Giải pháp nâng cao chất lượng thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” gắn với thực hiện chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm

Thứ Năm, 12/9/2024 - 08:55 Đã xem: 24

Những năm qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Tuyên Quang - Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” phối hợp với các cơ quan thành viên, trọng tâm là phối hợp với Hội Nông dân tỉnh tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân và Nhân dân tích cực tham gia Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” gắn với phong trào thi đua, trọng tâm hỗ trợ nông dân thực hiện chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

     Đổi mới công tác tuyên truyền, cung cấp thông tin về khả năng sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam. Vận động hội viên nông dân tích cực thi đua lao động, sản xuất, kinh doanh, nâng cao chất lượng hàng hoá nông sản, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; mua sắm, tiêu dùng ưu tiên dùng hàng Việt Nam, coi đó là thể hiện lòng yêu nước, nét đẹp trong văn hoá tiêu dùng của người Việt Nam. Đồng thời tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, nông dân thực hiện chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; kết quả đã tuyên truyền cho gần 6 triệu lượt hội viên nông dân. Qua tuyên truyền đã nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên, nông dân từng bước hình thành nét đẹp trong văn hoá tiêu dùng, sử dụng hàng Việt Nam, phù hợp với điều kiện kinh tế.

Đồng chí Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh và lãnh đạo tỉnh thăm gian hàng của tỉnh Tuyên Quang tại Festival trái cây tại tỉnh Sơn La 


     Hội Nông dân tỉnh, Trung tâm Hỗ trợ nông dân phối hợp tổ chức thành công Hội thi Nhà Nông đua tài các cấp lần thứ III, IV, V; tham gia Hội thi Nhà Nông đua tài đạt giải ba toàn quốc (năm 2017, 2022); tổ chức 30 Chương trình “Nhà nông tài ba” phát định kỳ hàng tháng trên kênh TTV để tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các cơ chế, chính sách của tỉnh về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, việc làm đổi mới, đột phá của tỉnh, của các cấp Hội được cán bộ, hội viên, nông dân quan tâm, đón nhận.
     Tại Lễ phát động Phong trào "Người Tuyên Quang ưu tiên sử dụng nông sản Tuyên Quang"; tuần lễ “Quảng bá, tiêu thụ Cam sành Hàm Yên”, đã tổ chức các gian hàng quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP, sản vật đặc sản của tỉnh phục vụ Nhân dân trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát và dịp Tết Nguyên đán. Đã kết nối tiêu thụ trên 1.200 tấn nông sản cho hội viên nông dân. Tiếp nhận, phân loại, đóng gói, vận chuyển trên 800 tấn nông sản, nhu yếu phẩm của người dân toàn tỉnh ủng hộ Nhân dân các tỉnh bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 (chủ yếu là các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản, đặc trưng của tỉnh). Phối hợp khai trương 12 cửa hàng nông sản sạch là cầu nối tin cậy giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm: Cửa hàng OCOP Nông sản sạch tại thị trấn Tân Yên, huyện Hàm Yên; Cửa hàng Nông sản xanh Sáng Nhung cơ sở 1, cơ sở 2 tại phường Phan Thiết và phường Hưng Thành; Công ty cổ phần Nông Dược Ba Thần, tại Tuyến phố đi bộ, tổ 5 phường Phan Thiết; cơ sở Hợp tác xã Bình Minh tại tầng 2 VINCOM… Tham gia Hội chợ Thương Mại và Sản phẩm OCOP Bắc Ninh năm 2022; Hội chợ Thương Mại và Sản phẩm OCOP tỉnh Tuyên Quang năm 2023; tham gia gian hàng hưởng ứng ngày Quyền của người Tiêu dùng Việt Nam năm 2024; Hội chợ làng nghề năm 2024 (tại tỉnh Tuyên Quang); Gian hàng tại Tuyến phố đi bộ tại thị xã Sơn Tây Hà Nội năm 2024; tổ chức 06 đợt trưng bày 12 gian hàng với hơn 100 sản phẩm OCOP và sản vật đặc trưng của tỉnh; triển lãm Festival trái cây và sản phẩm OCOP năm 2022 tại tỉnh Sơn La. Quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản của tỉnh tại Festival sản phẩm, vật tư nông nghiệp, thương mại toàn quốc (tại Đắk Lắk); hội chợ thương mại, ngày hội nông sản OCOP và tôn vinh sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu (tại Bắc Kạn)… các mặt hàng được trưng bày tại hội chợ chủ yếu là các sản phẩm có chất lượng do doanh nghiệp trong nước sản xuất và sản phẩm OCOP của tỉnh; từng bước thay đổi tư duy, hình thành thói quen tiêu dùng hàng Việt Nam; thu hút trên 50.000 lượt Nhân dân và du khách tham quan, mua sắm. 

