Công tác Dân vận có vai trò hết sức quan trọng trong việc củng cố, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng, chính quyền và Nhân dân, đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay, để Nhân dân hiểu, ủng hộ tham gia thực hiện đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cần thiết phải làm tốt công tác vận động, tuyên truyền bằng cách thức phù hợp, hiệu quả gắn với nâng cao đời sống, giải quyết lợi ích thiết thực của Nhân dân, góp phần tạo sự đồng thuận trong xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, ổn định chính trị, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân. Trong thời gian qua, MTTQ Việt Nam tỉnh Tuyên Quang đã tích cực phối hợp với chính quyền, các tổ chức thành viên các cấp, các ngành trong công tác triển khai thực hiện Phong trào thi đua“Dân vận khéo” gắn với việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Thực hiện lời dạy của Bác, “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công, dân vận kém thì việc gì cũng không thành công”. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phối hợp với các tổ chức thành viên triển khai, tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đoàn viên, hội viên và quần chúng Nhân dân các quan điểm, chủ trương trương của Đảng, Nhà nước. Đồng thời, hướng dẫn, chỉ đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp bám sát và nghiêm túc thực hiện tốt Kế hoạch số 128-KH/TU ngày 06/11/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII thực hiện Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” lồng ghép Phong trào thi đua“Dân vận khéo” trong thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua và công tác an sinh xã hội do MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên phát động. Tiêu biểu là:
Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Đề án xóa nhà ở tạm, dột nát cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2021 - 2025; chủ trì hiệp thương phối hợp với các tổ chức thành viên, các nành triển khai thực hiện Đề án trong toàn tỉnh. Đã có nhiều giải pháp, nguồn lực được MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên triển khai thực hiện, huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và đông đảo đoàn viên, hội viên, Nhân dân, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức toàn tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh có 6.000 hộ nghèo được hỗ trợ làm mới và sửa chữa nhà ở, đạt 157% kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025 với tổng kinh phí trên 648 tỷ đồng. Trong đó, hỗ trợ làm mới 75 nhà ở tạm, dột nát cho hộ gia đình chính sách, người có công với cách mạng; 2.188 hộ nghèo thuộc các xã thực hiện xây dựng nông thôn mới; 141 hộ nghèo từ bỏ tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình. Kết quả thực hiện Đề án là điều kiện quan trọng giúp các hộ nghèo có điều kiện ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Niềm vui của gia đình anh Lương Văn Chuyên, thôn Bình Thể, xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hóa khi ngôi nhà mới được hỗ trợ kinh phí xây dựng đã hoàn thành, đưa vào sử dụng
MTTQ Việt Nam các cấp phối hợp các tổ chức thành viên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân tích cực tham gia, nêu cao tinh thần đoàn; huy động các nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng, giao thông nông thôn, tích cực tham gia thực hiện hiệu quả Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị vân minh”; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân. Từ đó, thành lập, duy trì hơn 3000 mô hình tự quản mang lại hiệu quả cao như: Mô hình “Dân vận khéo”; “Thôn xóm bình yên, gia đình hạnh phúc”; “Thôn xóm bình yên, gia hòa thuận”; “Không bạo lực gia đình”; “Họ giáo bình yên không tệ nạn xã hội”; xã, phường “5 không”; “Tự quản về trật tự an toàn giao thông và hành lang đường bộ”; “Tổ tự quản về an ninh trật tự”; “Tổ tự quản phòng chống tội phạm”; “Cổng trường trật tự an toàn giao thông”; “Truy tìm địa chỉ đen”; ‘Hòm thư tố giác tội phạm”; “Vườn hoa trên không”; mô hình “Thùng rác gia đình”; xây dựng mô hình “Vườn hoa kiểu mẫu”; Câu lạc bộ “Tổ phụ nữ không có chồng, con nghiện ma túy, vi phạm pháp luật”; “Nông dân với pháp luật”. Tuyên truyền, vận động 2.676 hộ giải phóng mặt bằng xây dựng cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ; 1458/2608 hộ giải phóng mặt bằng, di dời 485 ngôi mộ để xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang; trục đường phát triển đô thị từ thành phố Tuyên Quang đi trung tâm huyện Yên Sơn; khu nghỉ dưỡng suối khoáng Mỹ Lâm; Nhân dân tự nguyện hiến 245.950m2 đất, đóng góp trên 87,5 tỷ đồng, tham gia trên 277.600 ngày công lao động, làm trên 3.094/3.953,8km đường thôn; 946,68/1.651,8km đường nội đồng, góp phần hoàn thành 116 cầu giao thông nông thôn, cầu dân sinh qua suối; hơn 195km đường hoa, cây xanh; xây dựng 20,2km đường điện “Thắp sáng đường quê” trị giá hơn 1,5 tỷ đồng...
