Những lá đơn xin thoát nghèo

Thứ Năm, 25/1/2024 - 09:19 Đã xem: 249

"…Suốt 3 năm liền gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo nhưng bản thân tôi nhận thấy cứ trông chờ vào những chính sách ưu tiên người nghèo mãi không thể được. Tôi phải tự vượt khó, vươn lên…". Đó là trích đoạn trong lá đơn xin thoát nghèo năm 2023 của ông Trần Văn Thiên, thôn Tân Hùng, xã Hùng Đức (Hàm Yên). Từ năm 2021 đến nay, ở Hàm Yên có 10 lá đơn đặc biệt như thế.

    Tuổi cao nêu gương sáng

    Câu chuyện viết đơn xin thoát nghèo của cụ bà Quyền Thị Dưỡng, 85 tuổi, tổ dân phố Đồng Bàng, thị trấn Tân Yên; cụ Đặng Thị Kỉnh, 85 tuổi, thôn Soi Long, xã Thái Hòa; cụ Nguyễn Thị Tuyết, thôn Cây Xoan, xã Đức Ninh… đã khiến nhiều người nể phục. Các cụ đã nêu cao tinh thần "tuổi cao, gương sáng" để con cháu học tập.

    Cả quãng đời cụ Quyền Thị Dưỡng là tháng năm cơ cực khi chồng mắc bệnh phong, phải sang Thái Nguyên điều trị, để lại cho cụ 3 con thơ và 1 mẹ già. Cuộc sống nghèo khó cộng thêm sự xa lánh của người đời khiến gia đình cụ nhiều lúc rơi vào bế tắc. Nỗi buồn chồng chất nỗi buồn, con út ốm nặng và qua đời; chồng cụ cũng mất tại trại phong.

    Cụ Dưỡng sống một cuộc đời đầy sự nỗ lực, quyết tâm nuôi dưỡng con cái trưởng thành. Cụ bảo, cụ trải qua nhiều vất vả khó khăn nhưng cụ quyết tâm xin ra khỏi danh sách hộ nghèo để nhường cho những hoàn cảnh khó khăn hơn. Hàng ngày, cụ vẫn chăm chỉ với công việc trồng rau, nuôi gà, mà không cần phải nhờ đến sự trợ giúp của con cháu.

Ông Trần Văn Thiên, thôn Tân Hùng, xã Hùng Đức (Hàm Yên) được cán bộ xã hỗ trợ viết đơn xin thoát khỏi hộ nghèo.

    Ngày còn trẻ, cụ Đặng Thị Kỉnh, hơn 80 tuổi thôn Soi Long, xã Thái Hòa một mình nuôi đàn con thơ để chồng làm nhiệm vụ dân công hỏa tuyến. Trải qua nhiều vất vả khó khăn, chứng kiến đất nước trải qua những đau thương, mất mát, cụ bà quyết tâm xin ra khỏi danh sách hộ nghèo.

    Cụ Kỉnh bày tỏ: "Có Nhà nước trợ cấp tiền người cao tuổi, có đất vườn trồng rau, nuôi gà thì nghèo thế nào được. Năm người con mà nói không nơi nương tựa là không đúng. Tôi có chỗ nương tựa rất nhiều, nhưng tôi chưa phải nương tựa. Tôi xin phép Ủy ban cho tôi trả lại sổ hộ nghèo và xin thoát nghèo".

    Còn ở xã Đức Ninh có 2 cụ Nguyễn Thị Tuyết, thôn Cây Xoan và cụ Mai Thị Đà, thôn 20 đã tự nguyện viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo. Các cụ đều có chung suy nghĩ, những năm qua, Nhà nước, chính quyền địa phương luôn quan tâm đến những hộ nghèo, cụ được hỗ trợ nhiều rồi. Thế nên các cụ làm đơn này xin thoát nghèo, để hộ nghèo khác có sức khỏe lao động, được quan tâm, phát triển kinh tế gia đình, làm giàu cho thôn xóm.

    Cụ Tuyết bảo: "Tôi 83 tuổi, chân tay còn lành lặn, còn làm được việc cớ sao không xin thoát nghèo, xã hội hôm nay còn rất nhiều người cần được cưu mang. Tuy cao tuổi, nhưng tuổi cao thì ý chí càng cao, mỗi người phải có tư duy để tính toán cho cuộc sống của mình thì sẽ quyết tâm vươn lên thoát nghèo được".

    Có thể thấy rằng hình ảnh của những cụ bà tuổi cao ở Hàm Yên nhưng luôn tự tin nở nụ cười luôn trên môi cùng câu chuyện quyết thắng "giặc nghèo" chính là một năng lượng mới truyền đến tất cả mọi người về sự lạc quan, yêu đời và sự tự lập trong cuộc sống.

