cố gắng tìm kiếm thị trường nước ngoài, đặc biệt tập trung vào các nước có nhiều người thừa cân, béo phì. Vì ngoài hàm lượng các chất dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe con người, sản phẩm miến dong còn hỗ trợ ngăn ngừa chứng béo phì, làm chậm quá trình lão hóa cơ thể, rất tốt cho người ăn chay và tiểu đường... Bên cạnh đó, ngoài quan tâm đầu tư cho chất lượng sản phẩm, anh sẽ đổi mới bao bì, in ảnh trực tiếp lên bao bì và sản xuất hộp để làm quà biếu trong các dịp lễ, Tết.
Thành công của HTX Hợp Thành là sự khởi đầu quan trọng cho chuỗi giá trị dong riềng của tỉnh nhưng không vì thế mà người dân lại đổ xô trồng dong riềng tràn lan. Bài học xương máu năm 2013, khi cung vượt quá cầu, cây dong riềng mất giá, nhiều gia đình mất trắng khi củ dong riềng không tiêu thụ được. Ông Nguyễn Mạnh Tú, Chi cục phó Chi cục Trồng trọt và Chăn nuôi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, dong riềng ở tỉnh ta được các chuyên gia đánh giá có tiềm năng nhưng phải ở mức độ trồng vừa phải. Vì vậy, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã lập Dự án định hướng phát triển vùng chuyên canh dong riềng đến năm 2020, trong đó, theo kế hoạch chỉ quy hoạch từ 600 - 700 ha dong riềng tại các xã của huyện Yên Sơn, và xã Yên Nguyên, Hòa Phú (Chiêm Hóa). Vì vậy, định hướng của tỉnh là phát triển bền vững cây dong riềng và không mở rộng đại trà nhằm đảm bảo có lợi cho người trồng. Đặc biệt, tập trung giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường và việc xử lý chất thải trong quá trình sản xuất tinh bột. 
Năm 2013, miến dong Hợp Thành đã được Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam bình chọn là sản phẩm dịch vụ đạt uy tín chất lượng. Đây là một lợi thế để miến dong Hợp Thành có chỗ đứng trên thị trường và cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại. Phát huy những kết quả đã đạt được, năm 2015 sản phẩm miến dong Hợp thành của HTX Thắng Lợi đã được công nhận là 1 trong 68 sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của cả nước. Ngoài ra, miến dong Hợp Thành đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, Sở Y tế xác nhận phù hợp quy chuẩn an toàn thực phẩm. Đây là phần thưởng xứng đáng dành cho những nông dân biết vượt qua khó khăn và sáng tạo trong lao động sản xuất.
Theo TQĐT
 

 

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG

Tổng số: 59 | Trang: 1 trên tổng số 6 trang  
Xem tin theo ngày:   / /