Chàng trai người Tày và ước mơ đưa đồ dùng bằng tre thay thế sản phẩm làm từ nhựa

Thứ Hai, 22/10/2018 - 15:18 Đã xem: 595

Vừa chạm tuổi 30, Chẩu Thanh Phương, chàng trai người Tày đến từ thôn Nà Kẹm, xã Khuôn Hà (Lâm Bình) đã kịp dệt lên ước mơ của mình: Phát triển các sản phẩm làm từ cây tre địa phương dần thay thế những sản phẩm làm từ nhựa, ảnh hưởng đến môi trường. Mới đây, trong cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn năm 2018, dự án “Cốc tre Thượng Hà” của Chẩu Thanh Phương vinh dự được trao giải Nhì.

       Từ chàng thợ may khéo tay…
       Tốt nghiệp lớp 12, như nhiều thanh niên khác ở vùng quê này, Chẩu Thanh Phương không theo học chuyên nghiệp mà xin đi làm công nhân tại 1 khu công nghiệp trong Nam.
      Phương bảo, 6 năm theo nghề may, anh học được nhiều thứ: Từ sự nhẫn nại, kiên trì với từng đường kim mũi chỉ, đến việc tận tâm với công việc của mình. Tưởng chừng như công việc chỉ phù hợp với phụ nữ, nhưng Chẩu Thanh Phương cười chia sẻ, có lẽ vì mình là đàn ông người Tày, nên sự khéo léo của mình nhiều hơn đa số các bạn còn lại và nhiều hơn cả các bạn nữ cùng chuyền may. Bằng chứng là mức lương của Phương luôn cao gấp rưỡi, gấp đôi các bạn nữ cùng chuyền, từ 5 triệu đồng đến 6 triệu đồng/tháng (trong khi lương các bạn nữ cùng chuyền chỉ khoảng 4 triệu đồng).

Lãnh đạo Ban Tuyên Giáo Tỉnh Ủy chúc mừng anh Chẩu Thanh Phương (ngoài cùng bên trái)
nhận Giải Nhì tại cuộc thi Thanh niên Tuyên Quang khởi nghiệp. Ảnh: Thanh Phúc

      Cuộc sống xa nhà, lại tự mình bươn chải, chi tiêu nhiều thứ, mức thu nhập ổn định, nhưng bảo để dôi dư ra thì không đáng là bao. Sau 6 năm bám nghề may trong Nam, Chẩu Thanh Phương quyết định bỏ việc về quê tìm cơ hội khác cho mình. Phương bảo, quê mình đất rộng, mọi thứ đều sẵn có và rất phong phú, nếu không tìm được cách làm giàu từ quê mình thì chính mình là người thất bại.
Năm 2014 Phương về Nà Kẹm và theo học nghề thợ mộc của cha. Những nếp nhà mới dựng, những bộ bàn ghế gỗ thành hình từ chính bàn tay mình thôi thúc anh tìm kiếm cơ hội làm giàu từ quê hương. Nghe thì dễ, nhưng Phương bảo, thời gian “thành hình” cho những ý tưởng khởi nghiệp của anh cũng kéo dài gần 4 năm trời. Trong 4 năm này, Phương vừa theo nghề mộc của cha, vừa tập trung chăn nuôi lợn đen thả đồi, trồng rau sạch để bán kiếm thêm thu nhập.
      Những người trẻ tuổi như Phương có lợi thế là sử dụng mạng xã hội tương đối thuần thục. Từ lợi thế này, Phương lập một trang Facebook cá nhân, kết nối với bạn bè khắp các miền Bắc - Trung - Nam, công khai toàn bộ quá trình chăn thả, chăm sóc cây con bản địa và… nhận đơn đặt hàng online. Có khách hàng quen, có nguồn thu nhập ổn định, nhưng Chẩu Thanh Phương bảo, chuyện làm nông nghiệp tương đối bấp bênh, anh vẫn đau đáu nghĩ cách sống với một nghề mà ngoài việc đủ sức nuôi sống bản thân, còn phải đóng góp ít nhiều cho quê hương mình.
       Đến tre ra thị trường
      Khuôn Hà vốn là mảnh đất thuần nông, ngày trước khi cuộc sống chưa phát triển, nhà nào cũng trồng vài bụi tre quanh nhà. Ngày đấy nhà sàn ở đây chủ yếu vẫn dùng tre để lát sàn, nhà nào dư dả đôi chút mới thay thế lát sàn tre bằng gỗ. Sau này, khi cuộc sống bà con khấm khá hơn, cây tre dần mất đi vị trí độc tôn, tre lúc này chỉ được trồng làm hàng rào, lấy măng… Thấy lãng phí, Phương bắt đầu mày mò tạo hình một số đồ vật từ cây tre, những chiếc thìa, chiếc đũa đầu tiên thành hình và đem lại hiệu quả ngoài sức tưởng tượng. Chẩu Thanh Phương chia sẻ, những sản phẩm đầu tiên tuy tính thẩm mỹ chưa đạt như mong muốn, nhưng khi đem làm quà tặng các bạn ở các tỉnh khác, ai nấy đều đón nhận rất nồng nhiệt, nhiều bạn đã đặt hàng những món đồ khó làm hơn, vừa để sử dụng hàng ngày, vừa để làm vật trang trí trong nhà.

Những sản phẩm làm từ tre của Hợp tác xã An Nhiên Phát ngoài giá trị sử dụng,
còn có tính thẩm mỹ cao.

