Bừng sáng những vùng quê nông thôn mới

Thứ Ba, 6/2/2018 - 09:08 Đã xem: 2294

Tuyên Quang Xuân Mậu Tuất - Đường làng, ngõ xóm phong quang, dân cư sinh sống ngăn nắp, giao thông đi lại thuận tiện, sản xuất phát triển, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng được nâng cao... Đó là cảm nhận của người dân nông thôn mới trên địa bàn tỉnh, khi họ được hưởng thành quả mà chính mình đã đóng góp xây dựng. Kết thúc năm 2017, tỉnh ta có thêm 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn trên địa bàn tỉnh lên 23 xã.

 Năm nay, người dân xã Khuôn Hà (Lâm Bình) đón Tết trong tràn ngập niềm vui và tự hào. Trong 7 xã về đích nông thôn mới năm nay, Khuôn Hà là xã có xuất phát điểm thấp nhất. Từ 1 xã chỉ đạt 2/19 tiêu chí, tỷ lệ hộ nghèo chiếm đến 56%, thu nhập bình quân đầu người đạt 6,1 triệu đồng/người/năm, Khuôn Hà đã có bước chuyển mình đáng nể. Ông Chẩu Văn Toan, Chủ tịch UBND xã cho biết, trong quá trình xây dựng, cách làm của xã là phát huy sự nỗ lực, đoàn kết của người dân. Để hoàn thành các tiêu chí về hạ tầng, như xây dựng sân thể thao, nhà văn hóa, đường bê tông nội đồng... đã có nhiều hộ dân hiến đất để hoàn thành các công trình, với diện tích trên 30.000 m2 đất. Hiện, Khuôn Hà đã hoàn thành 6,101 km kênh mương bằng cấu kiện bê tông đúc sẵn, bê tông hóa hơn 3,5 km đường nội đồng, 12/12 thôn đã xây dựng được nhà văn hóa; thu nhập bình quân đầu người của xã đạt gần 27 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn giảm còn trên 12%...

Diện mạo nông thôn mới Khuôn Hà (Lâm Bình).

Năm 2017, thôn Nà Muông, xã Khuôn Hà được UBND tỉnh công nhận là 1 trong 4 điểm du lịch cộng đồng của huyện Lâm Bình. Đây cũng là thôn được lựa chọn xây dựng khu dân cư kiểu mẫu của xã Khuôn Hà. Bên cạnh những việc như chỉnh trang nhà cửa, vườn tược, anh Quan Văn Toán, một trong 4 hộ tham gia làm du lịch homestay ở thôn bảo, mặc dù mỗi tháng gia đình chỉ tiếp đón 1 - 2 đoàn khách, nhưng với anh đây là tín hiệu vui, là thành quả mà chính quá trình xây dựng nông thôn mới đem lại cho anh cũng như các hộ làm du lịch homestay trên địa bàn.
Vốn là xã có đến 70% trong tổng số trên 2.000 hộ dân thu nhập phụ thuộc vào chăn nuôi lợn, cuộc khủng hoảng giá lợn từ cuối năm 2016 ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân Đại Phú (Sơn Dương). Trước vấn đề này, Đảng ủy, UBND xã đã có cách làm sáng tạo nhằm nâng cao tiêu chí thu nhập, trong đó trọng tâm là nhân rộng các điển hình, vận động người dân đi làm việc tại các khu công nghiệp. Toàn xã có gần 2.000 lao động đi làm việc tại các khu công nghiệp trong nước mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân. Những người trẻ trong xã phát huy tinh thần sáng tạo, vươn lên làm giàu cho gia đình, quê hương.

Cán bộ xã Thái Hòa (Hàm Yên) trao đổi kiến thức nông nghiệp với bà con nông dân thôn Tân An.
Ảnh: Thu Hằng

Trang trại chăn nuôi gà, vịt lấy trứng của cặp vợ chồng trẻ Đỗ Văn Đại, Nguyễn Thị Bích, thôn Tứ Thể, xã Đại Phú từ 2 năm nay đã trở thành điểm tham quan, học tập của bà con trong thôn, trong xã. Chị Bích cho biết, khi cả xã bắt tay vào chăn nuôi lợn thì vợ chồng chị đầu tư chăn nuôi gia cầm đẻ trứng, một phần để khẳng định sức trẻ của mình, một phần để đảm bảo về mặt đầu ra. Hiện trang trại của anh chị nuôi gần 3.000 con gà, 2.000 con vịt đẻ trứng, mỗi ngày thu về 2.500 quả trứng. Đầu năm 2017, anh chị mở rộng trang trại lên diện tích 4.000 m2 để trồng các loại cây ăn quả như bưởi, ổi, na, hồng... Bên cạnh nâng cao thu nhập cho người dân, Đại Phú chú trọng nâng cao đời sống tinh thần cho bà con trong xã. Đại Phú hiện duy trì 2 câu lạc bộ Sình ca tại thôn Mãn Hóa, bao gồm 1 câu lạc bộ của người cao tuổi với hơn 60 thành viên và 1 câu lạc bộ thanh niên giữ gìn phát huy bản sắc dân tộc với 30 thành viên. Anh Sầm Văn Đạo, Phó trưởng thôn Mãn Hóa, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thanh niên giữ gìn phát huy bản sắc dân tộc cho biết: Câu lạc bộ có 30 thành viên, thì 20 thành viên đi làm việc tại các khu công nghiệp, những dịp lễ Tết, ngày hội lại tập trung cùng nhau ôn lại những lời ca, điệu múa truyền thống. Những điệu múa, tiếng hát Sình ca đong đầy khát vọng của người dân nơi này góp phần nâng bước cho Đại Phú cán đích nông thôn mới...
Theo báo cáo của Văn phòng điều phối chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, hết năm 2017, đã có 129/129 xã hoàn thành tiêu chí lập quy hoạch, 40 xã đạt tiêu chí giao thông, 111 xã đạt tiêu chí thủy lợi, 88 xã đạt tiêu chí điện, 42 xã đạt tiêu chí trường học, 26 xã đạt tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa, 72 xã đạt tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, 125 xã đạt tiêu chí thông tin và truyền thông, 31 xã đạt tiêu chí nhà ở dân cư, 31 xã đạt tiêu chí cơ sở vật chất y tế, 51 xã đạt tiêu chí thu nhập, 40 xã đạt tiêu chí hộ nghèo, 129 xã đạt tiêu chí lao động có việc làm, 102 xã đạt tiêu chí tổ chức sản xuất, 127 xã đạt tiêu chí giáo dục và đào tạo, 88 xã đạt tiêu chí y tế, 105 xã đạt tiêu chí văn hóa, 23 xã đạt tiêu chí môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm.
* Tổng nguồn lực huy động xây dựng nông thôn mới đạt trên 2.197 tỷ đồng.
* Số tiêu chí bình quân đạt 12,4 tiêu chí/xã.
* Hỗ trợ 14,9 tỷ đồng phát triển sản xuất cho 31 xã; 1,4 tỷ đồng cho 22 hợp tác xã nông nghiệp, thủy sản.
* Năm 2018, phấn đấu có thêm 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới; số tiêu chí bình quân đạt 13 tiêu chí/xã.

                                                                                                                                          Theo Báo TQĐT

 

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG

Tổng số: 998 | Trang: 1 trên tổng số 100 trang  
Xem tin theo ngày:   / /