Quyết định Ban hành thể lệ “Giải Báo chí toàn quốc về phòng chống thiên tai lần thứ nhất năm 2019”

Thứ Hai, 28/10/2019 - 07:49 Đã xem: 411

Ngày 08 tháng 10 năm 2019 Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đã ra Quyết định Ban hành thể lệ “Giải Báo chí toàn quốc về phòng chống thiên tai lần thứ nhất năm 2019”. Trang thông tin điện tử Ủy ban MTTQ tỉnh Tuyên Quang xin đăng tải toàn văn Quyết định và Thể lệ Giải báo chí.

BAN CHỈ ĐẠO TRUNG ƯƠNG
VỀ PHÒNG CHỐNG THIÊN TAI
Số:   10  /QĐ-TWPCTT 
                                                                                CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
                                                                                             Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
                                                                                                                         

                                                                                         Hà Nội, ngày 08  tháng 10  năm 2019
                                                                                     

                                                                             QUYẾT ĐỊNH 

        Ban hành thể lệ “Giải Báo chí toàn quốc về phòng chống thiên tai lần thứ nhất năm 2019” 

   
TRƯỞNG BAN CHỈ ĐẠO TRUNG ƯƠNG VỀ PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI

 

Căn cứ Nghị định 160/2018/NĐ-CP ngày 29 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng, chống thiên tai;
Căn cứ Quyết định số 460/QĐ-TTg ngày 25 tháng 4 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc kiện toàn Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai;
Căn cứ văn bản số 7762/VPCP-NN ngày 29 tháng 8 năm 2019 của Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng – Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai về việc tổ chức Giải Báo chí toàn quốc vì sự nghiệp phòng chống thiên tai lần thứ nhất năm 2019;
Căn cứ Quyết định số 07/QĐ-TWPCTT ngày 17 tháng 9 năm 2019 của Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai về việc ban hành Kế hoạch tổ chức “Giải Báo chí toàn quốc vì sự nghiệp phòng chống thiên tai lần thứ nhất năm 2019”;    
Xét đề nghị của Chánh văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai,


QUYẾT ĐỊNH:


    Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này thể lệ “Giải Báo chí toàn quốc về phòng chống thiên tai lần thứ nhất năm 2019”.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. 
Điều 3. Chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai, các thành viên trong Ban tổ chức Giải và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
 

THỂ LỆ
Giải Báo chí toàn quốc về phòng chống thiên tai lần thứ nhất năm 2019
(Ban hành kèm theo Quyết định số:   10  /QĐ-TWPCTT ngày  08 / 10/ 2019 của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai)

 

