Nâng cao hiệu quả và hiệu lực của hoạt động giám sát, phản biện

Thứ Sáu, 2/6/2017 - 10:52 Đã xem: 852

Sáng 16/3, tại phiên họp thứ 8 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã thảo luận về dự thảo Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết Điều 27 và Điều 34 của Luật MTTQ Việt Nam về các hình thức giám sát, phản biện xã hội. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân tham dự phiên họp.

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại cuộc họp

Dự phiên họp còn có Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình; Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng; Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu; Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ; Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển; Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực.
Báo cáo giải trình việc tiếp thu ý kiến góp ý, chỉnh lý Dự thảo Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết Điều 27 và Điều 34 của Luật MTTQ Việt Nam về các hình thức giám sát, phản biện xã hội, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực cho biết, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hiện hành được Quốc hội khoá XIII, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 09/6/2015, có hiệu lực từ ngày 01/01/2016. Luật ra đời có ý nghĩa chính trị to lớn, là cơ sở pháp lý để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện có hiệu quả trách nhiệm, quyền của mình, trong đó có nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội. Thời gian vừa qua, thực hiện Hiến pháp năm 2013 và đặc biệt là thực hiện quy định của Đảng theo Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tổ chức chính trị - xã hội, Quy định về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền (kèm theo các quyết định số 217-QĐ/TW, 218-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị), Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận. Nhưng bên cạnh đó công tác giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vẫn còn những khó khăn, hạn chế. Từ đó, Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đã xây dựng dự thảo Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết Điều 27 và Điều 34 của Luật MTTQ Việt Nam về các hình thức giám sát, phản biện xã hội, dự thảo Nghị quyết liên tịch gồm 5 chương, 24 điều.
 
Phó Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực báo cáo giải trình việc tiếp thu ý kiến góp ý đối với dự thảo
Trên cơ sở ý kiến của Thường trực Uỷ ban pháp luật, các đại biểu tham gia phiên họp của Uỷ ban pháp luật ngày 10/3/2017, Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tiếp thu, chỉnh lý một số nội dung Dự thảo.
Về phối hợp giám sát giữa Uỷ ban MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội với giám sát của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, sau khi tiếp thu ý kiến, Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam sẽ tiến hành chỉ đạo việc rà soát, chỉnh lý để bổ sung thêm quy định để rõ hơn về cơ chế phối hợp trong việc xây dựng và ban hành kế hoạch giám sát hàng năm của Uỷ ban MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội trên cơ sở không để trùng lặp nội dung, vụ việc, lĩnh vực mà Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp tiến hành giám sát. Cần có sự phối hợp giám sát việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát.
Đối với hình thức giám sát thông qua hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng, có ý kiến cho rằng Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng đều do Uỷ ban MTTQ Việt Nam cấp xã tổ chức thành lập và trực tiếp chỉ đạo mọi hoạt động. Về nội dung này, Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng mặc dù các luật chuyên ngành và văn bản hướng dẫn đã quy định về vị trí, vai trò, nhiệm vụ, nội dung giám sát của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng. Nếu bỏ không quy định, hoặc chỉ dẫn thiếu hình thức này, sẽ không đảm bảo yêu cầu hướng dẫn Điều 27 của Luật MTTQ Việt Nam giao.
Làm rõ thêm về mục đích của việc ban hành Nghị quyết liên tịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân nêu rõ: Nghị quyết nhằm cụ thể hóa Điều 27 và 34 của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về hình thức giám sát và phản biện xã hội, trong đó, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có vai trò giám sát, Chính phủ kiểm tra.
“Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có 5 tổ chức thành viên với hàng triệu hội viên tham gia. Có thể gọi đó là giám sát của nhân dân thông qua Mặt trận và 5 tổ chức thành viên có tính chất đa dạng, kịp thời, phủ rộng.”, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân thông tin.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nêu rõ, công tác giám sát, phản biện của MTTQ Việt Nam được thực hiện từ năm 2015 đến nay dựa trên 3 cơ sở là Hiến pháp, Luật MTTQ Việt Nam và Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị. Qua 3 năm triển khai, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, chính quyền địa phương và tiến hành hơn 500 cuộc giám sát.
“Việc này góp phần vào phát triển kinh tế, xã hội nhưng mặt khác lại bộc lộ nhu cầu cấp bách để thông qua Nghị quyết liên tịch nhằm nâng cao tính hiệu quả và hiệu lực của giám sát và phản biện.”, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân khẳng định.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho biết giám sát của Mặt trận hiện không có chế tài xử lý, vì vậy, việc ban hành Nghị quyết sẽ kết nối giám sát của Mặt trận với của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Việc xử lý sau giám sát cần được làm rõ hơn trong nội dung Nghị quyết.
 
Theo TTĐTMTTQVN

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG

Tổng số: 408 | Trang: 1 trên tổng số 41 trang  
Xem tin theo ngày:   / /