Nhìn nhận qua 3 năm thực hiện công tác giám sát và phản biện xã hội, việc góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của MTTQ các cấp trong tỉnh

Thứ Sáu, 2/6/2017 - 10:52 Đã xem: 18518

Giám sát và phản biện xã hội là nhiệm vụ quan trọng trong công tác tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQ) và các tổ chức chính trị - xã hội được quy định trong Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 và Luật MTTQ Việt Nam.

        Giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam mang tính xã hội; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, kịp thời phát hiện và kiến nghị xử lý sai phạm, khuyết điểm; kiến nghị sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật; phát hiện, phổ biến những nhân tố mới, các điển hình tiên tiến và những mặt tích cực; phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, góp phần xây dựng Nhà nước trong sạch, vững mạnh. 

        Phản biện xã hội là chức năng mới, được chính thức ghi vào Văn kiện Đại hội X, XI của Đảng. Là một hình thức phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy quyền làm chủ và ý thức trách nhiệm của nhân dân trong việc tham gia góp ý kiến đối với các dự thảo chủ trương, đường lối, chính sách, quyết định lớn của Đảng và các dự thảo văn bản pháp luật của nhà nước, một số công trình, dự án lớn, quan trọng. Phản biện xã hội của Mặt trận là động thái cơ bản để Đảng, Nhà nước và các tổ chức liên quan chú ý lắng nghe tiếng nói của người dân (và các thiết chế của nhân dân) khi ban hành các quyết định, nhất là các vấn đề trọng đại của quốc kế dân sinh, hoặc liên quan trực tiếp đến cuộc sống của người dân; từ đó giúp Đảng, Nhà nước tiếp cận, đánh giá vấn đề một cách đa diện, nhiều chiều nhằm hạn chế, phòng ngừa việc quyết định chủ quan, một chiều hoặc mang tính áp đặt.
      Xác định được tầm quan trọng trong công tác giám sát và phản biện xã hội, ba năm qua Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã từng bước tổ chức, triển khai và thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị về việc ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị -xã hội; Quyết định số 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị ngày 12/12/2013 về việc ban hành quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị-xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.
         Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã tổ chức Hội nghị quán triệt triển khai các văn bản và tổ chức 02 hội nghị tập huấn về công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các huyện, thành phố cũng đã tổ chức 07 hội nghị quán triệt, triển khai và tập huấn về công tác giám sát, phản biện xã hội. Kết quả, trong 3 năm triển khai thực hiện, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã chủ trì phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan chức năng cấp tỉnh ban hành 11 kế hoạch, theo đó thực hiện 11 cuộc giám sát với 08 nội dung: giám sát việc tiếp công dân, gải quyết khiếu nại; việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công; việc thực hiện pháp luật về sản xuất kinh doanh, sử dụng vật tư nông nghiệp giai đoạn 2014-2015; việc thực hiện pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đối với người lao động; việc chấp hành pháp luật của các cơ sở y tế tư nhân; việc thực hiện Luật xử lý vi phạm hành; việc thu và sử dụng các nguồn quỹ, các khoản đóng góp, các khoản viện trợ, tài trợ, việc dạy thêm, học thêm của các trường học trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang năm học 2015-2016 và 2016; việc thực hiện chương trình lao động, việc làm.
          MTTQ các huyện, thành phố trong 2 năm 2015 và 2016 đã thực hiện 23 cuộc giám sát, tập trung vào các nội dung: Thực hiện Luật Phòng chống bạo lực gia đình; công tác quản lý các công trình nước sạch; quy trình bình xét và tổ chức di dân ra khỏi vùng nguy hiểm; việc thực hiện các chính sách dân tộc, tôn giáo; việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng… Đặc biệt tham gia giải quyết, tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc ngay tại cơ sở mà nhân dân quan tâm, kiến nghị. Qua đó, phát huy được vai trò, quyền làm chủ của nhân dân, tạo mọi điều kiện để dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra.
        Cùng với giám sát thì phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền đã từng bước được triển khai thực hiện từ tỉnh đến cơ sở. MTTQ các cấp đã tham gia đóng góp ý kiến vào các dự thảo văn kiện, nghị quyết của Đảng, HĐND, quyết định của UBND; các đề án, chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần nâng cao chất lượng các chương trình, đề án, quy hoạch, những chính sách của tỉnh.
        Thông qua hoạt động đã góp phần phát hiện, kiến nghị khắc phục những sai sót, yếu kém; sửa đổi những quy định phù hợp với thực tiễn đời sống xã hội…Có thể khẳng định rằng, sau 3 năm triển khai thực hiện Quyết định số 217, 218-QĐ/TƯ của Bộ Chính trị, MTTQ các cấp trong tỉnh đã có những hoạt động thiết thực trong công tác giám sát và phản biện xã hội, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