Từ 28 mô hình điểm cấp huyện trong Phong trào “Tuyên Quang chung tay xử lý rác thải và chống rác thải nhựa” năm 2020. Đến nay, toàn tỉnh đã có trên 2.500 mô hình, tổ tự quản về bảo vệ môi trường. Nhiều cách làm hay, sáng tạo được MTTQ Việt Nam, các tổ chức thành viên phối hợp triển khai hiệu quả như: Tổ chức Ngày hội đổi rác thải nhựa lấy đồ dùng học tập, lấy cây xanh; xây dựng mô hình “Vườn hoa trên không”; mô hình “Thùng rác gia đình”; xây dựng mô hình “Vườn hoa kiểu mẫu”; làm gạch sinh thái để xây dựng các công trình nhỏ; tái chế rác thải nhựa thành các điểm vui chơi... Hằng năm, phối hợp với Hội Nông dân tỉnh, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh tổ chức cho Nhân dân, tăng ni, phật tử tham gia thực hiện công tác bảo vệ môi trường trước, trong và sau Tết Nguyên đán với hoạt động trồng cây, thả cá phóng sinh nhân Ngày Tết ông Công, ông Táo, vận động Nhân dân không thả túi nhựa, rác thải tâm linh xuống sông, hồ. MTTQ Việt Nam các cấp phối hợp ngành Tài nguyên và Môi trường tổ chức Lễ Phát động ra quân hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới 5/6 với nhiều hoạt động thiết thực như: Trao xe, thùng rác di động; túi thân thiện với môi trường, làn đi chợ; trồng cây xanh, hoa; tổ chức thu gom, xử lý rác thải... Kết quả thực hiện phong trào đã tạo sự lan tỏa trong Nhân dân, góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường.
Phong trào “Tuyên Quang chung tay xử lý rác thải và chống rác thải nhựa”, người dân xã Phú Bình, huyện Chiêm Hóa làm gạch sinh thái từ các vỏ chai nhựa
MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp tăng cường tuyên truyền, vận động cán bộ, đoàn viên, hội viên và Nhân dân thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang. Trọng tâm là vận động Nhân dân giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số, loại bỏ hủ tục, tập quán lạc hậu. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức 07 cuộc gặp mặt tại 7/7 huyện, thành phố với 330 đại biểu (là già làng, trưởng họ, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn, Người có uy tín tiêu biểu, người thực hành tín ngưỡng tâm linh) và 03 hội nghị gặp mặt đại biểu tiêu biểu của dân tộc Dao, Cao Lan, Tày thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang. Ban hành hướng dẫn tạm thời về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang trên địa bàn tỉnh. 7/7 huyện thành phố, 138/138 xã, phường, thị trấn tổ chức gặp mặt với 6.655 đại biểu với 708 lượt ý kiến bàn về những nội dung cần được thay đổi hoặc loại bỏ cho phù hợp với phong tục của từng dân tộc và quy định của pháp luật; biểu dương, khen thưởng 516 tập thể, cá nhân điển hình, tiêu biểu trong triển khai thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang. Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 597 mô hình điểm văn minh trong việc cưới, việc tang; các thủ tục trước, trong và sau đám cưới, đám tang ở một số nơi đã có sự chuyển biến tích cực, góp phần xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
Cô dâu, chú rể đồng bào Mông thôn Lăng Quăng, xã Tri Phú, huyện Chiêm Hóa giữ gìn trang phục truyền thống trong ngày cưới
MTTQ Việt Nam các cấp Phối hợp tổ chức trên 1.250 đợt tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu tiêu thụ những sản phẩm có lợi thế của địa phương, giữ vững nhãn hiệu, thương hiệu hàng hóa hiện có như Cam sành Hàm Yên; chè Làng Bát, chè Shan Tuyết, Hồng Thái; Vịt bầu Minh Hương, mật ong Phong Thổ, rượu ngô Na Hang, tinh bột nghệ, tinh bột sắn dây;… phối hợp tổ chức trên 160 Hội chợ thu hút trên 300.000 lượt người đến thăm quan và mua sắm; tăng cường công tác phối hợp triển khai thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh về Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, góp phần phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP của địa phương với 248 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên (208 sản phẩm đạt hạng 3 sao; 39 sản phẩm đạt hạng 4 sao; 01 sản phẩm tiềm năng 5 sao. Đặc biệt thương hiệu chè Shan tuyết Hồng Thái là 1 trong 50 thương hiệu, nhãn hiệu nổi tiếng châu Á - Thái Bình Dương năm 2022; Cam sành Hàm Yên, chè Shan tuyết Na Hang, bưởi Soi Hà được chứng nhận chỉ dẫn địa lý); tham gia trưng bày sản phẩm tại các Hội nghị kết nối cung cầu tiêu thụ sản phẩm tại thành phố Tuyên Quang, Thủ đô Hà Nội, Lễ hội trung thu… góp phần thực hiện tốt phong trào “Đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, sử dụng sản phẩm, sản xuất trên địa bàn tỉnh”; “Người Tuyên Quang ưu tiên sử dụng nông sản Tuyên Quang”.
