Thành phố Tuyên Quang: Những con đường mang tên gắn với ý nghĩa lịch sử

Thứ Sáu, 7/1/2022 - 08:40 Đã xem: 2222

Thành phố Tuyên Quang nằm ở phía nam của tỉnh Tuyên Quang; cách Thủ đô Hà Nội 165km về phía nam theo quốc lộ 2; cách thành phố Hà Giang 154 km về phía bắc theo quốc lộ 2; cách thành phố Thái Nguyên 60 km về phía đông theo quốc lộ 37; cách thành phố Yên Bái 40 km về phía tây theo quốc lộ 37. Thành phố Tuyên Quang có 21 con đường mang tên gắn với ý nghĩa lịch sử:

1. Đường Lê Lợi: Đường từ ngã năm chợ thành phố Tuyên Quang giao với đường Nguyễn Trãi qua ngã tám đến cầu gạo, tổng chiểu dài 1 km. Đường mang tên vị vua đầu tiên của triều Hậu Lê.

2. Đường Nguyễn Trãi: Đường từ ngã ba giao với phố Lương Sơn Tuyết (cổng thành cổ Tuyên Quang) qua phía sau chợ Tam cờ, qua ngã năm, trụ sở phường Tân Quang đến cầu Chả mới, với tổng chiều dài 0,55 km. Đường mang tên Danh nhân văn hóa thế giới.

3. Đường Nguyễn Văn Cừ: Đường từ cuối đường Trần Hưng Đạo đến ngã ba giao với đường 17 tháng 8 và đường Chiến Thắng Sông Lô, với chiều dài 1,1 km. Đường mang tên Tổng Bí Thư Nguyễn Văn Cừ (3-1938 đến 01-1940)

4. Đường Phạm Văn Đồng: Đường từ Cầu chả mới đến ngã ba Bình Thuận (cạnh chùa An Vinh), với tổng chiều dài 1,2 km. Đường mang tên Thủ tướng Chính Phủ (1955-1981, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (1981 – 1987) Phạm Văn Đồng.

Đoạn đường Bình Thuận, thành phố Tuyên Quang

5. Đường Bình Thuận: Đường từ ngã ba giao với đường 17/8 (trước trụ sở Hội đồng nhân dân tỉnh) qua ngã Tám kéo đến ngã ba giao với đường Lê Đại Thành, với tổng chiều dài 4,9 km. Đường mang tên của tỉnh Bình Thuận, là tỉnh kết nghĩa với tỉnh Tuyên Quang.

6. Đường Tân Trào (Đại lộ Tân Trào): Đường từ Trung tâm Hội nghị tỉnh qua cầu Nông Tiến theo quốc lộ 37 đến hết địa phận thành phố Tuyên Quang, với tổng chiều dài 2,04 km (không kể cầu Nông Tiến). Đường mang tên một địa danh Tân Trào lịch sử, khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào.

7. Đường Lê Hồng Phong: Đường từ ngã ba giao với đường 17 tháng 8, qua trụ sở phường Minh Xuân đến ngã ba giao với đường Tân Hà - đường Ngô Quyền, với tổng chiều dài 0,53 km. Đường mang tên Tổng Bí thư Lê Hồng Phong (tháng 3-1935- giữa năm 1936).

8. Đường Trường Chinh: Một đoạn của Quốc lộ 2 cũ qua thành phố Tuyên Quang, bắt đầu từ ngã ba giao với đường 17 tháng 8 và đường Quang Trung (trước Phòng cảnh sát giao thông) qua Cầu đen đến hết địa phận thành phố Tuyên Quang, với tổng chiều dài 1,8 km. Đường mang tên tổng Bí thư Trường Chinh (tháng 5-1941 đến tháng 10-1956 và tháng 7-1986 đến tháng 12-1986).

9. Đường Nguyễn Văn Linh: Đường từ ngã ba giao với đường Phan Thiết qua Hồ Công viên tới ngã ba giao với đường Đinh Tiên Hoàng (trước Sở Y tế), với tổng chiều dài 0,66 km. Đường mang tên Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (1986 – 1991).

10. Đường Phan Thiết: Đường từ ngã ba giao với đường 17 tháng 8, cổng Sở Giao Thông vận tải đến hồ Bềnh Kiểm (hết khu Phan Thiết II với tổng chiều dài 0,5 km. Đường mang tên thành phố thuộc tỉnh Bình Thuận kết nghĩa với tỉnh Tuyên Quang.