 Khai trương chuỗi cửa hàng thực phẩm “Nông sản xanh Sáng Nhung” cơ sở 2.


     Phối hợp tổ chức Hội nghị xúc tiến chuỗi giá trị nông nghiệp công nghệ cao Tuyên Quang cho trên 200 đại biểu tham dự. Đăng cai tổ chức Hội chợ Triển lãm nông nghiệp - Thương mại các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc năm 2017, đã giúp các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, Hợp tác xã quảng bá giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm; Hội Nông dân tỉnh có 04 gian hàng tham gia tại Hội chợ với trên 50 mặt hàng các loại là những đặc sản, đặc trưng đã thu hút trên đông đảo khách đến tham quan, mua sắm và trao đổi thông tin. Tổ chức xây dựng chuỗi giá trị nông nghiệp, kết nối doanh nghiệp, Hợp tác xã, hội viên nông dân. Tổ chức cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác ký liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông sản. Hỗ trợ Hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao Tiến Thành Tuyên Quang xây dựng chuỗi liên kết chăn nuôi trâu, bò thịt an toàn sinh học phát huy nhãn hiệu tập thể “Trâu ngố Tuyên Quang” do Cục Sở hữu trí tuệ cấp cho Hội Nông dân tỉnh; có 15 hợp tác xã, tổ hợp tác tham gia chuỗi liên kết cùng Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Tiến Thành sản lượng trên 200 tấn trâu, bò thịt.
      Phối hợp tổ chức 170 lớp tập huấn chuyển đổi số trong nông nghiệp cho 8.500 hội viên, nông dân. Hướng dẫn lập 9.500 tài khoản để trao đổi mua bán hàng hóa, đưa các sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử. Tổ chức Hội nghị cơ hội và thách thức đối với nông dân về chuyển đổi số, xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc, phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị và hướng dẫn nông dân, hợp tác xã nắm bắt được cơ hội chuyển đổi số, thông qua việc sử dụng Zalo và các công cụ AI trí tuệ nhân tạo cho 120 hội viên, nông dân. Hỗ trợ 04 Hợp tác xã ký hợp đồng đưa sản đặc sản, sản phẩm OCOP của địa phương lên sàn thương mại điện tử Kingocops.
     Tập trung đổi mới công tác đào tạo nghề đối với lao động nông thôn thông qua việc lựa chọn nội dung, phương thức đào tạo phù hợp với nhu cầu của hội viên, nông dân ở tại cơ sở, đồng thời gắn công tác đào tạo nghề với việc thành lập các chi tổ hội nghề nghiệp để giúp nhau phát triển kinh tế; công tác tuyển sinh phù hợp với nhu cầu của hội viên, nông dân, ưu tiên tuyển sinh đào tạo nghề tại các xã xây dựng nông thôn mới và các nghề phục vụ mục tiêu “Mỗi xã một sản phẩm” theo Kế hoạch số 24/KH-UBND ngày 11/3/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh; phân công cán bộ phụ trách thường xuyên kiểm tra, nắm tình hình tại các lớp đào nghề ở cơ sở, kịp thời hỗ trợ, xử lý những vấn đề phát sinh, trong đào tạo được đảm bảo chất lượng, hiệu quả.
     Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ nông dân đã tổ chức 170 lớp đào tạo nghề cho 5.929 học viên, gồm các nghề: Kỹ thuật sửa chữa máy nông nghiệp, chăn nuôi gia súc gia cầm, chăn nuôi cá, trồng cây ăn quả, trồng Nấm.., tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề có việc làm đạt trên 80%. Tổ chức 38 lớp dạy nghề gắn với thực hiện các Dự án vay vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân; qua đó giúp hội viên, nông dân mở rộng quy mô sản xuất, phát triển ngành nghề, thúc đẩy ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, nâng cao năng xuất sản lượng trên một đơn vị diện tích, tạo ra các nông sản hàng hóa đạt chất lượng, hiệu quả cao, tăng thu nhập; có nhiều hộ dân đã thay đổi nhận thức, tư duy, biết tính toán làm ăn phát triển kinh tế hộ một cách bền vững; tổ chức hơn 30 hội nghị tuyên truyền về các hoạt động dịch vụ và hỗ trợ cho hơn 1.500 lượt hội viên, nông dân. Thông qua các buổi tuyên truyền đã giúp hội viên nông dân nắm bắt được các chương trình, cơ chế, chính sách hỗ trợ nông dân đang triển khai trên địa bàn toàn tỉnh. Phối hợp với Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Tuyên Quang tổ chức 25 lớp tập huấn về quy trình sử dụng chế phẩm sinh học trong sản xuất nông nghiệp cho trên 1.300 hội viên nông dân.