Điều 1. Tên gọi 
    Giải Báo chí toàn quốc về Phòng chống thiên tai lần thứ nhất năm 2019 (sau đây gọi tắt là Giải) do Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai phối hợp với Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc UNDP, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam và một số cơ quan liên quan tổ chức nhằm ghi nhận, tuyên dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có đóng góp thiết thực đối với công tác thông tin tuyên truyền về phòng chống thiên tai.
    Chủ đề “Giảm thiểu thiệt hại do thiên tai - Chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu bắt đầu từ cộng đồng”. 
    Điều 2. Mục đích, ý nghĩa
1. Nâng cao ý thức, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc tìm hiểu, nhận định, phản ánh thực trạng, bài học kinh nghiệm, cách tiếp cận, giải pháp phòng chống thiên tai.
    2. Góp phần đổi mới nội dung, phương thức thông tin, truyền thông phòng chống thiên tai, bao gồm nội dung, số lượng và chất lượng các tin bài, chương trình, sản phẩm.
    3. Hình thành và xây dựng cơ sở dữ liệu, tài liệu tham khảo, tuyên truyền, truyền thông nâng cao nhận thức phòng, chống thiên tai để phổ biến đến cán bộ các cấp và người dân.
4. Tăng cường sự phối kết hợp giữa các cơ quan phòng chống thiên tai với các cơ quan truyền thông đại chúng, tổ chức, cá nhân; ghi nhận, tuyên dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có đóng góp thiết thực đối với công tác truyền thông, thông tin tuyên truyền về phòng chống thiên tai.
    Điều 3. Phạm vi, đối tượng
1. Thể lệ này quy định về tên gọi, mục đích, ý nghĩa, tiêu chuẩn, điều kiện, thể loại, tiêu chí xét chọn, cơ cấu giải thưởng, mức thưởng, hồ sơ, quy trình, thủ tục, Hội đồng chấm giải, kinh phí và cách thức tổ chức Giải báo chí toàn quốc về Phòng chống thiên tai lần thứ nhất năm 2019.
2. Tất cả công dân Việt Nam, bao gồm những nhà báo chuyên nghiệp và không chuyên có tác phẩm báo chí phù hợp với tiêu chí của Giải đều có quyền gửi tác phẩm tham dự.
3. Tác phẩm/chùm tác phẩm (sau đây gọi chung là tác phẩm) tham dự Giải phải được đăng, phát trên các loại hình báo chí (báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình,...) do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp phép và bảo đảm đúng quy định về thời gian đăng, phát; có hiệu quả tuyên truyền cao với xã hội và cộng đồng.
    Điều 4. Quy định về tác giả, số lượng tác phẩm tham dự
1. Mỗi tác giả, nhóm tác giả gửi tối đa 05 tác phẩm tham dự cuộc thi. Số tác giả trong một nhóm tối đa là 05 người.
2. Tác giả có tác phẩm gửi dự thi không được vi phạm các quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo, không vi phạm Luật báo chí và các quy định khác của pháp luật.
3. Thành viên Hội đồng Giám khảo, Ban Tổ chức không tham dự cuộc thi.
Điều 5. Tiêu chí xét trao Giải
1. Tiêu chí chung để xét giải
    a) Tác phẩm dự thi là những tác phẩm bằng tiếng Việt được đăng, phát trên các phương tiện thông tin đại chúng trong thời gian từ ngày 01/01/2019 đến hết ngày 31/3/2020. Đến hết ngày 31/3/2020, nếu tác phẩm đăng, phát nhiều kỳ thì ít nhất phải có 2/3 số tác phẩm được đăng, phát trong khoảng thời gian nêu trên.
    b) Tác phẩm được xét trao Giải phải bảo đảm tính chân thực, chính xác, khách quan, có định hướng tư tưởng, chính trị đúng đắn. 
