Nhiều tiêu chí khó
Xã Quyết Thắng bắt tay vào xây dựng NTM khi chỉ có 4/19 tiêu chí đạt chuẩn. Với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, Quyết Thắng mạnh dạn đăng ký về đích vào cuối năm 2024. Tuy nhiên, khi bắt tay vào thực hiện, xã cũng gặp không ít khó khăn.
Đồng chí Trần Minh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND xã Quyết Thắng chia sẻ: Một trong những tiêu chí khó trong xây dựng NTM ở địa phương là tiêu chí nhà ở dân cư khi phải xóa 37 nhà tạm; tiêu chí hình thức tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn. Bên cạnh đó, để về đích NTM xã cần đầu tư xây dựng các phòng chức năng, công trình phụ trợ 3 trường học đạt chuẩn với tổng kinh phí trên 10,3 tỷ đồng; mua sắm trang thiết bị 5 nhà văn hóa thôn, kinh phí trên 200 triệu đồng; sửa chữa 250m đường giao thông thôn Thượng Bản, tổng kinh phí 363 triệu đồng. Các nội dung này cần nguồn đầu tư lớn, trong khi Quyết Thắng là xã đặc biệt khó khăn, thu nhập của người dân trên địa bàn chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp nên việc đóng góp thực hiện còn hạn chế.
Công trình nhà văn hóa thôn Tân Lập, xã Tân Trào được đầu tư xây dựng đạt chuẩn, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của nhân dân.
Để không lỡ hẹn về đích NTM, xã Quyết Thắng đã dồn sức, huy động nguồn lực, lồng ghép với nguồn vốn của các chương trình, dự án, sự đóng góp của Nhân dân trong thực hiện các công trình, xóa nhà tạm... Xã đã chỉ đạo các tổ chức chính trị, xã hội, đoàn thể hỗ trợ ngày công làm nhà cho hộ nghèo. Bên cạnh đó, lĩnh vực phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân cũng được các địa phương chú trọng. Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP, xã đăng ký với huyện sản phẩm OCOP là mật ong và đã được UBND huyện công nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao. Xã đã thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trồng dưa chuột, cà gai leo, mía với diện tích gần 40ha; thực hiện 2 mô hình chăn nuôi gà theo tiêu chuẩn VIETGAP tại thôn Lãng Cư.
Từ địa phương còn nhiều khó khăn, xã Tân Trào đã bứt phá vươn lên trở thành một trong những xã về đích NTM sớm vào năm 2015. Cũng vì thế, Tân Trào được kỳ vọng trở thành địa phương thứ 3 (sau Sơn Nam, Ninh Lai) hoàn thành các tiêu chí NTM nâng cao vào cuối năm 2024.
Đồng chí Hà Hữu Tiệp, Bí thư Đảng ủy xã Tân Trào thừa nhận thực tế đáng lo nhất khi xây dựng NTM nâng cao ở Tân Trào là tiêu chí môi trường: Bởi tập tục sinh hoạt, chăn nuôi của người dân vẫn chưa thực sự hợp vệ sinh, ý thức của người dân chưa cao. Có thể nay tổng động viên ra làm nhưng mai lại vứt rác bừa bãi. Hơn nữa xã lại chưa có địa điểm thu gom rác tập trung.
Với phương châm “dễ làm trước, khó làm sau”, xã đã tiến hành rà soát, đánh giá lại từng tiêu chí để xây dựng lộ trình, phương án thực hiện cho từng giai đoạn. Xã đã xây dựng kế hoạch chi tiết, phân công từng cán bộ cấp ủy, cũng như cán bộ phụ trách từng thôn, mỗi đảng viên phụ trách 3 - 4 hộ về công tác vệ sinh môi trường, tuyên truyền vận động di chuyển chuồng trại, nhà tiêu hợp vệ sinh. Cán bộ đi từng thôn, từng hộ cầm tay chỉ việc, tổ chức ngày cuối tuần cùng dân, dành ngày thứ 7 xuống cơ sở làm công tác vệ sinh môi trường, quét đường làng ngõ xóm, hướng dẫn sắp xếp nhà cửa...
Đến nay, tiêu chí môi trường ở Tân Trào đã cơ bản hoàn thành. Xã đang tiếp tục hoàn thiện 2 tiêu chí: quy hoạch; trường học, phấn đấu về đích đúng hẹn.
Phấn đấu về đích đúng hẹn
Năm 2024, huyện Sơn Dương đặt mục tiêu 7 xã về đích NTM; xã Tân Trào đạt chuẩn NTM nâng cao; xã Sơn Nam đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Tính đến tháng 11/2024, qua rà soát, đánh giá, xã Quyết Thắng, Đông Thọ hoàn thành 16/19 tiêu chí; xã Hồng Sơn, Đồng Quý đạt 17/19 tiêu chí; xã Đông Lợi, Minh Thanh đạt 18/19 tiêu chí; Tam Đa hoàn thành 19/19 tiêu chí.
Xác định các tiêu chí giao thông, trường học, nghèo đa chiều, thu nhập và môi trường là những tiêu chí khó mà các xã về đích NTM năm nay đang gặp phải, các địa phương đã và đang dồn sức, tiếp tục khai thác nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia. Đối với các tiêu chí chưa đạt, các xã đã đề ra các giải pháp cụ thể. Trong đó đẩy mạnh tuyên truyền vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân tiếp tục thực hiện chương trình xây dựng NTM.
Đối với tiêu chí nhà ở dân cư, các xã đã chỉ đạo các tổ chức chính trị, xã hội, đoàn thể hỗ trợ ngày công làm nhà cho hộ nghèo. Huy động nguồn lực, lồng ghép với nguồn vốn của các chương trình, dự án, sự đóng góp của nhân dân trong thực hiện làm đường giao thông, xóa nhà tạm... Bên cạnh đó, lĩnh vực phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân cũng được các địa phương chú trọng, nhằm nâng cao đời sống cho bà con và huy động nội lực từ nhân dân trong xây dựng NTM.
Đồng chí Hoàng Văn Niên, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sơn Dương cho biết: Để gỡ khó cho công tác xây dựng NTM, trong thời gian qua, ngoài việc kiện toàn ban chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia các cấp, huyện cũng đồng thời nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp và cả hệ thống chính trị trong xây dựng NTM, nhất là vai trò của người đứng đầu. Công tác tuyên truyền, vận động cũng được thực hiện thường xuyên, liên tục bằng nhiều hình thức thiết thực để người dân dễ hiểu và tích cực tham gia hưởng ứng trên tinh thần tự nguyện.
Để đáp ứng được nhu cầu vốn, ngoài nguồn lực đầu tư của Nhà nước, huyện tập trung huy động, lồng ghép có hiệu quả nguồn vốn từ các chương trình, dự án đang thực hiện trên địa bàn để thực hiện những nội dung, mục tiêu chung của chương trình xây dựng NTM. Ngoài ra, huyện cũng tăng cường các hoạt động "Ngày thứ 7 tham gia xây dựng NTM gắn với việc thực hiện Đề án số 02" với những công trình, phần việc cụ thể, có sự tham gia liên tục của cán bộ, đảng viên từ huyện đến cơ sở làm gương để thúc đẩy mạnh mẽ phong trào thi đua xây dựng NTM, quyết tâm phấn đấu đưa 9 xã về đích đúng hẹn.
Theo Báo Tuyên Quang