     Thực hiện Phong trào “Tuyên Quang chung tay xử lý rác thải và chống rác thải nhựa" do Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Tuyên Quang phát động, Hội nông dân tỉnh và Trung tâm Hỗ trợ nông dân triển khai thí điểm mô hình "Phân loại và xử lý rác thải nông nghiệp, rác thải sinh hoạt hữu cơ thành phân bón tại nguồn" tại phường Tân Hà, thành phố Tuyên Quang với quy mô 210 thùng cho 210 hộ; hướng dẫn trang bị cho nông dân kiến thức về phân loại và xử lý rác thải nông nghiệp, rác thải sinh hoạt hữu cơ làm phân bón, qua đó góp phần giảm thiểu rác thải ra môi trường, cải thiện môi trường sống cho nông dân; xây dựng mô hình “Xử lý nước thải, chất thải bằng biện pháp sinh học góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại làng nghề bột miến dong" xã Lực Hành, huyện Yên Sơn. Mô hình đã đạt được tất cả các chỉ tiêu chủ yếu đề ra; chứng minh việc sử dụng chế phẩm vi sinh đã xử lý bã dong riềng thành phân bón hữu cơ, làm phân bón cho cây trồng; vừa giúp tiết kiệm chi phí mua phân bón vừa cải tạo đất; giải quyết ô nhiễm môi trường… Mô hình đã làm điểm cho nông dân đến tham quan học tập và nhân rộng.
     Nhằm tiếp tục thực hiện hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thời gian tới Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh -  Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tiếp tục phối hợp với Hội Nông dân tỉnh tăng cường quán triệt, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên nông dân về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thông qua Website Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, các trang mạng xã hội, kênh thông tin đại chúng, các buổi sinh hoạt thôn, tổ dân phố, chi hội; ...Tiếp tục tuyên truyền cơ chế, chính sách của tỉnh về nông nghiệp, nông thôn theo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh: Nghị quyết 03/2021/NQ-HĐND, ngày 16/7/2021 về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp tỉnh Tuyên Quang; Nghị quyết số 10/2023/NQ-HĐND ngày 07/7/2023 về Quy định mức hỗ trợ thực hiện dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị; các Chương trình mục tiêu quốc gia; Nghị quyết số 48-NQ/TU ngày 15/11/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Tuyên Quang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch số 154/KH-UBND ngày 12/8/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh về phát động Phong trào thi đua “Chuyển đổi số tỉnh Tuyên Quang”... Vận động hội viên, nông dân tích cực thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua, trọng tâm là Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững". Phối hợp mở các gian hàng giới thiệu sản phẩm; tham gia trưng bày và đưa sản phẩm nông sản tiêu biểu, đặc sản, sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP của tỉnh lên sàn thương mại điện tử; tham gia các cuộc Hội thảo, chương trình tôn vinh sản phẩm nông nghiệp... Phối hợp với các doanh nghiệp, nhà phân phối ưu tiên bán hàng do Việt Nam sản xuất, đưa hàng hóa Việt về thị trường nông thôn thông qua hệ thống phân phối bán lẻ. Xây dựng mô hình sản xuất theo chuỗi khép kín, hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung với quy mô lớn, chất lượng cao.
                                                                                                                                                 Ban biên tập

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG

Tổng số: 81 | Trang: 1 trên tổng số 9 trang  
Xem tin theo ngày:   / /