    c) Nội dung tác phẩm phải nêu được những vấn đề về công tác phòng chống thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu và được dư luận xã hội quan tâm; tính thời sự, tính thuyết phục và giá trị thông tin tuyên truyền cao; các tác phẩm cần có sức lan tỏa lâu dài trong nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân, các cấp chính quyền, tổ chức, đoàn thể trong tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật về phòng chống thiên tai; phản ánh tình hình thực tế, phát hiện khó khăn vướng mắc, bất cập của cơ chế chính sách lĩnh vực phòng chống thiên tai; huy động sự tham gia của cộng đồng, tổ chức và cá nhân trong lĩnh vực phòng chống thiên tai,…
    d) Những tác phẩm đã được trao thưởng ở các cuộc thi ở địa phương vẫn được quyền dự Giải nhưng phải ghi rõ mức giải và thông tin về cơ quan/đơn vị, thời gian tổ chức giải thưởng.
đ) Không xét các tác phẩm đang chờ đánh giá và kết luận của các cơ quan có thẩm quyền; Không nhận ảnh ghép, ảnh vi tính, ảnh phong cảnh, tĩnh vật.
e) Tác phẩm được xét trao Giải phải bảo đảm không có tranh chấp về bản quyền kể từ thời điểm công bố.
g) Các thể loại và loại hình báo chí được xét trao Giải
- Loại hình: Báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình, ảnh báo chí.
- Thể loại: Tin, bài phản ánh, phỏng vấn, ghi chép, bình luận, chuyên luận, phóng sự, ký sự, điều tra, các chương trình phát thanh, truyền hình, phim tài liệu, tọa đàm, ảnh báo chí…
2. Tiêu chí riêng xét giải đối với từng loại hình
a)    Đối với tác phẩm báo in
Mỗi tác phẩm là một tin hoặc một loạt tin (không quá 05 tin), một bài hoặc một loạt bài cùng tiêu đề (không quá 05 kỳ) của cùng tác giả (hoặc nhóm tác giả cùng đứng tên), về cùng một đề tài. Không xét loạt bài ghép từ những bài độc lập của các tác giả đứng tên riêng lẻ ở các thời điểm đăng báo khác nhau, không có tên chung loạt bài.
b)    Đối với tác phẩm báo điện tử
- Mỗi tác phẩm là một tin hoặc một loạt tin (không quá 05 tin), một bài hoặc một loạt bài cùng tiêu đề (không quá 05 kỳ) của cùng tác giả (hoặc nhóm tác giả cùng đứng tên), về cùng một đề tài. Không xét loạt bài ghép từ những bài độc lập của các tác giả đứng tên riêng lẻ ở các thời điểm đăng báo khác nhau, không có tên loạt bài;
- Phải là tác phẩm sáng tạo lần đầu, viết riêng cho báo điện tử; không xét những tác phẩm lấy từ báo in;
- Thể hiện được đặc trưng của báo điện tử là ngắn, gọn, có tính liên kết, tính đa phương tiện.
c)    Đối với tác phẩm phát thanh
- Mỗi tác phẩm phải là một (hoặc một loạt) tin, bài, chương trình về một chủ đề hoặc một đối tượng, phát một kỳ hoặc nhiều kỳ (không quá 05 kỳ đối với tác phẩm nhiều kỳ).
- Tác phẩm phải thể hiện được đặc trưng của báo phát thanh là âm thanh rõ ràng, tiếng nói nhân vật, tiếng động, âm nhạc bảo đảm chất lượng, hấp dẫn. 
- Thời lượng: Tác phẩm không quá 8 phút; chương trình không quá 60 phút  một chương trình).
d)    Đối với tác phẩm truyền hình
- Mỗi tác phẩm phải là một (hoặc một loạt) tin, bài về một chủ đề, một sự kiện hoặc một đối tượng, phát một kỳ hoặc nhiều kỳ (không quá 05 kỳ) về một chủ đề, sự kiện;
- Thể hiện được đặc trưng của báo hình là hình ảnh động; hình ảnh phải đạt yêu cầu chất lượng;
- Thời lượng: không quá 60 phút một chương trình hoặc không quá 60 phút một kỳ (đối với tác phẩm nhiều kỳ).
e)    Đối với tác phẩm ảnh báo chí
- Tác phẩm ảnh báo chí được thể hiện bằng ảnh mầu hoặc đen trắng;
