Ghi ở các trạm kiểm dịch tả lợn châu Phi

Thứ Hai, 18/3/2019 - 10:55 Đã xem: 1133

“Cơn bão” dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đang hoành hành và gây thiệt hại lớn cho ngành chăn nuôi lợn của cả nước. Ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập vào tỉnh, các tổ công tác liên ngành gồm: Công an, quản lý thị trường, quân đội, thú y đã nhanh chóng được thành lập bổ sung lực lượng về các trạm kiểm dịch tại những địa bàn xung yếu. Trong câu chuyện với những “chiến sỹ” trên mặt trận chống dịch, chúng tôi hiểu hơn những khó khăn, vất vả của họ.

      Những ngày cắm chốt
      Hơn 20 giờ, tại Trạm kiểm dịch Sơn Nam (Sơn Dương), tiếp giáp với tỉnh Vĩnh Phúc, dù bữa cơm tối đã được dọn ra nhưng chưa ai ngồi vào bàn ăn. Các thành viên mỗi người một việc, người ra hiệu lệnh dừng xe, người phun thuốc khử trùng, người kiểm tra… Các anh thường đùa vui, “trời đánh còn tránh miếng ăn”, nhưng ở đây thì khác, tất cả phải đặt nhiệm vụ lên hàng đầu, đang ăn bỏ dở, ăn vội miếng cơm lót dạ rồi tập trung vào việc.

Gần 21 giờ ngày 15-3, các thành viên tổ công tác tại Trạm kiểm dịch Sơn Nam (Sơn Dương) đứng chốt kiểm tra, kiểm soát, phun thuốc khử trùng các phương tiện đi vào tỉnh.

      Chia sẻ về nghề và những ngày cắm chốt ở trạm, ông Nguyễn Tuấn Việt, Tổ trưởng Tổ công tác liên ngành kiểm soát DTLCP được thành lập ngày 9-3 để bổ sung về trạm chia sẻ với chúng tôi, gần 30 năm làm cán bộ thú y, trong đó 12 năm làm công tác kiểm dịch, ông không nhớ bao lần được trưng tập đi cắm chốt, nhưng lần nay là nặng nề và căng thẳng nhất. Ông Việt nhìn ra đường như để giải thích về điều vừa nói. Vị trí làm việc của các thành viên trong tổ là đứng giữa tim đường, 2 bên làn xe cộ đi như mắc cửi, có những lúc hàng chục xe tải cỡ lớn chạy ầm ầm. Nguy hiểm là vậy nhưng tổ công tác của ông Việt vẫn phối hợp nhịp nhàng, người ra hiệu lệnh, người kiểm tra, người phun thuốc, không bỏ qua bất kỳ phương tiện nào. Ông Việt bảo, không làm thế DTLCP sẽ xâm nhập vào tỉnh lúc đó thiệt hại là rất lớn.
      Anh Vũ Ngọc Dũng, nhân viên tham mưu, Ban CHQS sự huyện Sơn Dương lần đầu tiên tham gia tổ công tác liên ngành. Cùng lúc anh làm 2 nhiệm vụ, công việc chuyên môn và hỗ trợ kiểm soát DTLCP tại trạm kiểm dịch. Anh Dũng tâm sự, trừ lúc gấp gáp anh phải về đơn vị, còn lại là túc trực tại trạm. Trẻ tuổi nên anh Dũng nhận nhiệm vụ trực ca đêm, những đêm dài thức trắng, dầm mình dưới mưa phùn gió bấc cộng với việc phải tiếp xúc với lượng thuốc khử trùng phun ra lớn khiến anh cũng cảm thấy chóng mặt.
      Tại Trạm kiểm dịch Đèo Khế, xã Hợp Thành (Sơn Dương), lưu lượng phương tiện đi vào tỉnh không nhiều nhưng nguy cơ dịch xâm nhập vào địa bàn lại vô cùng lớn. Bởi đến ngày 16-3, tại tỉnh Thái Nguyên, DTLCP ổ dịch đã phát sinh ra diện rộng, khiến các thành viên trong tổ công tác liên ngành tại Trạm Đèo Khế phải làm việc với 200% công suất. Ông Ma Thế Dương, một thành viên tại trạm khẳng định, 7 thành viên trong tổ cộng với 6 cán bộ hợp đồng luân phiên thay nhau túc trực chưa một phút rời chốt. Tất cả các phương tiện vận chuyển động vật đều được kiểm tra, kiểm soát kỹ, ghi thông tin chi tiết vào sổ theo dõi, kể cả xe thô sơ. Theo ông Dương, trung bình mỗi ngày trạm kiểm tra, kiểm soát, phun thuốc cho khoảng 1.000 lượt phương tiện đi vào địa bàn.
      Ở các trạm kiểm dịch Đội Bình, xã Đội Bình (Yên Sơn) và Hàm Yên, dù chưa được bổ sung lực lượng liên ngành, song cán bộ kiểm dịch tại trạm ứng trực 24/24 để sẵn sàng nhận lệnh khi có tình huống xảy ra.
      Quyết liệt ngăn chặn DTLCP
      Ghi nhận tại hiện trường, tất cả các phương tiện cơ giới đi vào địa bàn đều được phun thuốc khử trùng, riêng đối với phương tiện chở động vật, sản phẩm động vật, sau khi đến điểm trạm đều dừng lại để thực hiện quy trình kiểm tra, xác nhận đã kiểm tra của trạm. Sau khi kiểm tra xong, các xe đều được di chuyển vào khu vực rải bột vôi, phun hóa chất tiêu độc, khử trùng. Quy trình xử lý như trên đối với mỗi xe chở động vật có đầy đủ thủ tục, giấy tờ theo quy định mất khoảng chừng 3-5 phút.
      Anh Bùi Quang Huy, Tổ trưởng Tổ kiểm tra liên ngành, Trạm kiểm dịch Đèo Khế, xã Hợp Thành (Sơn Dương) khẳng định, trong trường hợp phát hiện hoặc nhận được nguồn tin báo về việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trên các chuyến xe tải, xe khách hoặc các loại phương tiện khác không có giấy tờ đầy đủ của lực lượng chức năng, tổ sẽ chốt chặt, kiểm soát kỹ và lập biên bản, cấm không được đi vào địa bàn. Anh Nguyễn Văn Chung, trú tại phường Tân Quang (TP Tuyên Quang) cho biết, ngày 10-3, anh có vận chuyển thuê 20 con lợn thịt từ tỉnh Vĩnh Phúc lên Hà Giang, đi qua Trạm kiểm dịch Sơn Nam anh được tổ công tác yêu cầu quay đầu do không có giấy kiểm dịch. Nhận thấy lỗi về phần mình, anh Chung vui lòng chấp hành.
      Theo báo cáo từ các trạm kiểm dịch, so với thời điểm giữa tháng 2 và đầu tháng 3, những ngày qua, số lượng xe chở lợn đi vào địa bàn đã giảm khoảng 50%. Riêng hướng từ Thái Nguyên vào tỉnh gần như không có phương tiện chở lợn đi vào địa bàn. Nhiều lái xe cũng ý thức được trách nhiệm, chủ động hợp tác cùng tổ công tác để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, phát sinh vào tỉnh.

