Thông tin minh bạch - Tiêu dùng an toàn

Thứ Sáu, 15/3/2024 - 07:35 Đã xem: 209

Đó là chủ đề cho các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2024 trên địa bàn tỉnh. Chương trình với các mục tiêu kêu gọi hướng đến thực hiện “Người tiêu dùng có quyền được cung cấp đầy đủ và chính xác các thông tin khi giao dịch”, “Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là trách nhiệm chung của toàn xã hội”, “Người tiêu dùng có quyền được an toàn, khiếu nại và bồi thường”... Vì môi trường tiêu dùng lành mạnh

    Ông Lộc Kim Liễn, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2024, Sở Công Thương đã tham mưu với UBND tỉnh chỉ đạo tổ chức chiến dịch truyền thông tuyên truyền về mục đích ý nghĩa Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam và các nội dung về chính sách pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng bằng nhiều hình thức. Đồng thời tổ chức các chương trình, hoạt động tuần bán hàng vì người tiêu dùng từ ngày 10 đến ngày 17/3/2024 tại các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ trung tâm, cơ sở bán hàng tiêu dùng lớn tại địa bàn thành phố Tuyên Quang và trung tâm các huyện.

    Ngày 14 - 3, Sở tổ chức mít tinh hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam tại sảnh Trung tâm thương mại Vincom Plaza, tổ chức 10 gian hàng trưng bày và bán sản phẩm đặc trưng của tỉnh Tuyên Quang. Các hoạt động tập trung hỗ trợ, tư vấn người tiêu dùng sử dụng sản phẩm an toàn tiết kiệm, giảm giá, khuyến mại và các hoạt động tri ân khác; các chương trình ký kết, cam kết doanh nghiệp sản xuất, cung cấp dịch vụ đảm bảo an toàn, chất lượng vì người tiêu dùng. Sở tăng cường phối hợp kiểm tra, kiểm soát thị trường, phát hiện và xử lý các hành vi gian lận thương mại, vi phạm quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ, giá, đo lường chất lượng, an toàn thực phẩm.

Lực lượng chức năng kiểm tra hàng hóa tại các cửa hàng kinh doanh trên địa bàn thành phố Tuyên Quang góp phần đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng.

    Trong những năm gần đây, hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của tỉnh Tuyên Quang đã thu được những kết quả nổi bật, được đông đảo người tiêu dùng và cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hưởng ứng, tham gia. Tỉnh đã chủ động triển khai các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, thực hiện kế hoạch đấu tranh, kiểm tra liên ngành theo từng chuyên đề, tuyến, lĩnh vực cụ thể để chủ động phòng ngừa, tấn công, răn đe tội phạm..., không để xảy ra điểm nóng về buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trên địa bàn toàn tỉnh.

     Với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, nhận thức của người tiêu dùng về quyền lợi và trách nhiệm đã được nâng cao. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh đã có ý thức hơn trong việc chấp hành các quy định của pháp luật, chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Đồng thời, sử dụng các biện pháp bảo vệ thương hiệu, bảo vệ sản phẩm, giúp người tiêu dùng phân biệt được hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, chung tay bài trừ, tẩy chay các hành vi gian lận thương mại, ảnh hưởng sức khỏe của người tiêu dùng.

    Vẫn còn trở ngại

    Bên cạnh những kết quả đạt được, các hành vi vi phạm quyền của người tiêu dùng vẫn diễn ra. Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Cục phó Cục Quản lý thị trường tỉnh, các hành vi vi phạm quyền của người tiêu dùng chủ yếu là sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng hết hạn sử dụng, vi phạm an toàn thực phẩm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không niêm yết giá bán và không bán theo giá niêm yết... gây thiệt hại về tài sản, ảnh hưởng tới sức khỏe của người tiêu dùng.

    Tuy nhiên, nhiều người tiêu dùng còn có tâm lý e ngại, sợ va chạm, sợ phiền hà, rắc rối, chưa dám khiếu nại, khiếu kiện, dẫn đến quyền lợi của người tiêu dùng thường bỏ qua khi bị xâm hại. Tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng cao, nhận thức của người tiêu dùng vẫn còn hạn chế do thiếu thông tin, thiếu kiến thức và kỹ năng tiêu dùng cũng như hiểu biết về pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để có thể tự bảo vệ mình. Công tác bảo vệ quyền của người tiêu dùng khi mua hàng bằng phương thức thương mại điện tử cũng khó kiểm soát và xử lý hiệu quả, không ít người lúc nhận hàng thất vọng vì khác xa với rao bán; khi yêu cầu đổi hàng thì bên bán đưa ra nhiều lý do, thậm chí chặn số điện thoại.

    Các đối tượng thường lợi dụng những thời điểm nhu cầu hàng hóa tăng cao, như dịp Tết Nguyên đán, Tết Trung thu, lợi dụng địa bàn vùng sâu, vùng xa, nhận thức của đa số người tiêu dùng còn hạn chế, địa bàn rộng để đối phó với lực lượng chức năng. Năm 2023, Cục Quản lý thị trường tỉnh đã thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính 657 vụ. Trong đó, tổng số vụ vi phạm là 329 vụ, tổng số tiền thu nộp ngân sách Nhà nước hơn 2,219 tỷ đồng.

    Đưa pháp luật vào cuộc sống

    Quyền của người tiêu dùng được quy định tại Điều 8, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Trong đó, người tiêu dùng có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hóa, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc nội dung khác mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đã công bố, niêm yết, quảng cáo hoặc cam kết. Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan...

    Ông Lộc Kim Liễn, Phó Giám đốc Sở Công Thương, cho biết thêm: Quyền lợi của người tiêu dùng đã được Đảng và Nhà nước rất quan tâm, được thể hiện bằng việc Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mới số 19/2023/QH15 ngày 20/6/2023 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024. Với 7 chương, 80 Điều, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 đã quy định rõ hơn về Quyền của người tiêu dùng. Theo đó, người tiêu dùng được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, bảo vệ thông tin. Quyền và lợi ích hợp pháp khác khi tham gia giao dịch, sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh cung cấp.

    Bên cạnh những quy định có tính cụ thể hơn, có tính răn đe hơn, một khâu hết sức quan trọng là triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp đưa Luật vào cuộc sống như: Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm những vi phạm; thiết lập và công khai số điện thoại đường dây nóng, phát huy thế mạnh không gian mạng để tiếp nhận phản ánh, kiến nghị, yêu cầu của người tiêu dùng; tư vấn để người tiêu dùng có thể tự bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình. Công khai các tổ chức, cá nhân vi phạm cho người tiêu dùng biết để tránh, thậm chí tẩy chay, loại bỏ những đối tượng làm ăn kiểu chộp giật, thiếu văn hóa trong sản xuất, kinh doanh.      

                                                                                                                                                      Theo Báo Tuyên Quang

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG

Tổng số: 81 | Trang: 1 trên tổng số 9 trang  
Xem tin theo ngày:   / /