Lan tỏa từ Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”

Thứ Sáu, 20/9/2024 - 09:34 Đã xem: 98

Trước yêu cầu đưa nền kinh tế đất nước vượt qua khó khăn, thách thức, phát triển nhanh, bền vững, giải quyết tốt an sinh xã hội. Ngày 31/7/2009, Bộ Chính trị ban hành Văn bản số 264-TB/TW thông báo Kết luận của Bộ Chính trị về tổ chức cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” nhằm phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc, xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tuyên Quang đã ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo việc tổ chức triển khai thực hiện Cuộc vận động và ban hành Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Cuộc vận động. UBND tỉnh Tuyên Quang ban hành kế hoạch đẩy mạnh các hoạt động phát triển thị trường; huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn lực của các chủ thể sản xuất, kinh doanh hàng Việt Nam thuộc mọi thành phần kinh tế; kết hợp hài hòa giữa kinh doanh truyền thống và hiện đại; nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ thương hiệu Việt; đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi đưa hàng hóa thiết yếu, hàng Việt Nam có thế mạnh đến tay người tiêu dùng nhằm nâng cao sức mua, thúc đẩy sản xuất, tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.   

Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh Tuyên Quang triển khai kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng


 Để thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ cấp tỉnh, cấp huyện - cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh, huyện thường xuyên thông tin, phản ánh tình hình kết quả thực hiện Cuộc vận động ở các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp; tuyên truyền biểu dương và nhân rộng các kết quả điển hình tiên tiến trong thực hiện Cuộc vận động. Đồng thời đấu tranh, với  các hành vi buôn lậu, sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh đã tạo sự đồng thuận, hưởng ứng của các cơ quan, doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân tham gia. 
Ủy ban MTTQ các cấp trong tỉnh phối hợp với ngà công thương tổ chức gần 140 hội chợ trên địa bàn tỉnh, thu hút trên 6.200 lượt doanh nghiệp tham gia trưng bày, bán hàng giới thiệu sản phẩm; thu hút gần 5 triệu lượt khách thăm quan, mua sắm; doanh thu bán hàng ước đạt trên 250 tỷ đồng. Tiếp nhận trên 55.000 chương trình khuyến mại của thương nhân. Tổ chức  chương trình Phát triển hệ thống phân phối hàng Việt đến huyện Na Hang, 21 Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, 3 phiên chợ miền núi tại địa bàn các xã vùng sâu, vùng xa, vùng núi cao và đồng bào dân tộc thiểu số, với trên 600 gian hàng, thu hút 300 lượt doanh nghiệp tham gia.

Cửa hàng giới thiệu sản phẩm đặc sản, OCOP Tâm Hương, thành phố Tuyên Quang


Nhằm đưa hàng nông sản địa phương chiếm ưu thế trên thị trường, nhiều cơ chế chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại; hỗ trợ sản xuất hàng hóa; khuyến khích phát triển Hợp tác xã nông, lâm nghiệp, thủy sản; hỗ trợ giống cây lâm nghiệp chất lượng cao trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang cũng đã được triển khai như chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” OCOP trên địa bàn tỉnh, đến nay đã có 248 sản phẩm được công nhận đạt từ 3 sao trở lên; có 32 chuỗi cung ứng thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn; 18 cửa hàng bán sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang và thành phố Hà Nội.
Hưởng ứng Cuộc vận “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, các doanh nghiệp trong tỉnh tăng cường đầu tư thực hiện các dự án sản xuất mặt hàng mới, mở rộng sản xuất, cải tiến công nghệ, thiết bị nhằm tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa dịch vụ. Một số doanh nghiệp đã đầu tư, đưa vào kinh doanh khai thác các loại hình kinh doanh mới như Trung tâm thương mại -  chợ, siêu thị, cửa hàng tự chọn, trong đó tỷ trọng hàng Việt Nam chiếm phần lớn trong sản lượng hàng hóa của doanh nghiệp. Hoạt động xuất khẩu đã có sự tham gia của tất cả các thành phần kinh tế với nhiều sản phẩm được xuất khẩu..., qua đó đã góp phần quảng bá hình ảnh, uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh có 228 doanh nghiệp, Hợp tác xã sản xuất và kinh doanh sản phẩm nội địa thường xuyên trao đổi, mua bán và sử dụng sản phẩm của chính các doanh nghiệp trong hiệp hội doanh nghiệp Tuyên Quang. Làm chuyển biến tư duy và trách nhiệm của doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh hàng hóa có chất lượng tốt, mẫu mã tốt, giá thành hợp lý, đủ sức cạnh tranh trên thị trường, đáp ứng yêu cầu người tiêu dùng. 

Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Nguyễn Hưng Vượng cùng các đại biểu tham quan gian hàng giới thiệu các sản phẩm nông sản tại Hội nghị tổng kết 15 năm  hực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”


Những kết quả của 15 năm triển khai thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh đã khẳng định sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự hưởng ứng tham gia tích cực của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp và đông đảo các tầng lớp nhân dân. Với  trên 90% người tiêu dùng Tuyên Quang, hàng Việt đã trở thành sự lựa chọn và ưu tiên số 1.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Cuộc vận động còn một số hạn chế: Một số hàng hóa Việt Nam chưa thực sự thu hút người tiêu dùng về mẫu mã, chất lượng và giá cả; sản phẩm nông sản giá cả chưa ổn định. Các phiên chợ, hội chợ, các hoạt động xúc tiến thương mại, phân phối đưa hàng Việt về vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa còn khó khăn, chưa có nhiều doanh nghiệp tham gia. Một số doanh nghiệp, Hợp tác xã, cơ sở sản xuất chưa mạnh dạn đầu tư dây truyền thiết bị tiên tiến, ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, chế biến sản phẩm; nhiều doanh nghiệp còn thiếu kinh nghiệm, kỹ năng bán hàng, chăm sóc khách hàng sau bán hàng việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quảng bá sản phẩm, hàng hóa còn hạn chế. Việc bán hàng online chưa được các cơ quan chức năng quản lý, kiểm soát chặt chẽ nhất là về chất lượng, nguồn gốc sản phẩm...
Chặng đường 15 năm thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt nam" tại Tuyên Quang dù còn nhiều khó khăn nhưng Cuộc vận động đã thực sự tạo được chuyển biến mạnh mẽ trong ý thức sản xuất và tiêu dùng của người dân vùng chiến khu cách mạng. Cuộc vận động đã thúc đẩy các phong trào thi đua yêu nước trên mọi lĩnh vực học tập, lao động, sản xuất, đóng góp tích cực vào những thành tựu chung của tỉnh, của đất nước trong từng giai đoạn phát triển. 
                                                                                                                                                        Đỗ Sang


 

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG

Xem tin theo ngày:   / /