        Tuy nhiên, qua quá triển tổ chức thực hiện cho thấy công tác giám sát và phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội là một việc khó; một số tổ chức chính trị - xã hội, Mặt trận Tổ quốc cấp huyện, cấp xã vẫn còn lúng túng trong tổ chức giám sát và phản biện xã hội; số lượng, chất lượng giám sát và phản biện xã hội chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu của nhân dân, hoạt động giám sát của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội chưa thực sự chủ động, có lúc, có nơi còn mang tính hình thức; nội dung giám sát có đơn vị lựa chọn còn chưa phù hợp tình hình thực tế ở ngành, địa phương; phương pháp giám sát còn chưa đa dạng, chủ yếu giám sát theo chương trình, kế hoạch định sẵn…Công tác phản biện chưa thực hiện rõ nét. việc triển khai góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền còn chậm, chưa tham gia được nhiều ý kiến vào các chương trình, kế hoạch, đề án của cấp ủy, chính quyền…
       Nguyên nhân chủ yếu là do nhận thức của một số cấp uỷ, chính quyền và cơ quan nhà nước các cấp về vai trò, tác dụng giám sát, phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội chưa đầy đủ.
        Đội ngũ cán bộ Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội còn thiếu; năng lực nhìn nhận, phân tích vấn đề, đánh giá và kết luận trong quá trình giám sát, phản biện xã hội còn hạn chế. Điều kiện và kinh phí hoạt động của MTTQ các cấp, nhất là cấp cơ sở còn gặp nhiều khó khăn.
      Trong năm 2017, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh tiếp tục chủ trì phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, các ngành, cơ quan chức năng tiếp tục đẩy mạnh thực hiện công tác giám sát và phản biện xã hội, dự kiến tập trung giám sát vào 7 nội dung như giám sát việc thu và sử dụng các nguồn quỹ, các khoản đóng góp; việc dạy thêm, học thêm của các trường học năm học 2016 - 2017; giám sát việc thực hiện pháp luật về sản xuất kinh doanh, sử dụng vật tư nông nghiệp năm 2015-2016; giám sát việc thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính, kiểm soát thủ tục hành chính… 
       Để nâng cao hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ, các tổ chức chính trị -xã hội thời gian tới và những năm tiếp theo, cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:
        Một là, MTTQ và các tổ chức chính trị -xã hội các cấp trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt về Quy chế giám sát và phản biện xã hội để thống nhất về nhận thức trong các cấp, các ngành.
       Hai là, hằng năm, MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội cần chủ động lựa chọn những nội dung, vấn đề bức xúc có liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, đoàn viên và nhân dân để xây dựng kế hoạch triển khai công tác giám sát và phản biện xã hội, báo cáo cấp ủy cho ý kiến để thực hiện. 
        Ba là, tiếp tục thực hiện có hiệu quả Quy chế phối hợp công tác giữa Thường trực HĐND, UBND và Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ tỉnh giai đoạn 2017-2021, các chương trình phối hợp giữa Ban Thường trực Ủy ban MTTQ với các sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh; phối hợp với Đoàn Đại biểu Quốc hội, HĐND làm tốt công tác giám sát. Phát huy các hình thức giám sát nhân dân, Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng. Động viên nhân dân giám sát thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, nhất là liên quan đến cơ chế, chính sách, chế độ hỗ trợ tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, giảm nghèo bền vững, xây dựng danh hiệu khu dân cư văn hóa, gia đình văn hóa. Qua đó, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy, điều hành của chính quyền, sự tham gia của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội, tạo sự đồng bộ nâng cao chất lượng hoạt động của cả hệ thống chính trị trong thực hiện các nhiệm vụ và sự đồng thuận trong nhân dân.
      Bốn là, tiếp tục bố trí, lựa chọn những cán bộ có chuyên môn sâu, năng lực nhìn nhận, phân tích, đánh giá vấn đề, có tư duy độc lập và năng lực tổng hợp, phản biện, có bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thần trách nhiệm đối với công việc; thường xuyên bồi dưỡng về kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay.
       Năm là, Các cấp ủy đảng, chính quyền cần tạo mọi điều kiện để MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức hoạt động giám sát và phản biện xã hội đạt hiệu quả hơn. Giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội hiện không có chế tài xử lý, vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cần kịp thời có Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết hình thức giám sát.
 
Hải Yến, Phó Trưởng ban TG Ủy ban MTTQ tỉnh
 
 

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG

Tổng số: 405 | Trang: 1 trên tổng số 41 trang  
Xem tin theo ngày:   / /