Tuyên Quang chú trọng công tác tư vấn, hỗ trợ xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch trên địa bàn tỉnh

Thứ Năm, 3/10/2024 - 09:53 Đã xem: 21

Với vai trò là thành viên Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh, trong những năm qua Trung tâm xúc tiến đầu tư tỉnh đã tăng cường phối hợp với các tổ chức thành viên, các ngành chức năng có liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa Cuộc vận động.

     Đẩy mạnh tuyên truyền, triển khai thực hiện Cuộc vận động góp phần nâng cao hiệu quả các chính sách thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, xây dựng và bảo vệ thương hiệu sản phẩm, bảo vệ quyền lợi doanh nghiệp và người tiêu dùng. Các hoạt động tuyên truyền thường xuyên đổi mới về nội dung, phong phú, đa dạng về hình thức, thông qua các kênh truyền thông tin Báo, Đài của tỉnh và trung ương, qua các trang website do trung tâm quản lý vận hành và các trang mạng xã hội như: facebook, zalo… 

Sản xuất giày da xuất khẩu tại Công ty TNHH giày da Phúc Sinh, Cụm công nghiệp Phúc Ứng, huyện Sơn Dương


      Đẩy mạnh hoạt động của Trang thông tin điện tử Xúc tiến đầu tư Tuyên Quang, đến nay đã đăng tải trên 450 tin, bài (bản tiếng Việt), 90 tin, bài (bản tiếng Anh) với 2.621.903 lượt truy cập. Duy trì hoạt động đăng tải các sản phẩm OCOP các sản phẩm đặc trưng của tỉnh trên Sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Tuyên Quang với trên 1.500.000 lượt truy cập, với 811 tin, bài. Duy trì, nâng cấp hoạt động Trang thông tin điện tử "Lễ hội Thành Tuyên" với 2.216.989 lượt truy cập, 1.494 tin, bài; Trang thông tin điện tử Du lịch Tuyên Quang với trên 1.151.003 lượt truy cập, 1.280 tin, bài. Xuất bản Bản tin Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh Tuyên Quang định kỳ hàng quý/năm, đến nay đã phát hành 2.400 bản tin. Phối hợp với Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - Cơ quan ngôn luận của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam để triển khai thực hiện 9 chuyên đề về môi trường đầu tư kinh doanh, thành tựu phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Tuyên Quang nhằm thu hút đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh Tuyên Quang. Kết nối, trao đổi thông tin hai chiều với Tham tán Đại sứ quán của Việt Nam phụ trách xúc tiến đầu tư tại các quốc gia như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Đức,… để làm cầu nối tuyên truyền, quảng bá xúc tiến đầu tư. Tăng cường sự phối hợp với những tổ chức quốc tế tại Việt Nam như: Tổ chức JICA, JETRO (Nhật Bản), KOTRA (Hàn Quốc), KCCI, Trung tâm Xúc tiến đầu tư phía Bắc, Cục Đầu tư nước ngoài của Bộ Kế hoạch và Đầu tư,...
     Trung tâm xúc tiến đầu tư tỉnh đã triển khai xây dựng Phòng Trưng bày giới thiệu hình ảnh, môi trường đầu tư và cơ chế, chính sách tỉnh Tuyên Quang cho nhà đầu tư, doanh nghiệp đến tìm hiểu về tỉnh. Tổ chức các Chương trình "Cà phê doanh nhân" với nhiều chủ đề phong phú; tổ chức các hội nghị đối thoại, gặp gỡ giữa lãnh đạo tỉnh, các cơ quan chuyên môn của tỉnh với doanh nghiệp. Thông qua Chương trình đã kịp thời nắm bắt, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, đồng thời trao đổi thảo luận về xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp, gắn với thực tiễn, nâng cao hiệu quả cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh, giúp doanh nghiệp có điều kiện sản xuất kinh doanh, đầu tư thuận lợi.
      Phát hành hơn 20.000 các ấn phẩm để giới thiệu về tiềm năng du lịch của tỉnh như: Cuốn "Cẩm nang du lịch Tuyên Quang", Bản đồ du lịch Tuyên Quang…; hỗ trợ các công ty lữ hành du lịch quảng bá các tour, tuyến du lịch đến với du khách thông qua các Trang thông tin điện tử, các đoàn Farmtrip. Phối hợp với Sở Du lịch Hà Nội xây dựng nội dung và phát hành bản đồ du lịch liên vùng Hà Nội - Tuyên Quang - Hà Giang. Xây dựng hơn 20 tour, tuyến du lịch trong tỉnh, các tour du lịch liên kết giữa tỉnh Tuyên Quang với các tỉnh trong khu vực phía Bắc đăng tải trên các Trang thông tin điện tử về du lịch Lễ hội Thành Tuyên, Du lịch Tuyên Quang. Trung tâm đã chủ động mời và hỗ trợ trên 70 đoàn khảo sát của các doanh nghiệp lữ hành, đơn vị truyền thông và du khách có nhu cầu đến tìm hiểu về du lịch tỉnh Tuyên Quang cũng như xây dựng các tua, tuyến du lịch tại tỉnh. Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn toàn tỉnh có 324 cơ sở lưu trú, 11 công ty lữ hành quốc tế và nội địa đang đưa đón phục vụ khách du lịch.
      Phát hành hơn 1.800 ấn phẩm giới thiệu Các sản phẩm OCOP, nông sản tỉnh Tuyên Quang. Tổ chức Khóa đào tạo, tập huấn về kĩ năng phát triển thị trường thương mại điện tử cho trên 50 học viên là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh thương mại trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, nhằm cung cấp kiến thức cơ bản về kĩ năng thương mại điện tử, lợi ích của thương mại điện tử trong kinh doanh, giới thiệu về Sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Tuyên Quang, hướng dẫn học viên đăng ký thành viên và đăng sản phẩm lên trang Sàn thương mại điện tử tỉnh Tuyên Quang. Phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương tổ chức Khóa tập huấn kỹ năng kinh doanh trên nền tảng số phát triển thương hiệu, xây dựng hình ảnh cho kinh tế tập thể và hợp tác xã cho 50 đơn vị là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hợp tác xã nhằm nâng cao năng lực về chuyển đổi số, tập trung vào bán hàng trên môi trường số (livestream) trên các nền tảng mạng xã hội như tiktok, facebook… qua đó hỗ trợ thúc đẩy việc ứng dụng rộng rãi thương mại điện tử trong doanh nghiệp và cộng đồng, nâng cao trình độ sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao năng lực thiết kế, xây dựng và quản trị nội dung các trang mạng xã hội, xây dựng website quảng cáo sản phẩm giúp gia tăng cơ hội kết nối giao thương thành công và đẩy mạnh tiêu thụ nội địa.
