Ủy ban MTTQ tỉnh Tuyên Quang tổ chức Toạ đàm thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang của dân tộc Mông trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang

Thứ Sáu, 29/11/2024 - 17:07 Đã xem: 126

Ngày 29/11, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Tuyên Quang tổ chức Toạ đàm thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang của dân tộc Mông trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.

Các đại biểu dự Tọa đàm

    Đồng chí Nguyễn Hưng Vượng, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ tỉnh, đồng chí Tăng Thị Dương, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh chủ trì hội nghị. Cùng dự có các đồng chí Bàn Xuân Triều, Nguyên Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân tộc – Tôn giáo, cơ quan Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh; Lý Minh Bình, Nguyên Tỉnh uỷ viên, nguyên Trưởng Ban Dân tộc, Hội Đồng nhân dân tỉnh; đại diện lãnh đạo Ban Dân vận Tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Thường trực Đảng uỷ Khối các cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh, Ban Dân tộc tỉnh, Sở Tư pháp, lãnh đạo các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh; Hội Người cao tuổi tỉnh; lãnh đạo Ủy ban MTTQ các huyện, thành phố và các 60 đại biểu dân tộc Mông.
      Tuyên Quang là tỉnh miền núi, có 22 dân tộc cùng sinh sống, trong đó người Mông có khoảng hơn 4 ngàn hộ gia đình với hơn 21.000 nhân khẩu, chiếm 2,5% dân số toàn tỉnh và dân tộc Mông được chia thành 3 nhóm: Mông Trắng, Mông Hoa và Mông Đen. Đồng bào dân tộc Mông sinh sống tập trung tại các huyện: Lâm Bình, Na Hang, Chiêm Hóa, Yên Sơn, Hàm Yên và Sơn Dương. Trong những năm qua, cùng với các dân tộc khác trên địa bàn tỉnh, đồng bào dân tộc Mông luôn chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực lao động sản xuất, tham gia các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước; không ngừng ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, chung tay xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Cấp ủy các cấp chú trọng xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh; quan tâm công tác phát triển đảng viên là người dân tộc thiểu số, trong đó có dân tộc Mông. Đến nay, toàn tỉnh có 445 đảng viên người dân tộc Mông; 35 người Mông tham gia hệ thống chính trị cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã. Toàn tỉnh có hơn 9.400 người Mông theo Đạo Tin Lành, hoạt động tôn giáo theo đúng pháp luật. Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào Mông ngày càng được nâng lên, ổn định cuộc sống, yên tâm lao động, sản xuất, không còn hiện tượng di cư tự do, đã có nhiều ngôi nhà xây kiên cố khang trang…
     Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, ban hành nhiều chủ trương, chính sách đối với người dân, với phương châm mọi chủ trương, chính sách đều xuất phát từ nhu cầu, nguyện vọng và lợi ích chính đáng của người dân. Hiện nay, cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong tỉnh đã và đang tích cực triển khai thực hiện 3 chương trình mục tiêu Quốc gia và các chương trình, dự án trọng điểm của tỉnh. Trong đó, chú trọng quan tâm đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và đồng bào dân Mông nói riêng. Quan tâm bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá truyền thống tốt đẹp của các dân tộc, nhiều dự án về sưu tầm, tư liệu hoá di sản văn hoá được thực hiện, hoàn thành kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, trong đó dân tộc Mông có 24 di sản, gồm: 03 di sản thuộc loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian; 14 di sản thuộc loại hình tập quán xã hội; 01 di sản thuộc loại hình nghề thủ công truyền thống; 06 di sản thuộc loại hình tri thức dân gian. Nổi bật là di sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật trang trí trên trang phục của người Mông Hoa huyện Lâm Bình, huyện Hàm Yên, huyện Chiêm Hóa, huyện Na Hang, huyện Yên Sơn đã được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; đồng bào dân tộc Mông trên địa bàn tỉnh phần lớn vẫn duy trì mặc trang phục truyền thống. Đặc biệt, từ khi Nhà nước ban hành quy định về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội thì việc tổ chức đám cưới, đám ma của người Mông đã được tổ chức đơn giản hơn, thời gian thực hiện nghi lễ cũng được rút ngắn; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống và dần loại bỏ các hủ tục, tập quán lạc hậu trong việc cưới, việc tang phù hợp với tình hình thực tế.

