Vận dụng quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về văn hóa

Thứ Sáu, 16/2/2024 - 10:45 Đã xem: 468

Chủ tịch Hồ Chí Minh, anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất đã để lại cho chúng ta di sản tư tưởng to lớn, trong đó có tư tưởng về văn hóa. Đó là một hệ thống các quan điểm về vị trí, vai trò, nội dung và biện pháp xây dựng nền văn hóa mới ở nước ta. Trong giai đoạn hiện nay, việc vận dụng những quan điểm đó vào xây dựng nền văn hóa là việc hết sức quan trọng và cần thiết.

Một là, văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là động lực của sự phát triển.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm nhận thức vai trò, sức mạnh của văn hóa và đưa văn hóa vào chiến lược phát triển của đất nước. Ngay sau khi đất nước mới được khai sinh, Người đã phát động chiến dịch diệt “giặc dốt”, xóa nạn mù chữ, thành lập Nha bình dân học vụ; phát động phong trào “đời sống mới”… Người chỉ ra: đất nước muốn phát triển thì phải không ngừng nâng cao dân trí, chống lại sự dốt nát. Công lao to lớn của Người là đã đưa văn hóa, giáo dục vào đại đa số quần chúng, tác động như sức mạnh vật chất để làm thay đổi xã hội. Người nhấn mạnh nội dung xây dựng văn hóa gồm 5 điểm: xây dựng tâm lý (tinh thần độc lập tự cường); luân lý (biết hy sinh mình, làm lợi cho quần chúng); xã hội (mọi sự nghiệp có liên quan đến phúc lợi của Nhân dân trong xã hội); chính trị (dân quyền) và kinh tế. Người cũng khẳng định: “Văn hóa, nghệ thuật cũng như mọi hoạt động khác, không thể đứng ngoài, mà phải ở trong kinh tế và chính trị”(1) và: “Văn hóa, nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”(2).

Thứ hai, coi con người là mục tiêu và động lực quan trọng nhất của nền văn hóa.

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, phát triển văn hóa luôn đi đôi với phát triển con người, mục tiêu quan trọng nhất của văn hóa là con người. Con người trong tư tưởng Hồ Chí Minh là con người cụ thể, được nhìn nhận như một chỉnh thể. Sức mạnh và vai trò của con người được thể hiện: Con người vừa là mục tiêu vừa là động lực của cách mạng. Người từng dạy: “lấy dân làm gốc” nghĩa là phải lấy nhu cầu độc lập tự do, ấm no, hạnh phúc của Nhân dân làm mục tiêu, lấy lợi ích chính đáng của con người làm động lực.

Theo Người: “Trong bầu trời không gì quý bằng Nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của Nhân dân”(3). Người luôn tin tưởng vào sức mạnh của con người, đồng thời khẳng định: Đảng, Nhà nước muốn điều hành, quản lý xã hội hiệu lực, hiệu quả thì phải dựa vào Nhân dân. Người nhắc nhở: yêu thương và tôn trọng con người đi liền với phát huy sức mạnh của nhân tố con người. Người cũng đồng thời phê phán chủ nghĩa cá nhân, cho rằng phải quét sạch, tiêu diệt chủ nghĩa cá nhân.

Ba là, đặt giáo dục - đào tạo vào vị trí quốc sách hàng đầu.

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, giáo dục - đào tạo luôn được coi là quốc sách hàng đầu. Người từng nói: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây. Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”(4). “Trồng người” ở đây là phải nhằm mục đích thỏa mãn những giá trị của con người, từ những nhu cầu tối thiểu về ăn, mặc, ở, học hành, khám chữa bệnh đến quyền tự do dân chủ, tài năng sáng tạo. Con người phải khẳng định được giá trị của mình. Văn hóa phải tạo điều kiện cho con người phát huy được năng lực của cá nhân, khẳng định được bản thân trong xã hội. Con người sống trong xã hội phải đóng góp cho xã hội thông qua công việc của cá nhân, làm cho cuộc sống trở nên có ý nghĩa chứ không chỉ biết hưởng thụ.

Nhận thức sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa, tỉnh Tuyên Quang tiếp tục coi trọng phát triển văn hóa, phát huy nguồn lực con người để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Ngày 11/9/2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 07-CT/TU về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Tuyên Quang đáp ứng yêu cầu phát triển toàn diện, bền vững. Năm 2024, tỉnh lựa chọn chuyên đề: “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh về phát triển văn hóa, góp phần đưa Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện, bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc”. Việc lựa chọn chuyên đề trên là để nhằm mục đích nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và Nhân dân về giá trị, ý nghĩa to lớn của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Từ đó nâng cao ý thức trách nhiệm, tinh thần tự giác tu dưỡng, rèn luyện, học tập và làm theo Bác, trọng tâm là phát huy truyền thống quê hương cách mạng, giá trị văn hóa, sức mạnh con người Tuyên Quang, góp phần xây dựng tỉnh phát triển khá, toàn diện, bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc./.

                                                                                             Theo Cổng thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang

(1);(2) Hồ Chí Minh toàn tập, NXBCTQGST, Hà Nội, 2021, tập 7, tr 246

(3) Sđd, tập 10, tr 453

(4) Sđd, tập 11, tr 528

 

Xem tin theo ngày:   / /