- Đối với nhóm ảnh hoặc phóng sự ảnh, chỉ tuyển chọn mỗi nhóm ảnh hoặc phóng sự ảnh không quá 10 ảnh, đăng trên cùng một số báo hoặc cùng thời điểm xuất bản (đối với báo điện tử);
- Ảnh báo chí dự thi là các ảnh bằng file dung lượng thấp nhất là 5 MB, độ phân giải tối thiểu 300 dpi;
- Mỗi ảnh cần kèm theo chú thích rõ ràng, thời gian chụp, địa điểm chụp, tên tác giả, chức danh, đơn vị;
- Không chấp nhận ảnh được xử lý kỹ thuật làm thay đổi nội dung và bản chất sự việc;
- Không nhận những ảnh không đạt đúng dung lượng độ phân giải quy định;
- Tác giả tự chịu trách nhiệm về hình ảnh dự thi không vi phạm pháp luật, không vi phạm bản quyền.
Điều 6. Cơ cấu Giải và hình thức khen thưởng
1.     Cơ cấu giải
Giải thưởng cho mỗi loại hình gồm: 01 giải Nhất; 01 giải Nhì; 02 giải Ba; 03 giải Khuyến khích. Ngoài ra, còn có một số giải phụ: Giải câu chuyện tác động mạnh mẽ nhất, Giải hình ảnh ấn tượng nhất, Giải đồng hành,…
2.    Hình thức khen thưởng
- Biểu trưng Giải Báo chí toàn quốc về phòng chống thiên tai lần thứ nhất năm 2019. 
- Chứng nhận của Ban Tổ chức cuộc thi. 
- Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT – Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đối với các cá nhân có tác phẩm tham dự đạt giải Nhất, Nhì, Ba.
3.    Giải cá nhân 
Giá trị giải thưởng của mỗi loại hình như sau:
- Giải Nhất: 40.000.000 đồng (Bốn mươi triệu đồng).
- Giải Nhì: 20.000.000 đồng (Hai mươi triệu đồng).
- Giải Ba: 10.000.000 đồng (Mười triệu đồng).
- Giải khuyến khích: 5.000.000 đồng (Năm triệu đồng).
- Giải phụ: 5.000.000 đồng/giải (Năm triệu đồng). 
Tiền thưởng nêu trên đã bao gồm thuế thu nhập mà cá nhân và tập thể đoạt giải phải thực hiện nghĩa vụ thuế của Nhà nước.
4.    Giải tập thể
Ban Tổ chức trao 01 giải tập thể cho cơ quan báo chí có nhiều tác phẩm dự thi nhất.
Giải thưởng trị giá: 10.000.000 đồng (Mười triệu đồng) kèm theo Bằng khen Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT – Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai 
Kết quả cuộc thi sẽ được thông báo đến tác giả và đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Báo Nông nghiệp Việt Nam, Website của Tổng cục Phòng chống thiên tai và trang Facebook “Thông tin Phòng chống thiên tai”, Cổng thông tin điện tử Hội Nhà báo Việt Nam, Website của Cục Báo chí và trang Website của UNDP.
Điều 7. Ban Tổ chức Giải, cơ quan thường trực Giải
1. Ban Tổ chức Giải do Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai ra quyết định thành lập, có nhiệm vụ thành lập Hội đồng giám khảo, Ban Thư ký và các bộ phận giúp việc và tổ chức các hoạt động liên quan đến Giải.
2. Ban Tổ chức giải được sử dụng con dấu của Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai trong quá trình hoạt động.
3. Ban Tổ chức được quyền sử dụng tác phẩm đoạt giải để phục vụ công tác tuyên truyền về công tác phòng, chống thiên tai.
4. Cơ quan thường trực Giải là Tổng cục Phòng, chống thiên tai - Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai.
Điều 8. Hội đồng giám khảo
1. Hội đồng Giám khảo chấm giải qua hai vòng sơ khảo, chung khảo. 
2. Giúp việc cho Hội đồng Giám khảo có Ban Thư ký và Tổ giúp việc do Trưởng Ban Tổ chức Giải ra quyết định thành lập trên cơ sở đề nghị của cơ quan Thường trực Giải.
3. Hội đồng Giám khảo xây dựng Quy chế chấm giải phù hợp với yêu cầu của Giải và Luật Báo chí.