    Thêm quyết tâm làm giàu...

    Chúng tôi đến với thôn 1 Thống Nhất, xã Yên Phú để thăm gia đình anh Đào Văn Sùng, dân tộc Mông, sinh năm 1984. Gia đình anh Sùng thuộc diện hộ nghèo từ năm 2013 với 5 nhân khẩu. Bao năm qua, gia đình được hưởng tất cả các chế độ, chính sách của Nhà nước. Tuy nhiên, với suy nghĩ bản thân và vợ con có sức khỏe tốt có nương, gia súc thì phải nỗ lực phát triển kinh tế, anh đã bàn bạc, thống nhất với vợ con tự nguyện xin ra khỏi hộ nghèo.

    Nói là làm, trong một lần họp thôn, anh Sùng mạnh dạn xin cho gia đình không hưởng các chế độ hộ nghèo nữa. Mặc dù biết không còn là hộ nghèo đồng nghĩa với việc gia đình sẽ không được nhận các khoản hỗ trợ, chi phí bảo hiểm y tế cũng không được miễn giảm, con cái đi học không được miễn học phí... nhưng bản thân anh Sùng và gia đình không quá băn khoăn vì điều đó nữa.

Anh Đào Văn Sùng, dân tộc Mông, thôn 1 Thống Nhất, xã Yên Phú thành thạo với công việc thợ xây mang lại thu nhập ổn định.

 

    Bởi trong lá đơn xin anh Sùng  quyết tâm: "Tôi viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo để tôi phải cố gắng thoát nghèo đúng như lời mình hứa. Còn tư tưởng ỷ lại thì mãi nghèo từ đời này sang đời khác. Không trông chờ vào các chính sách của Đảng và Nhà nước mãi được…".

    Anh Sùng chia sẻ: "Sau khi viết đơn thoát nghèo, tôi quyết tâm học việc làm thợ xây. Sau 3 tháng tôi đã thạo việc. Hiện nay tôi cũng đi theo nhận công trình làm cùng anh em trong đội, lương gần 200 nghìn đồng/ngày. Ngoài ra ở nhà vợ chồng tôi tích cực làm đồi nương, trồng ngô, nuôi gà, lợn. Cuộc sống dần ổn định. Ổn định rồi thì mình mới tính chuyện xa hơn được, thế nên phải xin ra khỏi hộ nghèo mới có ý chí quyết tâm làm giàu".

    Cũng thể hiện sự quyết tâm đó, cuối năm 2023, ông Trần Văn Thiên, thôn Tân Hùng, xã Hùng Đức viết rằng: "Tôi viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo biết là mất sự hỗ trợ của Nhà nước, nhưng tôi cũng lấy đó làm động lực vươn lên. Suốt 3 năm liền gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo nhưng bản thân tôi nhận thấy cứ trông chờ vào những chính sách ưu tiên người nghèo mãi không thể được. Tôi phải tự vượt khó, vươn lên…".

    Ông Thiên tích cực trồng rau, nuôi gà để có đồng ra đồng vào. Vợ ông vừa xin được làm công nhân môi trường, thu nhập cũng ổn định. Dự định sắp tới của ông vay vốn ưu đãi để làm mô hình chăn nuôi gà thả đồi.
Những năm qua, phong trào tự nguyện xin ra khỏi danh sách hộ nghèo đã lan tỏa ở Hàm Yên. Từ năm 2021 đến nay, huyện Hàm Yên có 10 hộ dân tự nguyện xin ra khỏi danh sách hộ nghèo đã thổi luồng gió tự lực, tự cường thoát nghèo trong mỗi gia đình.

    Đồng chí Ma Phúc Dự, Phó Chủ tịch UBND huyện Hàm Yên khẳng định, điều đặc biệt là số hộ tự nguyện xin thoát nghèo lại là các cụ già, hay những người nông dân ở các xã vùng cao, vùng sâu, vùng xa. Những hộ viết đơn xin thoát nghèo không hẳn vì họ đã khá giả mà chứng tỏ người dân đã bắt đầu có ý thức vươn lên phát triển kinh tế gia đình.

    Và những lá đơn xin thoát nghèo đó đã "tiếp lửa" cho tinh thần ý chí, thay đổi lớn về nhận thức cho nhiều người dân. Họ là những tấm gương sáng để những hộ nghèo nào còn có tư tưởng ỷ lại, chưa có sự nỗ lực vươn lên nhìn vào để phấn đấu và "soi" lại mình. Bởi việc giảm nghèo muốn đạt hiệu quả cao và bền vững thì không ai khác, chính các hộ nghèo cần phải thay đổi cách nghĩ, cách làm, cố gắng vươn lên.

                                                                                                                   Theo Báo Tuyên Quang

 

Xem tin theo ngày:   / /