11. Đường Trần Hưng Đạo: Đường từ ngã ba giao với đường 17 tháng 8 (Cục thống kê) đếm điểm giao với đầu phố Phan Đình Phùng với tổng chiều dài 10,5 m, Đường mang tên Anh hùng dân tộc, nhà quân sự kiệt xuất sống ở thế kỷ XIII Trần Hưng Đạo.

12. Đường Trần Phú (Đường Tân Quang 2): đường từ ngã ba giao với đường Hà Huy Tập (đường hồ Phan Thiết) qua khu dân cư Lê Lợi 2 giao với đường Chiến thắng sông Lô, với tổng chiều dài 1,1 km. Đường mang tên đồng chí Trần Phú – Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng (tháng 10-1930 – 1931).

13.  Đường Tôn Đức Thắng: Đường từ ngã ba giao với đường Phạm Văn Đồng (ngã ba chợ Mận) qua trụ sở Công ty Cấp thoát nước Tuyên Quang đến ngã ba giao với đường Lê Đại Hành, với tổng chiều dài 1,3 km. Đường mang tên Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng (1969 – 1980).

14. Đường Quang Trung: Đường từ ngã ba giao với đường 17 tháng 8 (trước Phòng Cảnh sát giao thông) đến ngã ba giao với đường Chiến thắng sông Lô (gần Đền Hạ), với tổng chiều dài 3,97 km. Đường mang tên Anh hùng dân tộc, vua triều Tây Sơn.

15. Đường Chiến thắng sông Lô: Đường từ ngã ba giao với đường 17 tháng 8 và đường Nguyễn Văn Cừ dọc theo sông Lô đến cầu Chả cũ, với tổng chiều dài 1,1 km. Đường mang tên một mặt trận trong chiến dịch Việt Bắc – Thu đông năm 1947.

16. Đường Bình Ca: Đường từ bến phà Nông Tiến cũ, chạy dọc bờ sông Lô đến hết xóm trại Tằm thuộc phường Nông Tiến, với tổng chiều dài 1,5 km. Đường mang tên một chiến thắng lớn của quân dân ta trong chiến dịch Việt Bắc – Thu đông năm 1947.

17. Đường 17 tháng 8: Đường nối từ ngã ba đường Quang Trung giao với đường Trường Chinh (trước Phòng Cảnh sát giao thông) qua dốc số 2 đến ngã ba giao với đường Chiến thắng sông Lô, với tổng chiều dài 1,5 km. Đường mang tên 17 tháng 8 là ngày giải phóng Thị xã Tuyên Quang (17-8-1945).

18. Đường Hà Huy Tập: Đường từ ngã ba giao với đường Tân Trào (cạnh Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh), chạy ven hồ Công viên qua sân Phan Thiết đến Công ty Cầu đường, với tổng chiều dài 1 km. Đường mang tên Tổng Bí thư Hà Huy Tập ( từ giữa năm 1936 – tháng 3-1938).

19. Đường Đinh Tiên Hoàng: Đường từ ngã ba giao với đường Tân Trào, ven theo Hồ Tân Quang qua Sở Y tế, cắt đường Quang Trung đến ngã ba giao với đường Trần Phú, với tổng chiều dài  0,8 km. Đường mang tên vị vua sáng lập triều Đinh ở Việt Nam.

20. Đường Nguyễn Tất Thành: Đường Quốc lộ 2 đoạn tránh thành phố Tuyên Quang, Km 139 + 771 (quốc lộ 2) từ cổng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh đến Km  8 đường Tuyên Quang – Hà Nội, Km 127 + 501 (nút giao giữa quốc lộ 2 cũ vào thành phố và quốc lộ 2 cũ vào thành phố và quốc lộ đoạn tránh thành phố, với tổng chiều dài 8,2 km. Đường mang tên Nguyễn Tất Thành, tên gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong giai đoạn 1901 – 1919.

21. Đường Nguyễn Chí Thanh: Đường từ ngã ba giao với đường Trường Chinh(quốc lộ 2 – cổng Sở Tài nguyên và Môi trường) qua Trường Chính trị tỉnh đến hết địa phận thành phố Tuyên Quang, với tổng chiều dài 1,2 km. Đường mang tên Đại tướng Quân đội nhân dân Việt Nam.

Tư liệu theo "Từ điển Tuyên Quang", nhà xuất bản Chính trị Quốc gia sự thật, Hà Nội-2018

 

Hải Yến - MTTQ tỉnh Tuyên Quang

Xem tin theo ngày:   / /