      Việc tham gia hội chợ, triển lãm thương mại đã làm thay đổi nhận thức, trách nhiệm của người sản xuất và người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh. Đối với các doanh nghiệp đã chủ động, sáng tạo, đầu tư, nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến kỹ thuật, giảm giá thành, chú trọng mẫu mã, quảng bá thương hiệu, từng bước tạo được lòng tin đối với người tiêu dùng, góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Các sản phẩm nổi tiếng trên địa bàn tỉnh như Cam sành Hàm Yên, bánh gai Chiêm Hóa, Chè Shan tuyết Hồng Thái, bưởi Soi Hà… đã được nhiều người tiêu dùng trong nước lựa chọn.
Để Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” ngày càng đi vào chiều sâu và có hiệu quả, trong thời gian tới cần tiếp tục triển khai thực hiện một số giải pháp trọng tâm sau đây:
     Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền và tổ chức thực hiện tốt Cuộc vận động trong các cấp, các ngành, các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân; tăng cường công tác vận động cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên trong hệ thống chính trị gương mẫu, tự giác thay đổi nhận thức và hành vi trong mua sắm tài sản công, sinh hoạt và tiêu dùng hàng ngày, tạo thói quen khi mua sắm, tiêu dùng; ưu tiên sử dụng các loại hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ có chất lượng do các doanh nghiệp, nhà sản xuất ở địa phương làm ra, góp phần làm cho Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thật sự thiết thực và hiệu quả.
     Thứ hai, nghiên cứu các giải pháp phù hợp để gắn sản xuất, kinh doanh các sản phẩm đặc trưng của địa phương với các hoạt động phát triển du lịch, tạo điểm mua sắm, điểm đến mới cho du khách, góp phần quảng bá các sản phẩm mang thương hiệu Tuyên Quang đến du khách trong và ngoài nước; tiếp tục nhân rộng mô hình “Điểm bán hàng OCOP” trên địa bàn tỉnh, đây là những địa chỉ tin cậy để đưa các sản phẩm có chất lượng của Tuyên Quang đến với người tiêu dùng.
     Thứ ba, tăng cường công tác xúc tiến thương mại tại thị trường nội địa, tăng cường hệ thống phân phối bán lẻ, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa; tiếp tục khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, trung tâm thương mại tổ chức các chương trình đưa hàng Việt về vùng nông thôn, tổ chức Hội chợ thương mại, xây dựng các điểm bán hàng Việt Nam trên địa bàn… Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, phát huy tiềm năng, thế mạnh của tỉnh; xây dựng, triển khai in ấn các tài liệu xúc tiến đầu tư; mời các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia chuỗi sự kiện kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa, hội chợ triển lãm công thương - OCOP... 
     Thứ tư, đẩy mạnh thu hút, xúc tiến đầu tư, giới thiệu cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đến nghiên cứu, khảo sát đầu tư tại tỉnh. Tổ chức thực hiện có hiệu quả Đề án thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021 - 2025. Cung cấp thông tin về quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án và các thông tin liên quan đến đầu tư; dự báo về tình hình cung, cầu, giá cả thị trường giúp doanh nghiệp chủ động trong sản xuất kinh doanh.
     Thứ năm, tăng cường công tác tư vấn, hỗ trợ đầu tư, thương mại và du lịch; phát triển thương mại điện tử, kết hợp hài hòa giữa các kênh thương mại hiện đại và phương thức phân phối truyền thống; ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động truyền thông trên các nền tảng số; tổ chức và tham gia hội nghị, hội chợ, triển lãm, hội thảo về đầu tư, thương mại và du lịch ở trong nước và quốc tế để giới thiệu rộng rãi tiềm năng, thế mạnh của Tuyên Quang nhằm thu hút, kêu gọi đầu tư trong nước và quốc tế.
     Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” có ý nghĩa sâu sắc, tầm quan trọng cả trước mắt cũng như lâu dài đối với sự phát triển bền vững của nền kinh tế. Vì vậy, đòi hỏi các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, gia đình, mỗi người dân với những việc làm, hành động thiết thực tham gia hưởng ứng thực hiện Cuộc vận động góp phần đem lại lợi ích cho phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, cho cộng đồng doanh nghiệp và cả người tiêu dùng.

                                                                                                                                                           Nguyễn Thiết

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG

Tổng số: 81 | Trang: 1 trên tổng số 9 trang  
Xem tin theo ngày:   / /