      Đầu năm 2018, Chẩu Thanh Phương quyết định đưa vào sản xuất đại trà những sản phẩm làm từ nguyên liệu tre tự nhiên, đồng thời thành lập Hợp tác xã An Nhiên Phát, nghĩa là An lành - Tự nhiên - Phát triển. Từ những vật dụng nhỏ như thìa, dĩa, đũa tre, Phương mày mò nghiên cứu, sáng tạo ra những sản phẩm có độ khó nhiều hơn, như cốc, bát bằng tre, ống hút bằng tre… Những cây tre có vanh lớn, Phương tận dụng làm bát, nhỏ hơn thì làm cốc, bộ ấm chén uống trà; phần thừa thì anh tận dụng để làm thìa, dĩa. Ngay cả cật tre, Phương cũng nghĩ ra cách biến nó thành những chiếc dao cắt bánh sinh nhật, bánh trung thu với giá bán rất rẻ, chỉ 2-3 nghìn đồng/chiếc. Nhiều lao động là thanh niên địa phương, như Quan Văn Tuân, Chẩu Văn Chung, Ma Văn Viễn… được Phương nhận vào làm việc tại xưởng, với mức lương trung bình từ 3 - 4 triệu đồng/tháng.
      Trung bình mỗi tháng, xưởng sản xuất của chàng trai người Tày cung cấp cho thị trường từ 1.800 đến 2.300 sản phẩm các loại, đem lại doanh thu gần 50 triệu đồng. Từ mạng xã hội, Phương kết nối và xây dựng được đại lý bày bán, giới thiệu sản phẩm tại khắp Bắc - Trung - Nam. Trong đó, tại Hà Nội có 6 điểm phân phối; Đà Nẵng có 1 điểm và Thành phố Hồ Chí Minh 2 điểm. Giá bán tương đối đa dạng, từ 2 nghìn đồng đến vài trăm nghìn đồng, tùy vào độ khó của sản phẩm.
      Chẩu Thanh Phương bảo, anh đang tập trung mở rộng thị phần của 2 sản phẩm là cốc tre và ống hút bằng tre để thay thế những sản phẩm từ nhựa, từ đó, góp một tiếng nói nhỏ bé trong việc làm sạch môi trường sống. Ngoài ra, anh cũng lặn lội học thành thạo nghề làm nhà tre từ các thợ lành nghề ở Lạng Sơn. Trong đó, tất cả các khâu trong xây dựng ngôi nhà đều sử dụng hoàn toàn nguyên liệu từ tre, mây mà không sử dụng bất kỳ nguyên liệu nào khác. Như đinh, vít, ốc sắt được thay thế bằng vít tre; dây thép được thay thế bằng dây mây…
Những tưởng khởi nghiệp thành công, suôn sẻ như vậy, Chẩu Thanh Phương đã hài lòng rồi, nhưng anh bảo, mình giống như người đi trên dây, chinh phục được độ cao đầu tiên thì hào hứng muốn thử độ cao tiếp theo. Cứ như vậy, anh thử thách mình liên tục. Tháng Năm, đúng dịp sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chẩu Thanh Phương thử nghiệm sản phẩm bát tre đài sen được khắc tay hoàn toàn, như cách bày tỏ lòng kính yêu của mình với Người. Sản phẩm này hiện đã được các đại lý đặt hàng để bày bán, giới thiệu với khách du lịch, đặc biệt là khách du lịch người nước ngoài.
      Hiện nay, mặc dù xưởng sản xuất tương đối thô sơ, nhưng từ khi du lịch Lâm Bình được nhiều du khách biết đến, thì việc sản xuất các sản phẩm bằng tre của Hợp tác xã An Nhiên Phát cũng thuận lợi hơn. Bên cạnh việc chủ động nguồn hàng cho các đại lý, Chẩu Thanh Phương cũng chuẩn bị một gian hàng ngay tại nhà mình để bán cho du khách, anh cũng kết hợp với một số đơn vị tổ chức du lịch xây dựng tour du lịch trải nghiệm, trong đó khách đến xưởng được hướng dẫn và tự tay hoàn thiện các sản phẩm từ tre để đem về. Mặc dù mới thử nghiệm, nhưng Chẩu Thanh Phương hào hứng bảo đây là hướng phát triển rất tiềm năng, nhất là đối với khách du lịch nước ngoài.
      Mong ước lớn nhất của Chẩu Thanh Phương bây giờ là mở rộng xưởng sản xuất, thu hút lao động là con em địa phương, để không chỉ mở rộng quy mô hoạt động của Hợp tác xã mà còn góp phần giữ lại những giá trị truyền thống của quê hương.
Anh trầm giọng bảo, giờ người dân trong độ tuổi lao động, nhất là lớp thanh niên đi làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất rất nhiều. Những công việc chung của làng của xóm trước đây được bà con chung tay cùng hoàn thành, thì nay đều phải bỏ tiền ra thuê người làm. Sự đoàn kết bị mai một đi, tính cộng đồng từ đó cũng giảm bớt, nhìn cảnh đấy Phương thấy như có một phần lỗi của mình trong đó. Anh chỉ ước công việc mình cứ thuận buồm xuôi gió để bà con không ai phải rời quê đi bươn chải xứ người nữa mà vẫn có nguồn thu nhập ổn định, xóm làng bình yên như những ngày anh còn thơ bé, mà đời sống bà con thì không ngừng được cải thiện, nâng cao.

                                                                                                                                                 Theo Báo TQĐT

 

Xem tin theo ngày:   / /