Điều 9. Quy trình xét, lựa chọn và công bố, trao giải
1. Sơ khảo
Các tác phẩm báo chí đã đăng, phát gửi tham dự Giải theo quy định sẽ được Hội đồng Sơ khảo xem xét, đánh giá để chọn ra tác phẩm báo chí đáp ứng tiêu chí xét trao giải đưa vào vòng chung khảo.
2. Chung khảo
Hội đồng Chung khảo dựa trên kết quả tuyển chọn của Hội đồng Sơ khảo sẽ tiến hành đánh giá, thẩm định, lựa chọn ra những tác phẩm xuất sắc nhất trình Ban Tổ chức giải để quyết định trao giải. 
3. Công bố và trao Giải thưởng: 
Lễ công bố và trao giải dự kiến được tổ chức vào tháng 5/2020.
Điều 10. Nguồn kinh phí thực hiện
- Nguồn ngân sách nhà nước cấp cho Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai;
- Nguồn hỗ trợ từ Chương trình phát triển Liên Hiệp quốc; 
- Nguồn kinh phí huy động, vận động các nhà tài trợ, các doanh nghiệp, các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước.
Điều 11. Nội dung, hình thức và cách thức gửi tác phẩm
    1. Nội dung các tác phẩm dự thi
Tác phẩm tham dự Giải tập trung phản ánh một trong những nội dung sau:
- Diễn biến, tác động và những thách thức của thiên tai, công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai; chú trọng đến các đối tượng dễ bị tổn thương như trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật...; 
- Các gợi mở, sáng kiến, giải pháp, mô hình điển hình, kinh nghiệm về phòng chống thiên tai thích ứng với biến đổi khí hậu ở các địa phương, các cấp, ngành, lực lượng vũ trang, tổ chức, doanh nghiệp và người dân; 
- Các thể chế chính sách, chương trình nhằm nâng cao hiệu quả trong phòng chống thiên tai.
- Các khó khăn vướng mắc, những cách làm hay, bài học kinh nghiệm trong phòng chống thiên tai.
- Vai trò, sự tham gia của cộng đồng và các tổ chức, đoàn thể trong chống thiên tai. 
- Gương người tốt, việc tốt trong phòng chống thiên tai.
- Phát hiện những tiêu cực, yếu kém, bất cập, những vấn đề mang tính cảnh báo trong công tác phòng chống thiên tai.    
2. Hình thức trình bày
Các tác phẩm phải được trình bày bằng tiếng Việt được đăng tải trên các loại hình báo chí được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép, phát hành trong nước, thời gian đăng, phát từ ngày 01/01/2019 đến hết ngày 31/3/2020.
3. Về bản quyền tác phẩm
Các tác phẩm đã tham gia các giải thưởng khác vẫn được quyền tham dự Giải Báo chí toàn quốc về phòng chống thiên tai lần thứ nhất năm 2019” nhưng phải ghi rõ mức giải đã được trao, cùng thông tin về đơn vị tổ chức, thời gian diễn ra Giải.
Các tác phẩm dự thi phải đảm bảo không có tranh chấp về bản quyền kể từ thời điểm tác phẩm được công bố.
Ban Tổ chức cuộc thi có quyền sử dụng các tác phẩm dự thi cho các mục đích tuyên truyền. Tác phẩm đã gửi dự thi không trả lại người gửi dưới mọi hình thức.
    4. Cách thức gửi tác phẩm
Đối với tác phẩm báo in, báo điện tử: Là bản in chính hoặc sao chụp từ báo in, báo điện tử, nhưng phải rõ ràng, gửi đến Ban Tổ chức hoặc gửi qua thư điện tử (email) của cuộc thi. Nếu tác phẩm có sự tiếp nối nhỏ, lẻ, phải cắt dán phần tiếp nối trên giấy trắng khổ A4 và đánh số trang rõ ràng phần tiếp nối; kèm theo bản sao.
 Đối với tác phẩm phát thanh: Ghi lên USB gửi đến Ban Tổ chức hoặc gửi file qua địa chỉ email của cuộc thi hoặc đăng tải trên trang website của cuộc thi, mỗi tác phẩm ghi rõ tên đơn vị, tên tác phẩm, tác giả, thể loại, thời lượng và thời gian phát sóng, kèm theo nội dung phần lời của tác phẩm. Nếu là tiếng dân tộc phải có bản dịch ra tiếng Việt. 
