Bước chuyển từ các tiểu thương

Thứ Sáu, 5/4/2024 - 09:34 Đã xem: 212

Không chỉ các trung tâm mua sắm, siêu thị triển khai mô hình chuyển đổi số trong mua, bán, thanh toán hàng hóa, hiện nay, các tiểu thương kinh doanh nhỏ lẻ đã có bước chuyển quan trọng, áp dụng số hóa trong thanh toán các giao dịch, bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội.

Trong vài năm trở lại đây, hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, quét mã QR để chuyển khoản đã trở nên phổ biến trong hoạt động giao thương của các tiểu thương tại các chợ truyền thống từ địa bàn thành phố đến địa bàn các huyện. Trên các quầy hàng quần áo, giày dép, thực phẩm, hoa quả... hầu hết đều có mã QR để khách hàng thanh toán khi mua hàng, sử dụng dịch vụ.

Kinh doanh các sản phẩm trang trí, mỹ phẩm tại chợ Tam Cờ (TP Tuyên Quang) từ nhiều năm nay, chị Nguyễn Thị Nga chia sẻ: “Trước đây, đa số khách trả tiền mặt hoặc khi khách chuyển khoản, tôi thường đọc số tài khoản nhưng khoảng hơn 1 năm nay, tôi đã sử dụng mã quét QR để thanh toán. Hiện nay, hầu như quầy hàng nào cũng có bảng mã QR, thậm chí một quầy còn có 2 - 3 mã của các ngân hàng. Hình thức thanh toán này rất tiện lợi và ngày càng nhiều khách hàng thanh toán theo hình thức này”.

Bà Nguyễn Thị Dương kinh doanh thịt lợn mấy chục năm nay tại chợ Tam Cờ cho biết, bà đã lớn tuổi nên việc tiếp cận công nghệ không giỏi như lớp trẻ, việc mở tài khoản và sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt với bà cũng mất nhiều thời gian hơn những người khác. Mò mẫm một lúc không được là bà không sử dụng nữa.

Tiểu thương bán hoa quả ở chợ Phan Thiết (TP Tuyên Quang) sử dụng mã QR của các ngân hàng cho khách hàng thanh toán thuận tiện, nhanh chóng.

 

Nhưng từ khi dịch Covid-19 xảy ra, việc cầm tiền thanh toán của khách thôi cũng thấy sợ, thế là bà phải học cho bằng được. Sau khi biết dùng, bà bảo biết thuận tiện thế này thì bà đã chịu khó học sử dụng sớm hơn rồi. Từ khi biết dùng, bà không còn phải đi thu tiền mặt mỗi ngày từ các nhà hàng bà giao thịt nữa. Khách đến mua lẻ có mã QR bà dán sẵn bàn quầy khách chỉ việc thanh toán. 

Hơn 20 năm buôn bán theo kiểu truyền thống, bà Nguyễn Thị Năm - tiểu thương kinh doanh hoa quả phía sau chợ Tam Cờ không nghĩ đến gian hàng trái cây của mình lại xuất hiện trên zalo, facebook mỗi ngày. Ban đầu nhờ có sự trợ giúp của các con, nhưng sau một thời gian thì giờ đây bà Năm rất rành rẽ trong việc chụp hình các loại trái cây, viết content quảng bá trên các nhóm, fanpage “chợ mạng”.

Thậm chí, mùa cam Hàm Yên vừa qua, hàng tấn cam sành được khách hàng khắp các tỉnh, thành trong nước đặt mua. Khách hàng nhờ bà Năm đóng thành từng thùng, mỗi thùng 10 - 20 kg gửi cho người thân làm quà biếu, tặng… Khách đặt đi biếu cũng được bà chăm chút cẩn thận, kỹ lưỡng và không quên “chụp hình” lại để quảng bá. Khách mua lẻ không dùng tiền mặt bà cho quét mã QR, khách ở xa thì thanh toán chuyển khoản. Tiền thanh toán cho chủ vườn cam để nhập hàng bà cũng chuyển khoản cho tiện.

“Nếu chỉ ngồi bán ở chợ thì mỗi ngày có khoảng hai chục khách mua lẻ, mỗi người vài cân, mỗi ngày chỉ bán được 1 - 2 tạ. Trái cây thường xuyên bị hư hỏng vì tiêu thụ chậm. Nhưng với việc bán online thì số lượng trái cây nhập về đã gấp 5, gấp 10 lần so với trước, lượng khách hàng cũng tăng cao” - bà Năm chia sẻ.

Không riêng gì chị Nga, bà Dương, bà Năm, nhiều tiểu thương cho biết muốn trụ lại với chợ truyền thống thì không có cách nào khác buộc phải thay đổi hình thức kinh doanh, tiếp cận thị trường, đặc biệt là trong xu thế chuyển đổi số đang được triển khai mạnh mẽ trên khắp mọi lĩnh vực hiện nay. Các tiểu thương giờ đây không chỉ phải biết bán hàng qua trang mạng mà còn livestream, quảng cáo, cung cấp dịch vụ giao hàng tận nhà. Đồng thời hầu hết các tiểu thương đều  biết đến thanh toán không dùng tiền mặt bằng cách chuyển khoản, quét mã QR...

Agribank chi nhánh huyện Na Hang triển khai chương trình tặng mã QR cho các tiểu thương tại chợ trung tâm huyện.

Mô hình thanh toán không dùng tiền mặt không chỉ được các tiểu thương ở địa bàn thành phố Tuyên Quang áp dụng mà còn lan tỏa đến các chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh từ chợ thị trấn Na Hang (Na Hang) đến các chợ địa bàn huyện Hàm Yên, Yên Sơn, Sơn Dương…

Tuy nhiên để tồn tại và phát triển ngoài việc các tiểu thương bắt nhịp chuyển đổi số thì cần phải bảo đảm kinh doanh thực phẩm an toàn, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, nâng cao được sức cạnh tranh với hàng hóa cùng loại trên thị trường. Đồng thời, xây dựng văn hóa kinh doanh văn minh, lịch sự, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của khách hàng, người tiêu dùng khi đến với chợ truyền thống.

Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng 2030 của Chính phủ với quan điểm là phát triển mỗi người dân thành một doanh nhân số, mỗi doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh thành một doanh nghiệp số, ứng dụng công nghệ số để kinh doanh trên môi trường mạng. Mục tiêu là đến 2025, tỷ trọng kinh tế số đạt 20% GDP.

Như vậy, các tiểu thương kinh doanh tại chợ truyền thống cũng không thể đứng ngoài cuộc. Nhưng để đạt mục tiêu này, việc gia tăng các giải pháp thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong công tác quản lý Nhà nước về chợ trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin, thương mại điện tử trong quản lý, phục vụ hoạt động của chợ truyền thống là một trong các yêu cầu cấp thiết. Đồng thời trong quá trình chuyển đổi số của các tiểu thương ở các chợ truyền thống, cần có sự chung tay của ban quản lý chợ, chính quyền địa phương cùng xây dựng chợ thành nơi mua sắm phù hợp với thói quen mới, văn minh, hiện đại, phù hợp với xu thế.

                                                                                                                                     Theo Báo Tuyên Quang 

Xem tin theo ngày:   / /