Chắp cánh cho nông sản vươn xa
Chè Shan tuyết của huyện Na Hang nhiều năm trước ít được người biết đến. Sản phẩm của bà con chủ yếu phục vụ nhu cầu của nhân dân trong huyện, giá trị kinh tế từ cây chè không đáng kể. Thế nhưng, mấy năm gần đây, chè Shan tuyết của huyện Na Hang đã thực sự “lên ngôi” trở thành sản phẩm hàng hóa có giá trị cao được khách hàng trong và ngoài nước biết đến. Với diện tích hiện có trên 1.286 ha chè Shan tuyết, hầu hết các HTX sản xuất chè trên địa bàn trong tình trạng khan hàng do nhu cầu của khách tăng. Điều đó cho thấy giá trị kinh tế của cây chè có vị thế đặc biệt đối với đồng bào vùng cao.
Một trong những yếu tố đem lại thành công cho chè Shan tuyết đó chính là công cuộc chuyển đổi số. Chè Shan tuyết Na Hang đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý từ tháng 4 - 2021 trên địa bàn 6 xã của huyện. Bên cạnh đó dưới tác động của chuyển đổi số, sức quảng bá của chè Shan tuyết Na Hang đã không ngừng vươn xa.
Khách hàng tìm hiểu các sản phẩm nông sản của Tuyên Quang.
Anh Bàn Văn Tranh, Giám đốc HTX chè Thượng Nông cho biết, nhờ có thương hiệu cùng với kênh bán hàng qua mạng xã hội thuận lợi nên sản phẩm làm đến đâu tiêu thụ hết đến đó.
Lúc đầu, nhiều người dân Bản Luộc, thị trấn Na Hang còn ái ngại khi thấy chị Giàng Thị Sao đã bỏ ra hàng trăm triệu đồng đầu tư trồng dâu tây, thứ cây có giá cả đắt đỏ, liệu bán cho ai. Nhưng chị Sao lại nghĩ khác, bởi hầu hết sản lượng dâu tây đều được chị bán qua mạng. Dâu tây chín tới đâu bán hết đến đấy. Chị Sao chia sẻ: “Nhờ có mạng xã hội nên mình rất tự tin trong việc bán sản phẩm do vậy mới quyết định đầu tư”. Không những vậy, vườn dâu tây của chị Sao là điểm thu hút khách du lịch, cộng đồng mạng xã hội quan tâm.
Chị Lèng Thị Nguyệt, thôn Nà Liềm, xã Thượng Lâm (Lâm Bình) làm nghề đánh bắt và nuôi cá lồng trên lòng hồ sinh thái Na Hang - Lâm Bình. Từ ngày thành lập trang Fanpage chuyên bán các sản phẩm thủy sản tự nhiên, hàng ngày vợ chồng chị không phải mang cá ra chợ bán mà chủ yếu bán hàng trên mạng. Để nâng cao giá trị sản phẩm cá đánh bắt, chị Nguyệt còn thuê người chế biến, sấy khô, đóng gói, sản phẩm làm đến đâu bán hết đến đấy. Chị Nguyệt cho biết khách hàng của chị chủ yếu là thị trường Hà Nội, nhiều người đã sử dụng sản phẩm trở thành khách hàng thân thuộc.
Có thể thấy rằng, việc đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp là “chìa khóa” để nông nghiệp địa bàn vùng cao tận dụng được những cơ hội tiếp cận khách hàng, vừa hướng tới sự phát triển một cách bền vững; giúp cho những sản vật đặc sản vùng cao đến được với những thị trường lớn giúp các xã vùng cao phát triển kinh tế.
Nhiều trường hợp người dân trước đó chưa có khái niệm về bán hàng, kinh doanh online nhưng đến nay đã có doanh thu lên đến hàng trăm triệu đồng từ việc đưa đặc sản của quê hương lên nền tảng số. Việc phát triển kinh tế số đã thay đổi hoàn toàn nhận thức, cách làm truyền thống của người dân, hộ gia đình về tiêu thụ sản phẩm trên không gian số, sàn thương mại điện tử, mở rộng không gian tiêu thụ sản phẩm ra toàn quốc và các nước trên thế giới.
Đoàn viên xã Phúc Ninh (Yên Sơn) hướng dẫn người dân sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin.
Tiếp sức cho nông dân chuyển đổi số
Thực tế triển khai thời gian qua cho thấy, chuyển đổi số chỉ thành công khi được người dân hiểu, hưởng ứng tham gia. Do vậy, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch chuyển đổi số hàng năm đảm bảo đồng bộ, hiệu quả, đề ra giải pháp cụ thể; tăng cường tuyên truyền phổ biến, quán triệt nâng cao nhận thức của người dân về chuyển đổi số.
Toàn tỉnh hiện có 1.733 Tổ công nghệ số ở thôn, tổ dân phố; 138 Tổ công nghệ số cấp xã với tổng số trên 10 nghìn thành viên. Đây là cánh tay nối dài của ban chỉ đạo về chuyển đổi số các cấp, đóng vai trò then chốt đưa công nghệ số, kỹ năng số đến với người dân, đưa công nghệ số vào mọi ngõ ngách cuộc sống.
Đồng chí Nguyễn Thị Vĩnh An, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh cho biết: Đại hội Hội Nông dân tỉnh lần thứ X xác định hỗ trợ nông dân thực hiện chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ nông sản là một trong những khâu đột phá trong nhiệm kỳ 2023 - 2028.
Các cấp hội đã tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn trang bị kiến thức, kỹ năng về chuyển đổi số; đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu nông sản; đưa các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử; hướng dẫn bán hàng trên các trang mạng xã hội.Qua đó, một bộ phận nông dân đã có sự thay đổi về nhận thức, xây dựng thương hiệu riêng cho sản phẩm của gia đình, trở thành “đầu tàu” trong phát triển kinh tế số.
Đồng chí Tô Viết Hiệp, Chủ tịch UBND huyện Na Hang cho biết, một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của huyện về chuyển đổi số đó là xây dựng và chuẩn hóa cơ sở dữ liệu, nền tảng công nghệ để kết nối thương mại điện tử cho các sản phẩm đặc trưng; hỗ trợ các thiết bị giúp người dân truy cập internet như sử dụng máy tính, điện thoại thông minh...
Để phát huy hiệu quả chuyển đổi số, cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của bà con về các vấn đề liên quan đến ứng dụng công nghệ thông tin, mạng internet trong đời sống và sản xuất. Bên cạnh đó, công nghệ số cần bám sát vào đời sống bà con thông qua các hoạt động thiết thực.
Việc phát triển kinh tế số đã thay đổi hoàn toàn nhận thức, cách làm truyền thống của người dân, hộ gia đình về tiêu thụ sản phẩm trên không gian số, sàn thương mại điện tử, mở rộng không gian tiêu thụ sản phẩm từ bó hẹp trong địa bàn, trong huyện, trong tỉnh ra ngoại tỉnh, toàn quốc.
Theo Báo Tuyên Quang