Không chỉ xe tải lớn, các xe cơ giới nhỏ cũng được kiểm soát, phun thuốc để ngăn ngừa dịch bệnh.

      Ông Nguyễn Văn Công, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh khẳng định, tạm thời 2 tổ kiểm tra liên ngành tại 2 trạm kiểm dịch động trên các tuyến đường huyết mạch gồm Sơn Nam (Sơn Dương) tiếp giáp với tỉnh Vĩnh Phúc; Đèo Khế, xã Hợp Thành (Sơn Dương) tiếp giáp với tỉnh Thái Nguyên hoạt động 24/24 giờ trong ngày kể cả ngày nghỉ. Nhiệm vụ của các tổ là tập trung kiểm tra, kiểm soát và xử lý những vi phạm về kiểm dịch vận chuyển động vật, sản phẩm động vật nhiễm bệnh, chưa qua kiểm dịch nhằm ngăn chặn việc vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn nghi mắc DTLCP và các bệnh dịch nguy hiểm khác trên gia súc, gia cầm ra vào địa bàn tỉnh theo đúng quy định của pháp luật; thực hiện khử trùng, tiêu độc phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật đi qua chốt kiểm dịch.
      Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến thời điểm ngày 17-3, đàn vật nuôi của tỉnh vẫn ổn định, đặc biệt là trên đàn lợn chưa ghi nhận dấu hiệu bất thường. Kết quả đó là sự chỉ đạo quyết liệt của tỉnh, ngành chuyên môn, sự vào cuộc tích cực của người chăn nuôi và nhất là những đóng góp của các “chiến sỹ” tại các trạm trên mặt trận chống dịch.

                                                                                                                                        Theo Báo TQĐT

 

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG

Tổng số: 989 | Trang: 1 trên tổng số 99 trang  
Xem tin theo ngày:   / /