Đối với tác phẩm truyền hình: Ghi lên USB gửi đến Ban tổ chức hoặc gửi file qua địa chỉ email của cuộc thi hoặc đăng tải trên trang website của cuộc thi; mỗi tác phẩm ghi rõ tên đơn vị, tác giả, tác phẩm, thể loại, thời lượng, thời gian phát sóng, có kịch bản với lời bình chi tiết, kèm theo xác nhận của đơn vị chủ quản. Nếu là truyền hình tiếng dân tộc phải có phụ đề tiếng Việt. Khuyến khích tác phẩm dự giải có chuẩn kỹ thuật HD.
Đối với ảnh báo chí: Ghi lên USB hoặc gửi file đến Ban tổ chức qua địa chỉ email của cuộc thi hoặc đăng tải trên trang website của cuộc thi; mỗi tác phẩm phải ghi rõ tên đơn vị, tác giả, tác phẩm, chủ đề ảnh, thời gian, địa điểm chụp ảnh.
Mỗi tác phẩm phải gửi kèm:
- Thông tin về tác giả: họ và tên, bút danh, chức danh hiện tại, đơn vị công tác, số điện thoại di động, email, địa chỉ;
- Bản giới thiệu khái quát về tác phẩm bằng tiếng Việt, bao gồm: loại hình, thể loại, nội dung chính, hoàn cảnh sáng tác, chú ý nêu bật tính phát hiện, sức lan tỏa, hấp dẫn… của tác phẩm;
- Các tác phẩm dự thi sai quy định sẽ bị loại và Ban Tổ chức không chịu trách nhiệm giải quyết các khiếu nại có liên quan;
- Đối với tác phẩm truyền hình, phát thanh các tác phẩm tham dự giải phải có chữ ký của tác giả và xác nhận của cơ quan đã phát sóng tác phẩm. 
- Đối với báo in, báo điện tử và ảnh báo chí: gửi linh bài viết hoặc bản phô tô bài báo đã được đăng.
5. Sử dụng tác phẩm
Tất cả các tác phẩm tham dự Giải không trả lại tác giả. Ban Tổ chức được quyền sử dụng các thông tin tư liệu này trong công tác truyền thông về Phòng chống thiên tai tại Việt Nam dưới mọi hình thức.
6. Thời gian và địa chỉ nhận tác phẩm
a) Thời gian nhận tác phẩm dự thi: Từ khi phát động đến hết ngày 31/3/2020. 
b) Địa chỉ nhận tác phẩm dự thi: Tổng cục Phòng chống  thiên tai, số 02 Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội.
c) Email:  giaibaochi@mard.gov.vn 
d) Website của cuộc thi: http://giaibaochiPCTT.mard.gov.vn.
đ) Điện thoại: 024 3211 5960.
Đối với hồ sơ gửi qua đường bưu điện, ngoài phong bì ghi rõ: Giải Báo chí toàn quốc về phòng chống thiên tai lần thứ nhất năm 2019. Ban Tổ chức Giải không chịu trách nhiệm nếu tác phẩm tham dự Giải bị thất lạc hoặc hư hỏng do lỗi của bưu điện.
Điều 12. Giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm
1. Các tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại về kết quả xét, tặng giải và những vi phạm quy định, trình tự, thủ tục xét, tặng giải. Đơn khiếu nại phải ghi rõ họ, tên, địa chỉ và lý do khiếu nại và gửi cho cơ quan Thường trực của Giải.
Cơ quan Thường trực Giải có trách nhiệm xem xét và trả lời đơn khiếu nại, báo cáo kết quả giải quyết khiếu nại lên Ban Tổ chức Giải. Không xem xét đơn không có tên, địa chỉ không rõ ràng hoặc mạo danh.
2. Tác phẩm báo chí dự giải nếu vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Báo chí và các quy định của Nhà nước có liên quan và Thể lệ này, Ban Tổ chức Giải sẽ thu hồi giải thưởng, thông báo cơ quan chức năng để giải quyết theo quy định của pháp luật hiện hành./.

BAN TỔ CHỨC CUỘC THI
 

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG

Tổng số: 0 | Trang: 1 trên tổng số 0 trang  
Xem tin theo ngày:   / /