Các sản phẩm được công nhận, xếp hạng OCOP của tỉnh Tuyên Quang được ưu tiên giới thiệu trong các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại
Để thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 73-NQ/TU ngày 10/12/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về huy động trẻ đi nhà trẻ trên địa bàn tỉnh, MTTQ Việt Nam các cấp phối hợp triển khai nhiều giải pháp cụ thể, tập trung tuyên truyền, vận động đưa trẻ đến trường, vận động xã hội hóa ủng hộ nguồn lực hỗ trợ các điểm trường, lớp học mầm non. Từ năm 2019 đến nay, đã huy động nguồn lực trị giá trên 10,5 tỷ đồng (bao gồm tiền mặt và thiết bị, đồ dùng, đồ chơi, thực phẩm, rau xanh); Nhân dân hiến gần 1.000m2 đất; giúp đỡ trên 60.000 ngày công lao động vệ sinh, chỉnh trang khuôn viên, sữa chữa tường rào lớp học, khu vui chơi, phun thuốc khử trùng tại các điểm trường, lớp học mầm non. Đến nay, tỷ lệ đi nhà trẻ đạt 48,7%, tăng 25,06% so với năm 2019.
Từ những kết quả cụ thể trên cho thấy, để triển khai thực hiện phong trào “Dân vận khéo” được phát huy hiệu quả cao, cần tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của MTTQ Việt Nam đối với công tác Dân vận và thực hiện phong trào “Dân vận khéo”; hướng mạnh về cơ sở địa bàn dân cư, quan tâm đến những vấn đề thiết thực trong đời sống Nhân dân, nhằm củng cố vững chắc lòng tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc và mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với Nhân dân; tăng cường công tác tập hợp, vận động Nhân dân thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; cùng chính quyền, các tổ chức thành viên hướng các hoạt động quần chúng vào thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Tiếp tục phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các tầng lớp Nhân dân về mọi mặt của đời sống xã hội với nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, ý kiến đóng góp, phản ảnh của Nhân dân; kịp thời đề xuất cấp ủy Đảng, chính quyền giải quyết có hiệu quả yêu cầu chính đáng, hợp pháp của Nhân dân; tăng cường đối thoại, nâng cao chất lượng tiếp xúc cử tri, thực hiện tiếp dân đúng quy định, giải quyết kịp thời, đúng pháp luật đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân; quan tâm chăm lo đến đời sống, lợi ích chính đáng và tôn trọng, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; phát huy hiệu quả vai trò của MTTQ trong thực hiện nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội; tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền gắn với thực hiện tốt Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở, tạo điều kiện cho Nhân dân tham gia. Kịp thời nhân rộng những mô hình Dân vận khéo, tạo phong trào cách mạng rộng lớn trong nhân dân để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, địa phương. Nêu cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ Mặt trận trong thực hiện công tác dân vận; đồng thời, phát huy tốt vai trò người uy tín, tiêu biểu, tiêu biểu trong đồng bào dân tộc, tôn giáo trong đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo”, trong hệ thống Mặt trận, trong các tầng lớp Nhân dân, nhằm phát huy tính sáng tạo, huy động sức mạnh của Nhân dân trong xây dựng đời sống văn hóa mới, con người mới; đấu tranh phòng, chống “Diễn biến hòa bình”, “Tự diễn biến”, “Tự chuyển hóa”, ngăn chặn các loại tội phạm, bài trừ tệ nạn xã hội, tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh trên địa bàn.
Hà Sen