Đại biểu thảo luận tại chương trình Tọa đàm


     Thực hiện nếp sống văn minh, đám cưới của người Mông ở Tuyên Quang hiện nay đã được giản tiện, văn minh hơn, xong vẫn giữ được bản sắc dân tộc. Một số đám cưới cô dâu, chú rể đã mặc trang phục truyền thống; đám cưới không tổ chức linh đình, không thuốc lá; tục thách cưới cũng cơ bản được xoá bỏ. Tuy nhiên, tình trạng tảo hôn, tổ chức tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, ly hôn, sinh con trước 18 tuổi vẫn tồn tại gây ra nhiều hậu quả về thể chất của đứa trẻ như trẻ bị còi cọc, kém phát triển, hay gặp bệnh di truyền cùng gen.
    Cũng như nhiều đồng bào dân tộc vùng cao khác, người Mông ở Tuyên Quang vẫn còn lưu giữ nhiều phong tục tập quán truyền thống, trong đó tang ma là một nghi lễ thể hiện truyền thống, đạo lý uống nước nhớ nguồn, là sự tri ân giữa người sống với người đã mất. Trước đây, người Mông thường đưa thi thể người chết lên treo ở gian giữa nhà hay còn được gọi là đưa lên ngựa "nỉnh đăng" để thồ linh hồn người chết về với tổ tiên. Ngày nay, phần lớn các dòng họ đã đưa thi thể người chết vào áo quan; thời gian tổ chức lễ tang cũng được rút ngắn chỉ còn 2 đến 3 ngày; việc mổ trâu, bò cho người chết không còn phổ biến; việc sử dụng khèn, trống cũng giảm bớt… 

Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Nguyễn Hưng Vượng phát biểu tại chương trình Tọa đàm


      Phát biểu tại buổi toạ đàm đồng chí Nguyễn Hưng Vượng, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ tỉnh ghi nhận, biểu dương những đóng góp của nhân dân các dân tộc nói chung và dân tộc Mông nói riêng trong kết quả chung trên địa bàn tỉnh. Các đại biểu đã sắp xếp thời gian, có nhiều ý kiến góp ý tâm huyết, góp phần quan trọng xây dựng khối đại đoàn kết, phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang. Đồng chí đề nghị, trong thời gian tới có sự vào cuộc mạnh mẽ của cấp uỷ, chính quyền, MTTQ, các tổ chức thành viên, đặc biệt là người thực hành tín ngưỡng tâm linh, người có uy tín để tuyên truyền, vận động Nhân dân gìn giữ nét đẹp truyền thống của dân tộc Mông như: Trang phục, tiếng nói, chữ viết, các làn điệu dân ca, nghi lễ truyền thống...; đồng thời, tuyên truyền nhằm giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; bài trừ tệ nạn xã hội trong đám cưới, đám tang; vận động thực hiện hoả táng để bảo vệ môi trường. Rà soát, thay đổi các phong tục, tập quán lạc hậu, không còn phù hợp theo hướng vừa đúng với quy định của pháp luật, nhưng vẫn lưu giữ được thuần phong, mỹ tục của dân tộc Mông như: Giảm thời gian tổ chức đám cưới, đám tang; cắt giảm các nghi lễ rườm rà, mất nhiều thời gian, tiền bạc; giảm âm thanh loa đài; các đoàn đến viếng nên cử một người đại diện thắp hương nhằm giảm ô nhiễm môi trường; chỉ tổ chức ăn uống trong nội bộ gia đình, khuyến khích không dùng rượu, bia... Chỉ đạo, hướng dẫn Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư phối hợp với Trưởng thôn, Tổ trưởng dân phố và các tổ chức đoàn thể thực hiện tốt quy ước, hương ước của cộng đồng dân cư, nhất là những quy định về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang. Chú trọng xây dựng các câu lạc bộ, các mô hình điểm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Mông để từ đó nhân rộng, tạo sự lan tỏa trong cộng đồng. Tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên ở khu dân cư gương mẫu thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang. Kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân thực hiện tốt; đồng thời đề xuất xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.
                                                                                                                                     Lăng Hằng
 

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG

Tổng số: 754 | Trang: 1 trên tổng số 76 trang  
Xem tin theo ngày:   / /